Khi một đứa trẻ ra đời, ba mẹ vỡ òa trong hạnh phúc. Chúng ta ngắm nhìn con mỗi ngày, chăm sóc, ôm ấp, quan sát và sung sướng khi nhìn thấy những hành động của con dù là nhỏ nhất. Nhưng bên cạnh những yêu thương, niềm vui, chúng ta cũng đối mặt với những căng thẳng: cơ thể còn đau đớn khi mới sinh, lo lắng không biết có sữa cho con bú không, thiếu ngủ, tăng cân không thể kiểm soát, mâu thuẫn trong cách chăm sóc con với mẹ chồng… chưa kể đến có người đến thăm có thể buông vài lời gây áp lực kiểu như: “Sao không đeo bao tay bao chân cho con”, “sao lại bật điều hòa, nó mới sinh phải quấn chặt không nó giật mình đấy”, “nó vặn mình thế kia là phải vía rồi”, “sữa mẹ nóng nên con không tăng cân”…Cả nghìn những bài giáo huấn đổ vào đầu người mẹ vốn cũng đang rối bời với những vấn để của con.
Thời kì khủng hoảng
Giai đoạn trẻ sơ sinh qua đi, con biết đi và biết nói, có thể ba mẹ bắt đầu thấy “nhàn” hơn vì giờ giấc sinh hoạt của con đã ổn định hơn. Những thử thách thực sự mới đầu đầu khi con bước vào độ tuổi khoảng từ 2 đến 3 tuổi. Giai đoạn này trẻ hình thành ý thức độc lập, muốn tự chủ, muốn có quyền riêng. Đây cũng là bước chuyển giao từ nhận thức vô thức sang có ý thức, là cột mốc quan trọng để quyết định hoặc là trẻ sẽ trở thành một em bé tự tin hoặc trẻ sẽ trở thành em bé tự ti.
Cùng với sự phát triển ngôn ngữ, trẻ luôn nói “để con”, “của con”, “con muốn” và đôi khi trẻ cũng tỏ ra bướng bỉnh… Đây cũng là giai đoạn có sự thay đổi lớn trong tâm lý mỗi trẻ và không tự nhiên người ta nhắc đến với cụm từ “khủng hoảng tuổi lên ba”. Cuộc khủng hoảng thực sự diễn ra khi con bắt đầu nói “không” với hầu hết những điều mà chúng ta đề nghị trẻ thực hiện theo hoặc trẻ sẽ làm những cách rất khác với sự mong đợi của người lớn. Sự thay đổi này sẽ khiến ba mẹ bất ngờ thậm chí không còn nhận ra đó chính là con mình nữa. Phần lớn ba mẹ sẽ thấy con ăn vạ nhiều hơn, làm mọi việc theo ý mình, cố tình làm ngược lại với những gì ba mẹ yêu cầu, tỏ ra chống đối nhiều hơn – trong một số tài liệu người ta cũng sử dụng cụm từ “khủng hoảng chống đối” để nói về giai đoạn này.
Ba mẹ thấy bế tắc
Trước những thay đổi của trẻ, ba mẹ bắt đầu có hàng nghìn câu hỏi trong đầu: có phải con ở nhà với ông bà được chiều chuộng quá mức, có phải chúng ta quá nghiêm khắc với con, chúng ta có dành quá ít thời gian cho con, chúng ta không đủ kiến thức để dạy con…Chúng ta bắt đầu thấy con có vấn đề và thử nhiều cách với mong muốn con trở lại là đứa trẻ “đáng yêu” như xưa nhưng bất thành. Ba mẹ cảm thấy chán nản, hết cách và đưa ra những lí do để bào chữa cho việc mình thất bại trước con:
- Cha mẹ sinh con, trời sinh tính
- Chẳng có đủ tiền bạc và thời gian để dạy dỗ
- Nó bướng là do thừa hưởng cá tính của ba mẹ
Trao quyền cho con
Theo tiến sỹ Maria Montessori: “Người lớn phải nhìn nhận mình là thứ yếu, họ phải cố gắng làm tất cả để hiểu trẻ, phải đi theo và giúp trẻ trong sự phát triển đời sống của nó. Đây là mục tiêu và là niềm khao khát của người mẹ và người thầy” (Trích Bí ẩn tuổi thơ)
Với một số ba mẹ sẽ thấy bước chuyển giao trong giai đoạn này diễn ra khá nhẹ nhàng, không có quá nhiều sự thay đổi ở trẻ. Nói như vậy không có nghĩa là trẻ đó không trải qua giai đoạn này mà do đứa trẻ đã được chuẩn bị và nhận sự hỗ trợ đúng đắn từ ba mẹ giúp trẻ sẵn sàng vượt qua những sóng gió tâm lý đầu đời.
Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển thể chất, trẻ cũng được tích lũy những khả năng trong quá trình khám phá, nhận biết thế giới. Chính vì vậy, “cái tôi” của trẻ lớn dần lên, trẻ mong muốn được ghi nhận như một cá thể độc lập và không còn chấp nhận được thái độ của người lớn khi luôn cố nhấn mạnh rằng: trẻ còn bé và phải làm theo những gì chúng ta dạy bảo.
Ở tuổi này, cái tôi cần được thừa nhận và muốn được tự quyết định. Những quyết định này thường rất đơn giản, liên quan chủ yếu đến những nhu cầu đời thường: mặc chiếc váy màu hồng thay vì màu xanh, uống sữa vị dâu thay vì vị cam, đi dép lê thay vì đi giày…Như vậy, nếu ngay từ đầu chúng ta tăng cường sự hợp tác với trẻ, trẻ được thừa nhận cái tôi mà mình đòi hỏi, đồng nghĩa với việc trẻ không phải tranh đấu để giành quyền thì có thể chống đối sẽ không xảy ra. Ví dụ, khi ba mẹ đưa con đi chơi công viên, hãy rủ con đi thay vì thông báo, hãy hỏi con chọn áo màu hồng hay màu xanh thay vì đưa cho một chiếc áo và yêu cầu con mặc vào, hỏi con muốn tự lấy áo hay muốn mẹ giúp…(tất nhiên, ba mẹ hãy chuẩn bị những đồ dùng vừa tầm với để con có thể tự làm). Ở tuổi lên ba, việc chê bai, căng thẳng, hiếu thắng của ba mẹ sẽ chỉ châm ngòi cho những chống đối. Khi cuộc chiến tranh quyền lực diễn ra giữa ba mẹ và con cái, ba mẹ sẽ không kiềm chế được mà dùng bạo lực để đàn áp, còn trẻ sẽ dùng sự chống đối để kháng cự.
Thời kỳ này, điều quan trọng nhất là giúp trẻ nhận ra vai trò của mình hiện diện trong gia đình. Chúng ta cần cho trẻ cơ hội để đưa ra ý kiến và quyết định. Nói như vậy không có nghĩa để mặc cho trẻ muốn làm gì thì làm, mà chúng ta nên tránh những câu mệnh lệnh thay vào đó hãy đưa cho trẻ sự lựa chọn:
- Con muốn ăn bánh mỳ với mứt dâu hay với mật ong? Về mặt vật chất thì mứt dâu hay mật ong không có nhiều khác biệt, sự lựa chọn chỉ mang lại ảnh hưởng về tâm lý giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, được khẳng định “cái tôi”, được quyết định
- Con mặc váy hay mặc bộ quần áo này! Tuy vậy, đôi lúc, ba mẹ cũng cần nhượng bộ gu thẩm mỹ của con, có thể trẻ sẽ mặc phong cách đặt biệt của riêng mình, sẽ chấp nhận con ra ngoài mà mặc bất kỳ bộ quần áo nào con thích dù chúng ta muốn trẻ mặc bộ khác
Chúng ta cũng nên lên kế hoạch trước cho những sự kiện hay việc mà chúng ta định làm và muốn con tham gia cùng. Ví dụ: ngày mai là cuối tuần, con nghĩ mình nên đi siêu thị hay đi công viên/con nghĩ chúng ta nên đi công viên trước hay siêu thị trước…Nếu con đưa ra một vài đề xuất hãy lắng nghe và tìm cách thuyết phục hoặc đồng thuận với những đề xuất hợp lý. Hãy thay thế cuộc hội thoại một chiều, mẹ yêu cầu – con phải tuân theo, mẹ thông báo – con phải thực hiện bằng những cuộc hội thoại mở hai chiều để trẻ tham gia, đưa ý kiến. Điều đó vừa giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu khẳng định bản thân của trẻ, vừa giúp ba mẹ hiểu con hơn thông qua những gì con chia sẻ.
Hãy thận trọng với những lời hứa
Trẻ luôn hào phóng và rộng lượng, trẻ không mong chờ sự hoàn hảo tuyệt đối của người lớn mà chỉ muốn có được mối quan hệ chân thành, sự hợp tác thiện chí. Đôi khi, chúng ta nghĩ trẻ sẽ dễ dàng quên đi những giao hẹn hay những lời hứa. Hoàn toàn sai lầm vì thực tế trẻ rất trân trọng những lời hứa, vì vậy, ba mẹ hãy thận trọng với những lời mình hứa, một khi đã hứa thì hãy cố gắng giữ lời. Nếu chẳng may không thực hiện được hãy xin lỗi trẻ và đưa ra một đề nghị khác để thay thế.
Có thể ba mẹ sẽ phải đối mặt với việc khóc, hét, ném đồ đạc, ăn vạ… Đừng vội thất vọng khi chúng ta thỏa thuận, đối thoại, thương lượng với trẻ 1 lần mà không thành công… Giáo dục là một việc không hề dễ dàng, nó là một quá trình, cần có sự rèn luyện và tích lũy. Bằng tình yêu thương và sự tôn trọng ba mẹ sẽ cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng một cách nhẹ nhàng.
Nguyễn Thu Hiền – Chuyên gia giáo dục Montessori có Chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế bởi hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA)