Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và thành công sau này của trẻ. Tuy nhiên để có thể hình thành được kỹ năng này là cả quá trình rèn luyện và cần áp dụng phương pháp chính xác, phù hợp. Nội dung bài viết ngay sau đây sẽ chia sẻ với các bậc phụ huynh 8 cách dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non hiệu quả nhất.
Dưới đây là những tip hữu ích giúp ba mẹ rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời.
Thế nào là kỹ năng giao tiếp?
Giao tiếp là một trong những kỹ năng xã hội quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người. Chúng ta thường được biết đến là một “mắt xích” của xã hội, cho nên, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đều phải tương tác và giao tiếp với thế giới xung quanh để thấu hiểu và tạo dựng các mối quan hệ của mình.
Đối với trẻ nhỏ, các cấp độ giao tiếp của trẻ phát triển dần theo độ tuổi. Ngay từ khi trẻ chào đời, các con giao tiếp bằng mắt, qua các cử động của chân, tay, đặc biệt là qua tiếng khóc… Lên 3 tuổi, trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, thể hiện thái độ, cảm xúc thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, nét mặt… Vì vậy, giao tiếp chính là “công cụ” quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển.
Việc dạy trẻ kỹ năng sống, điển hình là kỹ năng giao tiếp ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ làm chủ ngôn ngữ, biết vận dụng ngôn ngữ để cư xử lịch sự, nhã nhặn hay thể hiện quan điểm, cá tính của bản thân; kết nối hiệu quả với mọi người xung quanh…
Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp đối với trẻ mầm non
Giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non là rất cần thiết bởi kỹ năng này có vai trò vô cùng quan trọng. Khi trẻ biết cách giao tiếp sẽ có thể tự chủ động diễn đạt suy nghĩ, truyền tải thông điệp tới người khác, biết bày tỏ mong muốn với cha mẹ, thầy cô và mọi người xung quanh. Đồng thời trẻ cũng biết cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác để tạo thêm nhiều mối quan hệ tốt với bạn bè, mọi người.
Kỹ năng giao tiếp sẽ tạo tiền đề để trẻ phát triển tư duy phản biện và các kỹ năng mềm cần thiết khác như kỹ năng làm việc nhóm…Bên cạnh đó khi sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt trẻ sẽ luôn tự tin trong mọi hoạt động và các mối quan hệ xã hội. Trẻ sẽ phát huy được các tiềm năng của bản thân, làm chủ chính mình để tạo dựng thành công trong tương lai.
Ngoài ra việc giao tiếp tốt giúp trẻ tránh được việc gây ra những hiểu lầm ngoài ý muốn vì lúc này trẻ đã có thể truyền đạt rõ ràng mọi ý kiến. Hơn nữa cũng có thể tránh được tâm lý tiêu cực do không thể nói rõ nhu cầu của bản thân.
8 phương pháp dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non hiệu quả
Có rất nhiều phương pháp dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non, tuy nhiên trước khi dạy trẻ giao tiếp thì ba mẹ phải là người thường xuyên giao tiếp với con để hiểu con hơn, từ đó mới dễ dàng bước vào thế giới của con, dạy con nhiều kỹ năng hơn. Ba mẹ hãy lắng nghe cô Sa của trường mầm non Sakura Montessori chỉ ra những bí quyết hiệu quả để giao tiếp với con mình nhé!
Để rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non cha mẹ hãy tham khảo phương pháp sau đây:
Xây dựng môi trường giao tiếp cho trẻ
Muốn trẻ giao tiếp tốt thì trước tiên trẻ cần được tạo môi trường giao tiếp lành mạnh và phù hợp để thực hành. Cha mẹ nên dành cho con nhiều thời gian hơn khi ở nhà để cùng con trò chuyện, lắng nghe những suy nghĩ, câu hỏi của con và giải đáp các thắc mắc để giúp con tích lũy thêm nhiều thông tin. Hơn nữa trong quá trình trò chuyện cũng là cơ hội để trẻ học hỏi rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Ở trường lớp trẻ được vui chơi cùng bạn bè cùng tham gia và khám phá những điều mới lạ từ đó có thêm được nhiều thông tin bổ ích đồng thời tăng cường khả năng giao tiếp. Ngoài ra cha mẹ nên thường xuyên cho con ra ngoài tiếp xúc với người lạ để trẻ mạnh dạn, tự tin hơn tránh cảm giác nhút nhát, sợ hãi.
Khuyến khích trẻ kể chuyện, đọc thơ
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ kể chuyện, đọc thơ để phát huy khả năng giao tiếp. Đây là phương pháp cực kỳ hiệu quả và hoạt động này cũng được trẻ vô cùng thích thú và hào hứng tham gia.
Thông qua các câu chuyện và các bài thơ trẻ vừa có thể rèn luyện cách lắng nghe, ghi nhớ đồng thời còn thể gia tăng được vốn từ và khả năng ngôn từ. Khuyến khích trẻ kể chuyện, đọc thơ còn có tác dụng dạy trẻ các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tốt để chuẩn bị vào lớp 1.
Kích thích khả năng nói, bày tỏ cảm xúc và quan điểm của trẻ
Một trong những cách dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non hiệu quả đó chính là kích thích khả năng nói, bày tỏ cảm xúc và quan điểm của trẻ. Trên thực tế mỗi đứa trẻ có những tính cách khác nhau có trẻ rất sôi nổi, hoạt bát sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ, mong muốn.
Tuy nhiên có trẻ lại nhút nhát, tính tình hướng nội và không chủ động trong giao tiếp. Trong tình huống này cha mẹ cần dành thời gian để trò chuyện với trẻ nhiều hơn kích thích trẻ nói chuyện bày tỏ cảm xúc, quan điểm.
Cha mẹ hãy tìm những chủ đề trẻ yêu thích để đặt các câu hỏi hoặc kể các câu chuyện cho bé nghe. Sau đó hãy hỏi bé về câu chuyện vừa được nghe kể để tạo sự tương tác nhiều hơn với con. Khi trẻ cảm thấy được quan tâm sẽ sẵn sàng chia sẻ và cởi mở hơn từ đó tạo sự tự tin khi giao tiếp.
Giúp trẻ phát triển tư duy qua các đồ chơi thông minh
Các đồ chơi thông minh mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ trong đó giúp phát triển khả năng giao tiếp. Khi trẻ chơi các đồ chơi thông minh sẽ tạo môi trường phát triển tư duy lành mạnh đồng thời có thể kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo giúp não bộ vận hành linh hoạt. Đặc biệt việc trẻ tiếp xúc với những trò chơi thông minh sẽ khiến trẻ trở nên mạnh dạn hơn, tự tin hơn để sẵn sàng hòa nhập với thế giới bên ngoài kích thích khả năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ nên cho con chơi các đồ chơi thông minh như đồ chơi ghép hình, đồ chơi nhận biết bằng hình ảnh, các loại cờ vua, cờ tướng, đồ chơi rút gỗ,…
Dành thời gian trò chuyện với bé thường xuyên
Trò chuyện với trẻ thường xuyên là cách dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non mà cha mẹ nên áp dụng thường xuyên. Việc trò chuyện với con mỗi ngày sẽ rất cần thiết và mang lại hiệu quả trong việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Cha mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện cùng con sẽ giúp con hoạt ngôn và tư duy tốt hơn.
Trẻ thường rất tò mò đến mọi thứ xung quanh và luôn có “mười vạn câu hỏi vì sao” muốn được giải đáp. Khi cha mẹ có thể giải đáp được các câu hỏi của trẻ sẽ giúp trẻ có thêm được nhiều thông tin cùng với trí liên tưởng tốt hơn.
Ngoài ra trong các cuộc trò chuyện với trẻ cha mẹ hãy đặt các câu hỏi cho con về nhiều chủ đề như hôm nay đi học cô giáo dạy những gì, ngày hôm nay của con như thế nào có gì vui không,…Trẻ sẽ hào hứng kể lại cho cha mẹ nghe qua đó giúp gắn kết tình cảm gia đình và trẻ cũng tự tin hơn.
Tạo điều kiện để bé tham gia môi trường làm việc nhóm
Những hoạt động nhóm tham gia cùng bạn bè có ý nghĩa rất lớn đến quá trình rèn luyện kỹ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ có cơ hội tiếp xúc và giao lưu với bạn bè sẽ giúp trẻ trở nên hòa đồng và cởi mở hơn với mọi người. Trẻ tự tin thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình rèn luyện thêm các kỹ năng mới như kỹ năng đàm phán, thuyết phục để giải quyết vấn đề. Vì vậy làm việc nhóm chính là môi trường lý tưởng để trẻ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Cho bé tham gia những hoạt động ngoài trời
Các hoạt động ngoài trời tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài rộng lớn giúp trẻ năng động hơn và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ bổ ích. Trẻ được tham gia các hoạt động ngoài trời thường xuyên sẽ có thể giao lưu được với nhiều người, tham gia nhiều hoạt động hữu ích, tập thể. Vì vậy sẽ có khả năng giao tiếp tốt hơn hẳn những đứa trẻ chỉ ở trong nhà ít tiếp xúc với mọi người.
Cha mẹ là tấm gương để bé noi theo
Để dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ thì cha mẹ hãy là tấm gương để con noi theo. Khi trò chuyện với trẻ cha mẹ cần chú ý đến cách diễn đạt nói câu hoàn chỉnh có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Như vậy trẻ sẽ học hỏi được từ quá trình giao tiếp với cha mẹ hàng ngày.
Bên cạnh đó để dạy trẻ biết dùng kính ngữ, biết dạ thưa với người lớn tuổi và thể hiện được sự tôn trọng, phép lịch sự khi giao tiếp. Cha mẹ phải là người thực hiện trước luôn nói chuyện lịch sự, hòa nhã để trẻ noi theo.
Một số câu hỏi thường gặp
Những kỹ năng giao tiếp sớm của trẻ là gì?
Những kỹ năng giao tiếp sớm của trẻ bao gồm:
+ Kỹ năng quan sát: Kỹ năng này đã hình thành ngay từ khi trẻ sinh ra trẻ đã có thể quan sát mọi thứ xung quanh.
+ Kỹ năng lắng nghe: Trẻ có thể lắng nghe các âm thanh từ khi còn chưa biết nói.
+ Khả năng bắt chước: Trẻ có khả năng bắt chước những âm thanh nghe thấy và những hành động nhìn thấy rất nhanh.
+ Chơi: Trẻ tiếp cận và khám phá thế giới xung quanh bằng cách chơi và tìm hiểu sự vật đặt các câu hỏi về mọi thứ xung quanh.
+ Cử chỉ chính là một trong những cách giao tiếp đầu tiên của trẻ, trẻ sử dụng ánh mắt, cử, chỉ, nét mặt, điệu bộ để biểu đạt ý muốn của mình với mọi người.
+ Trẻ dựng mối quan hệ với cha mẹ, người thân, bạn bè ngay từ khi còn nhỏ
Những nguyên tắc khi áp dụng cách dạy trẻ tự tin giao tiếp là gì?
Trong cuộc sống, câu chuyện dạy trẻ kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp sẽ không còn là bài toán khó đối với các bậc ba mẹ nếu chúng ta nắm chắc những nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc số 1: Khi giao tiếp với người lớn: chào hỏi, dạ thưa và hỏi thăm sức khỏe người lớn tuổi
Đây là nguyên tắc giao tiếp đầu tiên mà ba mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống khi con biết sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.
Hãy chỉ cho con bạn cách chào hỏi lịch sự khi gặp người lớn bằng những câu ngắn gọn như “Cháu chào ông/bà”, “Con chào cô/chú”, “Em chào anh/chị”… Khi trả lời người lớn tuổi, ba mẹ cũng cần dạy con thể hiện thái độ lịch sự, không được chỉ gật đầu hay lắc đầu, không được nói trống không. Thay vào đó, các con cần thể hiện thái độ tôn trọng, biết dạ thưa, cảm ơn khi nhận quà và xin lỗi khi phạm sai lầm.
Bên cạnh đó, đối với ông bà, ba mẹ cũng cần làm gương cho trẻ cách cư xử bởi trẻ con rất dễ bắt chước thái độ, lời nói và hành động của người lớn. Ba mẹ có thể áp dụng cách dạy con 3 tuổi như tâm sự, kể chuyện với bé về ông bà, người đã dành tình thương cho bố mẹ khi bố mẹ còn nhỏ và dành tình thương cho bé hiện tại. Điều này sẽ đánh thức tình cảm yêu thương của bé dành cho ông, bà mình.
Ngoài ra, người lớn nên khuyên con lặp lại thường xuyên những câu như chào hỏi lễ phép, quan tâm như “Cháu chào ông/bà ạ!” hoặc “Ông/Bà có mệt không, để cháu rót nước cho bà uống nhé!”. Qua đó, các con sẽ hình thành thói quen tốt về bày tỏ tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc ông, bà.
Nguyên tắc số 2: Giao tiếp bằng ánh mắt
Nguyên tắc giao tiếp bằng ánh mắt là một trong những kỹ năng sống về giao tiếp mà bất cứ ai cũng cần có, không chỉ riêng trẻ. Hãy hướng ánh mắt đến người đang trò chuyện bất kế khi trò chuyện, trao đổi hay nêu ý kiến. Điều này không chỉ thể hiện sự tự tin mà còn cho thấy chúng ta tôn trọng người đối diện khi giao tiếp với họ. Trẻ nên biết điều này để sử dụng hiệu quả công cụ giao tiếp trong đời sống.
Nguyên tắc số 3: Hãy nói lời cảm ơn/xin lỗi chân thành
Là trẻ nhỏ, các con hay nhận được quà, bánh… từ người lớn. Cho nên, việc dạy con biết nói lời cảm ơn chân thành như “Con cảm ơn ông, bà, bố, mẹ…”, “Em cảm ơn anh, chị…” vô cùng quan trọng. Lời cảm ơn dù chỉ được nói trong vòng ba giây nhưng đây là phép tắc tối thiểu trong giao tiếp thể hiện sự trân trọng của chúng ta với người mang đến những điều tốt đẹp cho mình.
Cùng với lời cảm ơn, hãy dạy con biết nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm. Có thể, để nói ra lời xin lỗi khá khó khăn, nhất là khi tâm lý trẻ hiếu thắng, không ổn định. Nhưng người lớn có thể làm trẻ yên tâm khi lắng nghe, thấu hiểu trẻ, cho các con hiểu rằng “sai lầm là một cơ hội để học hỏi” miễn là con biết nhận lỗi, nhìn nhận lỗi sai một cách tích cực để thay đổi và hoàn thiện hơn.
Nguyên tắc 4: Trả lời bằng câu hoàn chỉnh
Trẻ mầm non thường xuyên nói câu trống không do khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ chưa thực sự hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu ba mẹ dạy kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp “trả lời bằng câu hoàn chỉnh” ngắn gọn, các con sẽ biết sử dụng các câu đầy đủ chủ, vị để giao tiếp từ nhỏ.
Ví dụ, khi bạn hỏi “Con có vui không?”, hãy dạy cho trẻ cách trả lời bằng câu hoàn chỉnh như “Con vui ạ!”, “Con cảm thấy không vui lắm!”…
Trong giao tiếp, việc trả lời câu hỏi bằng một câu hoàn chỉnh sẽ thể hiện sự tôn trọng người hỏi. Đồng thời, khi trẻ trả lời câu hoàn chỉnh, các con cũng sẽ biết viết các câu có đầy đủ thành phần câu ở bậc Tiểu học.
Nguyên tắc 5: Tôn trọng cảm xúc, ý kiến của mọi người xung quanh
Hãy làm gương cho trẻ cách bạn tôn trọng cảm xúc, ý kiến của mọi người xung quanh. Sự tôn trọng cảm xúc và ý kiến chỉ đơn giản thể hiện ở cách chúng ta lắng nghe tích cực, không cắt ngang, sẵn sàng đóng góp ý kiến cho trẻ nhưng không phủ nhận quan điểm của trẻ. Theo đó, trẻ cũng sẽ biết cách bày tỏ sự tôn trọng cảm xúc, ý kiến của bạn bè, thầy cô.
Một số trò chơi phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non
Một số trò chơi phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non như:
+ Đóng kịch
+ Tham gia giải câu đố
+ Thi kể chuyện
+ Xem tranh đoán vật
+ Lắng nghe
+ Bịt mắt bắt dê
Dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non là việc làm rất cần thiết và quan trọng mà cha mẹ cần chú trọng rèn luyện cho con ngay từ khi còn nhỏ. Hy vọng qua bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh áp dụng đúng đắn và hiệu quả các phương pháp để giúp trẻ hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp. Môi trường mầm non quốc tế tại Sakura Montessori với phương pháp giáo dục sớm Montessori sẽ mang đến cơ hội cho trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp để phát triển toàn diện.