Ăn dặm BLW hay còn biết đến với cái tên ăn dặm tự chỉ huy là một trong những phương pháp ăn dặm được rất nhiều phụ huynh lựa chọn. Vậy phương pháp ăn dặm này liệu có hiệu quả như lời đồn, Sakura Montessori sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc để đưa ra chế độ ăn dặm tốt nhất cho bé yêu nhà mình nhé!

ăn dặm blw
Ăn dặm BLW mang lại nhiều lợi ích

Ăn dặm BLW là gì?

BLW (Baby-led Weaning) nghĩa là ăn dặm tự chỉ huy hay ăn dặm bé chỉ huy. Đây là một phương pháp cho bé ăn dặm bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi. Thay vì cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn, bé sẽ ăn trực tiếp thức ăn thông thường đã được cắt nhỏ. Bé sẽ tự ăn thông qua việc cầm, bốc thức ăn đó và nhai chúng. Trong BLW, cha mẹ chỉ cung cấp thực phẩm cho bé, bé sẽ tự quyết định món ăn và lượng ăn của mình.

Baby-led Weaning khuyến khích trẻ tự tìm hiểu cách ăn, làm quen với thức ăn thô. Chính vì vậy, với phương pháp này bé sẽ cảm nhận được bữa ăn một cách trọn vẹn hơn.

3 lợi ích của việc áp dụng phương pháp ăn dặm bé chỉ huy

Ăn dặm bé chỉ huy được nhiều chuyên gia dinh dưỡng và phụ huynh đánh giá là phương pháp ăn mang lại rất nhiều hiệu quả. Không chỉ mang lại sự phát triển cho bé về mặt thể chất mà còn hình thành được cho bé những kỹ năng quan trọng. Cùng điểm danh 3 lợi ích không thể bỏ qua của phương pháp BLW:

ăn dặm blw
3 lợi ích của việc áp dụng phương pháp ăn dặm BLW

Ăn dặm BLW giúp con phát triển các giác quan khác nhau

Bản chất của ăn dặm BLW chính là việc mà các bé được tự do quyết định trong việc ăn uống, tự lập trong việc xử lý thức ăn. Nhờ vậy mà các giác quan của con được tiếp xúc trực với thức ăn, sớm giúp con hoàn thiện cũng như phát triển các giác quan khác nhau. Các giác quan phát triển mạnh mẽ khi con ăn dặm BLW như:

  • Thị giác: Với bản tính tò mò, con tự học được cách phân biệt các loại thức ăn với nhau. Đồng thời, trí não con ghi nhận lại được hình ảnh, con biết được rằng món này có ngon hay không khi gặp trong lần tiếp theo.
  • Vị giác: chắc chắn rằng khi ăn dặm con sẽ bắt đầu được làm quen với rất nhiều hương vị khác nhau. Ngoài ra, đối với BLW, thức ăn được giữ nguyên không phải xay nhuyễn ra nên càng giúp kích thích được vị giác cho con.
  • Khứu giác: trẻ làm quen với mùi hương của các loại rau củ, thịt cá và biết cách phân biệt mùi.
  • Xúc giác: có thể nói ăn dặm chỉ huy phát triển xúc giác cho bé tốt hơn hẳn so với những phương pháp ăn dặm khác. Bởi BLW khuyến khích con tự bốc thức ăn, từ đó con cải thiện được xúc giác qua cầm nắm và cảm nhận hình dạng của các loại thức ăn.

Hình thành các kỹ năng vượt trội cho trẻ ngay từ những ngày đầu

Song song với việc phát triển các giác quan thì các kỹ năng khác của con cũng bắt đầu được hình thành. Điển hình nhất có thể nói đến việc con sử dụng bàn tay một cách thành thạo và kỹ năng nhai nuốt thuần thục hơn.

Khi ăn dặm BLW một thời gian đủ lâu, con biết cách cầm nắm không chỉ thức ăn mà còn là những vật dụng khác. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để con học được các kỹ năng khác khi lớn hơn như rửa tay, mặc quần áo, gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi,…

Do bản chất khác với ăn dặm truyền thống là ăn thức ăn xay nhuyễn, BLW dạy trẻ cách nhai và nuốt thức ăn thông thường. Nhờ vậy mà sau này khi tiếp xúc với thức ăn thô cứng hơn con sẽ dễ thích nghi hơn rất nhiều.

Mẹ nhàn hơn nhờ áp dụng ăn dặm bé chỉ huy

Ngoài việc chăm con, các mẹ còn rất bận rộn với những công việc khác. Phương pháp ăn BLW chính là cứu tinh giúp mẹ trở nên nhàn nhã hơn rất nhiều:

  • Không cần phải đút từng thìa cho bé: Ăn dặm BLW khuyến khích bé tự ăn, tự bốc thức ăn. Do vậy, mẹ không còn bận rộn trong việc phải múc từng thìa bột và đút cho bé. Nhờ thế mà trong lúc con tự ăn mẹ có thể tranh thủ làm được nhiều công việc khác.
  • Không còn lo lắng cho con ăn bao nhiêu là đủ: Bé tự do trong việc quyết định ăn gì và ăn tùy theo nhu cầu của mình, không bị ép buộc ăn quá nhiều hoặc ít. Mẹ chỉ đóng vai trò là người cung cấp thức ăn cho bé và hỗ trợ bé trong quá trình ăn. Điều này giúp mẹ giảm được rất nhiều những lo lắng và băn khoăn.
  • Chuẩn bị bữa ăn đơn giản: Mẹ không còn phải cách rách trong việc chuẩn bị đồ ăn, nấu chín, xay nhuyễn, chế biến,…Thức ăn dặm chỉ huy chủ yếu là luộc và hấp, do vậy mà mẹ chỉ cần làm chín đồ ăn và cắt nhỏ ra phù hợp với con là được.
  • Con tự lập giúp mẹ nhàn hơn: Chính nhờ những đặc điểm của ăn dặm BLW mà con sớm hình thành được tính tự lập. Khi con lớn hơn, tự lập đã trở thành thói quen. Lúc này, mẹ sẽ bớt phần lo lắng, không phải đau đầu trong việc chăm sóc và dạy dỗ con.

Thời điểm thích hợp để cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy

ăn dặm blw
Thời điểm thích hợp để cho con ăn dặm BLW

BLW để cho trẻ ăn uống với thức ăn thô cắt nhỏ, trẻ tự nhai thức ăn thay vì ăn bột, cháo đã nhuyễn. Điều này sẽ gây ra khó khăn với những em bé ít tháng tuổi vì khả năng nhai nuốt là chưa có. Chính vì vậy mà ăn dặm chỉ huy khuyến khích phụ huynh áp dụng cho bé từ 6 tháng trở lên.

Mặc dù bé đã trên 6 tháng nhưng mẹ cũng phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác khi bắt đầu cho con ăn dặm BLW.

  • Con bắt đầu có biểu hiện muốn ăn dặm như chóp chép miệng, theo dõi cử động của người lớn trong bữa ăn
  • Con không đẩy lưỡi (phản xạ của trẻ nhỏ là hay đùn thức ăn ra khỏi miệng)
  • Con bắt đầu hay cầm nắm đồ vật nhiều hơn và có xu hướng đưa lên miệng

Khi thấy con có những biểu hiện trên và đặc biệt mẹ hãy theo dõi việc con có hay bị nghẹn hay không. Dựa vào đó có thể quyết định được thời điểm thích hợp để bắt đầu ăn dặm bé tự chỉ huy

