Trẻ nhỏ luôn không ngừng phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần qua mỗi ngày, nhất là khi trẻ trong giai đoạn từ 0 – 6 tuổi. Con luôn phải trải qua những thay đổi mạnh mẽ và đôi khi con gặp nhiều khó khăn không thể tiếp nhận những thay đổi đó. Đặc biệt, con rất dễ gặp phải khủng hoảng về tâm lý ở độ tuổi lên 3.

khủng hoảng tuổi lên 3
Khủng hoảng tuổi lên 3 – Thấu hiểu để đồng hành cùng con

Trong bài viết này, Sakura Montessori sẽ giúp mẹ tìm hiểu về khủng hoảng tuổi lên 3 bao gồm những nội dung:

  • Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?
  • Nguyên nhân khiến trẻ lên 3 bị khủng hoảng
  • Những biểu hiện trẻ khủng hoảng
  • Chu kỳ của khủng hoảng lên 3
  • 10 Phương pháp giúp ba mẹ cùng con vượt qua khủng hoảng.

Khủng hoảng tuổi lên 3 là như thế nào?

khủng hoảng tuổi lên 3
Khủng hoảng tuổi lên 3 là như thế nào?

Theo thầy Bảo Trọng – chuyên gia Montessori Quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm của Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori, Khủng hoảng tuổi lên 3 là khi trẻ bắt đầu nói “không” với mọi đề nghị của người lớn, bướng bỉnh, ngang ngạnh, ngoan cố, đòi hỏi được thừa nhận như một người lớn, muốn khẳng định cái “tôi” của bản thân…

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển tâm trí của trẻ nhỏ, với cường độ và mức độ khác nhau, kéo theo những cách cư xử có phần tiêu cực. Người lớn sẽ thấy những sự thay đổi trong tâm lý của trẻ khi lên 3 tuổi.

So sánh khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3

Cha mẹ nuôi con nhỏ sẽ chứng kiến giai đoạn con khủng hoảng tuổi lên 2 . Tuy nhiên vừa qua giai đoạn này trẻ tiếp tục bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3. Hai giai đoạn khủng hoảng liên tiếp này có sự giống và khác nhau như thế nào?

So sánh Giống nhau Khác nhau
Khủng hoảng lên 2 Khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 đều là những quy luật trong quá trình phát triển của trẻ. Nó được coi như là bài kiểm tra mang tính kỷ luật mà trẻ phải vượt qua để đạt được bước tiến phát triển. Khủng hoảng tuổi lên 2 và khủng hoảng tuổi lên 3 là khủng hoảng đánh dấu sự phát triển của trẻ. Khủng hoảng 2 tuổi thường xuất hiện sau khi bé cai sữa mẹ. Trong giai đoạn này, con không được bú thường xuyên dẫn đến việc không kịp thích nghi. Theo phản xạ tự nhiên, con sẽ cảm thấy thiếu thốn, không được đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến tâm lý có sự thay đổi.
Khủng hoảng lên 3 Khủng hoảng trẻ lên 3 là hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Hay còn gọi là khủng hoảng chống đối với nhiều biểu hiện khác nhau như phản ứng tiêu cực, ngoan cố, ngang ngạnh, chống đối, nổi loạn… Đối với giai đoạn khủng hoảng này đòi hỏi cha mẹ cần sự kiên nhẫn và tìm hiểu những kiến thức cần thiết, để giúp con vượt qua một cách dễ dàng.

Vì sao trẻ khủng hoảng tuổi lên 3?

khủng hoảng tuổi lên 3
Vì sao trẻ khủng hoảng tuổi lên 3?

Nhiều cha mẹ khi gặp tình huống trẻ ngoan cố, tiêu cực, nổi loạn… có cảm giác bất lực và vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ. Từ đó phụ huynh sẽ chủ động trong việc hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này.

Cùng lắng nghe cô Sa giải đáp các câu hỏi thường gặp về các thời kì nhạy cảm của trẻ cũng như giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 nhé!

