khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
8 công thức nấu cháo khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

Khoai lang là một trong những thực phẩm quen thuộc dành cho bé ăn dặm vì chứa nhiều tinh bột, cung cấp cho bé nguồn năng lượng dồi dào. Khoai lang có thể kết hợp được cùng với nhiều loại thực phẩm khác tạo nên món ăn dặm ngon cho bé. Đặc biệt, khi kết hợp khoai lang với phô mai cho bé ăn dặm sẽ mang lại rất nhiều dinh dưỡng, giúp bé ăn ngon miệng hơn. Trong bài viết này, Sakura Montessori sẽ hướng dẫn mẹ cách làm món khoai lang phô mai cho bé ăn dặm!

Bé mấy tháng tuổi ăn dặm được phô mai? Cách cho bé ăn dặm với phô mai

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Bé mấy tháng tuổi ăn dặm được phô mai? Cách cho bé ăn dặm với phô mai

Nhiều phụ huynh thường lo lắng rằng, trong phô mai có chứa thành phần sữa bò dễ gây dị ứng cho trẻ dưới 1 tuổi nên bé cũng không ăn được phô mai. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại phô mai dành cho bé ăn dặm. Ngay từ 6 tháng tuổi, bé đã có thể ăn dặm được với phô mai. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, mẹ nên hỏi trước ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ và tìm hiểu kỹ về loại phô mai dành cho bé ăn dặm.

Vậy làm thế nào để cho bé ăn phô mai một cách tốt nhất? Mẹ hãy lưu ý một số điều sau nhé!

  • Không cho bé ăn phô mai vào bữa tối vì sẽ gây đầy bụng cho trẻ
  • Không nấu chung phô mai với các loại thực phẩm như rau dền, mồng tơi, thịt cua, thịt lươn,…
  • Không nên cho trực tiếp phô mai vào nấu chung với cháo đang sôi, nên chờ cháo nguội còn 70 – 80 độ C thì mới cho phô mai vào cháo.
  • Không cho muối vào nấu cùng với phô mai vì trong phô mai đã có hàm lượng muối khá cao.
  • Hàm lượng phô mai miếng thông thường trong một lần: 12 – 14g cho bé 7 – 8 tháng; 14g cho bé 9 – 11 tháng tuổi; 14 – 17g cho bé 12 – 18 tháng tuổi
  • Hàm lượng phô mai tươi dạng kem trong một lần: 13g – 20g cho bé 5 – 6 tháng tuổi; 20 – 24g cho bé 7 – 8 tháng tuổi; 24g cho bé 9 -11 tháng tuổi; 24 – 29g cho bé 12 – 18 tháng tuổi

Lợi ích dinh dưỡng từ khoai lang và phô mai cho bé ăn dặm

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Lợi ích dinh dưỡng từ khoai lang và phô mai cho bé ăn dặm

Lợi ích dinh dưỡng của khoai lang cho bé ăn dặm

  • Dinh dưỡng: Khoai lang chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin C, vitamin A, kali, và chất xơ. Vitamin A hỗ trợ sự phát triển của mắt, da và hệ thống miễn dịch của bé. Kali là một khoáng chất quan trọng giúp cân bằng nước trong cơ thể và duy trì sức khỏe của tim.
  • Dễ tiêu hóa: Khoai lang có cấu trúc tinh bột đơn giản, giúp bé dễ tiêu hóa hơn so với một số thức ăn khác. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ táo bón cho trẻ nhỏ.
  • Cung cấp năng lượng: Khoai lang chứa nhiều carbohydrate, cung cấp năng lượng cho bé có thể hoạt động xuyên suốt trong một ngày dài.
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ tự nhiên trong khoai lang giúp cải thiện chức năng tiêu hóa của bé. Nó có thể giúp ngăn ngừa táo bón và cung cấp cảm giác no lâu hơn.
  • Thúc đẩy sự phát triển: Khoai lang cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng giúp bé phát triển tốt về thể chất và trí tuệ.

