Sau hơn 10 năm du nhập vào Việt Nam, phương pháp giáo dục Montessori ngày càng được đông đảo phụ huynh đón nhận, góp phần tác động tích cực tới nền giáo dục trong nước. Nhân ngày 20/11, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của cô Lê Mai Hạnh – Phó chủ tịch Hội đồng nghiên cứu khoa học và sư phạm thuộc Hệ thống trường mầm non Sakura Montessori – một trong những giáo viên Montessori quốc tế thế hệ đầu tiên của Việt Nam, người góp phần đưa Montessori chuẩn quốc tế về ứng dụng và lan tỏa tại Việt Nam.

Cô Mai Hạnh – người phụ nữ truyền cảm hứng về phương pháp Montessori tại Sakura Montessori 

Montessori và câu chuyện của người mẹ trăn trở tìm trường cho con 

Gần 15 năm trước, cuộc “gặp gỡ” giữa cô Lê Mai Hạnh và phương pháp Montessori tại Philippines đã mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời người con gái Hạ Long. Từ một du học sinh tại trường quốc tế lãnh đạo cơ đốc International Graduate of Leadership, cô Hạnh rẽ hướng sang một con đường khác nhiều chông gai hơn để trở thành giáo viên Montessori quốc tế. Mối duyên với Montessori bắt đầu từ chính những trăn trở tìm trường cho con của người mẹ nơi đất khách quê người. 

Năm 2005, khi gia đình tôi chuyển sang Philippines, tôi thực sự mong muốn tìm kiếm một ngôi trường đáp ứng nhu cầu và tâm lý của con, con được tôn trọng và không có sự so sánh giữa văn hóa và nhận thức. Khi tôi cho con theo học tại trường Montessori, tôi nhìn thấy được những sự thay đổi tích cực của con trong quá trình học ở đây cả về kỹ năng tự lập, sự tự tin và niềm yêu thích đến trường. Cách giáo viên Montessori truyền cảm hứng cho con mỗi ngày thực sự thuyết phục tôi, thôi thúc tôi tìm hiểu về Montessori, để có định hướng giáo dục con phù hợp với định hướng của nhà trường cũng như phát triển phương pháp này ở Việt Nam.”

Thật may mắn, sau khi kết thúc khóa học tại trường lãnh đạo cơ đốc, cô Hạnh đã nhận được học bổng từ Trung tâm đào tạo giáo viên Montessori MTP of WA có trụ sở tại Philippines và bắt đầu hành trình trở thành giáo viên Montessori quốc tế của mình. Cô được Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA) chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế cho lứa tuổi 2,5 – 6 và giáo viên Montessori quốc tế cho lứa tuổi 0 – 3. 

Sau thời gian dài học tập, làm việc tại các trường mầm non Montessori ở Philippines và một số nước khu vực châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… cô Mai Hạnh quyết định về Việt Nam. Những kinh nghiệm giảng dạy, cố vấn và thiết kế môi trường Montessori của cô cùng sự kết nối với các chuyên gia Montessori Quốc tế chính là “chìa khóa” để cô Mai Hạnh đưa phương pháp Montessori lan tỏa tại chính đất nước mình. 

Chuyến hồi hương đầy cảm xúc và hành trình đưa Montessori lan tỏa tại Việt Nam 

“Năm 2011, tôi trở lại Việt Nam và tìm kiếm một ngôi trường theo đúng kỳ vọng để phát triển chuyên môn về Montessori của mình. Tuy nhiên, thời điểm đó, tại Việt Nam phương pháp Montessori vẫn còn quá mới mẻ và rất ít trường học áp dụng phương pháp này vào giảng dạy.

Thế nhưng thật may mắn, tôi có duyên gặp gỡ các nhà sáng lập trường mầm non Sakura Montessori. Thời điểm đó, Sakura Montessori mới chỉ có một cơ sở đầu tiên tại Cầu Giấy, nhưng tôi ngay lập tức bị thuyết phục bởi tầm nhìn và tâm huyết dành cho giáo dục của đội ngũ sáng lập. Giữa chúng tôi có cùng quan điểm muốn xây dựng một ngôi trường mầm non quốc tế để trẻ em Việt được hưởng nền giáo dục chất lượng như trẻ em trên thế giới. Bản thân các nhà sáng lập trường Sakura Montessori cũng có thời gian sang Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới để tìm hiểu về phương pháp Montessori, cách ứng dụng hiệu quả ở Việt Nam. 

Cả tôi và đội ngũ lãnh đạo Sakura Montessori đều có chung quan điểm muốn phát triển giáo dục bền vững thì đội ngũ giáo viên phải được đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn kỹ năng. Bởi chúng ta không thể thay đổi từ một người giáo viên bình thường thành người giáo viên Montessori do yêu cầu đối với giáo viên Montessori vô cùng khắt khe. Họ phải trải qua quá trình đào tạo về chuyên môn, triết lý để thay đổi nhận thức, tư duy giáo dục, các ứng dụng phương pháp Montessori… Họ cần được đào luyện thông qua chương trình đào tạo giáo viên Montessori khoa học và bài bản…

Đó là lý do sau khi đầu quân về trường mầm non Sakura Montessori, tôi cùng đội ngũ lãnh đạo của trường quyết tâm mở Trung tâm đào tạo giáo viên Montessori quốc tế đầu tiên tại Việt Nam nhằm mang tới cho không chỉ giáo viên của trường mà cho tất cả giáo viên toàn quốc cơ hội để tìm hiểu về Montessori để từ đó có thể nhanh chóng lan tỏa phương pháp giáo dục này cho trẻ em khắp nơi trên cả nước”.

Vậy là với mối quan hệ quen biết sẵn có, cô Mai Hạnh đã thuyết phục Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ MIA để họ quyết định bay từ Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu, khảo sát và thấy rằng phương pháp Montessori thực sự phù hợp với trẻ em Việt Nam. Sau chuyến khảo sát đầy cảm xúc này, Sakura Montessori đã phối hợp cùng MIA tổ chức khóa đào tạo giáo viên Montessori quốc tế đầu tiên tại Hà Nội.

Cô Hạnh chia sẻ về hành trình đến với phương pháp Montessori của mình

Tính đến nay, Sakura Montessori đã hợp tác với các hiệp hội Montessori quốc tế như Hiệp hội phát triển Montessori quốc tế (IAPM), Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (AMS), hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA) tổ chức hơn 10 khóa đào tạo giáo viên Montessori quốc tế cho khoảng 300 giáo viên Montessori trong và ngoài hệ thống.

Hầu hết các giáo viên Montessori Quốc tế được đào tạo chính thống từ Sakura Montessori đều trở thành các giáo viên có năng lực. Một số người trở thành Giám đốc Trung tâm đào tạo giáo viên Montessori tại Việt Nam, một số trở thành chuyên gia giáo dục Montessori chuyên tổ chức các workshop, talkshow chia sẻ, số khác đứng ra mở trường mầm non Montessori tại Việt Nam… 

Đặc biệt, Sakura Montessori cũng đã và đang khẳng định vị thế của mình là một trong những địa chỉ giáo dục tiên phong đặt nền móng phương pháp Montessori tại Việt Nam với 9 cơ sở lớn mạnh trên toàn quốc, đưa phương pháp Montessori chuẩn quốc tế đến với phụ huynh, học sinh trên khắp cả nước. Với chương trình Montessori khoa học, bài bản cùng triết lý Montessori – “tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra những giới hạn cho các hành vi”, những thế hệ học sinh Sakura Montessori là những bạn nhỏ phát triển toàn diện, được hưởng nền giáo dục hiện đại, đẳng cấp quốc tế. 

Song song với việc không ngừng cải tiến chương trình học vừa phù hợp với triết lý Montessori nói chung vừa phù hợp với văn hóa vùng miền và phụ huynh tại Việt Nam, Sakura Montessori giúp đỡ phụ huynh và giáo viên duy trì việc nuôi dạy con theo phương pháp Montessori thông qua cộng đồng Nghề làm cha mẹ, với các workshop cộng đồng Mon&Mom, khóa học Kỷ luật Tích cực, các buổi trao đổi về phương pháp quản lý, lãnh đạo trường học để phụ huynh và nhà trường có tiếng nói chung trong việc giúp các con phát triển toàn diện… 

Tất cả đã trở thành những nhân tố góp phần đưa phương pháp Montessori ngày càng đến gần với trẻ em Việt trên khắp cả nước.

Thay đổi tư duy về người thầy trong thế kỷ 21

Mặc dù khi mới bắt đầu công tác, cô Mai Hạnh và Sakura Montessori gặp không ít khó khăn về việc lôi cuốn đội ngũ và gây dựng lòng tin ở phụ huynh về một phương pháp mới. Nhưng chính những sự thay đổi tích cực của trẻ sau quá trình giáo dục theo phương pháp Montessori, trở thành những bạn nhỏ trật tự, kỷ luật, tự lập và hạnh phúc đã giúp Sakura và Montessori chiếm trọn niềm tin của phụ huynh.

“Phương pháp Montessori thực sự đã thay đổi tư duy về cách làm thầy, cách làm cha mẹ không chỉ của tôi mà còn của rất nhiều giáo viên và phụ huynh Việt trên khắp cả nước” – Cô Hạnh chia sẻ.

Với phương pháp Montessori, trẻ là người thầy của chính mình. Vai trò của giáo viên Montessori là “người hỗ trợ cuộc sống của trẻ” thay vì là một người chỉ đạo các con. Trong giáo dục truyền thống, giáo viên là trung tâm của mọi hoạt động và các con cùng một lúc sẽ làm theo chỉ đạo của cô. Nhưng trong môi trường Montessori, chính môi trường sẽ dạy trẻ. Trẻ tự do trong khuôn khổ kỷ luật, trẻ tự do lựa chọn hoạt động cá nhân và phát triển theo cá tính của bản thân. Giáo viên, phụ huynh chỉ hỗ trợ trẻ vừa đủ, khi trẻ thực sự cần và không can thiệp, làm gián đoạn chu trình phát triển của trẻ.

Để trở thành giáo viên Montessori cần hành trình nỗ lực và không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân “Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi muốn nhắn gửi đến toàn thể đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên Montessori nói riêng rằng hãy luôn là người ươm mầm trí tuệ, khai sáng tài năng, luôn duy trì ngọn lửa tình yêu Montessori với trẻ. Với tình yêu thương và phương pháp giáo dục đúng đắn, chúng ta tiếp tục cùng nhau đào tạo ra những thế hệ tương lai đất nước không chỉ giỏi giang trí tuệ mà còn có nhân cách tốt.” – Cô Mai Hạnh chia sẻ.

0/5 (0 Reviews)