1. Sự thay đổi tâm lý ở trẻ

Bước vào giai đoạn 3 tuổi, trẻ có nhiều sự thay đổi về thể chất, tâm lý và trí tuệ. Sở dĩ có sự thay đổi tâm lý của trẻ 3 tuổi này là do thế giới quan của trẻ ở độ tuổi này phát triển mạnh, hệ vận động dần hoàn thiện chức năng, thôi thúc trẻ khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. 

Tuy nhiên, trẻ lại chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả nên muốn làm theo ý mình, bất chấp đúng – sai, tốt – xấu. Đôi khi, do cách diễn đạt không bắt kịp được suy nghĩ của trẻ cũng khiến trẻ “khủng hoảng” với chính mình. Từ đó, trẻ cảm thấy khó chịu, hay cáu gắt với bản thân, dễ khóc, dễ bỏ cuộc… Vì vậy đây chính là sự tất yếu của quá trình phát triển, cha mẹ không nên quá lo lắng. 

Phát triển thể chất vận động cho trẻ tại thời điểm này như thế nào?

2. Trẻ muốn thể hiện bản thân và khẳng định cái tôi

Đến 1 lứa tuổi nhất định trẻ bắt đầu có nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh. Vì vậy nhiều trẻ có suy nghĩ riêng, có mong ước có nhu cầu, từ đó rèn luyện tính tự lập phát triển tư duy, nhận thức.

Bé muốn tự làm mọi thứ

Bé muốn tự làm mọi thứ
Tuy nhiên do việc chưa có khả năng phân biệt đúng sai, hạn chế về khả năng diễn đạt ý muốn khiến trẻ có những phản ứng mạnh mẽ và hành vi chống đối. Trong giai đoạn này, để khẳng định mình đã lớn, trẻ tìm các đối phó với nguyên tắc và luật lệ của người lớn, thậm chí cố tình làm ngược lại.

Việc trẻ khẳng định bản thân là 1 tất yếu trong bước phát triển của con, cha mẹ không nên lo lắng hay phản đối vấn đề đó. Nếu những hành vi này vượt quá cho phép, chúng ta cần kịp thời định hướng, uốn nắn và sửa chữa. Tuy nhiên cần chọn cách phù hợp, tránh để trẻ cảm thấy không được tôn trọng và trở nên tổn thương. 

3. Trẻ muốn lôi kéo sự chú ý từ người lớn

Trên thực tế nhiều bậc phụ huynh quá bận rộn, ít quan tâm, ít gần gũi có thể khiến trẻ hụt hẫng. Trong thời kỳ khủng hoảng lên 3, trẻ thường có biểu hiện thái quá như chống đối, cãi lại, khó chịu, bứt rứt… nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ. 

Ngay cả trong trường hợp cha mẹ luôn trong tâm trạng căng thẳng, lo âu cũng làm ảnh hướng khiến trẻ cảm giác bất an. Khi trẻ mất đi cảm giác gắn bó, an toàn khi ở bên cha mẹ trẻ có những thể hiện thái quá, đơn giản là trẻ chỉ muốn cha mẹ quan tâm.

4. Cha mẹ áp đặt, la mắng hoặc quá chiều chuộng trẻ

khủng hoảng tuổi lên 3
Cha mẹ thường xuyên la mắng, áp đặt lên trẻ

Khi con khóc lóc, không nghe lời hoặc hỏi quá nhiều khiến cha mẹ dễ nổi cáu, bực tức và có thể quát mắng, thậm chí đánh con. Đây là những hành động đẩy con rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn, lâu dần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và gây ra khủng hoảng.

Có nhiều gia đình, ngay khi con mới 3 tuổi đã đặt nhiều kỳ vọng lên con, mong muốn rằng con phải làm được cái này, phải học được cái kia. Mặc dù việc kỳ vọng con giỏi giang là không thể tránh khỏi nhưng cha mẹ cần nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể hoàn toàn riêng biệt và có những điểm mạnh riêng. Bé 3 tuổi cần được nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm nhiều hơn là việc học hành, sách vở. Do vậy, đừng khiến con bị khủng hoảng bởi những kỳ vọng, áp đặt mà ba mẹ mong muốn.