Ghi nhớ 8 nguyên tắc vàng khi cho bé ăn dặm BLW

ăn dặm blw
Ghi nhớ 8 nguyên tắc vàng khi cho bé ăn dặm BLW

Bắt đầu cho bé tập ăn dặm chỉ huy cũng là cả một quá trình dài. Mẹ sẽ gặp khá nhiều khó khăn để hình thành được cho bé một thói quen ăn uống hợp lý. Nếu như mẹ đang có em bé chuẩn bị học ăn và đang ăn theo BLW thì đừng bỏ qua 8 nguyên tắc vàng của phương pháp này. Nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ cho mẹ dạy bé ăn:

Đeo yếm cho con khi ăn dặm BLW

ăn dặm blw
Đeo yếm cho con

Vì bé vẫn chưa có khả năng sử dụng bàn tay để cầm nắm thành thạo nên trong quá trình bốc thức ăn sẽ thường xuyên bị rơi vãi lên người hoặc ra sàn. Mẹ hãy chuẩn bị cho bé một chiếc yếm vừa người để con ăn được sạch sẽ hơn. Nên chọn loại yếm có vải mềm mịn, không gây kích ứng cho da của bé. Bên cạnh đó, hãy cho con tự lựa chọn màu sắc và hình dáng của yếm mà con thích. Con sẽ thích thú hơn khi đến giờ ăn vì lúc đó con sẽ được đeo chiếc yếm mà con đã chọn.

Duy trì giữa việc ăn dặm BLW và bú

ăn dặm blw
Duy trì giữa việc ăn dặm và bú

Dù ăn dặm BLW đã cung cấp cho bé một lượng lớn các dưỡng chất nhưng cũng không thể thiếu đi được dinh dưỡng đến từ sữa mẹ. Bởi vì “sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Các chuyên gia khuyên rằng, thời điểm để cai sữa mẹ là trong khoảng 18 – 24 tháng tuổi. Do vậy, trước thời điểm cai sữa mẹ hãy lên kế hoạch cho việc kết hợp ăn dặm chỉ huy và ti sữa một cách hợp lý.

Trong trường hợp thể chất của mẹ gặp khó khăn, không cung cấp đủ lượng sữa mà con cần thì hãy thay sữa mẹ thành sữa công thức. Sữa công thức nên được tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo các chất cần thiết cho con.

Đừng ép con ăn nếu con không muốn

ăn dặm blw
Đừng ép con ăn nếu con không muốn

Hãy thực hiện đúng với cái tên  “Ăn dặm bé chỉ huy”, mẹ hãy để bé tự do trong việc quyết định ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn bao lâu. Khi bé không muốn ăn nữa thì không nên ép ăn hay cố đưa thức ăn vào miệng bé. Điều này sẽ khiến bé bị nôn ọe, ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra sự ám ảnh tâm lý của con cho những bữa ăn tiếp theo.

Cắt thức ăn BLW cho con thành dạng que

ăn dặm blw
Cắt thức ăn cho con thành dạng que

Bất kì một loại thức ăn nào có kích thước lớn so với miệng bé, trước khi ăn mẹ phải trải qua giai đoạn xử lý chúng thành dạng que nhỏ. Việc này sẽ giúp con dễ dàng trong việc cầm nắm và nhai, nuốt. Mẹ cũng có thể biến tấu cho hình dạng của chúng đẹp mắt hơn để thu hút sự chú ý của con.

Đối với các loại thịt cá ăn dặm, trước khi cho bé ăn mẹ phải luộc hoặc hấp cho thật mềm. Thịt cá khó để cắt thành dạng que nên mẹ hãy cắt thành lát nhỏ, lưu ý là cắt ngang thớ để thịt mềm và giúp bé dễ nhai hơn.

Ăn dặm BLW từng chút một

ăn dặm blw
Ăn dặm từng chút một

Đối với những bé mới bắt đầu ăn dặm BLW, mẹ không nên cho con ăn quá nhiều thức ăn trong 1 bữa. Nếu làm vậy sẽ dẫn đến 2 vấn đề có hại cho trẻ. Thứ nhất, con sẽ bị choáng ngợp với lượng thức ăn nhiều, rơi vào tình trạng băn khoăn không biết phải xử lý chúng ra làm sao. Thứ hai, hệ tiêu hóa của con không đủ khả năng hấp thụ hết khiến cho con bị đi ngoài, nôn ói,..ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trung bình, một em bé 6 tháng mới ăn dặm sẽ tiếp nhận khoảng 30-60g thức ăn trong mỗi bữa. Khi nhận thấy con hứng thú với việc ăn uống, mẹ hãy cân nhắc tăng lượng thức ăn lên. Mỗi lần tăng cách nhau ít nhất 10 ngày và tăng không quá 15g thức ăn.

Việc ăn dặm từng chút và tăng dần theo thời gian sẽ giúp con ăn uống có khoa học, cảm nhận được thức ăn một cách trọn vẹn. Từ đó, con có sức khỏe tốt và phát triển về kỹ năng một cách toàn vẹn.

Ăn dặm chỉ huy có kỷ luật

Nhiều phụ huynh hay có thói quen dỗ con ăn bằng cách bế đi ăn rong, mở tivi, cho chơi đồ chơi, điều này chưa hẳn đã tốt cho bé. Khi trẻ đăng ăn dặm, vận động hay di chuyển nhiều dễ dẫn tới rối loạn men tiêu hóa, không tốt cho dạ dày và thói quen sinh hoạt của trẻ  Chưa kể bé chỉ ăn trong vô thức, không cảm nhận được hương vị ra sao, cũng không học được cách tự ăn.

Bế con đi ăn rong còn tạo ra một thói quen xấu cho con. Con sẽ quen với việc cứ đến giờ ăn là phải đi chơi, phải xem tivi và nếu không đạt được điều này bé sẽ quấy khóc, ăn vạ.

Hình thành giờ giấc ăn uống cho trẻ

ăn dặm blw
Hình thành giờ giấc ăn uống cho trẻ

Mẹ hãy luyện cho bé thói quen sinh hoạt và ăn uống đúng giờ giấc. Mẹ đừng lo rằng nếu bữa sáng con ăn ít thì nửa buổi phải ăn bù. Kể cả con cảm thấy đói thì mẹ cũng cần kiên nhẫn trong việc rèn cho con ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Sau này bé sẽ hình thành được một lịch sinh hoạt khoa học.

Thông thường đối với các bé mới tập ăn, nên cho bé ăn dặm 2 bữa/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Mỗi bữa ăn chỉ nên duy trì trong khoảng 30p, không ăn quá nhanh và cũng không để quá lâu.

Kiên nhẫn và cố gắng từng ngày

Chăm con nhỏ là cả một hành trình dài và nhiều khó khăn mà mẹ cần phải có nhiều kiên nhẫn. Bắt đầu cho con ăn dặm BLW sẽ gặp rất nhiều thử thách: con không chịu ăn, con bị hóc nghẹn, thức ăn vương vãi,…Mặc dù vậy thì mẹ hãy cố gắng từng ngày, đến một thời điểm con đã quen với ăn dặm tự chỉ huy thì mẹ sẽ nhàn hơn rất nhiều đấy.

Xây dựng thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé mới bắt đầu

4 nhóm thực phẩm tốt nhất khi cho bé ăn dặm chỉ huy

ăn dặm blw
4 nhóm thực phẩm tốt nhất khi cho bé ăn dặm chỉ huy

Trong ăn dặm chỉ huy, có 4 nhóm thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên thường xuyên sử dụng để làm thức ăn dặm cho bé đó là:

  • Các loại rau và củ: bao gồm cà rốt, khoai tây, bí đỏ, củ cải, bông cải xanh, cải thảo, đậu hà lan, su su, cải xoong, rau muống, rau đay, rau ngót, bí đao, cà chua, cà tím, ớt, rau bina, khoai lang,…Các loại rau củ này chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Bên cạnh đó, rau củ còn giúp hỗ trợ cho hệ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón ở trẻ
  • Các loại trái cây: như chuối, táo, lê, bơ, dứa, xoài, đu đủ, nho, dâu tây, dâu đen, cam, bưởi, quýt, …Trái cây được biết đến là một loại thực phẩm cung cấp dồi dào vitamin và chất chống oxy hóa cho cơ thể. Từ đó, chúng giúp bảo vệ các tế bào khỏi sự oxy hóa và hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ cũng như hệ thần kinh của trẻ.
  • Các loại đạm: như thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá, tôm, hến, trứng, đậu phụ, đậu xanh, đậu đen, hạt quinoa,… Trong quá trình phát triển của bé, không thể thiếu được các loại đạm vì nhóm thực phẩm này là nhân tố quan trọng cung cấp các amino axit. Đây là chất cần thiết để xây dựng và sửa chữa các tế bào trong cơ thể bé, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các cơ và xương.
  • Các loại chất béo và tinh bột: như bơ, dầu dừa, bánh mỳ, bánh quy, cám gạo, cám mì, yến mạch, mì ống,…Nhóm chất béo và tinh bột cung cấp năng lượng cho cơ thể bé, giúp bé tăng cân và phát triển một cách đầy đủ và khỏe mạnh.

Lưu ý rằng khi cho bé ăn dặm BLW, mẹ nên tập trung vào việc cung cấp các loại thực phẩm tự nhiên và tươi, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc có chứa đường và muối.

Điểm danh 20+ thực đơn ăn dặm BLW mà mẹ không nên bỏ qua

ăn dặm blw
20+ thực đơn ăn dặm blw mà mẹ không nên bỏ qua

Thực đơn ăn dặm bé chỉ huy là sự kết hợp của 4 nhóm thực phẩm chính ở trên. Baby Led Weaning ưu tiên các món luộc và hấp, do vậy mà việc chế biến các món ăn cho bé không gặp quá nhiều khó khăn cho mẹ.

Có thể mẹ vẫn chưa biết nên cho bé ăn những gì, kết hợp các món ăn như thế nào thì hãy lưu ngay 20+ thực đơn ăn dặm BLW siêu ngon và bổ dưỡng dưới đây nhé!

STT Thực đơn
1 Súp lơ hấp chín, Cà rốt thái miếng dài luộc nhừ, Súp khoai tây bơ.
2 Cá hồi chiên không dầu, Cà rốt và đậu hà lan hấp, Thanh long đỏ
3 Măng tây luộc, Lòng đỏ trứng gà luộc, Canh rau bina, Quả kiwi.
4 Thịt bò hấp rắc phô mai, Su su luộc, Khoai lang vàng hấp, Quýt múi.
5 Đậu luộc, Mì sợi xào súp chua ngọt, Thịt bò cuộn măng tây, Dâu tây.
6 Cà rốt, khoai tây, bí đỏ hấp chín, Nho xanh
7 Bánh mì nướng phomai cắt miếng, Bơ dằm sữa chua
8 Thịt heo hấp, Rau cải luộc, Trái cây cắt nhỏ: chuối, táo, lê, đào, nho, kiwi
9 Tôm chiên giòn, cắt nhỏ, Cải bó xôi, cải ngọt luộc chín
10 Nui sốt cà chua, cắt nhỏ; Sữa chua, trái cây cắt nhỏ, hạt chia
11 Bánh mì cuộn thịt bằm; Súp lơ, cà rốt, khoai tây hấp; Táo
12 Trứng luộc, cắt nhỏ; Hạt đậu xanh luộc chín; Dâu tây
13 Cơm trộn thịt bò, Rau củ luộc; Đu đủ
14 Nghêu hấp, cắt nhỏ; Cà rốt, khoai tây, bí đỏ nướng chín; Cam
15 Bánh pizza, cắt miếng; Khoai tây chiên, Kiwi
16 Cá ngừ hấp, cắt nhỏ; Bánh mì nướng với trứng, phô mai, Rau củ
17 Cải thảo xào tỏi; Thịt bò xào hành tây; Dưa chuột
18 Cơm khuôn, tôm hấp, bông cải xanh, chuối
19 Hàu, Bánh ngũ cốc, Ngô bao tử, Nho
20 Cơm ruốc cá hồi, Chuối, Bò xào đỗ xanh, Đậu bắp hấp
21 Thịt bò nướng, Cà rốt, đậu ve hấp, Nho xanh
22 Thịt viên chiên, Nui, Củ cải, măng luộc
23 Cá tilapia nướng, Khoai lang tím hấp, Chuối chín
24 Cơm nắm hạt chia, Bí xanh luộc, hành tây hấp, ớt chuông, Xoài

