Ở mỗi giai đoạn, trẻ lại có những đặc điểm tâm sinh lý phát triển khác nhau. Theo đó, ba mẹ cần có những kỹ năng ứng xử phù hợp để giúp các con xây dựng nền tảng, tạo dựng nền móng cấu trúc về nhân cách sau này. 

2 giai đoạn phát triển của trẻ mầm non và cách ứng xử của ba mẹ
Chú ý cách ứng xử trong những giai đoạn phát triển toàn diện của con sẽ giúp các con cảm thấy được tôn trọng, bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ ngay từ nhỏ…

0 đến 3 tuổi: Tình yêu của ba mẹ giúp trẻ vượt qua khủng hoảng 


Theo chuyên gia Montessori Quốc tế Nguyễn Bảo Trọng – Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori, trong giai đoạn 0-3, trẻ liên tục phải đối mặt với các khủng hoảng. 

“Khủng hoảng đầu tiên trẻ phải đối mặt đó là khủng hoảng khi ra đời. Trẻ chỉ được đem mình vào môi trường hoàn toàn mới mẻ, thiếu đi sự an toàn và tin tưởng; trẻ cũng thiếu đi phương thức biểu đạt để kết nối bản thân với môi trường. Trong khi, người lớn lại gây khó cho trẻ khi xem trẻ là những con người nhỏ bé, bất lực khi trẻ chỉ biết khóc (bất kể khi đói, khi tức giận, khi đau…)

Đặc biệt, ở giai đoạn đầu đời, trẻ tiếp nhận tất cả mọi thứ từ môi trường một cách vô thức, chưa chọn lọc. 

Cho nên, để vượt qua khủng hoảng đầu đời, trẻ cần ít nhất 5 yếu tố để phát triển toàn diện và bền vững, đó là: liên hệ trực tiếp với mẹ, và cần có sự hiện diện của cha; tôn trọng nhịp sinh học; mọi việc được thực hiện theo đúng trình tự và dễ đoán với trẻ; không gian thích hợp để trẻ tự do nhìn ngó và vận động; nhu cầu khám phá môi trường mới với tất cả các giác quan của mình. 

Cho nên, ba mẹ hãy thể hiện sự yêu thương, nâng niu trẻ bằng những câu nói yêu thương, những cái ôm, tương tác bằng ánh mắt. Mỗi ngày, hãy dành thời gian trò chuyện, kể chuyện cho trẻ nghe và giữ an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, yên tâm trước những tác động của môi trường sống. 

Giai đoạn khủng hoảng thứ hai trong giai đoạn này thường đến khi trẻ từ 2,5 đến 3 tuổi, được gọi là khủng hoảng chống đối khi trẻ đòi hỏi được thừa nhận như một “người lớn”. Trẻ bắt đầu nói “KHÔNG” với mọi thứ chúng ta đề nghị với trẻ. Chúng ta bắt đầu thấy tính vị kỷ của trẻ rất cao, muốn khẳng định cái “tôi”. Trẻ muốn tự mình đưa ra quyết định trong các sinh hoạt đời sống như ăn uống, mặc quần áo, chọn đồ,…”

Với khủng hoảng này, chuyên gia Bảo Trọng nhấn mạnh rằng, người lớn nên cho trẻ những sự lựa chọn để trẻ có thể thực hiện theo ý mình thay vì áp đặt. Hãy giúp trẻ xác nhận sự hiện diện của bản thân trong gia đình và lớp học bằng cách thể hiện sự tôn trọng và tình yêu trẻ trước những phản ứng, hành động chưa đúng mực của trẻ.

Thay vì kiểm soát thái quá hành động và cảm xúc của trẻ, người lớn hãy trao quyền cho trẻ để các con được là chính mình. Hãy cho trẻ biết các con được tự do lựa chọn điều mình muốn, tự do thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân; tránh để trẻ dồn nén dẫn đến tự ti, xấu hổ hoặc nghi ngờ bản thân. 

Giai đoạn 3 đến 6 tuổi: Ba mẹ cần sự thấu hiểu để cùng con trưởng thành

Nếu như giai đoạn 0-3, trẻ tiếp nhận vô thức tất cả các tác động từ môi trường thì đến giai đoạn 3 – 6, trẻ thẩm thấu tri thức, tiếp nhận mọi thứ từ môi trường một cách có ý thức. 

“Ở giai đoạn 3-6, trẻ hình thành các trải nghiệm từ giai đoạn trước và bắt đầu hoàn thiện các kỹ năng. Trẻ bắt đầu thích đặt ra các câu hỏi vì sao, như thế nào… và luôn đòi hỏi được giải đáp thích đáng. Trẻ độc lập và tập trung hơn thông qua các bài học. Các con yêu thích thực tế, thẩm mĩ và thích lặp lại các hoạt động, tư duy cụ thể, yêu thích trật tự. Trẻ học tập qua giác quan và không thích bị can thiệp vào các hoạt động.” – Chuyên gia Nguyễn Bảo Trọng cho biết thêm.

Vì vậy, với đặc điểm phát triển nêu trên, bên cạnh thể hiện tình yêu thương, sự tôn trọng… cách ứng xử của ba mẹ cũng cần khéo léo và đặc biệt hơn. 

Hãy để trẻ tự lập

Tiếp tục trao quyền tự do cho trẻ; tôn trọng trẻ như một cá thể độc lập, cư xử với trẻ như một người trưởng thành… là những điều người lớn cần làm trong giai đoạn trẻ từ 3 đến 6 tuổi. 

Bố mẹ nên để trẻ tự làm những hoạt động trong khả năng của mình như cất giày vào giá, treo quần áo; ngoài ra, hãy gợi ý trẻ cùng tham gia thực hiện những hoạt động trong gia đình cùng ba mẹ như rửa rau củ, chuẩn bị bàn ăn, lau bàn… Đây cũng là cách dạy cho trẻ kỹ năng tự lập, chủ động chăm sóc cuộc sống ngay trong giai đoạn đầu đời. 

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên chuẩn bị môi trường sẵn sàng cho sự tự lập của trẻ như sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, có trật tự và khoa học. Những góc học tập, vui chơi của trẻ nên được trang trí đẹp mắt, thu hút trẻ đến khám phá và trải nghiệm. 

“Lắng nghe tích cực” và “Lời nói thể hiện cảm nhận bản thân”

Theo cô Vũ Hải Bình – Giáo viên Montessori, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sakura Montessori Cầu Giấy, giai đoạn 3-6 là thời kỳ trẻ thẩm thấu có ý thức để nhận biết thế giới một cách chủ động, chọn lọc. Vì vậy, ba mẹ luôn phải là tấm gương để các con học theo và phát triển các tính khí tốt.

“Lắng nghe tích cực” và “lời nói thể hiện cảm nhận bản thân” là hai công cụ quan trọng để ba mẹ thấu hiểu trẻ ở thời điểm này. Trong đó, “lắng nghe tích cực” thể hiện sự tập trung, tiếp nhận, xử lý thông tin và có phản hồi lại của người lớn đối với câu hỏi hay nỗi băn khoăn của trẻ. Còn “lời nói thể hiện cảm nhận bản thân” chính là những cảm nhận riêng của người lớn về những hành động của trẻ đang gây ảnh hưởng đến người khác. 

Khi trẻ mắc lỗi, ba mẹ không la rầy, không quát nạt, thay vào đó nên sử dụng công cụ “lắng nghe tích cực” để thấu hiểu trẻ và nói lời “thể hiện cảm nhận của bản thân” như ““Con bình tĩnh nhé!”, “khi con đẩy bạn ngã mẹ/ba cảm thấy lo lắng”, “bởi vì con có thể khiến cho bạn mình đau và bị tổn thương”… để lý giải cho trẻ hiểu. 

Đặc biệt, ba mẹ cần đưa ra các tín hiệu để các con cảm nhận được cô giáo là một “người bạn thân thiết” như hỗ trợ về mặt cảm xúc, giúp con gọi tên cảm xúc “yêu, ghét, giận hờn…” của mình và cùng con vượt qua cảm xúc tiêu cực ở giai đoạn nhạy cảm. Nhờ vậy, các con cũng sẽ học được cách “lắng nghe tích cực” và sử dụng “lời nói thể hiện cảm nhận của bản thân”

Ba mẹ có thể sử dụng “lắng nghe tích cực” và “lời nói thể hiện cảm nhận của bản thân” với con như cách giáo viên Montessori đang làm. Khi con cảm thấy mình được người lớn lắng nghe và ghi nhận cảm xúc thật, con sẽ thoải mái, dễ chịu và coi lỗi sai là cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân hơn. 

Động viên, khích lệ và kỷ luật tích cực 

Trẻ thường dễ mắc sai lầm trong giai đoạn đầu đời vì hiếu thắng và thực sự kiểm soát được cảm xúc và hành động. Tuy nhiên, nếu người lớn coi “sai lầm là cơ hội để trẻ học hỏi”, chúng sẽ luôn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ giáo viên, cha mẹ và từ những trẻ khác. 

Thay vì thưởng – phạt, khen – chê, việc động viên, khích lệ và sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực vô cùng quan trọng. Điều này sẽ khơi dậy sự tự tin cùng những nỗ lực vượt qua chính mình ở mỗi trẻ để hoàn tất công việc. Theo đó, trẻ cũng sẽ hình thành và phát triển các kỹ năng tự lập, chủ động hợp tác linh hoạt và tôn trọng mọi người xung quanh.

Cùng những cách ứng xử từ giáo viên Montessori nêu trên, hi vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ trong hành trình giáo dục con cái.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm