Bé 6 tháng tuổi là thời kỳ đầu tiên bước vào giai đoạn ăn dặm. Do đó, để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ, mẹ cần quan tâm sát sao và có kế hoạch ăn uống sinh hoạt khoa học cho trẻ. Ăn dặm thế nào để giúp bé tăng cân đều đặn, phát triển toàn diện? Các món ăn dặm cho bé 6 tháng cần đảm bảo những gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này, mẹ hãy theo dõi nhé!
Bé 6 tháng tuổi cần cung cấp những chất gì?
Bước vào giai đoạn 6 tháng tuổi, cơ thể của trẻ đã bắt đầu có nhiều thay đổi và nhu cầu về dinh dưỡng cũng tăng lên. Trong thời gian này, hệ tiêu hóa của trẻ cũng đã dần phát triển hơn so với giai đoạn trước, do đó mẹ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng để bé được phát triển khoa học. Những chất dinh dưỡng mà mẹ cần đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé đó là:
Tinh bột
Tinh bột cung cấp năng lượng cho bé tham gia vào các hoạt động vận động như bò, ngồi, nói chuyện hoặc chỉ đơn giản là di chuyển và khám phá thế giới xung quanh. Nhờ có năng lượng từ tinh bột, bé có thể phát triển cơ bắp và hệ xương, hỗ trợ sự phát triển tư duy và tăng cường sự phát triển toàn diện. Bé 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột, như bột gạo, bột ngũ cốc hoặc bột khoai môn, khoai lang.
>>Xem thêm: Tổng hợp 15 món ăn dặm từ khoai lang cho bé bổ dưỡng, mau lớn
Chất đạm
Chất đạm là thành phần cấu tạo của cơ bắp, mô và hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bé 6 tháng tuổi có thể nhận chất đạm từ thực phẩm như thịt nạc (gà, bò, lợn), cá, trứng, đậu, đỗ, lạc, hạt và sản phẩm sữa.
>>Xem thêm: Điểm danh 17 món ăn dặm từ thịt bò cho bé mà mẹ không thể bỏ qua
Chất béo:
Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng cao và cần thiết cho việc hấp thụ một số loại vitamin. Đối với bé 6 tháng tuổi, chất béo chủ yếu nằm trong thức ăn như dầu thực vật, dầu cá, và sản phẩm sữa (ví dụ như sữa mẹ hoặc công thức sữa chứa chất béo cần thiết cho sự phát triển của bé).
Chất xơ:
Chất xơ là một loại carbohydrate không hấp thụ được, nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tiêu hóa. Bé 6 tháng tuổi có thể ăn dặm các thực phẩm có chất xơ từ các loại rau và hoa quả đã được xay nhuyễn mịn và nấu chín, giúp hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
>>Xem thêm: 7 cách kết hợp rau củ quả cho bé ăn dặm thích mê
Vitamin và khoáng chất:
Các loại vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của bé. Bé 6 tháng tuổi cần nhận được các dưỡng chất này thông qua chế độ ăn uống hoặc các bổ sung dinh dưỡng (nếu cần). Vitamin và khoáng chất quan trọng bao gồm vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, kẽm, và nhiều loại khác.
Chế độ ăn dặm khoa học cho bé 6 tháng
Chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng cần được thực hiện một cách khoa học và cẩn thận, để đảm bảo bé nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết và phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là hướng dẫn chung về chế độ ăn dặm khoa học cho bé 6 tháng, mẹ hãy lưu lại nhé!
Thời điểm bắt đầu ăn dặm:
Bắt đầu ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi là lựa chọn lý tưởng, khi hệ tiêu hóa của bé đã đủ phát triển để tiếp nhận thực phẩm rắn. Trước khi bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy tìm hiểu các dấu hiệu bé đã sẵn sàng, như giữ đầu vững vàng, có khả năng ngồi ổn định, biểu hiện quan tâm đến thực phẩm người lớn ăn và đã giảm nhu cầu bú sữa.
Bắt đầu từng loại thực phẩm một:
Bé nên được giới thiệu từng loại thực phẩm mới một cách từ từ, trong khoảng thời gian một đến hai tuần cho mỗi loại. Điều này giúp phát hiện các phản ứng dị ứng, tiêu hóa và sẵn lòng của bé đối với từng loại thực phẩm.
Bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa:
Đối với bé 6 tháng tuổi, các loại thực phẩm như bột gạo, bột ngũ cốc không gluten (như bột ngũ cốc gạo, bột ngũ cốc yến mạch), khoai tây, bí đỏ, và các loại rau như bí ngô, cà rốt, đậu que là lựa chọn tốt để bắt đầu.
Xay nhuyễn thực phẩm:
Các loại thực phẩm cần được xay nhuyễn mịn hoặc nấu chín mềm trước khi cho bé ăn. Đảm bảo thực phẩm được nghiền nhuyễn để bé có thể tiêu hóa dễ dàng và tránh nguy cơ nghẹn.
Cung cấp thực phẩm đa dạng:
Đảm bảo bé nhận được đủ các nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hãy cân nhắc đưa vào chế độ ăn dặm của bé thịt nạc (gà, bò, lợn), cá, trứng, đậu, đỗ, lạc, hạt, các loại rau củ và hoa quả đa dạng.
Hãy tôn trọng lựa chọn của bé:
Mỗi bé có thể có sở thích và nhu cầu dinh dưỡng riêng. Mẹ hãy quan sát và lắng nghe bé để điều chỉnh chế độ ăn dặm sao cho phù hợp và bé cảm thấy thoải mái khi tiếp nhận thực phẩm mới.
Sử dụng thời gian ăn dặm để tạo môi trường thoải mái:
Ăn dặm không chỉ là việc cung cấp dinh dưỡng cho bé mà còn là cơ hội để bé khám phá thế giới thực phẩm và phát triển kỹ năng ăn uống. Hãy tạo môi trường ăn dặm vui vẻ, thoải mái và không gây áp lực để bé có thể tận hưởng quá trình này.
Tổng hợp 50 món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi thơm ngon bổ dưỡng
Các món ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng
Ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Khi bé bắt đầu làm quen với thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, ăn dặm truyền thống là phương pháp giúp bé nhận được các chất dinh dưỡng đa dạng, từ vitamin, khoáng chất đến chất xơ và chất béo. Điều này hỗ trợ phát triển tiêu hóa của bé, giúp hấp thụ và tiêu hóa chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Ăn dặm truyền thống đã khá quen thuộc với đa số phụ huynh Việt Nam, do đó món ăn dặm truyền thống cũng được chế biến đa dạng nhiều loại. Mẹ hãy tham khảo ngay một số món ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng ngay dưới đây nhé!
- Cháo khoai môn
- Khoai lang trộn sữa mẹ
- Súp bí đỏ
- Súp khoai tây
- Súp ngô ngọt nấm hương
- Cháo cà rốt
- Cháo lòng đỏ trứng gà
- Cháo súp lơ thịt heo
- Cháo thịt gà rau ngải
- Cháo rau bina thịt bò
- Cháo thịt bò hành tây
- Cháo cá hồi
- Cháo chim bồ câu hầm
- Cháo óc heo hạt sen
- Cháo cá ngừ nấm tuyết
Món ăn dặm BLW cho bé 6 tháng không thể bỏ qua
Ăn dặm BLW hay còn gọi là ăn dặm chỉ huy, là một phương pháp được đánh giá rất cao từ các chuyên gia dinh dưỡng. Bằng cách cho bé chọn và cầm thực phẩm, BLW khuyến khích bé phát triển kỹ năng tự lập trong việc ăn uống. Bé tự điều chỉnh lượng thực phẩm và tốc độ ăn, giúp bé có kiểm soát về dinh dưỡng và sự đói no của mình.
Để giúp bé có những bữa ăn ngon với phương pháp BLW, Sakura Montessori sẽ đề xuất một số món ngon sau, mẹ và bé cùng tham khảo nhé!
- Súp lơ hấp
- Củ cải luộc
- Cà rốt, bí xanh luộc
- Ngô bao tử xào
- Khoai lang tím hấp
- Cá hồi xào măng tây
- Nui sốt cà chua
- Cá tilapia nướng
- Thịt bò hấp sả
- Thịt heo cuộn bắp cải
- Chả trứng rau củ
- Cơm nắm trộn ruốc cá hồi
- Cá ngừ hấp
- Bò xào đỗ xanh
- Ức gà cuộn rong biển
Bé 6 tháng ăn dặm với các món kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật (Ishoku Dogen) mang đến nhiều lợi ích quan trọng cho bé 6 tháng tuổi. Phong cách này đa dạng thực phẩm, cho phép bé tiếp cận nhiều loại rau củ, trái cây, đậu, đỗ và các loại cá, thịt nạc, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Đây là một phương pháp ăn dặm giúp bé phát triển toàn diện, do đó mẹ hãy thử áp dụng cho bé yêu với những món ăn sau đây nhé!
