Tận dụng tối đa giai đoạn vàng từ 0 đến 6 của trẻ mầm non, phương pháp giáo dục Montessori được đánh giá là một trong những phương pháp giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Tại Việt Nam, phương pháp Montessori không chỉ được áp dụng tại các trường mầm non quốc tế mà còn được ứng dụng phổ biến tại nhà. Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng hiểu rõ điều đó để dạy con theo phương pháp giáo dục Montessori hiệu quả nhất. 

Dưới đây là năm điều theo phương pháp Montessori mà ba mẹ nên áp dụng mỗi ngày. 

trẻ tại trường mầm non sakuraTôn trọng trẻ 

“Tôn trọng trẻ” là một trong những đặc điểm nổi bật của phương pháp giáo dục Montessori. “Tôn trọng trẻ” là cách người lớn thể hiện suy nghĩ, hành động và lời nói theo hướng tích cực, quan tâm đến cảm xúc và những nét cá tính riêng biệt của trẻ. 

Tại lớp học Montessori, mỗi trẻ đều được tôn trọng năng lực, sở thích của bản thân. Trẻ có cơ hội tự do lựa chọn những hoạt động học tập yêu thích, tự do phát biểu suy nghĩ, cảm nhận cá nhân. Giáo viên luôn tôn trọng, không can thiệp hay phán xét trẻ. Ngược lại, giáo viên sẽ chủ động lắng nghe tích cực và sử dụng lời nói thể hiện bản thân để trẻ cảm thấy mình luôn được ghi nhận, tôn trọng và cư xử như một “người trưởng thành”. 

Tại gia đình, tôn trọng trẻ chính là “chìa khóa” để kết nối trẻ và ba mẹ. Giống như ở lớp học Montessori, ba mẹ hãy tôn trọng những sở thích, cá tính của các con, trao quyền cho con được phép tự do lựa chọn trong khuôn khổ; luôn ghi nhận, động viên và khích lệ trẻ… Theo phương pháp giáo dục Montessori, việc tôn trọng trẻ sẽ giúp các con cảm thấy thoải mái, dễ chịu, dễ lắng nghe và tiếp nhận cách giáo dục của người lớn; đặc biệt là các con sẽ luôn thấy mình được yêu thương cũng như học cách tôn trọng người khác từ chính việc ba mẹ tôn trọng mình. 

Ví dụ: Ở nhà, nếu các con muốn bạn chú ý, thay vì tỏ ra gắt gỏng, hằn học, hãy đáp lại trẻ và yêu cầu các con đợi một lát và chắc chắn rằng ngay khi xử lý xong công việc, bạn sẽ quay sang với trẻ. Ngay khi trở lại với trẻ, bạn có thể ôm con vào lòng và nói “Cảm ơn con đã chờ đợi ba/mẹ. Con cần ba/mẹ giúp đỡ gì nào?”. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy người lớn luôn tôn trong lời trẻ nói. 

Luôn quan sát trẻ nhỏ

Khi ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori, quan sát là một kỹ năng quan trọng, giúp người lớn thấu hiểu và đưa ra các hành động hỗ trợ sự phát triển của trẻ. 

Tại lớp học Montessori, giáo viên thực sự lùi lại để quan sát trẻ, không can thiệp, làm gián đoạn chu trình làm việc của trẻ. Từ đó, người giáo viên Montessori tạo ra môi trường học tập hỗ trợ sự tự lập, hỗ trợ khả năng khám phá theo nhịp độ của trẻ – nhịp độ của chính bản thân trẻ chứ không phải do người lớn đặt ra. 

Học theo cách giáo viên Montessori, ba mẹ có thể ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori ngay tại nhà từ việc quan sát trẻ. Từng hoạt động con làm, từng sự lựa chọn của con… đều thể hiện suy nghĩ và sự phát triển theo từng giai đoạn của trẻ. Khi ba mẹ quan sát trẻ, chúng ta sẽ nhận ra đặc điểm phát triển của con để tạo điều kiện tối đa, giúp con xây dựng nền tảng vững chắc ngay trong giai đoạn đầu đời. 

Ví dụ: Khi trẻ đang chơi một mình, hãy im lặng quan sát trẻ, thậm chí ba mẹ có thể ghi lại những gì mình quan sát được. Chỉ cần dành thời gian quan sát con, bạn sẽ thấy được điều gì mang đến cho con niềm vui, điều gì khiến con thất vọng, con tập trung nhất khi làm gì, con nhanh chán nản bởi lý do nào… Trên cơ sở đó, ba mẹ có thể xây dựng các hoạt động học tập, vui chơi cho con tại nhà hoặc tổ chức phân công công việc nhà dựa trên sở thích của con. 

Nuôi dưỡng niềm yêu thích khám phá và sáng tạo của trẻ 

Nhiều nghiên cứu về trẻ mầm non đã chỉ ra rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra đề có những năng lực tiềm ẩn bên trong và luôn có khao khát được học hỏi, khẳng định chính mình. Đó là lý do khi nghiên cứu và phát triển phương pháp giáo dục Montessori, tiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori đặc biệt nhấn mạnh đến sự tập trung và niềm đam mê của trẻ. 

Đây là hai trong những yếu tố cần thiết giúp trẻ xây dựng nền tảng về kiến thức và kỹ năng để thành công trong tương lai. Nhưng đây cũng là những yếu tố rất dễ bị ảnh hưởng bởi các áp lực từ bên ngoài gây ra bởi người lớn như: con mình phải giỏi vẽ, giỏi hát như con người ta; con mình phải nói tiếng Anh trôi chảy như con người ta… Đôi khi, sự kỳ vọng “thái quá” của ba mẹ vô tình làm các con cảm thấy sợ hãi, thậm chí bị tổn thương tâm hồn. Chúng ta cũng vô tình quên mất rằng các con cần được tự do sống cuộc đời của mình. 

Cho nên, thay vì đặt áp lực lên trẻ, hãy để con được thỏa sức khám phá và sáng tạo theo bản năng và cá tính của bản thân. Hãy để cho tài năng của trẻ nhỏ được bộc lộ và phát triển một cách tự nhiên nhất. 

Động viên, khích lệ trẻ, không khen – chê, thưởng – phạt 

Khi áp dụng phương pháp giáo dục Montessori tại nhà, người lớn hãy nhìn nhận lỗi sai của trẻ như một cơ hội để giúp các con học hỏi. Thay vì khen – chê, thưởng – phạt hay tâng bốc trẻ bằng những lời khen có cánh như “Con làm tốt lắm”, “Con thật giỏi”, hãy nhẹ nhàng ghi nhận, động viên con bằng những mẫu câu khích lệ như “Ba/mẹ thấy con đã hoàn thành xong công việc của mình ”, “Ba/mẹ thấy con đã tập trung làm xong bài tập của mình”. Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng về thành quả mình đạt được và lấy đó là động lực để cố gắng hơn nữa. 

Tạo môi trường Montessori tại nhà

Sự nhất quán giữa môi trường Montessori tại trường và tại nhà sẽ mang đến cho trẻ một không gian quen thuộc, an toàn, giúp các con đạt được sự phát triển toàn diện ngay trong giai đoạn đầu đời. Cho nên, khi ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori, ba mẹ cần chú trọng tới việc tạo môi trường Montessori tại nhà cho con và hỗ trợ trẻ trưởng thành trong chính môi trường đó. 

Phương pháp giáo dục Montessori "mách" ba mẹ năm điều nên áp dụng mỗi ngày
Ba mẹ nên dành thời gian để sắp xếp và trang trí không gian của trẻ để khơi gợi trí tò mò và kích thích trẻ trải nghiệm, khám phá

Môi trường Montessori tại nhà không cầu kỳ như môi trường Montessori tại trường. Tuy nhiên, theo phương pháp giáo dục Montessori, trong quá trình sắp xếp môi trường Montessori tại nhà, ba mẹ cần chú ý những yếu tố xong:

– Đồ đạc được sắp xếp khoa học, phù hợp và vừa tầm với của trẻ

Ví dụ: Người lớn có thể tạo một không gian riêng cho trẻ với những vật dụng, bàn ghế nhỏ xinh để các con dễ dàng sử dụng. Trong nhà vệ sinh, nhằm bé dễ dàng với tới vòi nước, ba mẹ nên đặt một chiếc ghế gỗ nhỏ để bé đứng trên đó. Khăn mặt, bàn chải đánh răng… cần được đặt ở các vị trí trẻ tự lấy được… Điều này cũng sẽ giúp bé tự lập và chủ động hơn. 

– Hạn chế tối đa việc di chuyển đồ vật trong nhà để con cảm thấy an toàn

Trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi, trẻ có sự nhạy cảm đặc biệt về sự trật tự. Trẻ ghi nhớ rất rõ các vị trí đồ vật và mối quan hệ của đồ vật đó với những vật thể khác xung quanh. Cho nên, việc đặt để đồ vật gọn gàng, ngăn nắp theo trật tự nhất quán vô cùng cần thiết. Ba mẹ cũng cố gắng hạn chế việc di chuyển nhà và di chuyển đồ đạc để con cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà mình. Từ chính sự an toàn đó, môi trường gia đình chính là nơi lý tưởng để bé khám phá vạn vật theo cách riêng, kích thích khả năng nhận thức và tư duy của mình. 

Với 5 điều nêu trên, hi vọng ba mẹ sẽ áp dụng phương pháp giáo dục Montessori hiệu quả trong giáo dục con tại nhà. 

0/5 (0 Reviews)