Trong Montessori, quan điểm “follow the child” – dõi theo trẻ- không có nghĩa trao toàn quyền cho trẻ, cho phép trẻ làm bất cứ điều gì trẻ muốn, bất kỳ khi nào và đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Montessori không phải là phương pháp “con thích làm gì cũng được” mà là phương pháp đưa đến cho trẻ sự tự do trong khuôn khổ. 

Trong bài viết này, chúng tôi muốn giúp Quý Phụ huynh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa ý chí mạnh mẽ của trẻ và sự vâng lời để có thể dạy trẻ vâng lời từ sâu trong tiềm thức và tự nhiên, có sức ảnh hưởng nhất. 

Trải qua thời gian dài làm việc với trẻ, tiến sỹ, bác sỹ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori nhận thấy “Đối với trẻ, sự vâng lời là một phần của quá trình phát triển tự nhiên. Khi trẻ được cho cơ hội để phát triển ý muốn của riêng mình, (cùng với một chút tự kỷ luật làm bàn đẩy) trẻ sẽ học cách vâng lời từ chính quyền tự do lựa chọn đó cùng tình yêu thương.”

Trong môi trường lớp học, sự vâng lời là khi giáo viên yêu cầu trẻ thực hiện và trẻ tuân theo yêu cầu đó bằng hành động. Theo đó, trong môi trường Montessori, giáo viên và trẻ sẽ cùng thiết lập các nguyên tắc kỷ luật dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tuân theo các điều đã đặt ra và chịu trách nhiệm trước những sự lựa chọn đi ngược lại tính kỷ luật.

Để trẻ vâng lời, có tính kỷ luật, có ý chí và biết cách hợp tác linh hoạt mà không bị tổn thương đến lòng tự trọng, người lớn cần phải hiểu các cấp độ vâng lời của trẻ.

Bài 1: Montessori và ba cấp độ của sự vâng lời
Việc hiểu rõ các cấp độ vâng lời của trẻ sẽ giúp ba mẹ thấu hiểu con và điều chỉnh cách giáo dục trẻ đúng cách

Cấp độ 1: Trẻ chưa ý thức được sự vâng lời

Trước 3 tuổi, trẻ không có khả năng vâng lời, ngoại trừ yêu cầu đưa ra vô tình đáp ứng với những thôi thúc bản năng của trẻ. Maria Montessori gọi đây là cấp độ đầu tiên của sự vâng lời ở trẻ. 

Tại thời điểm đầu đời, trẻ làm mọi việc theo mong muốn xuất phát từ bản năng. Ví dụ: Trẻ có thể khóc vì đói, khóc để phát tín hiệu cho ba mẹ biết chúng đang gặp vấn đề nào đó. Nếu ba mẹ chỉ dừng lại ở việc yêu cầu trẻ không được khóc nữa, trẻ hoàn toàn không thể vâng lời thực hiện điều đó cho đến khi ba mẹ giải quyết được vấn đề trẻ gặp phải. 

Trong khoảng 3 năm đầu đời, trẻ có thể tự tạo ra và sau đó rèn luyện ý muốn của mình, rồi dần dần trở nên ý thức hơn về bản thân và hành động của trẻ. Do đó, trong giai đoạn này, một em bé chập chững biết đi có thể vâng lời, có thể không.

Cấp 2: Trẻ biết lựa chọn và làm theo (vâng lời theo) 

Khi trẻ bắt đầu hiểu những mong muốn của người khác và có thể tự thực hiện chúng bằng hành động của mình là khi trẻ biết “vâng lời theo”. Cấp độ thứ hai của sự vâng lời ở trẻ chính là trẻ biết lựa chọn và làm theo. Nếu được giáo dục đúng cách, đến thời điểm này, trẻ đã có thể vâng lời người lớn ở mọi thời điểm. Bởi trẻ đã biết sử dụng ý muốn của mình để làm theo ý muốn, yêu cầu mọi người đưa ra. 

Cấp độ 3: Trẻ vâng lời trong Hạnh phúc

Bằng sự quan sát trẻ và nghiên cứu về nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ, Maria Montessori để ý thấy một cấp độ của sự vâng lời tốt đẹp hơn, đi liền với quá trình phát triển cao hơn về mặt trí não. Khi đó, trẻ đã nhận thức được rằng người lớn muốn điều tốt nhất cho chúng để tiến tới quyết định tin vào những giá trị tốt đẹp và đó cũng là điều trẻ muốn. Trẻ hình thành được sự kỷ luật nội tại, giúp các con nhìn thấy những giá trị về quyền lợi mà chúng nhận được từ mọi người.

Vì vậy, nếu như ở cấp độ trước đó, trẻ chỉ vâng lời bạn mà không thực sự hào hứng thì ở cấp độ thứ ba của sự vâng lời, trẻ trải nghiệm trong niềm Hạnh phúc. Đồng thời, khi vâng lời một cách tự nguyện, trẻ cũng sẽ hình thành sự tự trọng nội tại và hoà mình trong sự an toàn của một cộng đồng biết tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau thiết lập nguyên tắc kỷ luật và cùng tuân thủ, thực hiện theo các nguyên tắc ấy. 

Huyền Như

Bài 2: Làm sao để có được đức tính “vâng lời” nơi trẻ theo phương pháp Montessori?

0/5 (0 Reviews)