Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi phong phú với nhiều loại thực phẩm phù hợp cho trẻ, bởi giai đoạn này bé đã ăn được đa dạng đồ ăn. Với ưu điểm vượt trội mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại, cha mẹ có thể thoải mái sử dụng các loại thực phẩm nhất là rau cho bé ăn dặm. Từ đó giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, hấp thu đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho quá trình phát triển toàn diện. Sakura Montessori mời cha mẹ tham khảo 10+ thực đơn ăn dặm cho con ngay dưới đây nhé.
Xác định nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 10 tháng tuổi
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm hiện đại có nguồn gốc từ Nhật Bản mang đến nhiều ưu điểm và được nhiều cha mẹ tại Việt Nam lựa chọn áp dụng.Với phương pháp này trẻ cảm nhận được hương vị, tính chất của từng loại thực phẩm nên có tác dụng kích thích vị giác tốt. Trẻ cũng dần học được kỹ năng nhai nuốt sớm, hệ tiêu hóa phát triển và trẻ tìm được niềm vui trong quá trình ăn uống. Trẻ ăn dặm theo kiểu Nhật khỏe mạnh và hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì.
Trước khi xây dựng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi, phụ huynh cần xác định nhu cầu dinh dưỡng của con. Từ đó việc lên thực đơn mới đảm bảo nguồn năng lượng, dinh dưỡng phù hợp cho con phát triển tốt nhất. Việc cho con ăn quá nhiều hay quá ít đều gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ.
>>Xem thêm: Bỏ túi cách làm 10 bữa phụ cho bé ăn dặm kiểu Nhật giàu dinh dưỡng
- Trẻ 10 tháng tuổi có thể ăn được đa dạng các loại thực phẩm phổ biến như trái cây, rau củ, các loại thịt cá, phô mai, sữa chua… Cha mẹ nên xây dựng thực đơn cho con với đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Tích cực cho trẻ thưởng thức các loại trái cây tươi và rau củ xanh.
- Danh sách các loại thực phẩm phù hợp đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé 10 tháng kiểu Nhật bao gồm một số loại như rau củ (cà rốt, cải bó xôi, đậu Hà Lan, súp lơ, khoai tây, bí đỏ…), các loại thịt cá (thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá rô phi, lươn…), lòng đỏ trứng gà…
- Khi chế biến đồ ăn nên nấu chín nhừ, để kích thích trẻ học cách cầm nắm, nhai nuốt chúng ta có thể cắt miếng đồ ăn phù hợp tay trẻ cầm nắm.
- Bên cạnh đó phụ huynh cần tránh cho con ăn các loại thực phẩm khó tiêu, khó nuốt có thể gây hóc như thịt miếng lớn, trái cây nguyên miếng, các loại hạt dễ hóc, mật ong, sữa bò tươi, hoa quả đóng chai, các loại đồ ngọt, kẹo cứng…
- Cha mẹ nên xây dựng lịch ăn dặm cho bé 10 tháng tuổi với 3 – 4 bữa/ ngày kết hợp với uống sữa và ăn bữa phụ đảm bảo nguồn dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể. Con cần tổng lượng sữa khoảng 700 – 950ml/ ngày
10+ thực đơn ăn dặm kiểu nhật cho bé 10 tháng tuổi
Nếu cha mẹ đang băn khoăn tìm kiếm công thức các món ăn dặm cho bé 10 tháng tuổi kiểu Nhật thơm ngon, bổ dưỡng thì thực đơn dưới đây là gợi ý hay nhất. Sakura Montessori gửi đến cho mẹ 10+ công thức nấu ăn với thực phẩm dễ tìm, phù hợp lứa tuổi giúp con ăn ngon, phát triển tốt.
1. Súp thịt heo, rau dền
Thịt heo kết hợp rau dền thành món súp ăn dặm không chỉ đủ dưỡng chất mà còn thơm ngon được nhiều bé yêu thích. Xem chi tiết cách chế biến món ăn dặm này ngay dưới đây cha mẹ nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bột gạo: 25g
- Thịt thăn heo: 30g
- Rau dền: 30g
- Dầu ăn dặm
- Nước lọc
Các bước thực hiện
- Rau dền nhặt bỏ lá úa, bỏ gốc rễ, rửa sạch và cắt nhuyễn
- Đổ một nước vào nồi, thêm bột gạo và hòa đều
- Thịt heo rửa sạch, băm hoặc xay nhuyễn, cho thịt và nước vào nồi đun chín
- Khi thịt chín thì cho rau dền vào nấu sôi, tiếp tục cho bột gạo hòa nước vào khuấy đều đến khi hỗn hợp chín
- Cuối cùng là đổ súp ra bát ăn dặm, cho 2 muỗng cà phê dầu ăn dặm vào rồi trộn đều và cho trẻ thưởng thức
>>Xem thêm: Mách nhỏ 10 công thức chế biến thịt heo cho bé ăn dặm đơn giản trẻ mê
2. Súp rau củ tổng hợp
Rau củ là nhóm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Kết hợp các loại rau củ trong công thức nấu ăn dặm cho bé khám phá nhiều mùi vị khác nhau, màu sắc món ăn đẹp kích thích sự hứng thú. Còn gì vui bằng con yêu ăn uống hợp tác, vui vẻ phải không cha mẹ, chúng ta cùng chế biến món súp này ngay hôm nay.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ cải trắng: 250g
- Nấm hương: 15g
- Đậu Hà Lan (hạt): 25g
- Nước dùng gà
Các bước thực hiện
- Củ cải gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi và cho vào nồi nước sôi, khi củ cải gần chín thì vớt ra, để ráo nước
- Nấm hương ngâm nước, rửa sạch và thái sợi
- Hạt đậu Hà Lan rửa sạch, luộc chín mềm và vớt ra để ráo
- Cho một lượng nước dùng gà phù hợp vào nồi và bật bếp đun sôi, tiếp tục cho nấm, củ cải trắng, đậu Hà Lan vào nồi, đun sôi rồi bắc xuống
- Múc súp rau củ tổng hợp ra tô, chờ nguội và cho trẻ thưởng thức
>>Xem thêm: 7 cách kết hợp rau củ quả cho bé ăn dặm thích mê
3. Súp khoai lang
Súp khoai lang chế biến nhanh gọn thích hợp với cha mẹ bận rộn. Thực phẩm này có lợi cho tiêu hóa của trẻ, chứa nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ sức khỏe cơ thể. Chỉ cần sử dụng các thực phẩm đơn giản, hầu như có sẵn trong gia đình cha mẹ đã có ngay món súp ngon miệng cho bé 10 tháng tuổi.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Khoai lang: 1 củ
- Hành tây: ½ củ
- Nước dùng gà
- Dầu ăn dặm
Các bước thực hiện
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch và băm nhỏ
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch và thái miếng nhỏ
- Đun nóng dầu ăn dặm, thêm hành tây xào tới khi chín mềm, tiếp tục cho khoai tây vào xào cùng
- Thêm nước dùng gà vào nồi đun với lửa to cho đến khi sôi thì hạ bớt lửa, tiếp tục đun súp sôi trong khoảng thời gian 40 phút thì tắt bếp
- Rây nhuyễn khoai, múc ra tô và cho bé thưởng thức
4. Súp gà, khoai tây
Súp gà, khoai tây có cách chế biến đơn giản lại cực kỳ thơm ngon, mềm mịn được lòng trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể áp dụng công thức chế biến dưới đây để chăm sóc con yêu ăn ngon miệng.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt ức gà: 500g
- Nước dùng gà: 1l
- Hành tím: 1 củ
- Khoai tây: 2 củ
- Rau mùi
- Dầu ăn dặm
Các bước thực hiện
- Ức gà rửa sạch, để ráo nước
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu
- Hành tây, hành tím lột vỏ, rửa sạch và băm nhỏ
- Rau mùi nhặt lấy phần lá, rửa sạch và thái nhỏ
- Cho dầu ăn vào chảo làm nóng, tiếp tục cho hành tím và hành tây vào phi thơm, thêm nước dùng gà và ức gà vào tiếp tục đun đến khi thịt gà chín
