Trong giai đoạn ăn dặm, ngay từ khi bắt đầu mẹ đã cần bổ sung các loại rau củ cho bé ăn dặm để đảm bảo bé nhận được các dưỡng chất cơ bản và cần thiết nhất. Rau củ là đại diện cho chất xơ mà mỗi em bé đều cần bổ sung hằng ngày để đảm bảo cho việc ăn uống lành mạnh, tiêu hóa tốt hơn. Bên cạnh đó, rau củ còn chứa nhiều các chất dinh dưỡng khác như tinh bột, vitamin, khoáng chất,…Hiện nay, có rất nhiều loại rau củ trên thị trường nhưng có thể mẹ vẫn chưa biết đâu là loại nên cho bé ăn dặm. Ngay sau đây, Sakura Montessori sẽ giúp mẹ tìm hiểu về những loại rau củ tốt cho bé ăn dặm.
Vì sao nên bổ sung rau củ cho bé ăn dặm?
Bổ sung rau củ vào chế độ ăn dặm của bé có nhiều lợi ích quan trọng vì chúng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và sức kháng của bé. Có một số lợi ích từ rau củ cho bé ăn dặm mà mẹ không nên bỏ qua đó là:
- Cung cấp dưỡng chất quan trọng: Rau củ là nguồn vitamin, khoáng chất, chất xơ, và các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, vitamin A, kali, folate và nhiều chất chống oxy hóa. Các dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Rau củ chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp củng cố hệ thống miễn dịch của bé, giúp bé chống lại các bệnh tật và nhiễm khuẩn.
- Tạo thói quen ăn uống lành mạnh: Có rất nhiều bé lười ăn rau vì hương vị không hấp dẫn như thịt cá. Bắt đầu bổ sung rau củ cho bé từ khi còn nhỏ có thể giúp bé phát triển thói quen ăn rau củ trong tương lai. Việc này giúp bé phát triển một chế độ ăn cân đối và làm giảm nguy cơ ăn quá nhiều thức ăn không tốt cho sức khỏe.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Rau củ chứa chất xơ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa của bé và giảm táo bón.
- Đa dạng hóa chế độ ăn: Bổ sung rau củ giúp đa dạng hóa chế độ ăn của bé, tạo ra nhiều hương vị khác nhau, giúp bé phát triển khẩu vị. Rau củ cũng rất dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác như thịt heo, thịt gà, cá,..tạo nên món ăn dặm thơm ngon cho bé.
Tổng hợp các loại rau cho trẻ ăn dặm
Bổ sung rau cho bé ăn dặm mang lại rất nhiều chất dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Rau cũng rất dễ chế biến, nhanh chín nên rất phù hợp để nấu cho bé ăn dặm thường xuyên. Có lẽ mẹ cũng đã quen với việc sử dụng các loại rau trong chế độ ăn hằng ngày của bé. Tuy nhiên, để hiểu hơn về lợi ích của từng loại rau, Sakura Montessori mời mẹ cùng khám phá ngay các loại rau cho bé ăn dặm dưới đây!
Rau ngót
Rau ngót không chỉ tốt cho bé ăn dặm mà còn là lựa chọn sáng giá cho bữa ăn của nhiều mẹ bầu bởi những lợi ích dinh dưỡng mà rau mang lại. Trong rau ngót có chứa các chất dinh dưỡng như canxi, sắt, photpho, carotin,..kèm theo đó là 4 loại vitamin khác. Những chất này có vai trò trong việc hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể, giúp bé hạn chế được các bệnh như ho, sốt cao, nổi ban đỏ. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin C dồi dào có trong rau ngót giúp cho cơ thể bé được tăng cường hệ miễn dịch, củng cố các lớp bảo vệ. Điều này sẽ giúp cho cơ thể của bé có khả năng chống lại tác nhân gây hại cũng như có thể ngăn ngừa các vấn đề viêm nhiễm.
