Một tiếng đổ vỡ, theo sau đó là tiếng mắng nhiếc và hình ảnh đứa trẻ khóc thút thít, đứng quay mặt vào tường chịu phạt do lỗi của mình gây ra. Đôi lúc chúng ta sử dụng hình phạt nhằm đưa ra cảnh báo để trẻ hiểu rằng một hành vi nào đó là không được phép làm. Và tương tự, sự khen ngợi, phần thưởng cũng được sử dụng như một cách để khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi tốt. Vậy tại sao trong lớp học Montessori lại không áp dụng hình thức thưởng – phạt?

Hình phạt liệu có thật sự hiệu quả

Hình phạt có thể có tác dụng ngay lập tức và khiến chúng ta thường nghĩ rằng việc trách mắng hay thậm chí sử dụng đòn roi với con sẽ khiến trẻ sợ hãi và không dám mắc lỗi nữa. Nhưng thực tế, sự trừng phạt có thể khiến trẻ cho rằng bản thân không được yêu thương, là nguyên nhân làm khoảng cách giữa ba mẹ và con cái thêm xa; gây ra những tổn thương cả về thể xác và tinh thần; gián tiếp khuyến khích trẻ nói dối, tìm cách đối phó với người lớn; làm cho trẻ có cảm giác tự ti, thấy mình không có giá trị, hoặc tệ hơn, nó là ngòi nổ kích thích sự nổi loạn.

Phần thưởng và những lầm tưởng

Phần thưởng có vẻ là một cách nhẹ nhàng hơn giúp ba mẹ điều chỉnh hành vi của trẻ. Ví dụ: nếu như con ăn hết suất cơm, con sẽ nhận được một chiếc kẹo mút; nếu con giúp đỡ mẹ việc nhà, mẹ sẽ cho con một món đồ chơi…. Vậy, con giúp đỡ người khác vì ý thức được việc đó nên làm; con ăn hết suất cơm vì con đói, vì tốt cho sức khỏe hay chỉ vì muốn nhận được phần thưởng từ mẹ. Và nếu như không được thưởng thì liệu con có tiếp tục làm nữa không? Việc lạm dụng phần thưởng khi giáo dục trẻ có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Phần thưởng có thể làm giảm ý nghĩa của trải nghiệm học tập. Ví dụ: khi trẻ nỗ lực hoàn thành một nhiệm vụ/công việc, con cảm thấy hạnh phúc vì mình đã chinh phục được những khó khăn, có cảm giác tự tin vì nhìn thấy sự tiến bộ, thành tựu của chính mình. Trong khi đó nếu trẻ chỉ làm tất cả vì một phần thưởng như đồ chơi, bánh kẹo… có thể khiến cho chúng không nhận ra được giá trị thật/thành tích mà mình đạt được.

Trong lớp học, phần thưởng cũng có thể làm cô lập và gia tăng sự tự ti ở những bạn ít có cơ hội giành được phần thưởng, đồng thời tạo nên sự tự mãn, kiêu ngạo, hiếu thắng cho những trẻ thường xuyên được nhận thưởng.

Đứa trẻ thường xuyên bị mua chuộc bằng những món quà, phần thưởng, nghiễm nhiên bị lệ thuộc vào người khác để được công nhận. Trẻ cũng thiếu tự tin vào bản thân, ý thức trách nhiệm, thiếu lòng trắc ẩn, trở nên ích kỉ và cũng dễ dàng bị điều khiển vì những món đồ vật chất, không thể tự nhận biết đúng – sai.

Làm gì khi trẻ mắc lỗi?

  • Giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tiêu cực

Trong quá trình phát triển, trẻ sẽ gặp nhiều thử thách trong cảm xúc. Đặc biệt, mỗi khi mắc lỗi thì những cảm xúc tiêu cực thường xuất hiện và ảnh hưởng đến những hành vi tiếp theo đó. Ví dụ như việc trẻ lỡ may làm vỡ bình hoa, trẻ xuất hiện cảm xúc sợ hãi, lo lắng bị trách mắng, dẫn đến hành vi tìm cách đổ lỗi cho người khác (nói dối) hoặc giấu đi những mảnh vỡ của lọ hoa. Sự thật thì cảm xúc sợ hãi, lo lắng không phải là xấu, nó xuất hiện hoàn toàn bản năng. Tuy nhiên, cảm xúc đó sẽ trở thành tiêu cực nếu nó dẫn dắt trẻ thực hiện những hành vi không tốt như câu chuyện bên trên. 

Người lớn có vai trò lớn trong việc thể hiện cảm xúc của trẻ. Với những trẻ thường xuyên bị la mắng, trách phạt sẽ tìm cách che giấu cảm xúc và dùng hành vi tiêu cực để đối phó với cơn giận dữ của người lớn. Trong lớp học Montessori, trẻ có thể dễ dàng chia sẻ và thể hiện cảm xúc của mình với giáo viên, hoặc đối với những trẻ ngôn ngữ chưa thật sự tốt, giáo viên sẽ giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình “Cô biết con đang cảm thấy lo lắng…”. Việc này giúp trẻ cảm thấy mình được thấu hiểu, đồng cảm, trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng và giáo viên cũng sẽ có cơ hội để tìm hiểu tình huống, khó khăn trẻ gặp phải để cùng trẻ giải giải quyết một cách hợp lý.