- Vớt thịt gà chín ra để nguội, xé nhỏ và cho vào máy xay nhuyễn
- Tiếp tục cho khoai tây cắt nhỏ vào nồi nước dùng gà, đun đến khi khoai chín mềm vớt ra rây nhuyễn
- Tiếp theo cho tất cả thịt gà, khoai tây nhuyễn vào nồi rồi đun sôi thêm trong khoảng thời gian 2 phút thì tắt bếp
- Múc súp ra bát, rắc rau mùi lên trên, chờ nguội là đã hoàn thành món ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi thưởng thức rồi
5. Cháo cà rốt trứng gà
Cháo cà rốt, trứng gà là món ăn dặm có công thức đơn giản nhưng cung cấp nguồn dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo công thức dưới đây để chế biến ngay món ăn này cho bé trong hôm nay.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo tẻ: 25g
- Cà rốt: 50g
- Trứng gà: 1 lòng đỏ
- Hành và ngò
- Dầu ăn dặm
Các bước thực hiện
- Vo sạch gạo, thêm nước vào cho vào nồi ninh đến khi cháo chín nhừ
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và cắt miếng hạt lựu
- Hành, ngò nhặt và rửa sạch, để ráo nước và băm nhuyễn
- Thêm cà rốt vào nồi cháo đã ninh nhừ và tiếp tục đun sôi đến khi cà rốt chín mềm
- Lòng đỏ trứng gà đánh đều, cho vào nồi cháo, dùng muôi đảo nhanh để trứng trộn đều với cháo không bị vón cục
- Múc cháo ra tô, thêm hành ngò, thêm dầu ăn dặm đảo đều và cho trẻ thưởng thức khi cháo còn ấm
6. Cháo cá rô, rau cải ngọt
Cháo cá rô, rau cải ngọt có vị ngọt thanh tự nhiên vô cùng hấp dẫn trẻ. Bên cạnh đó món món ăn này lại có tác dụng giải nhiệt tốt cho cơ thể của bé, cha mẹ nên đưa vào thực đơn ăn dặm của con nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Cá rô lọc lấy phần thịt: 30g
- Gạo: 25g
- Rau cải ngọt: 30g
- Dầu ăn dặm
Các bước thực hiện
- Cá rô làm sạch luộc chín, lọc lấy phần thịt nạc và xay nhuyễn
- Cho gạo vo sạch và nước luộc cá rô và ninh nhừ
- Cải ngọt lấy phần lá, rửa sạch và băm nhỏ
- Khi cháo chín nhừ, cho thịt cá vào đun sôi, tiếp tục cho rau cải ngọt vào đảo đều, đun sôi tiếp trong khoảng thời gian 2 phút thì tắt bếp
- Múc cháo ra tô, cho bé ăn khi cháo còn ấm để không bị tanh
7. Cháo thịt heo, củ cải
Thịt heo là loại thịt lành tính, được khuyến cáo đưa vào thực đơn ăn dặm của trẻ từ giai đoạn 6 tháng tuổi. Nấu thịt heo kết hợp củ cải tạo nên hương vị ngọt ngon tự nhiên dễ chịu, dễ thưởng thức chắc chắn em bé nhà mình sẽ cực yêu thích.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ cải: 30g
- Thịt thăn heo: 30g
- Gạo: 25g
- Dầu ăn dặm
Các bước thực hiện
- Củ cải gọt bỏ vỏ, rửa sạch và thái hạt lựu
- Thịt thăn heo rửa sạch, thái miếng và xay nhuyễn
- Vo gạo sạch, cho vào nồi thêm nước và nấu cháo đến khi chín nhừ
- Khi cháo chín nhừ thêm củ cải, thịt heo vào khuấy đều và nấu thêm khoảng 10 phút thì tắt bếp
- Đổ cháo ra bát, cho thêm chút dầu ăn dặm đảo đều, như vậy chúng ta đã hoàn thành món ăn thơm ngon, bổ dưỡng trong thực đơn ăn dặm cho bé 10 tháng tuổi
8. Cháo thịt heo, cải bó xôi, nấm hương
Thịt heo có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác nhau làm nên nhiều món ăn dặm có hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Kết hợp thịt heo, nấm hương, cải bó xôi chắc chắn tạo thành món cháo đặc biệt thu hút vị giác, khiến trẻ ăn ngon miệng.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Cải bó xôi: 30g
- Thịt heo nạc: 30g
- Nấm hương: 10g
- Gạo: 25g
Các bước thực hiện
- Rau cải bó xôi nhặt và rửa sạch, để ráo nước, băm nhỏ
- Thịt heo rửa sạch, để ráo nước, băm hoặc xay nhỏ
- Nấm hương ngâm nở, rửa sạch và cắt lát mỏng
- Gạo vo sạch, cho vào nồi thêm nước, đun cho đến khi chín nhừ