5. Gia đình quá chiều chuộng trẻ

Khủng hoảng cũng có thể xuất phát từ việc người lớn chiều chuộng trẻ quá mức. Nguyên nhân là do khi trẻ được nuông chiều, muốn gì được đó đã trở thành một thói quen nên khi không đạt được ý muốn trẻ sẽ ăn vạ và cho rằng mọi người không yêu thương mình. Sau nhiều lần không được đáp ứng như vậy, con sẽ sinh ra cảm xúc tiêu cực và dẫn đến khủng hoảng.

Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, ba mẹ chỉ nên chiều chuộng ở mức cho phép, cần có kỷ luật song hành để con nghe lời hơn và không ăn vạ vô cớ.

6. Sức khỏe gây ra khủng hoảng cho trẻ

Nhiều bé khi cảm sốt, đau đầu, mệt mỏi, viêm họng… nhưng không biết cách diễn đạt cho người lớn hiểu trẻ sẽ có những dấu hiệu bướng bỉnh. Đột nhiên trẻ trở nên cáu bẳn, ngang ngược, vòi vĩnh… cha mẹ nên kiểm tra trẻ có gặp các vấn đề về sức khỏe hay không. 

Nếu trẻ có bất thường về sức khỏe cha mẹ cần áp dụng biện pháp chữa trị phù hợp. Những lúc như vậy cha mẹ không nên vì thương con mà chiều theo tất cả những đòi hỏi vô lý, sẽ tạo ra những thói quen xấu cho trẻ. 

Khi nào bé sẽ bị khủng hoảng tuổi lên 3 và kéo dài trong bao lâu?

khủng hoảng tuổi lên 3
Khi nào bé sẽ bị khủng hoảng tuổi lên 3 và kéo dài trong bao lâu?

Mỗi em bé sẽ có sự phát triển và thay đổi khác nhau do đó thời điểm bắt đầu khủng hoảng lên 3 sẽ khác nhau. Khi con lên 3 tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên theo dõi mọi thay đổi về tâm lý ở trẻ để xác định được thời điểm chính xác và có phương pháp xử lý kịp thời. Tránh tình trạng khủng hoảng kéo dài sẽ khiến con bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý và sức khỏe sau này.

Vậy khủng hoảng lên 3 sẽ kéo dài trong bao lâu? Giai đoạn khủng hoảng lên 3 thường kéo dài đến khi trẻ được 4 tuổi rưỡi. Mức độ và cường độ khủng hoảng ở mỗi trẻ không giống nhau và phụ thuộc vào các xử lý của các bậc phụ huynh. Nghiêm trọng hơn trẻ có thể sống mãi trong sự khủng hoảng, dễ bị sang chấn, lệch lạc. Đây là nguyên nhân các bé dẫn đến tình trạng sống nội tâm, khép kín nhằm xây vỏ bọc cho riêng mình.

Những biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3 mà ba mẹ cần lưu ý

Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ có nhiều biểu hiện thay đổi tâm tính khiến người lớn lo lắng và mệt mỏi. Ba mẹ hãy theo dõi những biểu hiện hằng ngày của con để xác định được con đang gặp vấn đề gì và lựa chọn được cách giải quyết phù hợp. Trẻ lên 3 khủng hoảng thường gặp những biểu hiện như:

10 biểu hiện thường gặp ở trẻ trong thời kỳ khủng hoảng trẻ lên 3
10 biểu hiện thường gặp ở trẻ trong thời kỳ khủng hoảng trẻ lên 3

1. Năn nỉ: Để đạt được mục đích trẻ không ăn vạ mà liên tục năn nỉ bằng những lời nói lặp đi lặp lại. Cho đến khi cha mẹ đáp ứng yêu cầu, trẻ đạt được mục đích mới dừng lại. 

2. Đe dọa: Một số đứa trẻ có những diễn đạt bằng những thông điệp đe dọa với người lớn. Ví dụ: Con không nói chuyện với ông bà nữa; Con sẽ đi “bụi”; Con sẽ nhịn ăn… Trên thực tế có nhiều trường hợp xấu xảy ra khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của trẻ.

3. Phản ứng tiêu cực, tỏ ra hung hăng: Trẻ luôn trong trạng thái chống đối, không chịu nghe lời hoặc làm ngược lại với một số yêu cầu của người lớn. Một số phản ứng tiêu cực thường xuyên gặp ở trẻ trong giai đoạn khủng hoảng như là la hét đến khản tiếng, lăn ra sàn, đập đầu vào tường…

4. Ngoan cố đòi đáp ứng nhu cầu: Trẻ ngang bướng, ngoan cố đòi cha mẹ đáp ứng bằng được yêu cầu mặc dù không phải là thật sự thích. Lúc này nhiều trẻ có tâm lý muốn cha mẹ phải chịu thua mình. 

5. Làm theo ý kiến riêng: Trẻ có xu hướng muốn giải thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, thể hiện là mình đã lớn. Trẻ thích tự mình độc lập về hoạt động theo chủ kiến, không cần có ý kiến của người lớn. Ví dụ như muốn tự cắt tóc, tự chọn đồ khi đi siêu thị, muốn vẽ lên tường…

6. Chống đối: Giai đoạn này nhiều trẻ muốn chống đối lại những nguyên tắc cha mẹ đặt ra, làm trái lại những lời dạy dỗ hoặc vi phạm những điều đã bị ngăn cấm. 

7. Chuyên quyền: Biểu hiện này thường diễn ra với những trẻ ở gia đình có duy nhất 1 bé. Trẻ thường ta ra chuyên chuyền với tất cả mọi thứ xung quanh để thể hiện sự độc tôn của mình. 

8. Vô lễ: Nhiều trẻ có biểu hiện thái quá, vô lễ với người lớn tuổi. Ví dụ: Không chào hỏi; nói trống không với người lớn; giơ tay đánh hoặc cấu véo ông bà, cha mẹ…

9. Ngang ngạnh và tiêu cực: Trẻ có biểu hiện ngang ngạnh và tiêu cực phản kháng lại mọi trật tự trong gia đình. 

10. Nổi loạn: Trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với tất cả người lớn xung quanh. Thường xuyên gào thét, thậm chí muốn ẩu đả với cha mẹ. 

10 phương pháp giúp ba mẹ giải quyết khủng hoảng lên 3 ở trẻ

Các giáo viên Montessori Quốc tế tại Sakura Montessori chỉ ra rằng: Giữ quan niệm “tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra các giới hạn cho các hành vi” để thay đổi bản thân, buông bỏ quyền lực là cách tốt nhất giúp ba mẹ đồng hành cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3.

Dưới đây là 10 lời khuyên hữu ích từ chuyên gia, giúp ba mẹ cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 một cách dễ dàng:

khủng hoảng tuổi lên 3
10 phương pháp giúp ba mẹ giải quyết khủng hoảng lên 3 ở trẻ

Xác định nguyên nhân để tìm ra giải pháp hợp lý

Việc đầu tiên và quan trọng nhất để giúp con vượt qua khủng hoảng là ba mẹ cần xác định được nguyên nhân cụ thể khiến con bị khủng hoảng là gì. Có rất nhiều nguyên nhân mà Sakura Montessori đã chia sẻ ở trên, ba mẹ hãy dựa vào những biểu hiện của trẻ để xác định nguyên nhân chính xác. Có trẻ khủng hoảng do tâm sinh lý thay đổi thì ba mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con để hiểu con hơn. Có trẻ khủng hoảng do sức khỏe giảm sút thì ba mẹ cần quan tâm và chăm sóc giúp bé vượt qua mọi cơn đau ốm. Cũng có trẻ khủng hoảng do nhiều nguyên nhân cùng lúc thì khi đó cha mẹ cần áp dụng mọi biện pháp để cải thiện tình trạng cho trẻ.

Xác định được nguyên nhân chính là chìa khóa giúp mẹ rút ngắn được thời gian con bị khủng hoảng và vượt qua được khủng hoảng một cách tốt nhất.

