Ăn dặm kiểu truyền thống cho bé 6 tháng tuổi là một lựa chọn phù hợp mà rất nhiều bậc phụ huynh áp dụng cho trẻ. Đây là phương pháp ăn dặm đã rất quen thuộc với nhiều gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, để hiểu hơn về ăn dặm truyền thống, cách cho bé ăn dặm và xây dựng thực đơn hoàn chỉnh thì mẹ không nên bỏ qua những thông tin dưới đây. Sakura Montessori sẽ giúp mẹ mang đến cho bé những bữa ăn ngon và bổ dưỡng nhất
Ăn dặm kiểu truyền thống là gì? Lợi ích của ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng
Ăn dặm truyền thống là một phương pháp ăn dặm được áp dụng từ lâu và phổ biến tại Việt Nam. Đối với phương pháp này, bé được làm quen với thức ăn dặm ở dạng bột, cháo đã qua nghiền hoặc xay nhuyễn.
Cách tiếp cận ăn dặm truyền thống thường bắt đầu bằng việc cung cấp các thực phẩm như bột gạo, bột khoai tây, bột hạt ngũ cốc. Sau đó, bé dần dần được giới thiệu với các loại thực phẩm khác nhau, bao gồm các loại rau, củ, quả và thịt cá, một cách từ từ để bé dần quen dần với hương vị và kết cấu thức ăn mới ngoài sữa
>>Xem thêm: Nên cho trẻ ăn dặm theo phương pháp nào? Lời khuyên từ chuyên gia
Ăn dặm truyền thống được nhiều phụ huynh yêu thích và áp dụng cho con bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại. Một số lợi ích của ăn dặm kiểu truyền thống cho bé 6 tháng có thể kể đến đó là:
- Cung cấp dinh dưỡng đa dạng: Khi bé bắt đầu ăn dặm theo kiểu truyền thống sẽ có cơ hội tiếp cận đến các loại thực phẩm mới như rau, củ, quả và thịt cá. Từ đó cung cấp đa dạng dinh dưỡng, bao gồm các dưỡng chất quan trọng như vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp bé phát triển khỏe mạnh.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa phát triển lành mạnh: Thức ăn dặm ở phương pháp này đều được xay hoặc nghiền nhuyễn. Điều này đảm bảo cho trẻ 6 tháng có thể dễ dàng nhai nuốt và tiêu hóa thuận lợi. Từ đó, hệ tiêu hóa của trẻ cũng thích nghi được với việc tiêu hóa thức ăn ngoài sữa mẹ một cách từ từ, không bị ảnh hưởng.
- Có thể điều chỉnh lượng thức ăn: Trong ăn dặm truyền thống, thông qua việc đút cho trẻ ăn, mẹ có thể điều chỉnh được lượng thức ăn mà con nạp vào. Qua đó, mẹ biết được nhu cầu ăn uống của con đang ở mức nào và có thể hạn chế được việc con ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Lịch trình ăn dặm ở trẻ 6 tháng tuổi
Trước khi cho bé ăn dặm, mẹ cần có một kế hoạch sinh hoạt và ăn uống phù hợp theo độ tuổi của bé. Đối với bé 6 tháng tuổi, giai đoạn này con mới bắt đầu tập ăn dặm nên mẹ cần quan tâm nhiều hơn. Đầu tiên, mẹ cần nắm rõ được thời gian tiêu hóa của từng loại thực phẩm để biết cách điều chỉnh thời gian ăn uống, sinh hoạt cho con một cách phù hợp:
- Đối với sữa mẹ: 1 – 2 tiếng
- Đối với sữa công thức: 2 – 3 tiếng
- Đối với thức ăn dặm thông thường: 4 -5 tiếng
- Đối với đồ ăn nhẹ: 3 – 4 tiếng
Để giúp con được phát triển khỏe mạnh và khoa học, Sakura Montessori sẽ gợi ý cho mẹ một lịch ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi. Mời mẹ cùng tìm hiểu:
Thời gian | Tuần 1 | Tuần 2 – 3 | Tuần 4 |
7h30 sáng | Sữa mẹ | Sữa mẹ | Sữa mẹ |
8h30 sáng | Ăn dặm bữa sáng nhẹ với bột ngọt | Ăn dặm bữa sáng với bột, cháo ngọt | Ăn dặm với cháo, có thể bổ sung hương vị mới |
12h30 trưa | Ăn dặm bữa trưa với bột rau củ | Ăn dặm bữa trưa với cháo loãng, có thể thêm thực phẩm mới vào cháo. | Ăn dặm bữa trưa với cháo có đầy đù chất dinh dưỡng |
16h30 chiều | Sữa mẹ | Sữa mẹ | Sữa mẹ |
17h30 chiều | Ăn dặm bữa tối với bột rau củ | Ăn dặm bữa tối với cháo loãng | Ăn dặm bữa tối với cháo có đầy đủ chất dinh dưỡng |
19h tối | Sữa mẹ | Sữa mẹ | Sữa mẹ |
6 nguyên tắc cơ bản của ăn dặm kiểu truyền thống cho bé 6 tháng tuổi
Ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng yêu cầu mẹ cần đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản để bé yêu được phát triển an toàn và khỏe mạnh. Thời kỳ nàycon rất cần sự quan tâm sát sao của mẹ, do đó mẹ đừng bỏ qua 6 nguyên tắc dưới đây nhé!