- Cháo trắng rây 1:10
- Khoai lang nghiền trộn nước dashi
- Khoai tây nghiền sữa
- Cháo bánh mì sữa chua
- Khoai tây cải thìa nghiền
- Cháo bánh mì
- Súp Miso
- Mì ramen
- Nui sốt bí đỏ
- Cháo cá hồi
- Cơm nát nắm rong biển
- Cà rốt nghiền trộn tofu, sữa mẹ
- Sữa đậu nành trộn chuối nghiền
- Thịt bò viên
- Chả nấm tổng hợp
Các món phụ cho bé ăn dặm 6 tháng
Bên cạnh những món ăn dặm chính trong bữa ăn hàng ngày của bé, mẹ cũng có thể đưa thêm những món ăn phụ vào nửa buổi cho bé. Các món phụ cho bé thường là các loại hoa quả, trái cây giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ.
Một số món ăn dưới đây mẹ có thể cho bé ăn dặm:
- Bơ dầm sữa mẹ
- Bơ, chuối nghiền
- Chuối dầm sữa mẹ
- Sinh tố xoài
- Sinh tố mãng cầu
- Sinh tố táo, lê
Hướng dẫn chi tiết cách làm một số món ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
Dựa trên những món ăn dặm cho bé 6 tháng ở trên, sau đây Sakura Montessori sẽ hướng dẫn cho mẹ cách làm một số món ăn dặm bổ dưỡng, tăng vị giác cho bé. Mẹ hãy lưu lại những công thức sau đây và áp dụng cho bé yêu nhà mình nhé!
Cháo trắng rây 1:10
Cháo trắng rây là món ăn đầu tiên bé sẽ được làm quen khi bắt đầu ăn dặm. Với nguyên liệu chủ yếu từ gạo, món ăn này sẽ cung cấp cho bé một nguồn năng lượng giúp bé có thể hoạt động nhiều hơn trong ngày
Nguyên liệu
- 20g gạo tẻ
- 200ml nước lọc
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức (có thể có hoặc không)
Cách làm:
- Gạo tẻ ngâm nước trong 30 phút để gạo nở. Vo gạo thật sạch, để ráo nước sau đó đổ gạo và 200ml nước vào nồi đun sôi.
- Khi cháo sôi, hạ lửa nhỏ và ninh trong 20 phút để hạt gạo nở và chín nhừ
- Khi cháo đã chín nhừ, tắt bếp sau đó múc từng thìa cháo lọc qua rây. Dùng thìa để miết cháo qua rây được nhuyễn hơn
- Nếu cháo đặc, mẹ có thể thêm 2 – 3 thìa sữa để cháo được lỏng hơn, sẽ giúp bé dễ dàng nuốt hơn
Cháo ngô ngọt
Ngô ngọt là một trong những loại thực phẩm phù hợp cho bé 6 tháng ăn dặm. Ngô ngọt chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như carbohydrate, protein, chất xơ, vitamin B, và khoáng chất như magie, kali, và phốt pho. Những chất này rất quan trọng trong quá trình phát triển và tăng trưởng của bé.
Nguyên liệu:
- 20g gạo tẻ
- 30g ngô ngọt tách hạt
- 50 – 60ml sữa mẹ
- Nước lọc
Cách làm:
- Gạo ngâm nước trong 30 phút sau đó vo sạch, để ráo nước và đổ vào nồi cùng một ít nước lọc để nấu thành cháo. Đun cháo với lửa vừa trong 20 phút để cháo nở
- Trong thời gian đó, rửa sạch ngô đã tách hạt. Cho ngô đi hấp hoặc luộc chín. Khi ngô chín, vớt ra và cho vào máy xay với sữa mẹ. Thêm một ít nước lọc nếu hỗn hợp quá đặc, khó xay
- Rây hỗn hợp ngô xay để hỗn hợp được mịn hơn
- Khi cháo đã chín, hạt gạo đã nở bung và nhừ hết ra thì thêm hỗn hợp ngô sữa đã xay vào và khuấy đều. Đun sôi cháo ngô trong 5 phút và tắt bếp, sau đó chờ cháo nguội và cho bé ăn.
Cháo thịt bò hành tây
Thịt bò được rất nhiều phụ huynh lựa chọn khi cho bé ăn dặm bởi nhiều dưỡng chất mà nó đem lại. Thịt bò khi kết hợp với hành tây sẽ đem lại cho bé một hương vị thơm ngon, lạ miệng và giúp bé có một nguồn năng lượng phát triển mạnh mẽ
Nguyên liệu:
- 20g gạo tẻ
- 20g thịt bò xay
- 1/3 củ hành tây
- Nước lọc
Cách làm:
- Đầu tiên, mẹ nấu cháo trắng với cách làm tương tự như bình thường
- Hành tây rửa sạch, băm nhỏ. Làm nóng chảo và thêm một chút dầu ăn dặm, phi thơm hành đã băm. Sau đó cho thịt bò băm vào đảo cùng trong 5 phút rồi tắt bếp
- Cháo trắng nấu trong 15 – 20 phút để gạo nở và nhừ, tiếp theo đổ hỗn hợp thịt bò xào hành tây vào nồi đun cùng trong 10 phút nữa để thịt bò mềm.
- Mẹ có thể xay cháo để cháo được mịn hơn nếu như bé vẫn chưa thành thạo trong việc nhai, nuốt.
Ức gà cuộn rong biển
Ức gà cuộn rong biển là một món ăn dặm dành cho bé ăn theo phương pháp BLW. Thịt gà là một nguồn giàu protein, cần thiết để xây dựng và duy trì cơ bắp, mô tế bào, mô xương và các cơ quan của cơ thể bé.Trong khi đó, rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin (C, A, B12), khoáng chất (sắt, iodine, kẽm), protein và chất xơ. Đây sẽ là một món ăn giúp tăng vị giác cho bé
Nguyên liệu:
- 40g ức gà xay nhuyễn
- 1/4 củ cà rốt
- 1/4 củ hành tây
- 15g nấm hương
- Lá rong biển khô (loại không tẩm gia vị)
Cách làm
- Cà rốt, hành tây, nấm hương rửa sạch sau đó băm nhuyễn. Mẹ có thể dùng máy xay để xay các nguyên liệu
- Trộn thịt ức gà xay với hỗn hợp trên, thêm một ít gia vị ăn dặm (nếu có) trộn cùng
- Lá rong biển cắt thành từng miếng vừa lòng bàn tay. Cho từng thìa hỗn hợp thịt gà đã trộn lên lá rong biển và cuộn lại
- Làm chín ức gà cuộn rong biển bằng cách áp chảo hoặc nướng trong nồi chiên không dầu.
Cà rốt nghiền trộn tofu, sữa mẹ
Cà rốt nghiền trộn tofu, sữa mẹ là một món ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Đây là món ăn dặm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có cách làm khá đơn giản nhưng mang lại hương vị thơm ngon, mới lạ cho bé.
Nguyên liệu:
- 1/2 củ cà rốt
- 30g đậu hũ non
- 50 – 60ml sữa mẹ
Cách làm:
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc nhỏ. Làm chín cà rốt bằng cách hấp hoặc luộc trong 10 – 15 phút để cà rốt chín nhừ
- Cà rốt sau khi chín nhừ, mẹ có thể dằm nhuyễn hoặc xay nhuyễn. Tiếp theo, thêm đậu phụ non vào và trộn đều cùng với cà rốt.
- Múc từng thìa hỗn hợp trên qua rây lọc để hỗn hợp được mịn hơn
- Thêm sữa mẹ vào và trộn đều để được món ăn dặm cà rốt nghiền trộn tofu, sữa mẹ thơm ngon cho bé yêu.
Trên đây là tổng hợp các món ăn dặm cho bé 6 tháng mà mẹ không nên bỏ qua. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý những chất dinh dưỡng và chế độ ăn khi cho bé ăn dặm mà chúng tôi đã gợi ý trong nội dung trên. Hy vọng rằng mẹ đã có ý tưởng cho bữa ăn của bé trong ngày hôm nay. Sakura Montessori chúc mẹ và bé luôn có sức khỏe tốt và luôn có những giây phút hạnh phúc trong những bữa ăn