Đã bao giờ ba mẹ “dành tối đa” thời gian để chơi cùng con? Đã bao giờ ba mẹ rơi vào tình huống muốn chơi cùng con nhưng không biết chơi trò chơi nào? Chơi cùng con như thế nào để các con vừa vui vừa có thể phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và cả tinh thần?

Hãy cùng Sakura Montessori tham khảo các trò chơi đặc biệt dưới đây. Bởi mỗi trò chơi là một phương tiện gắn kết ba mẹ và con cái cũng như giúp ba mẹ thêm gần gũi và thấu hiểu các con hơn.

Hãy “bỏ điện thoại xuống và chơi cùng con mỗi ngày” ba mẹ nhé!

1. Trò chơi phi tàu bay

Trò chơi phi tàu bày có lẽ rất quen thuộc với ba mẹ khi còn bé. Và chúng ta dễ dàng chơi cùng con trò chơi đơn giản này khi các con từ 1 – 6 tuổi.

Cách chơi: Cha mẹ nằm trên giường hoặc sàn nhà, hai chân duỗi thẳng lên trời, bàn chân đặt ngang hơi hướng lên trên rồi từ từ nâng đỡ cơ thể bé. Để bé nằm trên 2 bàn chân bố, mặt hướng xuống dưới, bố mẹ có thể dùng tay mình đỡ 2 bên cánh tay con sao cho giống hình ảnh lúc máy bay khởi hành. Điều đặc biệt ba mẹ cần chú ý chính là giữ cân bằng và chỉ nên lắc người bé một cách nhẹ nhàng để tạo cho bé cảm giác như đang được phi tàu bay.

the dewey school

2. Trò chơi lái ô tô

Trò chơi lái ô tô sẽ rất thích hợp nếu các bố chơi cùng với các bé trai từ 1 đến 6 tuổi. Cảm giác như được lái ô tô thực tế cùng những tiếng cười vui vẻ, thú vị sẽ mang tới cho các bé những khoảnh khắc đáng nhẽ.

Cách chơi: Ba mẹ đặt trẻ ngồi trên đùi, sau đó làm động tác lắc lư, đung đưa để tạo cảm giác như xe ô tô đang di chuyển. Chiếc xe có lúc lên xuống dốc, có lúc chòng chành ngả nghiêng rồi lắc phải lắc phải, có khi còn phanh gấp sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú. Xe cứ đi cứ đi, đột nhiên khựng lại, hóa ra là gặp chút vấn đề, cần con xuống sửa sang lại 1 chút rồi mới đi tiếp được. Điều quan trọng đó là ba mẹ chuyển động nhịp nhàng để tạo cảm giác thật như lái ô tô cho bé.

3. Trò chơi chèo thuyền trên cạn

Chèo thuyền trên cạn là trò chơi vận động đơn giản mà các ba mẹ có thể chơi cùng con mỗi ngày.

Cách chơi: Ba mẹ để trẻ ngồi trên đùi ba/mẹ sau đó ba/mẹ sẽ từ từ di chuyển trên sàn bằng tay hoặc có thể chỉ cần lắc lư người, cách chơi này phù hợp với trẻ nhỏ. Hoặc ba/mẹ ngồi đối diện với con, 2 người cầm tay nhau giống như trò kéo cưa lừa xẻ rồi sau đó mô phỏng dáng chèo thuyền khi gặp gió to, sóng lớn hay đá ngầm..để tăng thêm phần thú vị. Cách chơi này sẽ phù hợp với trẻ có độ tuổi lớn một chút. Điều lưu ý là ba mẹ không nên lôi kéo quá mạnh, tránh trường hợp vô tình làm trẻ bị đau.

4. Trò chơi người máy

Ba mẹ có thể chơi trò người máy với trẻ từ 1 tuổi trở lên. Đây cũng là một hoạt động thú vị giúp các bé có những cảm nhận vận động đặc biệt theo nhịp chân của cha mẹ.

Cách chơi: Trò chơi này vô cùng đơn giản, chỉ cần cho bé đứng lên 2 bàn chân của người lớn, miệng vừa hô khẩu lệnh vừa cùng nhau tiến về phía trước. Có thể coi cúc áo hoặc mũi của bé là công tắc người máy, ấn 1 phát là người máy di chuyển, ấn lần nữa người máy sẽ dừng lại. Ba mẹ có thể tương tác với bé bằng những câu nói như: “Ba/mẹ ấn công tắc thì người máy bắt đầu di chuyển nhé!”. Khi chơi với trẻ nhỏ, ba/mẹ có thể đỡ 2 tay dưới nách trẻ còn nếu trẻ đã lớn 1 chút, chúng ta chỉ cần kéo nhẹ tay bé là được. Để trò chơi thêm phần thú vị, chúng ta có thể cố ý đặt vài chiếc gối mềm hoặc một vật tượng trưng nào đó trên đường đi coi như chướng ngại vật thử thách “người máy”.

5. Trò chơi thang máy

Trò chơi này phù hợp với trẻ từ 1-6 tuổi. Nhưng để chơi cùng con an toàn, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý: Khi nhấc bé lên cần phải thuận theo lực của bé, không được rời chân ra khỏi chân con, tránh làm mạnh đột ngột nếu không sẽ dễ khiến bé bị sái tay. Đây là trò chơi phải dùng sức nên thích hợp hơn khi các bố chơi với con.

Cách chơi: Để trẻ đứng đối diện với ba/ mẹ, cả 2 chân cùng đứng trên 1 chân của ba/mẹ, sau đó chúng ta kéo nhẹ 2 tay bé và cử động chân lên xuống để tạo cảm giác như đang di chuyển bằng thang máy. Đối với trẻ hơi lớn 1 chút, chúng ta có thể yêu cầu con hợp lực với mình trong trò chơi này. Ví dụ như khi ba/mẹ nâng chân lên, con hãy nhảy theo lên để ba/mẹ tiết kiệm sức.

6. Trò chơi cuốn nem

Đối với trò chơi này, bạn có thể vừa cùng con chơi vừa dạy con hát, đọc thơ, đọc vè…Ba mẹ có thể tương tác với con bằng những câu nói thú vị: “Thái thái, nặn nặn,… Ôi chà, nhân nem sắp hoàn thành rồi đây!”.

Cách chơi: Ba/mẹ sẽ đóng vai đầu bếp, để con làm miến, thịt, rau, bánh đa… Đầu bếp sẽ làm động tác băm, chặt, thái, cuộn, nặn… với “thực phẩm” của mình, chắc chắn trò này sẽ khiến trẻ phải cười khanh khách vì thích thú. Mô phỏng hành động giống thực tế một chút sẽ kích thích sự hứng thú của trẻ hơn. Sau một lượt như vậy, có thể đổi lại để ba/mẹ là thực phẩm, con làm đầu bếp.

7. Trò chơi bánh áp chảo

Bánh áp chảo là gì? Ba mẹ có thể tưởng tượng đó là trò nướng bánh thông thường. Điểm đặc biệt chính là sẽ có 1 người “đại diện” cho chiếc bánh, những người còn lại là “bàn tay của đầu bếp”.

Cách chơi: Cho trẻ nằm trên sàn hoặc trên giường, ba mẹ vừa lật qua lật lại người con như đang nướng bánh, vừa đọc to bài thơ:

“Lật bánh rồi nướng bánh

Một chiếc bánh có nhân

Nướng xong gắp ra ngoài

Bánh tỏa hương thật thơm”.

“Chúng ta nhanh tay lật bánh nướng không cháy mất rồi!”.

Sự tương tác của ba mẹ với trẻ thông qua các câu nói, các mẩu thơ sẽ khiến các con thêm hào hứng và yêu thích trò chơi này hơn. Sau đó, các bạn có thể đổi làm vai cho con. Trò chơi này phù hợp cho trẻ từ 2-6 tuổi.

0/5 (0 Reviews)