Tiến sĩ Maria Montessori đã từng nói: “Rõ ràng là dưới sự giám sát nghiêm ngặt, những lời mắng mỏ liên miên và những mệnh lệnh độc đoán của mình, người lớn đã làm phiền và cản trở sự phát triển của trẻ. Bằng cách này, người ta đã dập tắt tất cả nguồn sức mạnh tích cực đang nảy mẩm”. Câu nói của bà đã chỉ ra sự sai lệch trong cách hướng dẫn trẻ của người lớn, sự sai lệch đó chính là sự áp đặt, sự thiếu tôn trọng trẻ và điều đó làm cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ. Trong khi đó, các lý thuyết về phương pháp giáo dục Montessori luôn nhấn mạnh việc lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng sự tự do lựa chọn, tự do di chuyển, sự tự sửa lỗi và làm việc theo tốc độ của mỗi trẻ. Theo đó, chúng ta có thể thấy rõ sự tôn trọng trong phương pháp giáo dục Montessori được thể hiện qua các nội dung dưới đây: 

Những bài học trong chương trình giáo dục mầm non ứng dụng phương pháp Montessori giúp các con phát triển các giác quan linh hoạt, bồi dưỡng trí tuệ,…

1. Môi trường được chuẩn bị 

Chúng ta biết rằng, các yếu tố chính làm nên một lớp học Montessori đó là: Trẻ, môi trường và giáo viên. Môi trường được nói đến ở đây là môi trường được chuẩn bị sẵn sàng.

Tại sao môi trường được chuẩn bị lại thể hiện sự tôn trọng trẻ? Trong cuốn Bí ẩn tuổi thơ, Maria Montessori đã từng nói: “Mục tiêu chính của môi trường được chuẩn bị là nhằm mang lại sự tự do lựa chọn cho trẻ, giải phóng trẻ không bị phụ thuộc vào người lớn”. Do đó, các giáo cụ được thiết kế phải phù hợp với trẻ để trẻ có thể tự thực hiện tất cả mọi hoạt động.Ví dụ: Trẻ có thể dễ dàng thực hiện hoạt động quét nhà vì kích cỡ chổi quét vừa với tay trẻ, trẻ có thể tưới cây vì trong lớp luôn có các chậu cây xanh,…Như vậy, sự tôn trọng trẻ chính là luôn dành sự quan tâm đến tất cả nhu cầu của trẻ. Đó là lý do vì sao giáo viên Montessori luôn có mặt tại lớp học từ sớm để kiểm tra, sắp xếp, chuẩn bị giáo cụ sẵn sàng, đầy đủ và chỉn chu nhất để làm thỏa mãn các “vị khách quý” là các học sinh trong lớp của mình. 

co so vat chat
Phòng học Montessori tiêu chuẩn quốc tế rộng rãi, trang bị đầy đủ các giáo cụ trực quan sinh động, được sắp xếp trật tự, khoa học.

Sự tôn trọng còn được thể hiện khi giáo viên hướngdẫn, làm mẫu cách sử dụng giáo cụ: Các giáo cụ luôn được sử dụng rất nhẹ nhàng, uyển chuyển và được đặt về đúng vị trí, luôn sẵn sàng cho người tiếp theo sử dụng. Qua đó, trẻ cũng học được cách tôn trọng người khác.

2. Sự giao tiếp trong lớp học 

Phương pháp giáo dục Montessori nhấn mạnh đến sự tôn trọng trẻ và không thể không kể đến hai kỹ năng được sử dụng nhiều trong lớp học là: Lắng nghe tích cực và sử dụng lời nói cảm nhận bản thân. Các giáo viên trong lớp học Montessori luôn tập trung lắng nghe trẻ và phản hồi lại trẻ. Khi nghe trẻ nói, người giáo viên sẽ dừng các công việc lại, ngồi thấp ngang tầm nhìn của trẻ, nhìn vào mắt trẻ  và phản hồi lại câu hỏi của trẻ thay vì chỉ trích, quát mắng hay dọa nạt. Trong lớp học Montessori, mọi người cũng sẽ tôn trọng lượt nói của nhau: Khi cô nói- trẻ lắng nghe và ngược lại, đồng thời không ai cắt ngang khi người khác nói. Ngoài ra, các trẻ cũng biết tôn trọng lượt của người khác, ví dụ: Trẻ rất muốn thực hiện bài học “Xây hàng rào” mà bạn đang làm nhưng trẻ sẽ không ra tranh giành của bạn mà sẽ đến nói nhỏ với bạn như một lời nhắc nhẹ nhàng: “Mình rất muốn làm hoạt động này, sau khi bạn làm xong sẽ đến lượt mình nhé!”.

Khi trẻ mắc lỗi thì sao? Giáo viên sẽ mời trẻ ra nói chuyện riêng thay vì nói trước lớp, cô cũng sẽ lắng nghe cảm xúc của trẻ trước để chắc chắn cô đã hiểu nguyên nhân sự việc. Sau đó, giáo viên có thể cho trẻ ngồi time out và thời gian trẻ ngồi time out phụ thuộc vào tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ 4 tuổi sẽ có thời gian time out là 4 phút, mục đích time out để trẻ bình tĩnh lại và có thời gian để suy nghĩ về việc làm của mình. Tất nhiên, giáo viên sẽ không bỏ mặc trẻ ở đó một mình, cô sẽ vẫn quan sát trẻ để chắc chắn trẻ được an toàn. Và thông thường, khi trẻ mắc lỗi, thay vì quát mắng hay phạt trẻ, người giáo viên sẽ sử dụng lời nói cảm nhận bản thân để giúp trẻ tự nhận ra trách nhiệm của bản thân và tự sửa lỗi. Ví dụ: Khi trẻ chạy trong lớp, cô sẽ nói: “Cô cảm thấy rất lo lắng khi con chạy trong lớp như vậy vì con có thể sẽ bị đau và có thể làm hỏng giáo cụ”. Với cách nói như vậy, trẻ có thể nhận ra sai lầm của bản thân và tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp như Maria Montessori đã từng nói: “Tôn trọng trẻ ngay cả khi chúng phạm lỗi, chúng sẽ có thể sửa chữa sai lầm của mình nhanh nhất có thể”.

Ngoài ra, trong Phương pháp giáo dục Montessori, sự tôn trọng trẻ cũng được thể hiện qua việc không áp dụng hình thức khen chê, thưởng phạt. Tất cả trẻ trong lớp đều được tôn trọng, được đối xử công bằng như nhau và thay vì thưởng, phạt các giáo viên sẽ dùng hình thức khích lệ, ghi nhận để động viên, khuyến khích trẻ. Bởi vì các giáo viên hiểu rằng: phần thưởng lớn nhất đối với trẻ là để trẻ được tự do trải nghiệm, khám phá các hoạt động từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc mà không bị làm phiền hay ngắt quãng bởi những lời nhận xét khen chê. Trẻ sẽ cảm thấy thật sự thỏa mãn khi hoàn thành công việc. Đó chính là phần thưởng dành cho trẻ, phần thưởng đó sẽ lớn hơn bất cứ lời khen hay món quà nào. Đó cũng là lý do vì sao trẻ trong lớp học Montessori luôn tự giác, say mê làm việc và làm việc trong trật tự, yên lặng.

Trẻ được giáo dục như thế nào tại trường Montessori chuẩn quốc tế?
Cá nhân hóa lộ trình học tập mang đến cho trẻ cơ hội phát triển theo chính cá tính của mình.