>>Xem thêm: Bật mí các loại rau cho bé 5 tháng ăn dặm lý tưởng
Rau cải bina
Rau cải Bina hay còn được biết đến với tên cải bó xôi, là một loại rau ăn dặm rất tốt cho bé. Rau cải Bina chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin C, vitamin K, vitamin A, folic acid, kali và sắt. Những loại vitamin này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương, có lợi cho tầng biểu bì và thị lực. Ngoài ra, rau cải Bina cung cấp một lượng lớn chất xơ, giúp tối ưu hóa quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón.
Rau mồng tơi
Có thể mẹ chưa biết, hàm lượng vitamin C trong rau mồng tơi gấp 3 lần rau cải và hàm lượng Canxi trong rau mồng tơi cũng cao hơn so với các loại rau khác. Cho bé ăn dặm với rau mồng tơi sẽ giúp bé phát triển cơ xương tốt hơn. Không chỉ vậy, rau mồng tơi còn là “bài thuốc” giúp bé ít bị nóng trong, mụn nhọt vào những ngày hè nóng bức.
Rau dền đỏ
Rau dền là loại rau được tìm thấy nhiều trong mùa hè, có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ mát gan, thanh nhiệt. Theo y học cổ truyền, rau dền đỏ sẽ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng, huyết nhiệt sinh mụn nhọt..Trẻ sơ sinh thường dễ bị nóng trong và nổi ban, do đó rau dền đỏ là một lựa chọn rất tốt cho trẻ ăn dặm.
Rau cải Kale
Rau cải Kale, thường được gọi là cải xoăn, thường được tìm thấy vào mùa đông, mùa xuân. Cải kale là một nguồn giàu dinh dưỡng, bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin K, canxi, kali, sắt và chất xơ. Các dưỡng chất này quan trọng cho sự phát triển và tăng cường hệ miễn dịch của bé. Đặc biệt, cải kale cung cấp vitamin K và canxi, hai chất quan trọng cho sức khỏe xương và răng của bé. Việc bổ sung cải kale vào chế độ ăn dặm cho trẻ có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, như bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.
Súp lơ xanh
Súp lơ xanh là một nguồn dinh dưỡng quý báu cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Nó giúp cung cấp một loạt các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin K, canxi, kali và sắt. Đây là những dưỡng chất quan trọng để giúp bé phát triển mạnh khỏe và củng cố hệ miễn dịch. Súp lơ xanh cũng chứa chất xơ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Bên cạnh đó, súp lơ xanh còn chứa các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Đây là những loại rau ăn dặm được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên cho bé ăn. Ngoài ra, mẹ có thể tìm hiểu thêm về các loại rau khác như rau cải thảo, rau bắp cải tía, rau cải xoong, rau má, rau chân vịt,..Mỗi một loại rau sẽ có công dụng và hương vị riêng, mẹ hãy bổ sung thêm vào thực đơn hằng ngày cho con để giúp con ăn uống ngon miệng hơn nhé!
Các loại củ quả cho bé ăn dặm bổ dưỡng
Chất xơ không chỉ được tìm thấy nhiều ở rau mà trong các loại củ quả cũng có rất nhiều chất xơ. Các loại củ quả thường sẽ có nhiều năng lượng và vitamin hơn các loại rau. Dưới đây là một số củ quả tốt cho bé ăn dặm:
Cà rốt
Cà rốt là một trong những lựa chọn phù hợp cho bé ăn dặm vì nó mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Đầu tiên, cà rốt là một nguồn tốt của vitamin A, cần thiết cho sự phát triển của tầng biểu bì, sức đề kháng và thị lực của bé. Nó cũng chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón ở trẻ nhỏ. Chất xơ trong cà rốt có thể giúp bé cảm thấy no lâu hơn, giúp kiểm soát trọng lượng của họ trong tương lai.
Bên cạnh đó, cà rốt cũng là một nguồn chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Việc bổ sung cà rốt vào chế độ ăn dặm của bé giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bí đỏ
Bí đỏ là loại củ có vị ngọt tự nhiên, có thể chế biến thành cháo hoặc súp cho bé ăn dặm rất bổ dưỡng. Bí đỏ chứa canxi và khoáng chất quan trọng khác, giúp xây dựng xương và răng mạnh mẽ cho bé. Bên cạnh đó, đây là một nguồn chất xơ tốt, giúp cải thiện tiêu hóa của bé và ngăn ngừa táo bón. Bí đỏ là lựa chọn thú vị để đa dạng hóa chế độ ăn dặm của bé, giúp phát triển khẩu vị và đảm bảo bé nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.
Khoai tây
Khoai tây là một thực phẩm phổ biến và có nhiều lợi ích quan trọng cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Trong khoai tây, có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, vitamin B6, kali, và chất xơ. Vitamin C giúp củng cố hệ miễn dịch của bé, vitamin B6 quan trọng cho sự phát triển của tế bào và chức năng não bộ, kali giúp duy trì cân bằng nước và điện trong tế bào, và chất xơ giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Khoai tây cũng là nguồn cung cấp carbohydrate, giúp bé có năng lượng để hoạt động và phát triển.
Khoai lang
Khoai lang thường ít gây dị ứng, là một lựa chọn an toàn cho bé, đặc biệt là khi mẹ bắt đầu đưa thực phẩm mới vào chế độ ăn dặm cho con. Khoai lang cung cấp năng lượng từ carbohydrate, giúp bé có đủ sức để hoạt động và phát triển. Ngoài ra, những dưỡng chất như vitamin, kali, sắt có trong khoai lang giúp bé phát triển mạnh khỏe, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
Hành tây
Hành tây thường được sử dụng làm nguyên liệu phụ trong các món ăn để tăng hương vị. Tuy nhiên, trong hành tây cũng chứa rất nhiều loại vitamin và khoáng chất có lợi cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Bổ sung hành tây vào món ăn dặm cho bé sẽ giúp bé có một sức khỏe tim mạch tốt, giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa, hạn chế lượng đường tăng trong máu.
Ngô ngọt
Ngô được biết đến như một loại ngũ cốc cung cấp nguồn năng lượng lành mạnh cho bé hoạt động cả ngày. Ngô ngọt cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin B1, vitamin B5, sắt, kali và chất xơ. Những dưỡng chất này quan trọng cho sự phát triển và tăng cường hệ miễn dịch của bé. Chất xơ trong ngô ngọt có thể giúp kiểm soát cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch sau này.
Ớt chuông
Ớt chuông chứa nhiều vitamin C, vitamin A, và các khoáng chất như kali và folate. Vitamin C củng cố hệ miễn dịch của bé, vitamin A quan trọng cho thị lực và phát triển của tầng biểu bì, kali giúp duy trì cân bằng nước và điện trong cơ thể. Ngoài ra, ớt chuông có nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do.
Bên cạnh các loại củ quả ăn dặm kể trên, mẹ cũng có thể tìm hiểu thêm một số loại khác như củ dền, củ sắn, củ khoai môn, quả bí đao, quả mướp ngọt, dưa chuột,…Những loại củ quả này đều rất phù hợp cho bé ăn dặm và dễ chế biến thành những món ngon giúp bé hứng thú hơn trong mỗi bữa ăn.
Kết hợp rau củ quả cho bé ăn dặm – 30 món cháo dinh dưỡng
Rau củ thường rất dễ chế biến và dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác thành món ăn dặm bổ dưỡng cho bé ăn dặm. Công thức đơn giản nhất cho một món cháo dinh dưỡng cho bé đó là 1 gạo + 1 rau (củ) + 1 thịt (cá). Nếu như mẹ còn băn khoăn không biết nên nấu gì cho bé ăn dặm thì hay tham khảo ngay 30 món cháo được chế biến từ rau củ mà Sakura Montessori gợi ý dưới đây!
- Cháo rau ngót
- Cháo súp lơ xanh
- Cháo cà rốt
- Cháo khoai môn
- Cháo ngô ngọt nấu sữa mẹ
- Súp bí đỏ
- Súp khoai lang hành tây
- Cháo củ dền nấu nước hầm xương
- Cháo thịt heo rau cải xoăn
- Cháo thịt bò măng tây
- Cháo ngao rau mồng tơi
- Cháo cá hồi hành tây
- Cháo khoai môn óc heo
- Cháo chim bồ câu rau ngải
- Cháo thịt heo rau dền đỏ
- Cháo thịt bò ớt chuông
- Cháo cá diêu hồng rau cải ngọt
- Cháo thịt bò cà rốt, khoai tây
- Cháo tôm nấm rơm, nấm hương
- Cháo đậu xanh trứng gà
- Cháo tôm bông cải xanh
- Súp thịt gà, ngô ngọt, rau củ hỗn hợp
- Cháo cá lóc nấu rau mồng tơi
- Cháo cá lóc nấu rau chùm ngây
- Cháo thịt lươn khoai môn
- Cháo cá hồi, rau chân vịt, cà rốt
- Cháo ếch nấu bí đao
- Cháo chim bồ câu hầm hạt sen
- Cháo ếch nấu rau mồng tơi
- Cháo thịt gà bí đỏ pho mai
Ngay sau đây, SMIS sẽ hướng dẫn mẹ cách chế biến một số món với các loại rau củ cho bé ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng. Mẹ đừng quên lưu lại công thức và áp dụng cho bé trong bữa ăn dặm ngày hôm nay nhé!
Cháo rau củ tổng hợp
Nguyên liệu:
- 45g gạo tẻ
- 1/2 củ cà rốt
- 1/2 củ khoai tây
- 1/2 quả su su
- 1/2 củ hành tây
- Gia vị ăn dặm
- Nước lọc
Hướng dẫn chế biến:
- Gạo đem ngâm với nước trong 30 phút đến 1 tiếng cho gạo nhanh nở và nhừ. Vo gạo sạch với 2 lần nước rồi đem gạo đi nấu cháo cùng với 500ml nước lọc. Đun cháo sôi với lửa nhỏ trong 20 phút đến khi cháo chín, hạt gạo nở bung
- Cà rốt, khoai tây, su su, hành tây đem đi gọt sạch vỏ, rửa với nước rồi thái hạt lựu nhỏ.
- Khi cháo trắng đã chín, lần lượt đổ các loại rau củ đã thái nhỏ vào nồi nấu cháo. Thêm gia vị ăn dặm theo khẩu vị của bé rồi dùng thìa khuấy đều cho cháo không bị cháy.
- Tiếp tục đun cháo trong 10 phút, kiểm tra các loại rau củ đã chín nhừ thì có thể tắt bếp. Chờ cháo nguội rồi cho bé thường thức.
Súp bí đỏ nấu sữa mẹ
Nguyên liệu:
- 150g bí đỏ
- 60ml sữa mẹ
- Nước lọc
Hướng dẫn chế biến:
- Bí đỏ mẹ đem đi gọt sạch vỏ, loại bỏ hạt rồi rửa sạch với nước. Cắt bí đỏ thành các khúc nhỏ. Làm chín bí đỏ bằng cách hấp hoặc luộc trong 15 phút đến khi bí đỏ đã nhừ.
- Cho bí đỏ đã chín vào máy xay, thêm sữa mẹ và nước lọc (tùy chỉnh theo độ đặc mong muốn). Xay các nguyên liệu trên thành hỗn hợp mịn. Có thể rây thêm 1 lần để hỗn hợp được mịn hơn
- Cho bí đỏ sữa mẹ đã xay vào nồi và đun nóng lại để đảm bảo vệ sinh an toàn. Khi súp đã sôi lăn tăn thì có thể tắt bếp và chờ nguội để cho bé thưởng thức.
Cháo thịt bò hành tây
Nguyên liệu:
- 40g thịt bò xay nhuyễn
- 1/2 củ hành tây
- 1 nhánh cần tây
- 40g gạo tẻ
- 250ml nước lọc
- Dầu ăn dặm
Cách làm:
- Ngâm gạo trong 30 phút, sau đó vo sạch và đem đi nấu cháo trong 20 – 30 với lửa vừa để cháo chín, hạt gạo nở
- Trong thời gian đun cháo, sơ chế hành tây và cần tây. Đem đi sửa sạch sau đó băm nhỏ cả hành tây và cần tây
- Làm nóng chảo, thêm một ít dầu ăn dặm sau đó phi thơm hành tây đã băm. Thêm tiếp thịt bò xay vào và đảo cùng trong 5 phút.
- Đổ hỗn hợp vừa xào vào trong nồi cháo và đun tiếp cháo thêm 10 phút để thịt bò mềm hơn. Mẹ có thể thêm một ít gia vị ăn dặm để tăng khẩu vị cho bé
- Cuối cùng, thêm cần tây đã băm vào cháo và tắt bếp, chờ cháo nguội và cho bé thưởng thức.
Cháo thịt heo rau ngót
Nguyên liệu:
- 40g gạo tẻ
- 40g thịt heo xay (nạc)
- 70g rau ngót (nên chnọn rau ngót ta)
- Gia vị ăn dặm
- Nước lọc
Hướng dẫn chế biến:
- Gạo ngâm với nước trong 30 phút đến 1 tiếng để dễ nấu hơn. Vo sạch gạo rồi đem đi nấu cháo với khoảng 400ml nước. Đun cháo với lửa nhỏ trong 20 phút để cháo chín nhừ
- Thịt heo nạc đã xay mẹ đem đi xào qua cho săn lại với một chút dầu ăn dặm. Tiếp theo, đổ thịt heo vào nồi nấu cháo
- Rau ngót tuốt bỏ cuống, đem đi rửa sạch và vò nát cho rau thơm hơn. Bỏ rau vào máy xay với một chút nước lọc sau đó xay nhuyễn
- Cho hỗn hợp rau đã xay vào nồi nấu cháo và dùng thìa khuấy đều cho cháo chín đều. Thêm các gia vị ăn dặm theo khẩu vị của bé và tiếp tục đun cháo thêm 5 – 7 phút cho cháo chín hẳn thì tắt bếp. Múc cháo ra tô và chờ cháo nguội thì mẹ có thể cho bé ăn dặm
Cháo cá hồi rau cải bó xôi
Nguyên liệu:
- 50g gạo tẻ
- 30g cá hồi
- 50g rau cải bó xôi
- Gia vị ăn dặm
- Nước lọc
Hướng dẫn cách làm:
- Làm sạch cá hồi, lọc bỏ xương và mỡ. Khử tanh cá hồi bằng cách ngâm với nước muối loãng hoặc sữa tươi không đường trong 30 phút.
- Gạo tẻ ngâm với nước trong 30p – 1h trước khi nấu. Vo sạch gạo sau đó đổ vào nồi cùng 400ml nước để nấu cháo. Đun cháo với lửa vừa trong 20 phút cho cháo chín, hạt gạo nở.
- Rửa sạch cá hồi và rau cải bó xôi, sau đó băm nhuyễn cá hồi và thái nhỏ rau cải bó xôi.
- Sau khi đun cháo 20 phút, cho cá hồi vào nồi vào nấu cùng trong 5 – 7 phút để cá được chín. Tiếp theo, thêm rau cải bó xôi đã thái nhỏ vào nồi và đun thêm 5 phút nữa.
- Trước khi tắt bếp, thêm một ít gia vị ăn dặm vào và đảo đều theo khẩu vị của bé. Tắt bếp, chờ cháo nguội và cho bé thường thức.
Như vậy, thông qua bài viết này mẹ đã có thêm nhiều thông tin hơn về các loại rau củ cho bé ăn dặm. Sakura Montessori cũng đã giúp mẹ xây dựng một số công thức chế biến món ăn dặm với rau củ cho bé. Những công thức này cũng có thể được áp dụng cho nhiều loại rau củ quả khác nhau, giúp bữa ăn dặm không chỉ phong phú mà còn vô cùng đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Chúc mẹ và bé luôn có những giờ ăn dặm vui vẻ, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui!
- Giáo viên Montessori Quốc tế được chứng nhận bởi Hiệp hội Phát triển Montessori Quốc tế (IAPM).
- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội
- 13 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ nhỏ