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với bé 6 tháng
6 tháng tuổi là giai đoạn bé bắt đầu làm quen với ăn dặm, điều này đồng nghĩa với việc ăn dặm sẽ đóng vai trò phụ trong việc cung cấp dưỡng chất cho bé. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và không thể thiếu cho bé. Bên cạnh đó, nhiều bé sẽ không thể làm quen ngay với ăn dặm hoặc ăn rất ít nên mẹ không thể phụ thuộc vào việc cho bé ăn dặm. Mẹ hãy chú ý kết hợp hài hòa giữa ăn dặm và uống sữa để đảm bảo bé được cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển một cách tốt nhất.
Thực phẩm ăn dặm trẻ 6 tháng cần được nghiền nhuyễn
Đặc điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm truyền thống là thức ăn được xay, nghiền nhuyễn thành dạng cháo lỏng hoặc bột mịn. Điều này giúp bé 6 tháng tuổi có thể dễ dàng nhai, nuốt và tiêu hóa thức ăn một cách thuận lợi. Do đó, khi chế biến mẹ hãy đảm bảo thức ăn đã được nấu chín kỹ và làm mịn.
Cho bé ăn dặm từ ngọt đến bột mặn
Khi bắt đầu làm quen với ăn dặm, mẹ không nên cho bé ăn những thực phẩm mặn như thịt, cá mà hãy bắt đầu với những thực phẩm như gạo, ngô, khoai, rau củ. Bởi những thực phẩm này sẽ giúp bé tiêu hóa tốt hơn và thích nghi dễ hơn. Sau khi bé đã quen với việc ăn dặm bột ngọt, mẹ hãy đưa những thực phẩm mặn vào thực đơn để bé có thể làm quen dần dần.
Ăn dặm truyền thống từ loãng đến bột đặc
Cũng giống như nguyên tắc ăn dặm từ ngọt đếnmặn thì mẹ cũng hãy cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc. Mẹ hãy linh hoạt trong việc tăng giảm lượng thực phẩm và nước khi nấu cháo, bột cho bé tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận thức ăn của bé.
Không cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm có gia vị của người lớn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm, mẹ không nên cho thêm các gia vị vào nấu cháo và chế biến thức ăn dặm cho trẻ. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn đang phát triển, đặc biệt là cơ quan tiêu hóa như dạ dày và ruột. Gia vị như muối, đường, hành, tỏi, hạt tiêu, và các loại gia vị mạnh có thể gây kích ứng và gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Ngoài ra, gia vị có thể làm tăng nguy cơ kích ứng và dị ứng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các loại gia vị mới mẻ mà hệ miễn dịch của bé chưa từng tiếp xúc.
Cần lưu ý đến những thực phẩm dễ gây dị ứng cho bé 6 tháng
Một nguyên tắc quan trọng khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi đó là cần xem xét đến những thực phẩm có khả năng gây dị ứng. Dưới đây là một số loại thực phẩm không nên cho bé 6 tháng ăn:
- Mật ong: Mật ong có thể chứa vi khuẩn gây bệnh gọi là Clostridium botulinum, có thể gây ra bệnh botulism, một bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
- Sữa bò và sản phẩm từ sữa bò: Whey và casein trong sữa bò là hai chất gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên sử dụng sữa mẹ và sữa công thức.
- Tôm và các loại hải sản: Những thực phẩm này thường có hàm lượng dinh dưỡng cao và chứa nhiều chất gây dị ứng cho bé. Mẹ hãy giới thiệu tôm và hải sản cho bé khi bé trên 7 tháng tuổi.