- Cháo chín thêm cho rau cải bó xôi, thịt nạc, nấm vào nồi khuấy đều, đun trên lửa nhỏ trong khoảng 30 phút thì tắt bếp
- Múc cháo vào tô chén, để nguội và cho bé thưởng thức
9. Cháo sườn non rau củ
Sườn non và rau củ nấu cháo tạo ra món ăn dặm có hương vị không chỉ đặc biệt mà còn vô cùng bổ dưỡng. Chỉ cần tốn chút công sức ninh sườn, cha mẹ sẽ ngạc nhiên vì sự hợp tác ăn ngon của bé với món cháo kết hợp rau củ này đấy.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo tẻ: 30g
- Sườn non: 100g
- Các loại rau củ như cà rốt, ngô non…
Các bước thực hiện
- Sườn non rửa sạch, chặt miếng nhỏ, trần qua với nước sôi, sau đó cho vào nồi, thêm nước và hầm lấy nước cốt
- Gạo vo sạch, cho vào nước hầm xương ninh thành cháo chín nhừ
- Các loại rau củ gọt vỏ, rửa sạch và thái nhỏ hạt lựu
- Thêm rau củ vào nồi cháo chín nhừ, khuấy đề và đun thêm đến khi rau củ chín là hoàn thành 1 trong các món ăn dặm cho bé 10 tháng tuổi kiểu Nhật thơm ngon, hấp dẫn
- Múc cháo ra tô, chờ cháo nguội bớt và cho con ăn trực tiếp
10. Mì somen, thịt heo, đậu phụ và rau
Nếu con ngán cháo, súp vì ăn quá nhiều, cha mẹ có thể đổi bữa cho bé với mì somen xào thịt và rau thơm ngon, khác biệt. Món ăn này mặc dù phải chuẩn bị khá nhiều nguyên liệu nhưng đổi lại trẻ được khám phá nhiều mùi vị thực phẩm khác nhau. Cùng vào bếp và chế biến mì somen cho con yêu cha mẹ nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Somen (mì khô): 15g
- Thịt đùi heo: 50g
- Cà rốt: ½ củ
- Rau cải bó xôi: 30g
- Hành tây: ¼ củ
- Trứng gà: 1 lòng đỏ
- Dầu salad
Các bước thực hiện
- Cho mì Somen vào luộc, vớt ra để ráo và cắt nhỏ
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cải bó xôi nhặt và rửa sạch, cho cả 2 loại vào luộc chín mềm, vớt ra và cắt nhỏ
- Hành tây lột bỏ vỏ, rửa sạch và cắt nhỏ
- Thịt đùi heo rửa sạch, thái mỏng và làm nóng dầu salad trên chảo, cho thịt heo vào xào cùng hành tây
- Khi hành tây chín và thịt heo chín, cho mì somen, cà rốt, rau cải bó xôi vào xào tiếp
- Lòng đỏ trứng gà đánh đều, cho vào chảo mì đảo đều và tiếp tục xào đến khi chín
- Trình bày mì Somen tổng hợp lên đĩa ăn dặm và cho trẻ 10 tháng thưởng thức
11. Salad súp lơ trứng
Salad súp lơ trứng có thể làm món ăn dặm hoặc món ăn bữa phụ giàu dinh dưỡng cho bé. Với cách chế biến đơn giản nhưng mùi vị mới lạ, món này xứng đáng được đưa vào ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Súp lơ (luộc mềm, cắt thô): 2 thìa lớn
- Trứng luộc (cắt thô): 1/4 quả
- Sữa chua không đường: 1 thìa lớn
Các bước thực hiện
- Cho trứng luộc và sữa chua vào tô trộn đều
- Thêm súp lơ vào tô và tiếp tục trộn đều để hoàn thành món ăn và cho trẻ thưởng thức·
12. Bí đỏ nấu cam tươi
Để chế biến món bí đỏ nấu cam tươi hấp dẫn cha mẹ chú ý chọn bí đỏ tươi ngon, cam chín để loại bỏ vị chua gắt khó chịu. Chỉ mất 5 – 10 phút, em bé nhà mình đã có món ăn mới lạ, thu hút chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Bí đỏ: 100g
- Cam tươi: 1 quả
Các bước thực hiện
- Bí đỏ bỏ vỏ, rửa sạch, cắt miếng 5 – 6mm và cho vào luộc chín mềm
- Cam tươi vắt lấy nước bỏ hạt
- Cho bí ngô và nước cam vào đồ đựng chịu nhiệt, trộn đều và bọc miệng bằng giấy bọc, cho vào lò vi sóng khoảng 20 giây
- Lấy hỗn hợp ra chờ nguội bớt và cho trẻ thưởng thức
Gợi ý lịch ăn dặm cho bé 10 tháng
Tùy đặc điểm, nhu cầu của mỗi trẻ cha mẹ có thể chọn lựa cho con lịch sinh hoạt phù hợp. Sakura Montessori đưa ra gợi ý lịch ăn dặm cho bé 10 tháng khoa học dưới đây mời cha mẹ cùng tham khảo.
Thời gian | Hoạt động |
6h00 – 6h30 | Trẻ thức dậy, bú mẹ hoặc uống sữa công thức, vệ sinh cho trẻ |
7h00- 7h30 | Cho trẻ ăn nhẹ với bột yến mạch hoặc trái cây xay nhuyễn |
8h00 – 09h30 | Cho trẻ vui chơi, vận động |
9h30 – 11h00 | Cho trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức và ngủ khoảng 1 giờ |
11h30 – 12h00 | Vệ sinh cá nhân và cho trẻ ăn dặm bữa trưa |
12h30 – 14h00 | Trẻ ngủ trưa |
14h30 – 15h00 | Cho trẻ ăn dặm |
15h30 – 17h30 | Cho trẻ vui chơi, vận động |
18h00 – 19h00 | Vệ sinh cá nhân và cho trẻ ăn dặm bữa tối |
19h30 – 20h30 | Cha mẹ trò chuyện, đọc sách cho trẻ nghe, cho bé bú mẹ hoặc uống sữa và đi ngủ |
Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng
Ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý đến các điểm sau khi áp dụng phương pháp này cho trẻ:
- Quan tâm đến tâm lý của trẻ: Giai đoạn 10 tháng tuổi trẻ có sự phát triển về nhu cầu tình cảm, nên cha mẹ cần quan tâm để tạo điều kiện cho con cảm giác an toàn, vui vẻ. Với hoạt động ăn dặm, chúng ta cần tôn trọng trẻ, để bé quyết định ăn món ăn theo sở thích và lượng theo nhu cầu. Không nên ép con ăn tạo tâm lý căng thẳng, mệt mỏi lâu dần khiến trẻ trở nên biếng ăn. Bên cạnh đó, trẻ bị áp lực có xu hướng hung hăng, gây hấn khi trưởng thành.
- Cho trẻ ăn riêng từng thực phẩm: Ăn dặm kiểu Nhật giúp trẻ cảm nhận được mùi vị riêng và phát triển thị giác. Cha mẹ nên cho trẻ ăn riêng từng thực phẩm để con phân biệt từng món ăn và nhận biết trường hợp trẻ bị dị ứng (nếu có).
- Thay đổi đa dạng thực phẩm, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng: Thay đổi đa dạng thực phẩm, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng giúp trẻ luôn cảm thấy háo hức khám phá món ăn trong mỗi bữa ăn. Đồng thời cơ thể con nạp đủ năng lượng, dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện.
- Đề phòng trường hợp thiếu sắt: Trẻ từ 9 tháng tuổi có nguy cơ thiếu sắt cao. Vì vậy cha mẹ hãy tích cực thêm vào thực đơn ăn dặm của con các thực phẩm có hàm lượng sắt cao như cá hồi, thịt bò, gan một số loại động vật…
Trên đây Sakura Montessori đã giới thiệu đến phụ huynh thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 10 tháng tuổi. Bên cạnh đó là các kiến thức liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng lịch ăn dặm cho trẻ. Đừng quên theo dõi chúng tôi, toàn bộ kiến thức hay, chuẩn khoa học về ăn dặm sẽ được cập nhật thường xuyên gửi đến cha mẹ. Chúc cha mẹ có hành trình chăm sóc các bé an toàn, mạnh khỏe và phát triển toàn diện.
- Giáo viên Montessori Quốc tế được chứng nhận bởi Hiệp hội Phát triển Montessori Quốc tế (IAPM).
- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội
- 13 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ nhỏ