>>Xem thêm: Rau cho trẻ ăn dặm và 10+ món cháo ăn dặm từ rau củ thơm ngon

Lợi ích dinh dưỡng của phô mai cho bé ăn dặm

  • Nguồn canxi: Phô mai thường chứa nhiều canxi, một khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của xương và răng của bé.
  • Dinh dưỡng: Phô mai cung cấp protein, chất béo và một số vitamin, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé.
  • Hương vị hấp dẫn: Phô mai có hương vị hấp dẫn, có thể giúp bé kích thích vị giác và ăn ngon miệng hơn
  • Phô mai có chất béo tự nhiên: Chất béo tự nhiên có trong phô mai giúp bé cung cấp năng lượng lành mạnh mà ít ảnh hưởng lớn đến cân nặng của bé.
  • Ngăn ngừa huyết áp cao: Các vi khuẩn có lợi trong phô mai như Lactic, Propionic,… giúp ngăn ngừa huyết áp cao cũng như cân bằng lượng Cholesterol cho cơ thể của trẻ.

>>Xem thêm: Mách mẹ 9 loại sữa chua ăn dặm được nhiều phụ huynh tin dùng

Hướng dẫn 8 công thức làm khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

Khoai lang và phô mai có rất nhiều lợi ích dinh dưỡng cho bé và khi kết hợp hai thực phẩm này lại sẽ tạo nên món ăn dặm vô cùng ngon miệng cho bé. Ngay sau đây, Sakura Montessori sẽ hướng dẫn mẹ 8 công thức làm món khoai lang phô mai cho bé ăn dặm. Mẹ hãy tham khảo và áp dụng ngay cho bé nhé!

Cháo khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Cháo khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

Công thức nấu cháo khoai lang phô mai dưới đây có tỉ lệ nguyên liệu phù hợp cho bé 5 – 6 tháng tuổi. Nếu bé lớn hơn và nhu cầu ăn uống tốt hơn thì có thể tuỳ chỉnh số lượng.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • ½ củ khoai lang vàng
  • 20g phô mai tươi nguyên kem
  • Nước lọc, gia vị ăn dặm

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gạo tẻ mẹ ngâm trước khi nấu khoảng 20 – 30 phút.
  2. Khoai lang gọt vỏ rồi cắt thành khúc. Đem khoai đi luộc hoặc hấp chín kỹ.
  3. Khoai chín thì mẹ dùng thìa cán mịn khoai. Cho khoai vào nồi nấu cháo, khuấy đều cho khoai tan ra với cháo. Thêm gia vị ăn dặm nếu có.
  4. Đun cháo thêm 5 – 7 phút đến khi cháo chín nhừ. Tắt bếp chờ cháo nguội còn 80 độ C thì thêm phô mai vào rồi khuấy đều cho phô mai tan ra.

Cháo khoai lang phô mai trứng gà

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Cháo khoai lang phô mai trứng gà

Trứng gà là một trong những nguyên liệu phù hợp cho bé ăn dặm vì dễ chế biến, nhanh chín và có nhiều chất dinh dưỡng. Trứng gà chứa protein rất cao chất lượng, giúp bé phát triển cơ bắp, xây dựng và sửa chữa tế bào trong cơ thể. Trứng gà cung cấp các khoáng chất như sắt, kẽm và selen, giúp bé phát triển xương và hệ miễn dịch.

Mẹ có thể cho bé ăn dặm trứng gà từ 5 – 6 tháng tuổi, tuy nhiên chỉ nên cho bé ăn dặm với phần lòng đỏ trứng vì phần lòng trắng dễ gây dị ứng cho bé.

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • ½ củ khoai lang vàng
  • 1 quả trứng gà (lấy lòng đỏ)
  • 1 miếng phô mai ăn dặm
  • Nước lọc, gia vị ăn dặm

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gạo vo sạch rồi đem đi nấu cháo khoảng 20 – 30 phút cho gạo nở, nhừ.
  2. Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch rồi đem đi hấp hoặc luộc chín mềm. Cho khoai ra rồi dằm nhuyễn khoai.
  3. Đồ khoai vào nồi nấu cháo và khuấy đều cho khoai quyện vào cháo.
  4. Tiếp tục cho lòng đỏ trứng gà vào, dùng đũa đảo đều cho trứng tan ra.
  5. Thêm các gia vị ăn dặm nếu có rồi tiếp tục đun cháo thêm 5 phút thì tắt bếp. Chờ cháo nguội còn khoảng 70 – 80 độ C thì cho phô mai vào và khuấy đều cho phô mai hoà tan cùng với cháo.

Cháo khoai lang phô mai thịt bò

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Cháo khoai lang phô mai thịt bò

Thịt bò là một nguồn giàu sắt heme, sắt quan trọng cho sự phát triển của hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu ở trẻ. Không những vậy, thịt bò chứa protein, một chất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của bé.