Hạn chế quát mắng, giận dữ với trẻ

Những biểu hiện của trẻ lên 3 khi khủng hoảng như khóc lóc, ăn vạ, ương bướng, chống đối,…khiến ba mẹ rất dễ cáu gắt. Nhiều phụ huynh cho rằng, phải quát nạt và dùng biện pháp mạnh thì con mới nghe lời và không tái phạm nữa. Tuy nhiên, đây lại là một cách rất tiêu cực, có thể sẽ khiến trẻ ngoan ngoãn ngay tại thời điểm đó nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và khiến trẻ bị khủng hoảng nhiều hơn.

Do vậy, khi con đang trong giai đoạn khủng hoảng, ba mẹ cần thấu hiểu rằng con đang gặp khó khăn về mặt tinh thần. Con cần được dạy dỗ một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Ba mẹ hãy cố gắng giải giảng cho con hiểu về những việc con đang làm là không đúng và dạy con cách ứng xử tốt hơn. Nếu như con vẫn không chịu thay đổi, ba mẹ có thể kể cho con nghe một câu chuyện làm ví dụ để con học theo. Trẻ con rất thích thú trong việc được nghe kể chuyện nên ba mẹ hãy áp dụng thử nhé!

Quan tâm và chú ý đến bé nhiều hơn

Có nhiều gia đình do ba mẹ bận rộn trong công việc nên thường gửi trẻ đi lớp sớm hoặc thuê người về trông trẻ nên gần như không có thời gian quan tâm đến con. Dần dần, trẻ không được nhận sự quan tâm, yêu thương từ bố mẹ càng khiến con bị khủng hoảng nhiều hơn. Dẫu biết công việc là “cần câu cơm” nhưng trong giai đoạn con gặp vấn đề về tâm lý thì con rất cần đến sự quan tâm từ người lớn để làm xoa dịu được những vấn đề ấy.

Quan tâm và chú ý đến bé cũng là cách để ba mẹ nhận biết được dấu hiệu con đang bị khủng hoảng. Do vậy, nếu như công việc thật sự cần thiết, ba mẹ hãy cố gắng dành thời gian buổi tối và cuối tuần để trò chuyện, tâm sự cùng con, bên con nhiều nhất có thể.

Cùng con chơi đùa và tham gia nhiều hoạt động

khủng hoảng tuổi lên 3
Cùng con chơi đùa và tham gia nhiều hoạt động

Đôi khi nguyên nhân khiến con bị khủng hoảng là do con sống trong một môi trường khép kín, bí bách và không gian chật hẹp. Việc này khiến con không được thoải mái hoạt động và vui chơi, tận hưởng những điều mới mẻ nên ảnh hưởng đến tâm lý

Vì vậy, ba mẹ hãy thường xuyên cho con ra ngoài đi chơi vào buổi chiều hoặc cuối tuần, đến những nơi có không gian thoáng mát, nhiều cây xanh. Nếu có thể, ba mẹ hãy tìm hiểu và cho con tham gia vào những hoạt động dành riêng cho trẻ 3 – 4 tuổi. Những hoạt động này sẽ giúp con vui vẻ hơn và học được nhiều kỹ năng trong cuộc sống hơn.

Luôn lắng nghe con mỗi ngày

Kiên nhẫn lắng nghe con bày tỏ là một trong những cách hữu hiệu để giải quyết khủng hoảng của trẻ. Đây là giai đoạn ngôn ngữ của trẻ bước vào thời kỳ bộc lộ tính nhạy cảm, phát triển nhanh và hoàn thiện. Do đó cha mẹ thường xuyên thấy trẻ hỏi nhiều, hay kể chuyện, nhiều khi còn cãi lý với người lớn. Mặc dù nhiều lúc gặp áp lực bên ngoài cha mẹ có thể cảm thấy khó chịu, nhưng hãy kiên nhẫn lắng nghe những gì con bày tỏ.

Khi cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu, sẽ giúp con có được cảm giác thoải mái. Trẻ sẽ có thái độ hợp tác, tin tưởng và chấp nhận các quy tắc, chuẩn mực mà cha mẹ đặt ra. Thay vì cấm đoán hay phán xét hãy thông cảm, thấu hiểu những nguyện vọng của con.

Ngoài ra, chúng ta cần kịp thời giúp bé có vốn từ phong phú thông qua quá trình nói chuyện, đọc sách, kể chuyện… Từ đó tạo bước tiến mới, khiến ngôn ngữ trở thành phương tiện hữu hiệu để bé trình bày được mong muốn, ý tưởng, ý kiến của mình một cách chính xác.

Kiên nhẫn giải thích cho trẻ

khủng hoảng tuổi lên 3
Kiên nhẫn giải thích cho trẻ

Khi con khủng hoảng lên 3, con dễ có những suy nghĩ và lời nói chưa đúng. Lúc này, cha mẹ không nên đôi co với trẻ mà nên lắng nghe những suy nghĩ đó. Hãy lắng nghe và trò chuyện với trẻ, hãy hỏi vì sao con lại nghĩ như vậy. Sau đó, ba mẹ hãy kiên nhẫn giải thích với con rằng đâu mới là đúng. Con sẽ từ từ nhận ra được con đang sai ở đâu và con sẽ học được những điều hay ý đẹp. Con sẽ thấy mình được quan tâm và yêu thương, được dạy bảo đúng cách sẽ giúp con vượt qua khủng hoảng.

Tôn trọng và trao quyền cho con

Trẻ lên 3 trong giai đoạn khủng hoảng thường muốn được chứng minh bản thân, muốn được thể hiện nhiều hơn. Khi đó, cha mẹ không nên hưởng ứng một cách hời hợt những gì mà con muốn thể hiện hoặc bỏ qua những gì mà con muốn khoe. Việc cha mẹ không chấp nhận có thể mang đến cảm giác tủi thân vì không ai hiểu mình, mình kém cỏi…

Hãy chắc rằng mọi sự tập trung và tình yêu của ba mẹ đều dành cho trẻ. Không chỉ đến từ những cái ôm, lời động viên, khích lệ… tình yêu của người lớn còn thể hiện ở chính cách nhìn nhận con như một cá thể độc lập về suy nghĩ, hành động, có chính kiến bản thân và luôn tôn trọng điều đó.

Theo cô Hoàng Tuyên – giáo viên Montessori Quốc tế tại Sakura Montessori, người lớn nên cho phép trẻ tự do chọn lựa trong khuôn khổ cho phép hoặc đưa ra cho trẻ một số lựa chọn đơn giản và phù hợp với con. Ví dụ: Khi ở nhà, con có thể tự do lựa chọn đồ chơi, tham gia hay không tham gia hoạt động cùng bố mẹ. Hay khi con đang chưa biết chọn chiếc váy nào giữa rất nhiều bộ váy áo, mẹ có thể nhẹ nhàng đưa ra gợi ý “Mẹ thấy chiếc váy hoa nhí màu hồng và chiếc váy trắng đều đáng yêu. Con muốn chọn chiếc váy nào để ra ngoài cùng mẹ?”

Dạy con cách nghe lời người lớn

Dạy con cách nghe lời người lớn cũng là một trong những phương pháp giúp bé vượt qua khủng hoảng. Vì lúc này, con đang có những hành động chống đối, khóc lóc, ăn vạ,…Nếu như nuông chiều theo cảm xúc của con thì chỉ khiến con phát sinh thêm nhiều cảm xúc tiêu cực.

Hãy dạy con bằng những ví dụ cụ thể với lời nói nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Hãy thể hiện những quy tắc và giới hạn rõ ràng để con hiểu rõ những hành động nào là chấp nhận được và những hành động nào là không chấp nhận. Hoặc cha mẹ có thể cho con chơi những trò chơi hoặc kể những câu chuyện và thông qua đó dạy con những bài học cụ thể.

Áp dụng hình thức Time-out

Time-out là một phương pháp phạt nhẹ, là cách dạy con không đòn roi với mục đich tách trẻ ra khỏi những tình huống mà con gây phiền nhiễu. Điều này giúp trẻ trấn tĩnh, tự suy nghĩ về những việc đã làm và tự rút ra bài học để không tiếp tục phạm lỗi.

Khi đang chịu phạt, bé sẽ không được phép trò chuyện với bất cứ ai, không được làm gì kể cả việc đi vệ sinh hay uống nước. Time-out giống như một hình thức cô lập trẻ trong thời gian ngắn, mang ý nghĩa là nếu phạm lỗi, con sẽ bị phạt và không được chơi với ai, kể cả đồ chơi.

Tuy nhiên, ba mẹ không nên lạm dụng phương pháp này quá nhiều lần hoặc phạt trẻ quá lâu. Việc này sẽ dần đến tình trạng con cảm thấy không được yêu thương, quan tâm và dễ sinh ra trầm cảm.

Làm gương cho con

khủng hoảng tuổi lên 3
Người lớn cần làm gương cho trẻ nhỏ

Cha mẹ là tấm gương mà con noi theo, mọi hành động và việc làm của cha mẹ trẻ đều ghi nhớ và học theo. Việc cha mẹ luôn cáu gắt hay bực tức cũng khiến con bị ảnh hưởng những cảm xúc và học theo những hành động ấy. Muốn con trở thành một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời thì cha mẹ cũng phải là những người có trách nhiệm. Hãy luôn dành những lời yêu thương cho con, hãy quan tâm và lắng nghe con thì con sẽ trở thành những đứa trẻ sống tình cảm..

Câu hỏi thường gặp

1. Giai đoạn khủng hoảng trẻ lên 3 có lợi không?

Khủng hoảng trẻ lên 3 là dấu mốc đánh dấu sự phát triển về tâm lý, tính cách và nhận thức của trẻ. Cha mẹ cần chú ý để sự khủng hoảng không làm ảnh hưởng xấu đến trẻ sau này. Hãy cùng con vượt qua giai đoạn một cách tích cực nhất.

2. Cách xử lý hiệu quả khi trẻ ăn vạ khóc lóc?

Trẻ thường ăn vạ để thu hút sự chú ý của người lớn, đòi hỏi được đáp ứng yêu cầu hay muốn làm việc mình thích mà không được phép. Thay vì đánh lạc hướng sự chú ý hay dỗ dành trẻ, cha mẹ hãy “phớt lờ” tiếng khóc đó. Hãy để trẻ khóc, hạn chế động chạm vào người. Sau khi trẻ bình tĩnh, cha mẹ nói chuyện với trẻ để giải quyết vấn đề.

3. Bí quyết dạy con hợp tác?

Trong giai đoạn khủng hoảng lên 3, trẻ luôn thôi thúc nhu cầu chứng tỏ bản thân và bất hợp tác với bố mẹ. Vì vậy bí quyết dạy con hợp tác chính là tạo cảm giác vui vẻ, tự hào khẳng định bản thân cho trẻ bằng cách khen ngợi. Việc khen ngợi đúng cách giúp trẻ trở nên tự tin, cố gắng phấn đấu để đạt được thành quả. Thông qua đó giúp con trở nên ngoan ngoãn và hợp tác với người lớn.

Với những hành động vừa mềm mại vừa kiên quyết của ba mẹ, khủng hoảng tuổi lên 3 của con chính là thời điểm lý tưởng để giúp con tìm hiểu và học cách kiểm soát cảm xúc tích cực. Từ đó biến giai đoạn khủng hoảng này thành những điều có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

 

Trên đây là tổng hợp những chia sẻ từ chuyên gia của Sakura Montessori về giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ. Khủng hoảng là thời gian khó khăn của trẻ, cần được ba mẹ đồng hành để con có thể vượt qua mọi thử thách. Mỗi đứa trẻ là một trang giấy trắng cần được nuôi dưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần thì con mới có thể phát triển toàn diện. Hy vọng rằng sau bài viết này, ba mẹ đã thấu hiểu con hơn và có những phương pháp để giúp con vượt qua khủng hoảng một cách dễ dàng.

5/5 (1 Review)

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email