  • Cho trẻ cơ hội giải thích

Khi trẻ mắc lỗi thì chắc chắn con phải là người cần hiểu rõ nhất về lỗi của mình và cả nguyên nhân gây ra dù đó là nguyên nhân chính đáng hay chỉ là cách mà trẻ đang ngụy biện. Lúc này, việc cho trẻ cơ hội để giải thích là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần lắng nghe trọn vẹn những điều trẻ nói. Điều này vừa giúp người lớn xâu chuỗi các thông tin để hiểu vấn đề một cách chính xác, vừa giúp xây dựng mối quan hệ, lòng tin từ phía trẻ. Khi cố gắng diễn đạt, giải thích sẽ giúp trẻ tái hiện lại tình huống mà mình là nhân vật chính trong đó, trẻ có thể nhận ra một phần nào đó những điều chưa hợp lý, những điều không nên làm mà trong lúc trạng thái tiêu cực không nhìn ra.

  • Chỉ ra sai lầm cụ thể

Theo Maria Montessori: “Chúng ta phải giúp trẻ giải phóng bản thân khỏi những khuyết điểm mà không để trẻ cảm thấy mình yếu kém” – Trẻ thơ trong gia đình – tr.125

Chúng ta thường thắc mắc “không hiểu tại sao trẻ lại có thể làm như vây?”, “tại sao con lại làm vỡ cả cái tivi thế?” … Tiếp đó là những chỉ dẫn qua loa kiểu “làm như thế là hư”, “con không được làm như vậy” … Việc người lớn không chỉ ra những sai lầm cụ thể khiến trẻ không nhận thức được chính xác điều mà mình cần thay đổi thậm chí sẽ cảm thấy tự ti vì thấy bản thân mình quá vô dụng. Việc phủ định nhân cách là cách nhanh chóng đánh gục động lực của trẻ “Con thật vô tích sự” … Đó là một cú sốc tâm lý.

Với những hành vi chưa đúng, người lớn hãy cố gắng giải thích cụ thể cho con, đặc biệt hãy cho con nhìn nhận ra hậu quả: “bố mẹ đã đi làm rất vất vả để có thể mua được chiếc tivi đó, ti vi vỡ, chúng ta sẽ không thể xem những chương trình yêu thích nữa!” …

  • Cùng trẻ tìm ra giải pháp thay vì tập trung truy cứu nguyên nhân

Việc tìm ra nguyên nhân khi trẻ làm sai cũng cần thiết. Tuy nhiên, có những lúc chính bản thân người lớn cũng chẳng thể trả lời được câu hỏi “Tại sao lại làm như vậy?”. Câu hỏi này khiến trẻ càng thêm căng thẳng, sợ hãi.

Do đó, thay vì khăng khăng với câu hỏi “Tại sao?” hãy hỏi trẻ “Nên làm như thế nào?”. Ví dụ: khi trẻ làm đổ nước ra sàn, nếu hỏi “con nên làm như thế nào nhỉ?” thì trẻ sẽ nhận ra mình cần lấy khăn để lau nước đổ. Với những trẻ chưa thể tự tìm ra được cách giải quyết, người lớn cũng có thể gợi ý cho trẻ “con có thể lấy khăn để lau chỗ nước đổ nhé!”

Tạo động lực cho trẻ bằng cách nào?

  • Chia sẻ niềm vui cùng trẻ như một phần thưởng

Một điều vô cùng quan trọng trong giáo dục đó là tạo ra “động lực”. Khi được người lớn tiếp nhận và tôn trọng, trẻ sẽ cảm thấy tự khẳng định được giá trị được bản thân. Thay vì những lời khen khách sáo, chung chung: “Ừ, Con cũng giỏi đấy!” … thì việc thể hiện cảm xúc vui sướng, hạnh phúc, sự tự hào với thành quả của con sẽ giúp con có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực. Chia sẻ niềm vui với nhau chính là sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa con người như nhà tâm lý học Henri Wallon từng nói: “Chia sẻ niềm vui là khởi đầu của sự giao tiếp”. 

  • Tập trung ghi nhận quá trình thay vì kết quả

Ghi nhận là cách các giáo viên Montessori truyền động lực để trẻ cố gắng hơn mỗi ngày. Mỗi khi nhìn thấy sự “thay đổi” của trẻ dù là nhỏ nhất, giáo viên luôn tìm cách truyền đạt điều đó. Sự ghi nhận không nhất thiết phải có “thành quả” mà đôi khi nó chỉ đơn thuần là việc con đã tiến bộ hơn ngày hôm qua của chính mình. Thay vì khen tấm tắc bức tranh: “Con vẽ đẹp quá!” … thì hãy thử nói với con rằng “Mẹ thấy con đã rất kiên nhẫn để hoàn thành bức tranh, mẹ rất muốn nghe con chia sẻ thêm về ý tưởng bức tranh này…!”. Chỉ đơn giản là sự miêu tả lại điều gì đó thôi cũng đã đủ đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho trẻ. Điều này giúp trẻ luôn cảm thấy thấy mình được quan tâm, mình được tôn trọng, được yêu thương.

  • Hãy nói những điều tốt của trẻ trước mặt người khác

Nói về những ưu điểm của con không đồng nghĩa với việc mang thành tích của con đi khoe khoang, làm chúng cảm thấy áp lực. Nhưng cũng không nên quá khiêm tốn mà phủ nhận những nỗ lực của con: “Ôi! Con em nó cũng bình thường thôi!”, “Con em cũng gọi là biết vẽ, chứ cũng có gì đặc biệt đâu” …. Tương tự như cách ghi nhận trẻ, ba mẹ có thể nói: “Bé Bông nhà em đã rất chăm chỉ luyện tập bài hát để biểu diễn cùng với các bạn trong lớp”, “con đã kiên nhẫn nhiều giờ để hoàn thành bức tranh đó” …. Việc nói về những điều tốt của trẻ trước mặt người giúp trẻ thấy ba mẹ cũng rất tự hào và hạnh phúc về sự cố gắng của con.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email