Sự tôn trọng cũng được thể hiện ở việc giáo viên không can thiệp khi trẻ đang tập trung làm việc. Việc can thiệp chỉ xảy ra khi trẻ gặp tình huống nguy hiểm hoặc nghịch giáo cụ. Ví dụ: Khi trẻ đang tập trung làm việc nếu giáo viên quan sát thấy trẻ làm chưa đúng nhưng trẻ vẫn đang rất tập trung thì giáo viên sẽ lùi lại quan sát, ghi chép lại những lỗi sai đó thay vì ra can thiệp, chỉnh sửa trẻ và chờ một thời điểm thích hợp, cô sẽ hướng dẫn lại bài học đó cho trẻ. Ngoài ra, khi cần phải can thiệp, giáo viên sẽ đến bên trẻ, vỗ nhẹ vào vai trẻ và nói: “Cô có thể giúp con được không?” Nếu trẻ đồng ý, giáo viên sẽ hỗ trợ trẻ, còn nếu không, giáo viên sẽ lại lui về phía sau để tiếp tục đảm nhận vai trò quan sát.

Không chỉ với trẻ, các giáo viên cũng là hình mẫu về sự tôn trọng lẫn nhau. Khi quan sát lớp học, chúng ta sẽ thấy các giáo viên đi lại rất nhẹ nhàng và khi muốn trao đổi việc gì, giáo viên sẽ đến vỗ nhẹ vào vai người cần nói và nói thầm vào tai thay vì gọi với trong lớp. Điều đó là bởi các giáo viên không muốn làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ.

3. Các bài học được hướng dẫn dựa trên năng lực của từng cá nhân trẻ

Phương pháp giáo dục Montessori dựa trên sự phát triển cá nhân. Đó là lý do vì sao lớp học Montessori lại trộn lẫn độ tuổi. Và việc các giáo viên lên kế hoạch bài học cho trẻ dựa vào khả năng của mỗi trẻ cũng là thể hiện sự tôn trọng sự phát triển tự nhiên, không áp đặt trẻ.

Ví dụ, trẻ 2.5-3 tuổi sẽ được định hướng các bài học về Thực hành cuộc sống giúp trẻ phát triển các kỹ năng tự lập và vận động tinh còn với trẻ lớn hơn sẽ được định hướng các bài học trong các lĩnh vực học thuật. Tuy vậy, với mỗi trẻ trong cùng độ tuổi lại có năng lực không giống nhau. Chính vì vậy, người giáo viên luôn dõi theo để nắm bắt khả năng thực tế của các trẻ nhằm đưa ra lộ trình phù hợp nhất giúp trẻ phát huy tối đa khả năng của mình, không bị bỏ lỡ giai đoạn nhạy cảm nào.

em be montessori
Những bài học trong chương trình giáo dục mầm non ứng dụng phương pháp Montessori giúp các con phát triển các giác quan linh hoạt, bồi dưỡng trí tuệ,…

4. Các bài học về phép lịch sự nhã nhặn

Các bài học về phép lịch sự nhã nhặn là một phần không thể thiếu trong lớp học Montessori. Hàng ngày, trẻ sẽ được hướng dẫn các bài học như: cách đẩy ghế không phát ra tiếng kêu, khi hắt hơi/ho cần lấy tay che miệng, cách xin phép khi ra khỏi lớp, cách thu hút sự chú ý của ai đó,…Khi được hướng dẫn và luyện tập các kỹ năng này, trẻ sẽ biết cách tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường xung quanh và khi ra khỏi môi trường lớp học, trẻ sẽ biết cách áp dụng các kỹ năng đó trong cộng đồng xã hội lớn hơn. Ví dụ, khi đi ăn ở nhà hàng, trẻ sẽ biết cách đẩy ghế vào trước khi rời đi hay trẻ sẽ biết cách chờ đợi đến lượt khi xếp hàng mua vé hay đơn giản là luôn nói lời cảm ơn, xin lỗi khi cần.

Đoàn Thị Hường- Chuyên gia giáo dục Montessori có Chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế bởi hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA)

 

0/5 (0 Reviews)

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email