- Hạt và các thực phẩm có thể gây ngạt: Bé có nguy cơ cao bị ngạt khi ăn hạt, viên tròn nhỏ hoặc thực phẩm cứng. Hãy tránh cho bé ăn các loại hạt như hạt dẻ, hạt điều, hạt bí, và tránh các loại thực phẩm cứng
- Thực phẩm chứa gluten: Đối với trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng gluten hoặc bị bệnh celiac, cần tránh cho bé ăn các loại thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch, và lúa non.
30 thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng thơm ngon bổ dưỡng
Ăn dặm truyền thống là phương pháp ăn dặm giúp bé 6 tháng tuổi được làm quen với thực phẩm một cách an toàn, hiệu quả và giúp bé phát triển nhanh chóng. Để giúp bé có những bữa ăn dặm thơm ngon và bổ dưỡng, mẹ hãy tham khảo ngay 30 thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng dưới đây
Số thứ tự | Thực đơn |
Thực đơn 1 | Cháo trắng rây 1:10 |
Thực đơn 2 | Súp khoai lang vàng |
Thực đơn 3 | Súp khoai tây |
Thực đơn 4 | Súp bí đỏ |
Thực đơn 5 | Bột rau ngót |
Thực đơn 6 | Bột củ dền đỏ |
Thực đơn 7 | Bột cà rốt |
Thực đơn 8 | Súp ngô ngọt |
Thực đơn 9 | Bột hạt sen |
Thực đơn 10 | Bột ngũ cốc |
Thực đơn 11 | Bột rau cải bó xôi |
Thực đơn 12 | Cháo lòng đỏ trứng gà |
Thực đơn 13 | Cháo thịt gà |
Thực đơn 14 | Cháo thịt heo rau ngót |
Thực đơn 15 | Cháo thịt bò rau củ |
Thực đơn 16 | Cháo cá hồi |
Thực đơn 17 | Cháo thịt gà nấm hương |
Thực đơn 18 | Súp nấm tổng hợp |
Thực đơn 19 | Súp ngô thịt heo |
Thực đơn 20 | Cháo hạt sen óc heo |
Thực đơn 21 | Cháo thịt bò bí đỏ |
Thực đơn 22 | Cháo cá ngừ rau cải thìa |
Thực đơn 23 | Cháo gà hạt sen |
Thực đơn 24 | Cháo chim bồ câu tía tô |
Thực đơn 25 | Cháo tim heo ngải cứu |
Thực đơn 26 | Cháo thịt bò hành tây |
Thực đơn 27 | Bơ nghiền sữa mẹ |
Thực đơn 28 | Bơ nghiền chuối |
Thực đơn 29 | Khoai lang nghiền chuối |
Thực đơn 30 | Thanh long dầm sữa mẹ |
Cách nấu cháo truyền thống cho bé ăn dặm đơn giản ngay tại nhà
Để nấu ăn cho bé trong giai đoạn ăn dặm, mẹ cần bỏ ra nhiều thời gian và công sức để xây dựng thực đơn và chế biến món ăn. Nếu như mẹ vẫn còn băn khoăn trong việc chế biến thức ăn sao cho hợp lý và đơn giản nhất thì Sakura Montessori sẽ giúp mẹ ngay sau đây.
Cháo trắng rây 1:10 cho bé ăn dặm
Cháo trắng rây là một món ăn dặm cơ bản mà hầu hết tất cả em bé mới ăn dặm đều được làm quen đầu tiên. Đây là một món ăn đơn giản nhưng sẽ giúp bé có thêm một nguồn năng lượng và dinh dưỡng cần thiết
Nguyên liệu:
- 20g gạo tẻ
- 200ml nước (tỉ lệ 1:10)
Cách làm:
- Ngâm gạo với nước trong 15 – 30 phút sau đó vo sạch gạo với 1 – 2 lần nước
- Cho gạo và 200ml nước vào nồi, sau đó bật bếp và đun. Chờ đến khi cháo sôi thì hạ lửa nhỏ cho cháo không bị trào ra ngoài. Tiếp tục đun sôi trong 30 – 45 phút cho gạo nở hết và nhừ thì tắt bếp
- Ủ cháo trong 15 – 20 phút để cháo được mềm hơn, khi rây sẽ dễ dàng hơn
- Rây cháo: Múc từng thìa cháo vào rây, chà nhẹ cháo trên rây và thu được phần cháo mịn sau khi rây. Cháo mịn sau khi rây mẹ chờ nguội và cho bé ăn.
Bột đậu xanh ăn dặm truyền thống 6 tháng
Bột đậu xanh có cấu trúc mềm mại và dễ tiêu hóa, phù hợp với trẻ nhỏ khi bắt đầu ăn dặm. Trong đậu xanh có chứa nhiều chất xơ, protein và vitamin sẽ giúp bé có được nguồn dinh dưỡng dồi dào
Nguyên liệu:
- 15g hạt đậu xanh bỏ vỏ
- 20g bột gạo
- 200ml nước
- 2 – 3 thìa sữa mẹ hoặc sữa công thức
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm với nước từ 2 – 3 tiếng, sau đó vo sạch với nước 1-2 lần
- Hấp đậu trong 15 – 20 phút để đậu chín
- Cho đậu đã hấp vào máy xay, thêm sữa mẹ và một ít nước sau đó xay nhuyễn hỗn hợp
- Đổ 200ml nước vào nồi và đun sôi. Khi nước sôi, thêm bột gạo vào và khuấy đều tay đến khi bột chín. Tiếp tục thêm hỗn hợp bột đậu xanh đã xay vào, khuấy đều và đun sôi thêm 5 phút để bột chín. Sau đó, mẹ tắt bếp và chờ nguội để cho bé ăn
Bột khoai lang nấu sữa mẹ
Khoai lang là một trong những thực phẩm được nhiều phụ huynh lựa chọn để cho bé ăn dặm thường xuyên vì những lợi ích mà nó mang lại. Kết hợp giữa khoai lang với sữa mẹ sẽ tạo nên một món ăn dặm bổ dưỡng với hương vị ngọt ngào, thơm ngon dành cho bé
Nguyên liệu:
- 1/2 củ khoai lang vàng
- 50 – 60ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Nước lọc
Cách làm:
- Khoai lang gọt vỏ và rửa sạch, sau đó cắt thành khúc nhỏ
- Hấp hoặc luộc khoai trong 15 – 20 phút để khoai chín kỹ và mềm
- Cho khoai lang, sữa và một ít nước lọc vào máy xay sau đó xay nhuyễn
- Lọc hỗn hợp vừa xay qua một lớp rây để hỗn hợp được mịn hơn
- Cho bột vào nồi và đun sôi với lửa nhỏ thêm 5 – 10 phút để đảm bảo bột được chín và đảm bảo vệ sinh. Sau đó, tắt bếp và chờ bột nguội cho bé ăn.
Súp bí đỏ cho bé
Bí đỏ được biết đến là một loại quả nhiều chất dinh dưỡng phù hợp cho bé ăn dặm. Bí đỏ có chứa lượng lớn beta carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển đổi thành vitamin A rất tốt cho mắt của bé. Đây là loại quả có vị ngọt tự nhiên giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Nguyên liệu:
- 30g bí đỏ
- 1/3 củ hành tây
- 50 – 60 ml sữa mẹ
- Nước lọc
Cách làm:
- Bí đỏ gọt sạch vỏ, rửa sạch và sau đó cắt thành khúc nhỏ. Hành tây bỏ vỏ và thái hạt lựu
- Bật bếp và thêm một ít dầu ăn dặm, sau đó cho hành vào phi thơm khoảng 2 – 3 phút. Hành dậy mùi, thêm bí đỏ và đảo cùng trong 2 phút, sau đó thêm khoảng 200ml nước lọc vào đun sôi.
- Khi nước sôi, hạ lửa nhỏ và đun trong 20 phút để bí được chín nhừ
- Đổ hỗn hợp đã đun vào máy xay, thêm sữa và xay nhuyễn thành súp. Mẹ có thể lọc thêm một lần qua rây để hỗn hợp súp bí được mịn hơn. Chờ cho súp nguội và cho bé ăn
Cháo thịt gà kiểu truyền thống cho trẻ 6 tháng
Mẹ hãy cho bé làm quen với thịt gà sau khi bé đã quen với ăn dặm bột ngọt. Thịt gà là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao, giúp hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể bé, đồng thời cung cấp năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày.
Nguyên liệu:
- 30g thịt ức gà
- 20g gạo tẻ
- Nước lọc
Cách làm:
- Thịt gà rửa sạch, sau đó đem đi luộc với nước trong 15 – 20 phút để thịt gà được chín mềm
- Vớt gà ra cho ráo nước, sau đó xé gà thành miếng nhỏ
- Gạo tẻ vo sạch, sau đó đổ gạo và nước luộc gà vào nồi đun sôi thành cháo. Cho cháo sôi với lửa nhỏ trong 15 – 20 phút để gạo nở hết ra
- Thêm thịt gà đã xé vào nồi cháo, đun thêm 5 phút và tắt bếp
- Đổ cháo vào máy xay, xay nhuyễn để được hỗn hợp cháo thịt gà cho bé ăn dặm
Cháo thịt bò rau củ ăn dặm
Thịt bò được biết đến là một thực phẩm giàu Sắt và khoáng chất, cung cấp cho bé một nguồn năng lượng dồi dào. Khi kết hợp thịt bò và rau củ sẽ giúp bé có một món ăn dặm thơm ngon, dinh dưỡng
Nguyên liệu:
- 30g thịt bò (nạc)
- 1/2 củ khoai tây
- 1/4 củ cà rốt
- 1 khúc nhỏ bí xanh
- 20g bột gạo
- Nước lọc
Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch sau đó thái miếng vừa. Khoai tây, cà rốt và bí xanh gọt sạch vỏ và rửa với nước sạch, sau đó cắt thành khúc nhỏ. (Đối với bé 6 tháng ở tuần thứ 3,4 mẹ có thể băm nhỏ các nguyên liệu ngay từ bước này và bỏ bước xây nhuyễn ở cuối đi)
- Luộc thịt bò, các loại củ với nước lọc trong 15 phút để các nguyên liệu được chín mềm.
- Hạ lửa nhỏ, vớt thịt bò và các loại củ ra tô, sau đó thêm bột gạo vào nồi nước luộc. Khuấy đều để bột gạo chín trong 10 phút.
- Đổ thịt bò và các loại củ vào nồi nấu cháo, đun cháo thịt bò rau củ trong 10 phút với lửa nhỏ để cháo được nhừ
- Đổ cháo vào máy xay, xay nhuyễn đến khi hỗn hợp đạt yêu cầu. Chờ cháo nguội và cho bé ăn dặm.
Cháo thịt heo rau ngót ăn dặm trẻ 6 tháng
Cháo thịt heo rau ngót cũng là một trong những món ăn dặm không thể bỏ qua khi mẹ cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm kiểu truyền thống. Đây là món ăn giúp bé vừa hấp thu được protein từ thịt heo, vừa có được nguồn chất xơ từ rau ngót.
Nguyên liệu:
- 30g thịt heo xay nhuyễn (nạc)
- 10g rau ngót
- 30g bột gạo
- Nước lọc
Cách làm:
- Rau ngót tuốt lấy lá, rửa sạch và đem đi xay nhuyễn với một ít nước
- Hòa bột gạo với 200ml nước lọc, sau đó đổ vào nồi và đun sôi trên bếp với lửa vừa trong 10 phút để bột chín, có độ sệt.
- Thêm hỗn hợp rau ngót đã xay vào nồi bột, khuấy đều tay để bột không bị dính nồi
- Tiếp tục thêm thịt heo đã xay nhuyễn vào nồi, đun sôi bột trong 15 phút để thịt heo chín nhừ. Tắt bếp và chờ cháo nguội
- Mẹ có thể cho bé ăn luôn nếu như bé đã ăn dặm quen hoặc xay nhuyễn thêm một lần nữa nếu như bé vẫn chưa thạo việc nhai nuốt.
Dựa vào những thực đơn mà Sakura Montessori đã gợi ý và hướng dẫn một số món ăn dặm điển hình ở trên, mẹ có thể thay đổi linh hoạt thực phẩm để giúp bé có những bữa ăn ngon và bổ dưỡng. Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé, mẹ hãy kết hợp các nguyên liệu rau củ và thịt cá một cách phù hợp. Ngoài ra, khi bé bước sang giai đoạn cuối tháng 6, mẹ hãy bắt đầu tăng độ đặc của bột, cháo cho bé ăn dặm để bé có thể học nhai tốt hơn cho tháng tiếp theo.
Với những nội dung về ăn dặm kiểu truyền thống cho bé 6 tuổi mà Sakura Montessori đã tổng hợp, hy vọng rằng mẹ đã có được những thông tin bổ ích cho hành trình ăn dặm của bé. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên áp dụng ngay những thực đơn ăn dặm truyền thống với cách làm đơn giản ngay tại nhà cho bé. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành và giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh trong quá trình chăm sóc bé yêu.