Lấy “tôn trọng trẻ” làm cốt lõi, không la mắng, đòn roi, không khen – chê, thưởng – phạt… phương pháp kỷ luật tích cực trong lớp học Montessori tại Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori hướng tới mục tiêu giúp trẻ điều chỉnh hành vi chưa đúng mực, thôi thúc và rèn luyện tính kỷ luật của trẻ mầm non.
- Vì sao phương pháp Montessori tối ưu cho sự phát triển của trẻ trong 6 năm đầu đời?
- Người lớn phải làm gì để nuôi dưỡng sự tôn trọng ở trẻ trong giai đoạn mầm non?
- 7 nguyên tắc để áp dụng kỷ luật tích cực với con trẻ
Kỷ luật tích cực trong Montessori giúp trẻ hình thành tính tự kỷ luật
Kỷ luật tích cực là một hình thức giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của trẻ. Là sự kết hợp giữa sự kiên định và mềm mỏng dựa trên các nguyên tắc được thiết lập giữa giáo viên và trẻ, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, khiến bất cứ đứa trẻ nào cũng học được cách hợp tác linh hoạt và tinh thần kỷ luật tích cực mà không bị tổn thương tới lòng tự trọng.
Tại Sakura Montessori, kỷ luật tích cực là một phần không thể thiếu trong mỗi lớp học. Nó không phải do người lớn tác động lên trẻ hay một kỹ thuật để điều khiển hành vi của trẻ mà là cách thúc đẩy hình thành sự tự điều chỉnh hành vi, tự kỷ luật của trẻ.
Làm thế nào để các em bé Montessori tự kỷ luật tích cực?
Cô Đoàn Hường – thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm, phụ trách chương trình Montessori tại Sakura Montessori cho biết: “Các lớp học Sakura Montessori không có bảng chấm điểm hành vi, không thưởng – phạt… mà lấy nguyên tắc “tôn trọng trẻ” làm cốt lõi để cùng trẻ thiết lập các nguyên tắc lớp học có kỷ luật.”
Nguyên tắc 1: Tôn trọng sự tự do mang tính kỷ luật
Tại lớp học Montessori, hoạt động tự do là một trong những đặc điểm cơ bản. Mục đích của hoạt động tự do không phải là tích lũy nhiều kiến thức mà là xây dựng khả năng hành động, phát triển khả năng nhận thức, vận động, khả năng độc lập, chủ động…
Vì vậy, các giáo viên Montessori luôn “trao quyền” cho trẻ để con tự do vận động, đi lại, tự do lựa chọn hoạt động học tập theo sở thích ở các lĩnh vực khác nhau, tự do ôn lại và lựa chọn hình thức học một mình hoặc học nhóm, hay lựa chọn nhịp độ làm việc để nắm chắc kỹ năng và thỏa mãn với công việc của mình.
Trong giờ học Montessori, sau giờ học nhóm thứ nhất, trẻ bắt đầu lựa chọn hoạt động cá nhân, giáo viên Montessori tôn trọng sự lựa chọn của con, lùi lại để quan sát và ghi chép những đặc điểm của trẻ khi hoạt động, mức độ hoàn thành bài học… Giáo viên chỉ can thiệp và hỗ trợ trẻ khi trẻ thực sự cần trợ giúp. Điều này sẽ giúp trẻ tập trung tối đa vào hoạt động của mình và cũng học được cách tôn trọng hoạt động của các bạn xung quanh.
Tuy nhiên, tự do trong lớp học Montessori là sự tự do mang tính kỷ luật. Điều đó có nghĩa là: Giáo viên Montessori sẽ là người lên kế hoạch, sắp xếp và hướng trẻ tới các hoạt động học tập phù hợp với khả năng của trẻ. Họ cũng sẽ cùng các con đưa ra các nguyên tắc phải tuân thủ trong lớp học như: Sau khi kết thúc hoạt động, trẻ tự thu dọn giáo cụ, giáo cụ cần được đặt vào vị trí ban đầu trước khi tiếp tục lựa chọn một giáo cụ khác; không dẫn chân lên thảm hoạt động, không làm phiền người khác, chờ tới lượt của mình, hoàn thành hoạt động một cách trọn vẹn.
Với nguyên tắc tôn trọng sự tự do mang tính kỷ luật, từ cách ứng xử và quy tắc lớp học, trẻ sẽ học được cách tôn trọng giáo viên, bạn bè và chính mình để đạt hiệu quả nhất trong hoạt động tại lớp học.
