Theo Tiến sĩ, nhà giáo dục Maria Montessori, mục tiêu của chương trình Toán học Montessori là phát triển trí óc Toán học của trẻ, giúp một đứa trẻ có nền tảng vững chắc về các nguyên tắc, khái niệm Toán học và áp dụng vào thực tế  cuộc sống hàng ngày. Trong thời kỳ nhạy cảm mạnh mẽ với Toán học, khoảng 4-6 tuổi, một trong những cách tốt nhất để kích hoạt trí óc và tư duy Toán học của trẻ chính là thực hành với giáo cụ trực quan, sinh động.

Ngay từ khi bước chân vào lớp học Montessori, trẻ đã được kích thích tư duy bởi một môi trường trật tự, với hệ thống giáo cụ trực quan được phân chia khoa học và sắp xếp theo các góc học tập như Thực hành cuộc sống & Nghệ thuật, Giác quan, Ngôn ngữ, Toán học và Văn hóa (Khoa học, Lịch sử, Địa lý). Các giáo cụ Montessori có tích hợp tính trật tự, sự chính xác, được sắp xếp theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Việc trẻ thực hiện các bước theo một trình tự, bắt đầu từ việc lấy giáo cụ trên giá, mang đến thảm/bàn để thao tác và kết thúc bằng việc trả giáo cụ về đúng vị trí ban đầu, giúp trẻ phát triển nhận thức về sự trật tự, tinh luyện vận động và tư duy chính xác cao để sẵn sàng cho các hoạt động Toán học sau này.

Hệ thống giáo cụ Toán học được Maria Montessori thiết kế theo các đặc điểm quan trọng như kích cỡ vừa vặn với trẻ, có tính thẩm mỹ cao, giáo cụ từ đơn giản đến phức tạp, có tính cụ thể, kiểm soát lỗi,…

Ví dụ: Trẻ tìm hiểu khái niệm số lượng từ 1-10 với cây Gậy số – giáo cụ gồm 10 thanh gỗ với độ dài ngắn tăng dần từ 10 cm đến 100 cm và các thẻ số tương ứng với các số từ 1 đến 10. 

Hay giáo cụ Hạt cườm vàng là phần mô phỏng trực quan về chữ số. Mỗi hạt cườm đại diện cho 1 đơn vị. Sử dụng chuỗi hạt cườm để đếm “chạy” từ 1 tới 1000, trẻ rất dễ hiểu và có thể dễ dàng thực hiện yêu cầu.

Ngoài ra, tất cả các hoạt động Montessori ở các lĩnh vực khác nhau đều gián tiếp đặt nền tảng cho việc học Toán của trẻ. Ví dụ: Các giáo cụ trong lĩnh vực Giác quan như khối hình trụ, tháp hồng, cầu thang nâu, gậy đỏ, khối hình trụ không có núm, khối hình học nguyên khối, khối tam thức, nhị thức, tấm cảm nhiệt, tấm trọng lượng… giúp trẻ làm quen với các khái niệm Toán học như kích thước (dài-ngắn, cao-thấp, dày-mỏng), hình học (hình vuông, hình trụ…), biểu thức số học, nhiệt độ (nóng-lạnh) và khối lượng (nặng-nhẹ)… 

Như vậy, việc học Toán với giáo cụ Montessori hoàn toàn có thể kích hoạt trí óc và tư duy Toán học của trẻ, giúp trẻ 3-6 tuổi biết:

– Khái niệm số và lượng từ 1 đến 10 

– Đếm các đối tượng theo số đếm từ 1 đến 1000

– Tách – gộp theo 4 phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân, chia lên tới hàng nghìn

– Nhận biết các khía cạnh định tính của vật như: dày – mỏng, cao – thấp, ngắn – dài, nặng – nhẹ…

– Tư duy Toán học được tiếp cận cụ thể thay vì trừu tượng. Từ đó, khơi dậy tiềm năng sẵn có, kích thích sự phát triển trí tuệ, kỹ năng và nuôi dưỡng niềm yêu thích Toán học cho trẻ trong giai đoạn Mầm non.

Ba mẹ hãy cùng theo dõi những hình ảnh em bé Montessori làm việc với giáo cụ ngay dưới đây nhé! 

0/5 (0 Reviews)