Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều các cặp ba mẹ gặp phải tình trạng con cái không chịu hợp tác với mình. Nếu ba mẹ biết sử dụng 4 bước ghi nhận cảm xúc, đồng cảm với con, nói ra suy nghĩ, nhận thức và khuyến khích trẻ đến với giải pháp tích cực thì ba mẹ hoàn toàn có thể chinh phục sự hợp tác của trẻ – Đó là những chia sẻ của các điều phối viên Seminar Dạy con bằng Kỷ luật Tích cực với chủ đề “Làm sao để chinh phục sự hợp tác của con?” diễn ra tại Trường Tiểu học & THCS Quốc tế Gateway – Cầu Giấy vừa qua.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho ba mẹ những thông tin cụ thể hơn về 4 bước để khiến trẻ hợp tác theo phương pháp Kỷ luật Tích cực. 

Xem thêm thông tin về Seminar “Làm sao để chinh phục sự hợp tác của con?” tại đây: https://sakuramontessori.edu.vn/5-5-seminar-day-con-bang-ky-luat-tich-cuc-lam-sao-de-chinh-phuc-su-hop-tac-cua-con/

1. Ghi nhận cảm xúc của con

Ghi nhận cảm xúc của con chính là điều đầu tiên ba mẹ nên làm khi trẻ có những hành vi cư xử chưa đúng mực. Việc ghi nhận cảm xúc sẽ cho trẻ thấy bạn thấu hiểu cảm giác của con. Trẻ sẽ không còn thấy lạt lõng hay bị bỏ rơi bởi chính ba mẹ mình.

Hãy ghi nhận cảm xúc của con bằng chính sự lắng nghe của mình. Sự chăm chú lắng nghe con của ba mẹ chính là điểm tựa giúp trẻ cảm thấy tốt hơn. Và mỗi ba mẹ hãy nhớ rằng “trẻ sẽ cư xử tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn” và chúng sẽ chỉ lắng nghe bạn khi bản thân cảm thấy mình được lắng nghe. Trong bất cứ trường hợp nào, sự lắng nghe cũng sẽ là “chìa khóa” mở cửa bầu không khí nơi trẻ sẵn sàng lắng nghe và hợp tác.

Cách tốt nhất để ba mẹ có thể ghi nhận cảm xúc của trẻ chính là nói với trẻ và hỏi trẻ bạn hiểu như vậy có đúng không/ có cảm thấy như vậy không.

2. Thể hiện sự đồng cảm với con (bình thường hóa cảm xúc của con)

Sau khi ba mẹ ghi nhận cảm xúc tiêu cực của con, bước tiếp theo để chinh phục sự hợp tác của trẻ chính là “Thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông mà không phải miễn cưỡng chấp nhận”.

Theo nhà tâm lý giáo dục Jane Nelsen – tác giả của Bộ sách Kỷ luật Tích cực dành cho ba mẹ và giáo viên, cảm thông không có nghĩa là bạn đồng ý hoặc miễn cưỡng chấp nhận, mà nó chỉ đơn giản là ba mẹ hiểu suy nghĩ, cách nhìn của trẻ. Một mẹo hay ở đây là hãy chia sẻ với trẻ mỗi khi bạn cũng cảm thấy như vậy.”

Khi ba mẹ thường xuyên nói với con về cảm xúc, suy nghĩ của bản thân sẽ giúp các con hình thành thói quen chia sẻ với những người tin tưởng những xúc cảm, suy nghĩ và hành động của mình. Khi đó, trong tâm lý, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và không còn thấy sợ hãi hay bất lực khi phải kìm nén cảm xúc của mình nữa.

3. Nói ra suy nghĩ và nhận thức của bạn

Nếu ba mẹ đã thực hiện hai bước trên một cách chân thành và thân thiết thì trẻ sẽ sẵn sàng lắng nghe bất cứ câu chuyện nào của bạn. Sự chia sẻ về nhận thức và suy nghĩ giữa người lớn và trẻ nhỏ sẽ giúp bầu không khí trong gia đình thoải mái và bình yên hơn. Ba mẹ và con cái đều có thể học được cách thẩu hiểu lắng nhau thông quan lắng nghe tích cực.

4. Khuyến khích con hướng đến giải pháp

Cùng trẻ tập trung vào các giải pháp tích cực thay cho những hành vi cư xử chưa đúng mực hay trạng thái bực tức, nóng giận – Đó là bước cuối cùng giúp ba mẹ chính phục sự hợp tác của trẻ thành công.

Hãy hỏi xem trẻ có cách nào để tránh được các vấn đề như vậy trong tương lai hay không. Nếu trẻ nói “không”, ba mẹ nên đưa ra các câu hỏi gợi mở để gợi ý cho trẻ tìm ra đáp án. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể đưa ra các gợi ý đến khi trẻ và bạn cùng nhất trí đối với phương án đó.

Một nhà tâm lý học ở Châu Âu đã từng nói: “Nếu trẻ chưa biết cách hợp tác, trẻ chắc chắn sẽ bước vào con đường đơn độc và có tính cách tự ti”. Cho nên, ba mẹ cần phải bồi dưỡng ý thức và khơi gợi tinh thần hợp tác linh hoạt của trẻ ngay từ khi còn nhỏ băng chính sự lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương, để trẻ sống, học tập và trưởng thành trong môi trường đề cao sự hợp tác.

Với bốn bước trên, ba mẹ hoàn toàn có thể “chinh phục sự hợp tác của trẻ”. Hi vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ.

Xem thêm thông tin hữu ích tại đây: https://sakuramontessori.edu.vn/nghe-lam-cha-me/

0/5 (0 Reviews)