Theo tiến sỹ Maria Montessori: “Quá trình giáo dục quan trọng nhất không phải là trường đại học mà là giai đoạn đầu tiên – giai đoạn từ 0-6 tuổi. Trong giai đoạn này trí thông minh – công cụ vĩ đại nhất của con người – được hình thành; không chỉ có trí thông minh mà toàn bộ những năng lực tinh thần đều được xây dựng trong giai đoạn này” (Trích “Trí tuệ thẩm thấu”). 

Phương pháp giáo dục Montessori luôn hướng đến việc giáo dục và tôn trọng trẻ như một cá thể riêng biệt, không phải là bản sao của bất cứ trẻ nào khác, mỗi trẻ đều mang những nét tính cách riêng và khác nhau về nhịp độ phát triển. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn khác nhau của sự phát triển trẻ đều phải trải qua những diễn biến, thay đổi tâm lý nhất định. Đôi lúc, ba mẹ sẽ cảm thấy bất lực, chán nản khi con bướng bỉnh, không vâng lời, khủng hoảng tuổi lên ba (tôi xin phép được chia sẻ nội dung này trong bài viết tiếp theo). Đừng vội trách mắng hay nổi cáu bởi có thể đó hoàn toàn là những dạng thể hiện bình thường của một giai đoạn tâm lý nào đó mà trẻ cần phải trải qua. Ba mẹ sẽ cùng con bước qua những giai đoạn này một cách nhẹ nhàng nếu như hiểu con. 

Người lớn luôn muốn kiểm soát và kiềm chế ý muốn của đứa trẻ, thay thế nó bằng ý muốn của người lớn và đòi hỏi đứa trẻ phải vâng lời mà không biết rằng sự vâng lời cũng là một quá trình phát triển tự nhiên, là một trong những đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn từ 0-6 tuổi. Maria Montessori đã nghiên cứu và chia quá trình phát triển của sự vâng lời trong mỗi đứa trẻ thành 3 cấp độ:

Cấp độ thứ nhất chính là giai đoạn một đứa trẻ có thể vâng lời nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Tại giai đoạn này sự vâng lời và không vâng lời luôn tồn tại song hành. Sự vâng lời trong giai đoạn này hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển những khả năng khác của trẻ. Ở 0-3 tuổi, trẻ chỉ đang xây dựng nhân cách của mình một cách vô thức, trẻ nỗ lực để sở hữu những khả năng mang tính nguyên thủy (đi, chạy, nói, ăn…), chính vì thế, trẻ vâng lời khi những yêu cầu của người lớn trùng với những nhu cầu cá nhân của trẻ tại thời điểm nhất định: ba mẹ nhắc trẻ đi uống nước, trẻ sẵn sàng thực hiện đơn giản vì lúc đó trẻ cũng đang khát nước, có nhu cầu uống nước. Việc trẻ không lặp lại hành động vâng lời khiến cho người lớn dán nhãn cho trẻ thái độ “chống đối”. Nếu ba mẹ cùng với sự kiên quyết và chỉ trích của mình sẽ trở thành một chướng ngại cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Mặt khác, sẽ rất nguy hiểm nếu người lớn thiếu đi sự khích lệ với trẻ. Nó giống như việc trẻ cố gắng để sử dụng thìa xúc cơm, tại thời điểm này trẻ có thể xúc được cơm nhưng vào một thời điểm khác việc đó lại chưa thành công, đơn giản là trẻ cần thời gian để luyện tập kỹ năng này, nhưng nếu như chúng ta không khích lệ trẻ thì có thể hành động của trẻ cũng sẽ không lặp lại. Đó cũng là lý do xảy ra việc đứa trẻ có thể vâng lời một lần nhưng sau đó thì không xảy ra nữa. Chúng ta cần hiểu đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn này để tránh việc đặt ra kỳ vọng quá cao ở việc trẻ vâng lời, dẫn đến sự áp đặt, ép buộc, căng thẳng. Ba mẹ hãy là những người đứng về phía con mình nếu như trong giai đoạn này trẻ bị người khác gán mác “đứa trẻ hư”.

bữa ăn của trẻ tại trường mầm non

Cấp độ thứ 2, trẻ có thể luôn luôn vâng lời nếu như không có bất cứ cản trở nào trong sự phát triển. Sự vâng lời này thường diễn ra khi trẻ ở độ tuổi từ 3 đến dưới 5 tuổi. Nó cũng trùng với sự hoàn thiện hơn những năng lực của bản thân, đứa trẻ có thể điều khiển hành động. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, giai đoạn này trẻ thường vâng lời mà không thắc mắc hay phản hồi lại. Điều này có thể khiến cho người lớn cảm thấy thỏa mãn vì trẻ luôn tuân theo những yêu cầu mà họ đặt ra. Ở một khía cạnh khác, việc mù quáng tuân theo tất cả các yêu cầu của người lớn đồng nghĩa với việc trẻ có thể thực hiện cả những chỉ dẫn không tốt, của bất cứ ai.

Có một thực tế là trẻ chỉ vâng lời khi có sự giám sát hay yêu cầu của người lớn mà không thể tự thu thập thông tin và đưa quyết định cho hành động của mình. Điều này giải thích cho việc ba mẹ luôn luôn phải “trông chừng” trẻ: trẻ có thể dọn dẹp gọn gàng đồ chơi nếu ba mẹ yêu cầu, và làm việc đó chỉ vì muốn ba mẹ hài lòng chứ không xuất phát nội tâm, nếu như không có sự can thiệp của ba mẹ thì sẽ không còn sự vâng lời nữa. Có nhiều ba mẹ cũng hay than phiền vì trẻ vâng lời một cách máy móc như việc giáo dục con biết chia sẻ, con không được tranh đồ chơi của bạn, không được đánh bạn nhưng khi trẻ bị người khác làm đau, lấy mất đồ chơi, con lại vâng lời bằng cách không hề có phản ứng hay tự vệ. Vậy, trong giai đoạn này, ba mẹ cần thận trọng khi đưa ra những chỉ dẫn, chỉ dẫn cần cụ thể, rõ ràng và đầy đủ để đảm bảo trẻ không khó khăn khi áp dụng giải quyết vấn đề. Trong nền giáo dục hiện tại, chúng ta thường có xu hướng hài lòng khi trẻ đạt được sự vâng lời ở cấp độ thứ 2, tức là trẻ luôn sẵn sàng thực hiện mọi yêu cầu của người lớn. Sự thật thì trẻ nhỏ còn đi xa hơn, đạt được khả năng “vâng lời” ở cấp độ cao hơn.

dạy trẻ tự vệ trước người lạ

Cấp độ thứ 3 được coi là đỉnh cao của sự vâng lời. Khi trẻ 5 tuổi, trẻ đã sở hữu vốn năng lực được tích lũy trong quá trình nhận thức thế giới. Trẻ hoàn toàn có khả năng sử dụng chúng để đưa ra những quyết định cho hành động của bản thân. Trẻ vâng lời không phải do mù quáng, không đơn thuần là tuân theo mà là xuất phát từ nội tâm của một tâm hồn được nuôi dưỡng trong tự do và kỷ luật. Đồng thời, trẻ biết thu thập, phân tích các thông tin trước khi đưa ra hành động, tức là trẻ đã biết phân biệt đúng – sai và nhận biết lẽ phải. Người lớn sẽ cảm thấy bất ngờ khi không cần có sự nhắc nhở, giám sát nhưng trẻ vẫn vâng lời một cách tự nguyện, đầy năng lượng tích cực. Điều này đã tạo ra cho trẻ cảm xúc vui sướng, hạnh phúc.

Ba mẹ sẽ nhìn thấy hình ảnh con tự giác sắp xếp giá sách, tự dọn dẹp bàn ăn, gấp quần áo…mà không cần sự có mặt của ba mẹ tại thời điểm đó. Hay ba mẹ có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ tại trường Sakura Montessori tự giác cất dọn giáo cụ về đúng vị trí mà không cần sự nhắc nhở hay giám sát của giáo viên, trẻ chủ động giúp đỡ bạn bằng sự nhiệt tình và niềm vui. Đó là những khoảnh khắc đánh dấu sự vâng lời của trẻ đã đạt đến cấp độ cao nhất – vâng lời trong hạnh phúc. Thậm chí, trẻ còn khao khát thể hiện sự “vâng lời” bằng cách sẵn sàng thực hiện tốt hơn  yêu cầu của người lớn để được ghi nhận. Vì vậy, thời điểm này ba mẹ có thể yên tâm điều chỉnh để bản thân mình để được“nhàn rỗi” hơn và trao quyền cho trẻ.

kinh nghiệm phát huy khả năng sáng tạo cho trẻ mầm non

Chúng ta phải thừa nhận là đôi khi chúng ta không có đủ kiên nhẫn để trao cho trẻ cơ hội được phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta vô tình tạo nên những cản trở trong sự phát triển tâm lý của trẻ mà cứ suy nghĩ mặc định rằng: đó là cách người lớn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Hiểu trẻ sẽ giúp chúng ta trở thành người đồng hành đáng tin cậy cùng trẻ vượt qua những giai đoạn tâm lý khó khăn để khôn lớn và “hành trình giáo dục con cũng là hành trình trưởng thành của chính ba mẹ” (Trích “Hiểu để yêu thương”).

Nguyễn Thu Hiền – Chuyên gia giáo dục Montessori có Chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế bởi hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA)

0/5 (0 Reviews)

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email