Có bao giờ bạn bắt gặp một tổ chức chỉ có những người cùng độ tuổi làm việc với nhau? Thực tế trong cuộc sống, mỗi người luôn tương tác với những người ở các độ tuổi khác nhau dù trong gia đình hay ngoài xã hội.

Hơn 100 năm trước, Tiến sỹ Maria Montessori đã áp dụng những quan sát và nghiên cứu của mình về trẻ nhỏ để tổ chức các lớp học Mầm non đầu tiên định hình nên phương pháp giáo dục mang tên bà. Một trong những điểm khác biệt lớn đó là việc có nhiều lứa tuổi trong cùng một lớp học. Điều này khiến môi trường lớp học trở thành một xã hội thu nhỏ với những lợi ích vượt trội về giáo dục sớm ở trẻ mầm non.

Lợi ích vượt trội về giáo dục sớm cho trẻ

Trải nghiệm làm con út, con giữa và con cả

Trước hết, lớp học nhiều độ tuổi tái tạo môi trường giống như trong một gia đình có nhiều anh em. Trẻ được trải nghiệm lần lượt vai trò làm con út, con giữa và con cả. Môi trường như vậy khuyến khích trẻ nhỏ phát sinh mong muốn làm được những việc như các anh chị lớn hơn mình đang làm được. Trong khi đó, anh chị lớn hơn học cách đối xử với những em nhỏ tuổi hơn mình bằng sự quan tâm và tôn trọng, đồng thời củng cố kiến thức và hiểu biết của chính mình thông qua việc giúp đỡ lẫn nhau. 

Học tập theo nhịp độ riêng

Độ tuổi theo năm của trẻ không hoàn toàn quyết định khả năng học tập nhanh hay chậm. Ở mỗi thời kỳ phát triển, trẻ lại có hứng thú với những điều khác nhau và trở nên nhạy cảm hơn với một số yếu tố nhất định (Đọc thêm về Các giai đoạn phát triển của trẻ). Dựa trên nghiên cứu của Tiến sỹ Maria Montessori về các giai đoạn phát triển của trẻ, chương trình Montessori được thiết kế cho từng nhóm Học sinh từ 0-3 và 3-6 tuổi. Theo đó, Học sinh được học chương trình học xuyên suốt từ năm này qua năm khác theo nhịp độ của riêng mình mà không bị hạn chế với chương trình học theo từng năm.

Học sinh được học chương trình học xuyên suốt từ năm này qua năm khác theo nhịp độ của riêng mình
Học sinh được học chương trình học xuyên suốt từ năm này qua năm khác theo nhịp độ của riêng mình

Kích thích bản năng tò mò và học hỏi lẫn nhau

Trẻ nhỏ có bản năng tò mò và học làm theo người khác một cách tự nhiên. Điều này mang đến hiệu quả tích cực trong lớp học trộn độ tuổi khi trẻ nhỏ được quan sát anh chị lớn thực hiện các hoạt động mà các em cho là mới lạ, thử thách. Việc lớp học Montessori cho phép trẻ tự do di chuyển và lựa chọn hoạt động càng tối ưu hiệu quả của việc trộn độ tuổi. Sau khi quan sát và phát hiện ra một hoạt động mình thấy hứng thú, các em bé tự nhiên sẽ tham gia cùng anh chị để tìm hiểu và có cơ hội học hỏi lẫn nhau.

Sau khi quan sát và phát hiện ra một hoạt động mình thấy hứng thú, các em bé tự nhiên sẽ tham gia cùng anh chị để tìm hiểu.

Bồi đắp lòng tự tin và phát triển kỹ năng lãnh đạo

Nối tiếp vị trí người quan sát và học theo, trẻ bắt đầu nắm lấy vai trò của người hướng dẫn. Trong lớp học Montessori, trẻ lớn có thể lãnh đạo một nhóm các em nhỏ, chỉ dẫn các em một cách tôn trọng và tự hào. Việc “dạy” lại cho các em không chỉ là cơ hội để trẻ lớn củng cố bài học mà còn giúp trẻ đặt những viên gạch nền móng đầu tiên hình thành kỹ năng lãnh đạo. 

Sau một thời gian dài trong lớp học trộn độ tuổi, trẻ trải nghiệm sự gắn kết xã hội và ý thức về vị trí có được từ việc đóng góp vào cộng đồng lớp học, từ đó bồi đắp lòng tự tin và nhận thức về trách nhiệm xã hội của mình.

Nối tiếp vị trí người quan sát và học theo, trẻ bắt đầu nắm lấy vai trò của người hướng dẫn.

Phát triển khả năng tương tác xã hội hiệu quả với những hành vi phù hợp

Nhờ khoảng thời gian dài lần lượt trải qua các vai trò người nhỏ tuổi nhất, người ở giữa và người lớn tuổi nhất, trẻ có cơ hội để phát triển những hành vi phù hợp với cả ba vai trò. Sự tương tác đa vai trò giữa các Học sinh liên tục từ năm này qua năm khác giúp môi trường lớp học Montessori hình thành văn hoá như một cộng đồng biết quan tâm tới nhau và học hỏi lẫn nhau. Những trẻ mới tham gia vào lớp học sẽ quan sát những cử chỉ quan tâm, hành vi tôn trọng từ các trẻ khác và bắt đầu học theo, hoà nhập thành một phần của cộng đồng lớp học tôn trọng và tương ái.

Tăng cường gắn kết giữa Giáo viên với Học sinh và gia đình

Do đặc thù học tập cá nhân, Giáo viên Montessori phải thật sự quan sát và thấu hiểu mỗi em bé để có thể chuẩn bị những hoạt động, học liệu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Việc theo sát trẻ qua các năm giúp Giáo viên có nhiều cơ hội để hiểu trẻ rõ hơn, đồng thời gắn kết sâu sắc hơn với gia đình Học sinh, tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa Nhà trường và gia đình.

Thêm vào đó, quá trình làm việc với trẻ ở các độ tuổi khác nhau cũng giúp Giáo viên có hiểu biết sâu sắc về trẻ ở các độ tuổi, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho trẻ mới tham gia vào lớp học tập và hoà nhập.

Giáo viên có nhiều cơ hội để hiểu trẻ rõ hơn, đồng thời gắn kết sâu sắc hơn với gia đình Học sinh

Mô hình lớp học của tương lai

Không chỉ trong trường học Montessori, mô hình lớp học nhiều lứa tuổi đang chứng minh hiệu quả và được áp dụng trong cả các trường học truyền thống với các tiết học trộn lẫn nhiều khối lớp. Lớp học nhiều lứa tuổi góp phần cho phương pháp giáo dục Montessori mang đến cho Học sinh cơ hội khai phóng tối đa tiềm năng phát triển về học tập, xã hội và cảm xúc. Hơn thế, trẻ được chuẩn bị sẵn sàng để phát triển trong thế giới bên ngoài lớp học và hiểu được vai trò của mình trong thế giới đó.

0/5 (0 Reviews)