Nguyên tắc 2: Time-out tích cực
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của kỷ luật tích cực trong lớp học Montessori tại Sakura Montessori.
Theo cô Hường, để giúp trẻ học được tính kỷ luật từ sâu nội tại, khi trẻ mất bình tĩnh, giáo viên Sakura sẽ can thiệp bằng cách cho trẻ dừng hoạt động đang thực hiện và dẫn trẻ đến khu vực “time-out” (có thể là bất cứ góc an toàn và yên tĩnh nào trong lớp). Nếu trẻ gây ảnh hưởng đến trẻ khác, giáo viên Montessori có thể tách trẻ ra ngoài lớp nhưng luôn trong tầm kiểm soát của các cô. Trẻ sẽ “time-out” trong khoảng thời gian (số phút ứng với số tuổi của trẻ) để con tự cân bằng tâm lý và trấn an bản thân.
Trong khoảng thời gian suy ngẫm, giáo viên sẽ lặng lẽ quan sát trẻ để đảm bảo con an toàn, không chịu tác động của sự việc xung quanh.
Sau khi hết thời gian “suy ngẫm”, giáo viên Montessori nhẹ nhàng lại gần trẻ, ngồi thấp ngang tầm nhìn của trẻ và sử dụng công cụ “lắng nghe tích cực” để giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình và “lời nói thể hiện cảm nhận của bản thân” để nói lên suy nghĩ của mình trước hành động chưa đúng mực của con. Nếu trẻ mắc lỗi với bạn khác, giáo viên sẽ đưa trẻ đến nói chuyện với bạn đó để tự giải quyết vấn đề của mình.
Như vậy, với phương pháp kỷ luật tích cực trong lớp học Montessori, trẻ sẽ học được cách tự kỷ luật bản thân, biết đàm phán để thỏa hiệp trong hòa bình, vui vẻ; biết cư xử lịch sự, nhã nhặn; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.
Nguyên tắc 3: Mỗi giáo viên là một tấm gương
Vai trò của người giáo viên Montessori trong lớp chính là một hình mẫu, một “trợ tá” đắc lực của trẻ, giúp trẻ đạt đến mức độ tự điều chỉnh hành vi, tuân thủ và làm theo các “quy tắc kỷ luật” của cộng đồng lớp học.
Thực tế, các giáo viên Montessori luôn được đào tạo thông qua trải nghiệm, là người chịu trách nhiệm chuẩn bị và lên kế hoạch học tập, hướng dẫn trẻ tìm tòi, khám phá và làm gương cho các con về cách ứng xử, hoạt động; biết chăm sóc môi trường và tôn trọng những người xung quanh.
Khi giới thiệu bài học cho trẻ, giáo viên trong lớp học tại Sakura luôn tương tác với trẻ một cách nhẹ nhàng, thân thiện, cô hướng dẫn bài học theo từng bước, từng cử động chậm rãi, tập trung vào hành động hướng dẫn trẻ để trẻ dễ dàng quan sát và làm theo.
Giáo viên Sakura thường sử dụng những mẫu câu đơn giản “Cô mời các bạn vào thang máy”, “Cô mời bạn A chia sẻ”, “Cô có thể giúp gì cho con?”, “Cô cảm ơn bạn A”… để “làm gương” cho trẻ về cách giao tiếp thân thiện, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi…
Đồng thời, các giáo viên cũng hướng dẫn trẻ biết cách ứng xử với mọi người thông qua cách trò chuyện thân thiện, chia sẻ cởi mở và quan tâm lẫn nhau.
Giáo viên Montessori luôn chuẩn bị môi trường sẵn sàng bằng cách lau chùi, sắp xếp giáo cụ, tranh ảnh, cây xanh… một cách khoa học và thẩm mỹ. Theo đó, khi trẻ bước vào lớp, các con sẽ cảm thấy được chào đón, mời gọi, thấy sự chăm chút môi trường của các cô để noi theo và tự giác tôn trọng môi trường học tập.
Như vậy, với các nguyên tắc lớp học rõ ràng, tính tự kỷ luật ở trẻ được thôi thúc hình thành từ bên trong, giúp trẻ phát triển nhận thức, biết thực hành kỷ luật tích cực trong cộng đồng.