Cho dù bạn đang nuôi con theo cách nào thì yếu tố quan trọng nhất khiến việc giáo dục trở nên hiệu quả chính là hiểu rõ về nhịp độ phát triển của trẻ qua từng độ tuổi.

Dưới đây là những kiến thức về các giai đoạn phát triển việc học tập sớm theo phương pháp giáo dục Montessori mà ba mẹ cần biết. 

Vận động, Kiểm soát Cảm xúc và Khái niệm Toán học (Từ 0 tuổi)

Đây là ba yếu tố nhạy cảm cơ bản của trẻ kể từ khi chào đời. Mặc dù, vận động, kiểm soát cảm xúc và khái niệm Toán học của trẻ còn khá giới hạn. 

Từ 0 tuổi, sau khi sinh ra, vận động tinh và vận động thô của trẻ liên tục phát triển. Từ đẩy, trèo, lăn, bò, trườn, xoay người,… đến sử dụng linh hoạt các ngón tay để cầm, nắm,… trẻ dần dần hoàn thiện về các kỹ năng để phát triển về nhận thức. 

Bên cạnh đó, những năm đầu đời còn là thời gian nhạy cảm để phát triển mối liên hệ tình cảm với ba mẹ (người chăm sóc). Khi ba mẹ phản ứng lại một nỗ lực giao tiếp của trẻ (bằng cách khóc, ọ ọe hay bi bô), trẻ sẽ phát triển ý thức, học hỏi về cách giao tiếp và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Điều này còn tạo ra nền tảng thiết yếu cho kĩ năng giao tiếp và tư duy phức tạp hơn.

Qua quá trình quan sát, Tiến sĩ Maria Montessori đã khám phá ra rằng: tất cả trẻ em đều có khả năng thiên bẩm để học Toán. Montessori còn quan sát thấy rằng, trẻ nhỏ học các khái niệm về Toán học thông qua chạm, xếp, phân loại và thao tác với đồ vật. Các thao tác với nhiều giáo cụ khác nhau sẽ giúp trẻ học được cách nhận biết số lượng, trình tự và các dấu hiệu của Toán học. 

Nhu cầu về sự trật tự từ 6 tháng tuổi trở lên

Maria Montessori cũng chỉ ra rằng, từ 6 tháng đến 4 tuổi, trẻ có nhu cầu đặc biệt về sự trật tự và biểu hiện sự nhạy cảm về tính trật tự rõ rệt nhất vào khoảng 3 tuổi. 

Ở thời điểm này, nhờ sự cảm nhận của giác quan, trẻ bộc lộ sự nhạy cảm về tính trật tự khi phát hiện môi trường thay đổi. Trẻ nổi cáu khi gặp khó khăn hay chướng ngại vật cản đường. Trẻ bực bội vì thứ tự các sự vật trong môi trường của chúng thay đổi…

Do đó, phụ huynh có thể dạy trẻ về tính trật tự bằng cách sắp xếp các đồ đạc theo trật tự nhất định, đặc biệt là ở góc chơi và góc học tập của trẻ; hướng dẫn trẻ các đặt để đồ đạc đúng vị trí ngay từ bé. Các thành viên trong gia đình có thể cùng trẻ chơi trò chơi và cùng thiết lập các nguyên tắc cho trò chơi khác nhau, kích thích sự chủ động, sáng tạo ở trẻ.

Hứng thú với các đồ vật nhỏ và từ vựng (Bắt đầu từ khoảng 1 tuổi)

Từ 1 tuổi, trẻ đã có hứng thú vô cùng tận đối với những đồ vật nhỏ và thích thú với việc dùng tay để chạm, cầm, nắm, sờ và cảm nhận chúng.
Việc chơi các đồ vật nhỏ sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô, tăng khả năng cầm nắm bằng ngón cái, ngón trỏ, tạo nền tảng cho kỹ năng viết sau này. Người lớn hãy mang đến cho trẻ cơ hội được chơi cùng các đồ vật nhỏ, không có cạnh sắc nhọn, không gây hóc,…

Ngoài ra, ba mẹ sử dụng các đồ vật nhỏ để cùng trẻ chơi các trò chơi về ngôn ngữ, kể chuyện, ca hát, dạy trẻ ngôn ngữ qua thẻ chữ, bảng chữ cát,… nhằm khơi dậy tiềm năng ngôn ngữ của trẻ ngay trong giai đoạn này. Bởi theo tiến sĩ, nhà giáo dục Maria Montessori, bắt đầu từ 1 tuổi, trẻ nhạy cảm đặc biệt về từ vựng. Chúng có khả năng nghe, tiếp nhận và thẩm thấu ngôn ngữ như “miếng bọt biển thấm hút nước”. Vốn từ vựng của trẻ được bồi đắp dần dần trong suốt quá trình trẻ quan sát, cảm nhận và được kích thích phát triển. 

Kỷ nguyên phát triển khả năng đọc, viết cho trẻ (từ 2,5 tuổi trở lên)

Với đặc điểm nhạy cảm về từ vựng, trẻ có sự cảm nhận hình dáng và âm thanh của chữ cái nhanh nhạy vào khoảng 2,5 tuổi và phát triển khả năng đọc, viết mạnh mẽ ở giai đoạn từ 4,5 đến 5 tuổi. 

Chữ cái là một kích thích minh họa cho ngôn ngữ nói có sẵn trong đầu óc trẻ. Cho nên, cách tốt nhất để trẻ ghi nhớ và tiếp thu ngôn ngữ chính là khuyến khích trẻ thao tác nhiều hơn với đôi bàn tay thay vì chỉ lắng nghe và nhìn thông thường. Ba mẹ có thể khơi gợi hứng thú của trẻ bằng các hoạt động như tô theo hình dáng chữ cái trên giấy nhám với ngón tay và liên hệ âm chữ cái với hình dáng tương ứng….

Khi trẻ lên 4 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ cách phát âm chuẩn các chữ cái, các tiếng, đọc thành tiếng hoàn chỉnh, cách cầm bút, đặt bút, sử dụng linh hoạt cử động của tay để viết chữ. Nếu ba mẹ biết tận dụng thời điểm này để dạy trẻ đọc, viết, các con sẽ được chuẩn bị sẵn sàng nền tảng ngôn ngữ trước khi bước vào lớp 1. 

Âm nhạc (Bắt đầu vào khoảng 3 tuổi)

Nếu chú ý tới tiến trình phát triển của trẻ, ba mẹ sẽ thấy trẻ vô cùng nhạy cảm về âm nhạc khi 3 tuổi. Trẻ thích thú với việc được tiếp xúc với âm nhạc thông qua giai điệu và tiết tấu. Trẻ thuộc bài hát rất nhanh theo nhiều ngôn ngữ khác nhau và yêu thích việc thể hiện cho mọi người xem. 

Hãy xây dựng một “sân khấu” âm nhạc dành riêng cho trẻ ngay tại nhà. Ở đó, trẻ được lắng nghe và biểu diễn những bài hát mà chúng yêu thích. Âm nhạc sẽ giúp trẻ phát triển não bộ, dẫn đến sự phát triển về học vấn, xã hội và tình cảm. 

Như vậy, dựa trên nhịp độ phát triển tự nhiên, người lớn có thể tối ưu sự phát triển toàn diện của trẻ về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Với những thông tin trên, hi vọng ba mẹ hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển cho việc học tập sớm theo Montessori để giáo dục trẻ ngay tại nhà.

0/5 (0 Reviews)