Thịt bò còn mang lại hương vị rất thơm ngon, kích thích vị giác cho bé giúp bé ăn ngon miệng hơn. Mẹ hãy áp dụng ngay công thức chế biến cháo khoai lang phô mai thịt bò như sau:

Nguyên liệu:

  • 30g gạo tẻ
  • 50g thịt bò nạc xay
  • ½ củ khoai lang
  • 20g phô mai tươi nguyên kem
  • Nước lọc, gia vị ăn dặm, dầu ăn dặm

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gạo ngâm nước trước khi nấu khoảng 20 – 30 phút cho gạo nở. Mẹ vo sạch gạo rồi đem đi nấu cháo với khoảng 500ml nước lọc.
  2. Khoai lang sơ chế sạch sẽ thì mẹ cắt khúc rồi đem đi hấp hoặc luộc chín nhừ. Vớt khoai ra tô rồi nghiền nhuyễn khoai.
  3. Thịt bò xay mẹ xào săn lại với một ít dầu ăn dặm. Xào đến khi thịt bò chín thì đổ thịt bò vào nồi nấu cháo đun cùng.
  4. Tiếp tục cho khoai lang đã nghiền vào cháo, khuấy đều cho thịt bò, khoai lang chín đều. Thêm các gia vị ăn dặm tùy chỉnh theo khẩu vị của bé. Sau khi cho thịt bò và khoai lang vào thì đun cháo sôi với lửa nhỏ khoảng 7 phút đến khi thịt bò mềm thì có thể tắt bếp.
  5. Chờ cháo nguội còn khoảng 80 độ C thì mẹ cho phô mai vào nồi cháo và dùng thìa khuấy đều cho phô mai tan ra là có thể cho bé ăn dặm.

Cháo khoai lang phô mai thịt gà

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Cháo khoai lang phô mai thịt gà

Thịt gà là một nguồn dinh dưỡng quan trọng cho bé khi bắt đầu ăn dặm. Thịt gà là một nguồn giàu protein chất lượng cao. Protein là chất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của bé, giúp xây dựng và sửa chữa tế bào cơ bắp và mô tế bào trong cơ thể.

Chế biến thịt gà với khoai lang và phô mai sẽ tạo nên món ăn dặm giàu dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ các chất cho bé ăn dặm.

Nguyên liệu:

  • 30g bột gạo ăn dặm
  • ½ củ khoa lang vàng
  • 50g thịt ức gà
  • 1 miếng phô mai ăn dặm
  • Nước lọc, gia vị ăn dặm

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gà mẹ sơ chế và rửa sạch sẽ thì đem gà đi luộc trong thời gian 15 – 20 phút cho gà chín mềm. Vớt gà ra tô cho gà nguội thì xé nhỏ hoặc xay nhuyễn tùy theo khả năng ăn uống của bé.
  2. Dùng nước luộc gà để pha bột. Đổ bột vào nồi và khuấy đều cho bột chín.
  3. Khoai lang mẹ gọt vỏ, rửa sạch thì làm chín bằng cách hấp hoặc luộc. Khi khoai đã nhừ thì có thể cho khoai ra một bát và dùng thìa cán nhuyễn.
  4. Tiếp tục cho thịt gà đã xé nhỏ và khoai đã nghiền nhuyễn vào nồi nấu cháo đun cùng. Thêm các gia vị ăn dặm tùy chỉnh theo khẩu vị của bé. Đun sôi cháo với lửa nhỏ trong 7 – 10 phút cho cháo chín hẳn. Kiểm tra thịt gà đã nhừ thì có thể tắt bếp.
  5. Chờ cháo nguội còn 70 – 80 độ C thì mẹ có thể cho phô mai vào và khuấy đều cho phô mai tan ra và cho bé thưởng thức món ăn.

Súp khoai lang phô mai cho bé

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Súp khoai lang phô mai cho bé

Ngoài cách nấu cháo, khoai lang phô mai có thể chế biến thành súp. Món ăn dặm này sẽ bỏ qua nguyên liệu là gạo và sử dụng chủ yếu là khoai lang để chế biến cho bé. Món súp này sẽ phù hợp cho bé ăn dặm vào bữa phụ.

Nguyên liệu:

  • 1 củ khoai lang (khoảng 150g)
  • 20g phô mai tươi nguyên kem
  • Nước lọc.

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Khoai gọt vỏ, rửa sạch với nước rồi mẹ cắt thành khúc nhỏ và đem đi hấp hoặc luộc chín. Luộc khoai khoảng 15 – 20 phút đến khi khoai nhừ là có thể vớt ra.
  2. Cho khoai vào máy xay, thêm nước lọc tùy theo độ đặc mong muốn. Xay nhuyễn khoai và rây qua 1 lần cho hỗn hợp mịn hơn.
  3. Cho súp khoai đã xay vào nồi nhỏ nấu súp. Đun súp với lửa vừa khoảng 7 – 10 phút cho súp sôi đều. Mẹ nên thường xuyên khuấy cho súp không bị cháy xém ở đáy nồi
  4. Súp chín thì mẹ tắt bếp. Chờ súp nguội còn 80 độ thì cho phô mai vào nồi súp và khuấy đều cho phô mai tan ra quyện vào với súp là được.

Súp khoai lang phô mai ngô ngọt

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Súp khoai lang phô mai ngô ngọt

Ngô chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin C, vitamin B6, thiamine, niacin, folate, magiê, mangan, và kali. Những chất này giúp cung cấp năng lượng cho bé và thúc đẩy sự phát triển và chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Ngô có hương vị ngọt tự nhiên, khi nấu chung với khoai lang và phô mai sẽ tạo nên món ăn dặm ngọt ngào, béo ngậy cho bé.

Nguyên liệu:

  • 1 củ khoai lang vàng (khoảng 150g)
  • ½ bắp ngô ngọt tách hạt
  • 1 miếng phô mai ăn dặm
  • Nước lọc

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Khoai sơ chế sạch sẽ thì mẹ đem đi hấp chín nhừ trong khoảng 20 phút. Khoai chín thì đem đi xay nhuyễn với khoảng 500ml nước. Lọc hỗn hợp qua rây cho súp được mịn hơn.
  2. Cho súp vào nồi đun sôi, thêm ngô ngọt đã tách hạt vào nồi nấu súp. Đun súp thêm khoảng 7 – 10 phút cho ngô chín nhừ. (Nếu bé chưa ăn dặm được cả hạt ngô mẹ có thể xay ngô cùng với khoai lang từ bước 1)
  3. Khi ngô đã chín thì mẹ tắt bếp. Chờ súp nguội còn khoảng 70 – 80 độ C thì mới cho phô mai vào và dùng thìa khỏa đều cho phô mai quyện vào súp là có thể cho bé thưởng thức món ăn này.

Súp khoai lang phô mai bí đỏ

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Súp khoai lang phô mai bí đỏ

Bí đỏ có nhiều vitamin A (beta-carotene), giúp cải thiện thị lực và giữ cho làn da và niêm mạc khỏe mạnh. Bí đỏ còn là nguồn tốt của vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch của bé và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào cơ thể.

Bí đỏ cũng có hương vị tương tự như khoai lang nên khi kết hợp với khoai lang càng làm tăng vị ngọt cho món ăn dặm.

Nguyên liệu:

  • 1 củ khoai lang nhỏ (khoảng 100g)
  • 100g bí đỏ
  • 60ml sữa mẹ
  • 15g phô mai nguyên kem
  • Nước lọc

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gọt sạch khoai và bí đỏ và rửa sạch thì cắt thành khúc. Cho cả khoai lang và bí đỏ đi hấp chín hoặc luộc chín trong thời gian 15 – 20 phút. Dùng đũa kiểm tra khoai và bí đã nhừ thì vớt cả 2 ra và cho vào máy xay.
  2. Xay nhuyễn khoai lang, bí đỏ với khoảng 500ml nước. Lọc hỗn hợp qua rây cho súp được mịn hơn.
  3. Cho súp vào nồi nấu và đun sôi. Đun với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút là có thể tắt được bếp.
  4. Chờ súp nguội còn khoảng 80 độ C thì lần lượt cho sữa mẹ và phô mai vào nồi súp rồi khuấy đều tay cho các nguyên liệu hòa tan vào nhau. Múc súp ra tô ăn dặm cho bé thưởng thức.

Bánh khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

khoai lang phô mai cho bé ăn dặm
Bánh khoai lang phô mai cho bé ăn dặm

Khoai lang và phô mai còn có thể kết hợp với nhau để chế biến thành món bánh ăn dặm cho bé vào bữa sáng hoặc bữa phụ đều được. Món ăn này phù hợp cho những bé đang ăn dặm theo phương pháp BLW (chỉ huy) giúp bé học cách tự ăn và nhai nuốt tốt hơn.

Cùng tìm hiểu cách làm bánh khoai lang phô mai cho bé ăn dặm ngay dưới đây!

Nguyên liệu:

  • 2 củ khoai lang vàng (khoảng 200g)
  • 2 – 3 miếng phô mai
  • 50g bột mì đa dụng
  • 50g bột bắp
  • 60ml sữa mẹ
  • Nước lọc

Hướng dẫn chi tiết:

  1. Gọt khoai và rửa sạch thì đem khoai lang đi hấp chín kỹ khoảng 15 – 20 phút.
  2. Vớt khoai ra tô lớn, lần lượt cho bột mì, bột bắp, sữa mẹ và nước lọc vào tô và dùng thìa trộn đều các nguyên liệu với nhau. Tùy chỉnh lượng nước phù hợp để có hỗn hợp bột mịn, đặc và có thể nặn được hình.
  3. Nên nặn bánh ngay từ lúc bột còn nóng thì sẽ dễ tạo hình hơn. Mẹ nặn bánh thành từng chiếc nhỏ vừa lòng bàn tay của bé hoặc có thể dùng khuôn tạo hình bánh sẽ giúp bé hứng thú với món ăn hơn.
  4. Phô mai cắt thành những miếng nhỏ, cho phô mai vào bên trong mỗi chiếc bánh để làm nhân.
  5. Làm chín bánh bằng cách áp chảo mỗi mặt 7 phút hoặc nướng 10 phút mỗi mặt với nhiệt độ 200 độ C.

Cách chọn mua phô mai cho bé ăn dặm

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phô mai cho bé ăn dặm. Tuy nhiên cần đảm bảo chọn được loại phô mai phù hợp cho bé, tránh gây dị ứng cho bé ăn dặm. Để làm được điều này, khi mua bất kỳ một loại phô mai nào đó cho con, mẹ nên cân nhắc một số tiêu chí sau:

  • Loại phô mai phù hợp: Hãy chọn loại phô mai mềm và dễ cắt, như phô mai mozzarella hoặc phô mai sữa. Tránh chọn phô mai chứa nhiều gia vị hoặc loại phô mai cứng, như cheddar, vì chúng có thể gây ngạt cho bé.
  • Chọn sản phẩm không chứa muối: Đối với bé, muối có thể gây hại cho sức khỏe và gây căng thẳng về thận. Hãy kiểm tra thành phần sản phẩm và chọn phô mai không có hoặc có lượng muối thấp.
  • Kiểm tra thành phần: Đọc nhãn sản phẩm để xác định xem phô mai có thêm chất bảo quản hoặc hương liệu tổng hợp không. Nên chọn phô mai có ít chất bảo quản và hương liệu nhân tạo..
  • Sản phẩm không gây dị ứng: Kiểm tra xem bé có dị ứng với sữa hoặc các thành phần trong phô mai không. Nếu bé có tiền sử dị ứng, nên chọn sản phẩm không gây dị ứng.
  • Chất lượng và nguồn gốc: Chọn sản phẩm từ những nguồn đáng tin cậy và có chất lượng. Thực phẩm đảm bảo vệ sức khỏe và an toàn của bé.
  • Hạn sử dụng: Kiểm tra hạn sử dụng và ngày sản xuất trên sản phẩm để đảm bảo rằng phô mai còn tươi và an toàn để sử dụng cho bé.

Tại Việt Nam, có một số loại phô mai được nhiều phụ huynh yêu thích và tin dùng. Mẹ có thể tham khảo danh sách dưới dây:

  1. Phô mai tươi trái cây Helio
  2. Phô mai Con Bò Cười Belcube
  3. Phô mai P’tit Louis
  4. Phô mai Teama
  5. Phô mai Vinamilk
  6. Phô mai Kiri
  7. Phô mai QBB

Trên đây là tổng hợp 8 công thức chế biến khoai lang phô mai cho bé ăn dặm giúp bé tăng cân, mau lớn mà mẹ không nên bỏ qua. Khoai lang và phô mai đem lại cho bé rất nhiều lợi ích, khi kết hợp với nhau vừa giúp bé ăn ngon miệng vừa nhận được nhiều dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần ghi nhớ một số lưu ý khi cho bé ăn dặm với phô mai để đảm bảo an toàn cho con. Hãy tìm hiểu thêm nhiều thông tin ăn dặm và công thức nấu ăn dặm cho bé ngay tại địa chỉ sakuramontessori.edu.vn

0/5 (0 Reviews)

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm