Tết Canh Tý 2020 năm nay thay vì về miền xuôi đi chợ quê, các SMISer Hải Phòng cùng nắm tay nhau, xúng xính váy áo, ngược lên miền Tây Bắc và đi chợ phiên. Một trải nghiệm mới đem lại rất nhiều điều mới mẻ cho các SMISer Hải Phòng.
- Cùng con trải nghiệm Tết quê hương tại Sakura Montessori Cầu Giấy
- Tết Nguyên Đán tới gần, SMISers cùng nhau tìm hiểu về những biểu tượng Tết
- Chuỗi hoạt động học đa dạng tìm hiểu về Tết Nguyên Đán của SMIS-ers Thụy Khuê
Ngày 15/1, tại sân bóng trường mầm non Sakura Montessori Hải Phòng đã diễn ra một phiên chợ đặc biệt – “Chợ Tết vùng cao”. Những hình ảnh áo nâu, nón lá, hoa đào, hoa mai, mái lá quen thuộc vẫn thường thấy ở những buổi chợ Tết vùng đồng bằng Bắc Bộ nay được thay bằng hình ảnh của những bộ trang phục nhiều màu sắc, các kiểu dáng mũ khác nhau, hoa ban trắng và dải cờ nhiều màu sắc. Âm thanh của phiên chợ càng náo nhiệt hơn với điệu nhảy của các cô gái, chàng trai bản và tiếng hò reo cổ vũ.
Xúng xính váy áo buổi chợ phiên
Đó là một phiên chợ rực rỡ sắc màu. Những bộ trang phục đến từ nhiều dân tộc khác nhau trên dải đất hình chữ “S” Việt Nam: Mường, Thái, H’mông, Ê-đê, Tày, Chăm, Nùng, Bana, Pà Thẻn… Trang phục đến từ các tộc người khác nhau với nhiều loại chi tiết, họa tiết, có phần phức tạp hơn những bộ trang phục mặc thường ngày nên một vài SMISer cảm thấy mới lạ đôi chút. Nhưng đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời vì có thể đây là lần đầu tiên các SMISer mặc trang phục dân tộc và cùng hòa mình vào không khí chợ phiên Tết vùng cao, tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Đi chợ phiên, thưởng thức món ngon
Đi phiên chợ vùng cao ở Sakura Hải Phòng, các SMISer có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản vùng cao như xôi ngũ sắc, khoai lang tím, nếm thử vị táo mèo (có hơi khó ăn đôi chút). Nếu mệt và muốn nghỉ chân bạn có thể ghé quán nước “lá chuối” với món nước chè thơm ngon của cô hàng nước, ăn chút kẹo ngọt tiếp thêm năng lượng.
Đi chợ phiên học gói bánh
Không chỉ thưởng thức món ăn, đến phiên chợ, các SMISer còn được trải nghiệm gói bánh chưng. Trên miền Tây Bắc, người ta thường gói bánh chưng gù – bánh chưng nhỏ có phần nhô lên hoặc bánh tét – có hình dáng tròn dài thay vì bánh chưng vuông như ở miền đồng bằng. Nguyên liệu tương tự bao gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Tuy nhiên bánh tét hoặc bánh chưng gù thường có phần nhân thịt lợn ướp đặc biệt, thêm một chút gia vị của rừng núi nên mùi hương nồng và rất thơm. Những chiếc bánh được gói tại phiên chợ của các SMISer Hải Phòng sau đó đã được đem luộc và thưởng thức tại các lớp.
Đi chợ phiên, chơi trò chơi
Một phần không thể thiếu trong những phiên chợ vùng cao – trò chơi. Ném còn, nhảy sạp, gánh nước qua cầu, kéo co là những trò chơi tại chợ phiên vùng cao của các SMISer Hải Phòng. Lần đầu tiên thử thách ném còn, các SMISer Hải Phòng không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng chỉ sau một vài lượt ném thì thử thách trở nên đơn giản hơn, cột còn cao 2,5m cũng không còn là điều khó khăn. Thậm chí có một vài SMISer đã có thể ném túi cát qua vòng tròn.
Phiên chợ Tết vùng cao Canh Tý 2020 đã mang lại những trải nghiệm thú vị đối với các SMISer Hải Phòng. Mong rằng, những trải nghiệm đó đã giúp các SMISer hiểu thêm về sự đa dạng văn hóa các dân tộc của Việt Nam và những ấn tượng về màu sắc Tết truyền thống của người Việt Nam.
Một số khung hình đáng yêu của SMISers Hải Phòng trong “concept” Tết vùng cao.