 

Những thực đơn này không áp dụng cho tất cả các tháng tuổi vì khả năng nhai nuốt, tiêu hóa của mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau. Do vậy, trước khi cho bé ăn mẹ cần tìm hiểu kỹ về loại thực phẩm đó, cân nhắc để phù hợp với bé nhà mình. Ngoài ra, mẹ cũng có thể kết hợp thêm nhiều loại thực phẩm khác nhau để thay đổi khẩu vị cho bé.

Gợi ý thực đơn tuần đầu ăn dặm tự chỉ huy cho mẹ

Khi cho con ăn dặm tự chỉ huy, mẹ nên chú ý trong việc xây dựng cho bé một kế hoạch ăn uống đúng khoa học, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết theo tháng tuổi cho bé. Nếu mẹ đang băn khoăn không biết nên lựa chọn kết hợp các món ăn như thế nào thì đừng bỏ qua thực đơn 1 tuần ăn dặm Sakura Montessori gợi ý cho mẹ.

ăn dặm blw
Thực đơn 1 tuần ăn dặm BLW

Đối với các bé từ 6 – 7 tháng tuổi mới học ăn dặm, mẹ nên chú ý hấp kỹ thức ăn cho thật mềm và cắt nhỏ ra vừa với miệng của bé. Bên cạnh đó, lượng thức ăn cung cấp cũng không quá lớn, không quá nhiều chất để đảm bảo bé có thể tiêu hóa được tốt.

Khi bé đã quen với việc ăn dặm, bước sang tháng thứ 8 trở đi, mẹ hãy linh hoạt thay đổi khẩu phần ăn, thêm món mới vào chế độ ăn cho bé để giúp bé ăn ngon hơn.

Thực đơn trên đây đã được SMIS sắp xếp phù hợp theo từng tháng tuổi để mẹ có những lựa chọn thích hợp với bé yêu nhà mình. Tuy nhiên, thực đơn chúng tôi đề xuất chỉ mang tính tham khảo, không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi bé. Mỗi bé sẽ có những đặc điểm sinh lý khác nhau. Do vậy để đảm bảo cho sự phát triển của bé nhà mình, mẹ hãy tìm hiểu và hỏi thêm ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nhé!

Những lưu ý quan trọng khi mẹ tập cho bé ăn chỉ huy

Các thực phẩm nên tránh khi lên thực đơn ăn dặm chỉ huy cho bé

Mặc dù ăn dặm BLW khuyến khích các thức ăn thông thường nhưng không có nghĩa con có thể hấp thụ được tất cả các loại thực phẩm. Đặc biệt, đối với những trẻ dưới 12 tháng, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn. Dưới đây là một số thực phẩm mà mẹ nên loại bỏ ra khỏi khẩu phần ăn của con:

  • Mật ong: Trong mật ong thường chứa bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum, nó sẽ khiến bé nhà bạn dễ bị ngộ độc.
  • Sữa bò: Có rất nhiều trẻ sơ sinh bị dị ứng với đạm sữa bò và sữa động vật khác. Chưa kể nếu không dị ứng thì cũng khó có thể tiêu hóa với protein trong sữa. Hãy thay sữa bò với sữa mẹ và sữa công thức.
  • Rau sống: Rau sống chứa rất nhiều vi khuẩn và sán dù đã qua xử lý nước sạch. Bên cạnh đó trong rau sống chứa hàm lượng nitrat cao không phù hợp với trẻ.
  • Thức ăn cứng/giòn: Thức ăn cứng hoặc giòn sẽ dễ khiến trẻ bị nghẹn và hóc. Các thực phẩm như củ quả, hạt các loại cần được xử lý tới độ mềm mà bé có thể nhai.
  • Thức ăn dính: Cũng giống như thức ăn cứng, thức ăn dính như thạch, kẹo dẻo cũng làm cho bé gặp khó khăn trong việc xử lý.
  • Chocolate: Không nên cho trẻ ăn chocolate vì nó có chứa caffeine. Bất kì thực phẩm nào chứa chất này thì mẹ tuyệt đối không cho bé sử dụng
  • Lòng trắng trứng: Lòng vàng của trứng rất tốt cho bé nhưng ngược lại lòng trắng trứng có thể gây kích ứng, phát ban, thậm chí kích hoạt hệ tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy
  • Đường: Đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ không nên cho đường vào chế biến thức ăn vì sẽ làm tăng lượng đường trong cơ thể bé lên. Đường còn làm ảnh hưởng đến hương vị của bé, khiến bé bắt đầu không muốn uống sữa mẹ.
  • Thực phẩm đóng hộp: Đồ đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia không thích hợp cho việc ăn dặm của bé.

Cách xử lý khi con ăn dặm tự chỉ huy bị hóc, nghẹn

Phương pháp ăn dặm này thường là thức ăn cắt nhỏ ra, không xay nhuyễn do vậy cũng làm tăng khả năng trẻ có thể bị hóc, nghẹn khi ăn. Nếu bé bị hóc nghẹn trong quá trình ăn dặm BLW, mẹ hãy lập tức thực hiện các biện pháp cứu hộ như sau:

  • Kiểm tra tình trạng của bé: Nếu bé ho, khó thở, hoặc không thở được, mẹ cần lập tức thực hiện các biện pháp cứu hộ.
  • Đặt bé trên đùi và đánh vào lưng: Nếu bé đang hóc, hãy đặt bé trên đùi của mẹ và đánh vào lưng của bé trong khi giữ bé chặt. Đánh vào lưng của bé từ phía sau lên phía trên, cho đến khi thức ăn bị hóc bị đẩy ra.
  • Nếu bé không thở được, thực hiện thao tác Heimlich: Nếu bé không thở được và các biện pháp đánh lưng không thành công, hãy thực hiện thao tác Heimlich. Để thực hiện thao tác này, mẹ cần đứng sau bé và bao quanh bé bằng hai tay của mình, đặt một tay vào bụng của bé, phía dưới xương sườn, và sử dụng tay kia để nắm chặt đồng thời kéo lên và hướng lên trên. Lặp lại động tác này cho đến khi thức ăn bị đẩy ra.
  • Gọi cấp cứu: Nếu bé vẫn không thở được sau khi thực hiện các biện pháp trên, hãy gọi điện thoại cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bé đến bệnh viện gần nhất.

Hãy lưu ý rằng, nếu bé bị hóc nghẹn, mẹ hãy giữ bình tĩnh và thực hiện các biện pháp cứu hộ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho bé. Sau khi bé đã an toàn, hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe của bé.

Kết luận

Ăn dặm BLW là một phương pháp ăn dặm mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, không chỉ giúp con phát triển về thể chất mà còn hình thành cho con những thói quen và kỹ năng quan trọng ngay từ những tháng tuổi đầu đời. Đây cũng là phương pháp mà mẹ có thể thoải mái trong việc lựa chọn thực đơn cho con. Sakura Montessori hy vọng rằng nội dung trên mang đến cho mẹ những thông tin hữu ích trong hành trình chăm con đầy khó khăn của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bà mẹ trên hành trình này!

4/5 (1 Review)

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm