Nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi sẽ có nhiều tình huống mà ba mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của bé, dẫn đến tình huống trẻ quấy khóc và ăn vạ. Trong những trường hợp này, nhiều người thường mất bình tĩnh và đôi khi đưa ra những quyết định không phù hợp, ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc của bé. Vậy ba mẹ nên xử lý như thế nào khi bé ăn vạ, hãy tham khảo ngay những phương pháp được nhiều giáo viên hàng đầu của Sakura Montessori áp dụng và thành công giúp trẻ ngưng quấy khóc tại bài viết sau nhé.
❓ Liệu có bao giờ người lớn vô tình lãng quên những đôi mắt nhỏ đang dõi theo mình? Liệu chúng ta có đang chỉ dẫn trẻ sai cách?
Luôn nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu của chính chúng ta…
Hiểu để yêu con trọn vẹn, để con tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình là lời khuyên của các chuyên gia giáo dục và đội ngũ giáo viên Montessori tại Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori dành cho ba mẹ khi gặp cơn “ăn vạ” của con.
Tại sao trẻ từ 1-3 tuổi thường hay ăn vạ?
Ăn vạ ở trẻ là cách biểu thị giận giữ khi không được đáp ứng nhu cầu. Trạng thái biểu hiện ăn vạ của trẻ khác nhau có thể là gào khóc, nằm lăn ra sàn, ném đồ đạc… Đâu là nguyên nhân trẻ thường ăn vạ nhất là ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi?
1. Do đặc điểm tâm sinh lý trẻ thay đổi
Theo các chuyên gia giáo dục, ăn vạ là một phần bình thường trong sự trưởng thành của trẻ nhỏ. Đa số các trường hợp thường xảy ra khi trẻ rơi vào các cuộc khủng hoảng với mức độ bộc lộ khác nhau do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ thay đổi liên tục.
Chẳng hạn, khi con bước sang tuổi lên 2, đó là giai đoạn chuyển biến tâm lý rõ rệt. Trẻ tỏ ra khó chịu, hờn dỗi, khóc lóc, tức giận hoặc chống đối khi không đạt được điều mình muốn. Hay đối với trẻ mới biết đi, ăn vạ là một hình thức thể hiện sự thất vọng. Khi trẻ mệt mỏi, đói, khát nước hoặc phải rời xa bố mẹ thì trẻ cũng rất dễ có những cơn ăn vạ vô cớ.
2. Do thói quen được nuông chiều từ cha mẹ
Còn với trẻ lớn hơn, đó có thể là một hành vi được học và dần dần trở thành thói quen khi mà bố mẹ nuông chiều và luôn đáp ứng lại mỗi khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, đòi bằng được thứ mình muốn. Trẻ ăn vạ thường biểu hiện bằng sự khóc lóc, tức giận bởi vốn từ ngữ của trẻ còn ít, trẻ không biết diễn tả cảm xúc của mình cũng như không thể hiện được chính xác thứ mình muốn.
3. Đôi khi ăn vạ đơn giản chỉ là lôi kéo sự chú ý
Nếu cha mẹ không bắt kịp được nhu cầu của con để giải quyết hợp lý thì các con sẽ bộc lộ rất nhiều các hành vi thách thức, chống đối quyết liệt với tất cả mọi người. Đây là cách con muốn mọi người chú ý đến và đáp ứng nhu cầu của mình.
Biểu hiện ăn vạ của mỗi đứa trẻ khác nhau là khác nhau, tùy thuộc vào tính cách mạnh mẽ, mềm mỏng, cáu gắt hay nóng giận. Cha mẹ nên để ý và hiểu rõ đặc điểm tâm lý của con để có biện pháp khắc phục phù hợp.
4. Trẻ bị kích động hoặc mệt mỏi
Trẻ ở độ tuổi còn nhỏ, việc quá kích động hay mệt mỏi khiến trẻ không chịu đựng được và bé tìm cách giải tỏa bằng 1 “màn” ăn vạ. Đó là những lúc trẻ đói bụng, buồn ngủ, buồn bực… mà không biết cách diễn đạt cảm xúc hoặc không đủ bình tĩnh diễn tả điều mình muốn.
Làm gì khi con ăn vạ – 5 phương pháp hiệu quả cho cha mẹ
Những lần bé ăn vạ có thể tạo nên áp lực tinh thần rất lớn đối với các bậc cha mẹ. Rất nhiều bậc phụ huynh không đủ bình tĩnh mà gây ra những hành động khiến bé hoảng loạn và càng khiến tình trạng ăn vạ diễn ra khó kiểm soát hơn.
Chính vì vậy, trong những lần bé ăn vạ, cha mẹ cần giữ được bình tĩnh và đưa ra những hành động và ứng xử khéo léo giúp bé nhận thức được hành động của bé là không tốt và hợp tác với ba mẹ hơn. Ba mẹ có thể tham khảo một số gợi ý từ các giáo viên hàng đầu tại trường mầm non Sakura Montessori chia sẻ cho tình trạng này nhé!
Tìm hiểu nguyên nhân khiến con khóc để tìm ra cách xử lý tốt nhất
Với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc các bé ở mọi độ tuổi, giáo viên của Sakura Montessori cho biết rằng: Mỗi bé luôn muốn mình là điều gì đó đặc biệt với cha mẹ và luôn mong muốn được thừa nhận như “một người trưởng thành”. Do đó, trong những tình huống khi trẻ buồn, khóc hoặc tỏ ra không hài lòng, đó chính là lúc bé cần cha mẹ thấu hiểu và đồng cảm nhất.
Khi được hỏi về khả năng kiểm soát cảm xúc trước những hành động quấy rối và ăn vạ của con, nhiều bậc cha mẹ thường thừa nhận họ cảm thấy khó để duy trì sự bình tĩnh. Điều này thường dẫn đến việc ba mẹ hay sử dụng các hành động răn đe hoặc đưa ra các lời mệnh lệnh đối với bé, ví dụ như “Không được, mẹ nói không được là không được!”, “Con có thôi đi không!”, “Nín ngay, không mẹ cho ở đây luôn đấy” hay thậm chí sử dụng những câu nói và hành động mang tính đe dọa như “Nếu không nín là mẹ sẽ gọi cảnh sát, ông kẹ,… đến đấy!”
Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, tất cả những điều này hầu như chỉ làm tăng cảm giác không hài lòng bên trong bé. Điều này sẽ khiến con bị kìm nén và rất có thể trở nên nổi loạn hơn cũng như có nguy cơ bé sẽ thể hiện sự bạo lực trong tương lai. Tính cách này có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của trẻ với người khác theo thời gian, thậm chí gây ra những hậu quả không mong muốn.
Do đó, giáo viên Montessori khuyên ba mẹ nên dành ra thời gian để quan sát và nắm bắt nhu cầu của trẻ. Ba mẹ nên sử dụng ngôn từ thể hiện sự quan tâm về cảm nhận của con. Ba mẹ có thể thể dùng những câu hỏi như “Mẹ thấy con không thích cái này đúng không?,” “Mẹ thấy con đang buồn, tức giận, khó chịu,” v.v. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn để chia sẻ, điều này sẽ giúp xây dựng sự tin tưởng giữa con và ba mẹ.
Bên cạnh đó, những thời gian mà bé có thể chia sẻ như vậy sẽ giúp bé mở rộng vốn từ vựng và cho phép bé làm chủ khả năng biểu đạt cảm xúc cho ba mẹ biết, những ý muốn và nhu cầu của bé sẽ được thổ lộ một cách tự tin và thoải mái nhất.
Thấu hiểu và đồng cảm với trẻ là điều quan trọng khi xử lý ăn vạ
Khi bé đang ăn vạ thì việc thấu hiểu và đồng cảm với trẻ sẽ là chìa khóa quan trọng trong cách giải quyết tình huống này. Để thực hiện điều này một cách chi tiết, cha mẹ cần bắt đầu bằng việc quan sát và nhận biết tình trạng của con.
Hãy theo dõi cách bé thể hiện việc ăn vạ của mình và quan sát xem trẻ đang gặp điều gì khó khăn gì hoặc có gì khiến bé không vui. Tình huống này có thể xuất phát từ một loạt nguyên nhân và việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp cha mẹ đưa ra hướng giải quyết chính xác hơn để giúp con vượt qua.
Hãy lắng nghe bé một cách tôn trọng và nhiệt tình khi bé chia sẻ về cảm xúc của chính mình. Đừng đánh giá hoặc phê phán mà hãy tạo cơ hội cho trẻ để thể hiện cảm xúc mình. Thông qua cuộc trò chuyện này, mẹ có thể hiểu rõ hơn về tâm trạng và suy nghĩ của con. Cũng như giải đáp được cho con điều gì là tốt và điều gì là không tốt.
Ôm ấp và dỗ dành bé hợp lý
Khi con ăn vạ, quan trọng nhất là lắng nghe cảm xúc của con. Hãy dành thời gian để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của hành vi này. Đặc biệt ba mẹ không phê phán hoặc đánh giá, hãy cho con biết rằng ba mẹ luôn yêu con và là người đáng tin cậy để bé chia sẻ cảm xúc.
Không bao giờ sử dụng hình phạt vũ lực hoặc lời nói cay nghiến đối với bé. Điều này chỉ làm tăng căng thẳng và làm cho trẻ cảm thấy bị đe dọa chứ không phải được hỗ trợ. Thay vì giải quyết tình huống ngay lập tức, ba me hãy tạo ra không gian và thời gian để con thể hiện cảm xúc của mình. Cho phép con kể về những gì mình đang trải qua và điều mà bé đang cảm thấy, cùng lúc nắm bắt cơ hội này để lắng nghe và đồng cảm với bé.
Hỏi con về cách mà bé muốn được ủng hộ. Một số trẻ có thể muốn được ôm, trong khi bé khác lại có thể muốn một lời động viên. Điều này giúp tạo ra một môi trường linh hoạt và phù hợp cho con.
Cuối cùng, hãy gợi ý cách để bé có thể tự giải quyết vấn đề. Dựa trên cảm xúc và tình huống cụ thể, đưa ra gợi ý về cách để bé có thể xử lý tình huống một cách tích cực. Giúp con phát triển khả năng tự quản lý cảm xúc và giải quyết xung đột, đồng thời tạo ra một môi trường yêu thương và động viên thúc đẩy sự phát triển của trẻ.
Hướng con đến những hoạt động khác để tránh trẻ tiếp tục ăn vạ
Trẻ thường dễ thay đổi tâm trạng, đôi lúc có thể trở nên giận dỗi, khóc lóc, hoặc ăn vạ một cách đột ngột nhưng cũng nhanh chóng quên đi nếu có một điều gì khác thu hút bé hơn. Vì vậy, khi bé tỏ ra tức giận vì không thể có được điều mình muốn, cha mẹ có thể hướng bé sang một số hoạt động hấp dẫn khác mà bé có thể thích.
Dựa trên kinh nghiệm của giáo viên Montessori, với tình trạng bé ăn vạ, cha mẹ có thể trò chuyện với con, nói rằng họ hiểu con đang buồn bởi đồ mà con yêu thích đã bị hỏng hoặc không mua được những thứ con thích. Hãy trấn an bé rằng tất cả mọi thứ sẽ ổn thôi và thúc đẩy con tham gia vào một hoạt động tích cực khác mà có thể con sẽ thích.
Việc thấu hiểu và tạo ra một chuyển đổi hành động tích cực trong tâm trạng của con trẻ có thể giúp bé quên đi việc gây cho bé khó chịu ban đầu và tập trung vào những trải nghiệm mới.
Trò chuyện với con sau khi cơn ăn vạ qua đi
Trò chuyện với con sau khi cơn ăn vạ qua đi là hành động quan trọng để xây dựng mối quan hệ gia đình và giúp bé học hỏi từ những tình huống đã xảy ra. Hãy đợi con bình tĩnh, hỏi về cảm xúc của bé, khi ấy cha mẹ chỉ nên lắng nghe mà không đánh giá.
Tìm hiểu nguyên nhân và sau đó giải thích cách giúp bé kiểm soát cảm xúc. Cuối cùng, thảo luận về cách mà bé có thể xử lý với những tình huống tương tự trong tương lai và gợi ý giải pháp cho trẻ. Cuộc trò chuyện này không chỉ giúp bé học hỏi mà còn củng cố mối quan hệ gia đình và giúp trẻ phát triển khả năng tự quản lý cảm xúc.
5 điều cha mẹ tuyệt đối tránh khi xử lý trẻ ăn vạ
Cha mẹ mất bình tĩnh khi bé ăn vạ, quấy khóc là điều rất dễ xảy ra. Một số bậc phụ huynh sẽ quát nạt bé trong khi một số lại chiều chuộng và đồng ý với con vô điều kiện. Hai cách làm này rất có thể sẽ hướng bé sang một chiều hướng tiêu cực không nên có. Vậy điều gì mà mẹ cần tránh khi dỗ dành lúc bé ăn vạ, hãy tham khảo một số kinh nghiêm mà giáo viên của Sakura Montessori chia sẻ sau đây.
Tránh tức giận, quát mắng ngay lúc con ăn vạ
Trong khi “cơn” ăn vạ của trẻ đang diễn ra, đặc biệt là khi có đông người xung quanh, cha mẹ có thể rất thấy khó kiểm soát sự tức giận. Tuy nhiên, càng những lúc như vậy thì ba mẹ càng cần điều chỉnh cảm xúc và giữ bình tĩnh. Cha mẹ nên tiếp tục công việc và ở bên cạnh bé một cách yên tĩnh để tạo sự an toàn cho trẻ.
Tránh ra lệnh, tỏ ra giận dữ hoặc ép con phải im lặng, bởi bé sẽ thường sẽ phản ứng lại bằng cách gào khóc to hơn. Không nên kìm nén con khi đang giãy giụa, vì điều này có thể làm con trở nên tức giận hơn. Ngoại trừ trường hợp con đang làm điều nguy hiểm, cha mẹ nên tránh giữ con lại vì sự tức giận của bé. Cuối cùng, cha mẹ không nên đánh con trong tình huống mất bình tĩnh, vì điều này có thể gây ra tổn thương tinh thần cho bé và có thể tạo nên hành vi bạo lực của bé trong tương lai.
Không tranh cãi với trẻ
Khi con ăn vạ, cha mẹ cần tránh tranh cãi quá gay gắt với trẻ. Thay vì thế, hãy ôm ấp và lắng nghe bé, giúp bé giải tỏa cảm xúc và tự mình nói ra nguyên nhân hay nhu cầu của bản thân. Có thể tạo sự chú ý và tập trung của trẻ sang vấn đề khác để xoa dịu bé.
Ba mẹ cũng cần tránh giải thích quá nhiều cho con trong thời điểm này, bởi con có thể không đủ tỉnh táo để hiểu những thông tin phức tạp. Đồng thời, khi nói “không” cho con, nên kèm theo lời giải thích thích phù hợp để con hiểu rõ hơn về quyết định của cha mẹ.
Tuyệt đối tránh nói dối con để giải quyết việc con ăn vạ
Đôi khi cha mẹ khi muốn giải quyết tình trạng ăn vạ của con một cách nhanh chóng sẽ sử dụng những lời nói dối để cho qua chuyện. Ví dụ như hứa đưa con đi mua đồ chơi nhằm tạo điều kiện cho con ngừng khóc, nhưng sau đó không thực hiện hứa hẹn đó. Cha mẹ có thể nói dối rằng tivi đã hỏng khi con yêu cầu xem tivi. Nhưng khi trẻ có sự hiểu biết, trẻ có thể học theo kiểu nói dối của cha mẹ và áp dụng nó vào cuộc sống của chính mình, hình thành một thói quen xấu.
Không châm chọc, không mỉa mai, không so sánh khi trẻ ăn vạ
Châm chọc, mỉa mai, và so sánh không bao giờ là điều nên làm trong lúc giải quyết tình huống khi trẻ ăn vạ. Thay vào đó, cha mẹ cần tạo môi trường hỗ trợ và động viên cho con. Đây là một cách để con cảm thấy an toàn, tự tin và được yêu thương.
Châm chọc và mỉa mai có thể gây tổn thương tinh thần cho trẻ và làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn khiến bé trở nên tự ti và trẻ sẽ khó có thể biểu đạt cảm xúc của mình. So sánh cũng không là cách để giúp con hiểu và thay đổi hành vi của họ. Thay vì thế, hãy thực hiện các phương pháp khác như thấu hiểu và đồng cảm với trẻ, ôm ấp và dỗ dành một cách hợp lý, hướng con đến những hoạt động tích cực và thú vị, và cuộc trò chuyện sau khi cơn ăn vạ đã qua đi.
Không giải quyết vấn đề nơi đông người
Việc giải quyết tình huống trẻ ăn vạ không nên thực hiện ở nơi đông người. Lý do chính là không ảnh hưởng đến sự riêng tư và cũng là tôn trọng trẻ. Khi trẻ bị ăn vạ, cảm xúc và tâm trạng của bé có thể bị ảnh hưởng và sự quan tâm từ nhiều người có thể tạo ra áp lực không cần thiết. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và tổn thương.
Giải quyết vấn đề này cần sự hiểu biết và tương tác tốt với trẻ, việc này đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn để tìm hiểu nguyên nhân cũng như tìm giải pháp phù hợp. Việc này tốt nhất nên được thực hiện trong không gian riêng tư, nơi trẻ và người lớn có thể nói chuyện và giải quyết cùng nhau một cách riêng tư và bình tĩnh. Điều này tạo nên sự thấu hiểu và xây dựng một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ.
Tình huống cụ thể khi bé ăn vạ mà có thể ba mẹ sẽ gặp
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, ba mẹ có thể gặp nhiều tình huống mà khi bé rất dễ ăn vạ. Dưới đây là một số tình huống cụ thể về việc bé ăn vạ mà ba mẹ sẽ rất hay gặp:
- Bé ăn vạ khi ăn tại nhà: Trường hợp này có thể xảy ra khi trẻ không thích thức ăn mà ba mẹ đã nấu hoặc trẻ muốn tự mình quyết định thực đơn. Trong tình huống này, ba mẹ có thể cần thảo luận và thỏa thuận với trẻ về việc chọn thực đơn hoặc làm thức ăn cùng nhau.
- Bé ăn vạ khi đi ăn ngoài: Trẻ có thể ăn vạ khi ra ngoài dùng bữa vì lúc đó trẻ muốn chọn món ưa thích. Ba mẹ cần xem xét cách thỏa thuận với trẻ và chọn nhà hàng hoặc thực đơn phù hợp với cả gia đình.
- Bé ăn vạ khi ăn mừng hoặc tại các sự kiện đông người: Trong những dịp như tiệc tùng, họp mặt hay các sự kiện đông người, trẻ có thể ăn vạ khi họ không thích không gian hoặc thức ăn ở đó. Trong tình huống này, ba mẹ cần sẵn sàng cung cấp các lựa chọn thay thế hoặc hướng trẻ sang hoạt động tích cực khác mà không gây sự ép buộc cho trẻ.
- Bé ăn vạ do sự tức giận hoặc cảm xúc: Trẻ có thể ăn vạ khi cảm thấy tức giận, lo lắng, hoặc buồn bã. Ba mẹ cần lắng nghe và hiểu nguyên nhân của cảm xúc này, và cố gắng hỗ trợ trẻ thay vì trừng phạt.
- Bé ăn vạ khi đi chơi hoặc đi mua sắm cùng ba mẹ: Bé ăn vạ khi đi chơi hoặc đi mua sắm có thể do trẻ muốn sự chú ý hoặc không hài lòng về việc mua sắm. Để khắc phục, ba mẹ nên thảo luận trước với trẻ về kế hoạch cũng như có thể thỏa thuận cho việc thưởng phạt trong hoạt động này, cung cấp điều kiện tốt cho việc mua sắm và tạo sự tương tác tích cực với trẻ.
Mỗi tình huống cụ thể có thể đòi hỏi các phương pháp giải quyết khác nhau, nhưng quan trọng nhất là ba mẹ cần lắng nghe và thấu hiểu trẻ, thảo luận cùng và tạo ra môi trường tích cực và thoải mái cho trẻ.
Câu hỏi thường gặp
1. Lứa tuổi trẻ thường ăn vạ nhất là khi nào?
Giai đoạn trẻ thường ăn vạ nhất là trong khoảng từ 1 – 3 tuổi. Đây là thời kỳ phát triển ngôn ngữ của trẻ, trẻ bắt đầu học cách biểu đạt cảm xúc, mong muốn của bản thân. Giai đoạn có có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, phát triển cảm xúc của bản thân. Biểu hiện ăn vạ, gào khóc diễn ra thường xuyên hơn những lứa tuổi khác. Đây cũng là biểu hiện của giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi (khủng hoảng tuổi lên 2 – 3).
2. Đòn roi có cần thiết để giải quyết vấn đề trẻ ăn vạ?
Cha mẹ rất dễ mất bình tĩnh và không kiên nhẫn khi con ăn vạ, nhất là trong trường hợp ở chỗ đông người. Nhiều bố mẹ chọn sử dụng đòn roi khiến trẻ sợ để giải quyết nhanh vấn đề. Việc làm này dễ dẫn đến những tổn thương tinh thần của trẻ và khiến trẻ hình thành tính hung hăng, cáu giận.
Ăn vạ là “căn bệnh” mà bé nào cũng dễ mắc phải nên ba mẹ hãy coi đó là vấn đề không nghiêm trọng. Chúng ta cần tìm cách khắc phục, giáo dục con để bé thay đổi mà vẫn luôn cảm thấy được yêu thương, trân trọng.
3. Cha mẹ phải làm gì khi trẻ giận dữ, khóc ăn vạ?
Khi trẻ ăn vạ cha mẹ đừng cáu giận, không nên lập tức vỗ về và hứa hẹn theo mọi yêu cầu của con. Vẫn ở cạnh con nhưng hãy phớt lờ những hành vi ăn vạ của trẻ. Lúc cơn giận giữ của trẻ lắng xuống cha mẹ đánh lạc hướng, khiến con quên đi mình đang ăn vạ. Đừng ra lệnh, giải thích vấn đề lúc trẻ ăn vạ vì con sẽ không đủ tỉnh táo để tiếp nhận những vấn đề này.
Hy vọng những thông tin mà Sakura Montessori chia sẻ sẽ giúp ba mẹ thấu hiểu sâu sắc về con của mình. Từ đó có thể xây dựng những cách tiếp cận phù hợp với con, hướng con trở thành một em bé hạnh phúc, tự tin và thành công. Chắc chắn ba mẹ sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn trẻ ăn vạ một cách nhẹ nhàng nhất.