Trong chương trình Montessori của Sakura Montessori, kiến thức Địa lý như hình dạng, vị trí các châu lục, văn hóa các quốc gia… được cụ thể hóa bằng hệ thống giáo cụ, bằng sự hiểu biết và cảm hứng của giáo viên trong từng giờ học… Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu: Giúp trẻ hiểu biết về thế giới sống, nuôi dưỡng tình yêu khám phá và học tập suốt đời.
- Khám phá lĩnh vực Thực hành cuộc sống trong lớp học Montessori
- Tăng cường phát triển giác quan cho trẻ với lĩnh vực chuyên biệt
- Phương pháp Montessori phát triển ngôn ngữ và tư duy của trẻ thế nào?
Thế giới rộng lớn và đầy ắp trải nghiệm trong giờ học Địa lý
Ở các lớp học Montessori, những học cụ, học liệu như quả địa cầu tròn trịa, bản đồ các châu lục dưới dạng các mảnh ghép, những lá cờ, mô hình… trở thành những “người bạn” đồng hành cùng trẻ khám phá lĩnh vực Địa lý trong mỗi giờ học. Thông qua hệ thống giáo cụ trực quan đa dạng này, trẻ được tìm hiểu những kiến thức cơ bản về Địa lý tự nhiên và Địa lý văn hóa của các châu lục khác nhau.
Với sự hướng dẫn của giáo viên Montessori, trẻ quan sát quả địa cầu và nhận biết được đâu là đất, đâu là nước, vị trí của các châu lục, quốc gia… Các con có thể chạm vào các khối cầu, quan sát, cảm nhận và so sánh hình dạng với quả địa cầu châu lục. Bên cạnh đó, trẻ Sakura Montessori cũng được giới thiệu về các hình thái đất và nước qua các trải nghiệm gần gũi với đất nặn, sỏi, đá và bằng cách sử dụng nước đổ vào các giáo cụ mô hình để tạo nên các dạng hình thái: đảo, hồ, bán đảo, vũng, vịnh, eo biển, eo đất…
Các bản đồ được cụ thể hóa bằng các mảnh ghép của từng châu lục đầy màu sắc, thu hút sự chú ý của trẻ. Các con được khuyến khích sử dụng linh hoạt các giác quan để quan sát, ghi nhớ, sờ và cảm nhận các các miếng ghép để ráp hoàn chỉnh hình bản đồ. Khi làm việc với bản đồ, các con cũng có cơ hội tự phát huy năng lực liên tưởng của mình về hình dáng của các quốc gia, các châu lục theo gợi ý của giáo viên và ghi nhận từ quan sát giáo cụ.
Bên cạnh đó, tại góc Địa lý, các bạn nhỏ Sakura Montessori còn có cơ hội thực hiện các hoạt động mô phỏng bằng tay như vẽ và tô màu bản đồ châu lục, quốc gia; tìm hiểu và thực hành vẽ, tô màu, trang trí các lá cờ của từng quốc gia…
Hơn nữa, thông qua các hình ảnh 2D, video, vật thật về trang phục, ẩm thực, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội truyền thống, hình ảnh động, thực vật… trẻ tìm hiểu về các nền văn hóa, con người và thế giới tự nhiên khắp năm châu trên thế giới. Từ đó, các con sẽ tự khám phá ra những điều kỳ diệu, những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Giáo viên là người truyền cảm hứng khám phá thế giới
Để trẻ có thể tự lĩnh hội kiến thức Địa lý thông qua các giáo cụ trực quan, giáo viên Montessori đóng vai trò quan trọng.
“Người giáo viên Montessori luôn có cách dẫn dắt vào bài học Địa lý một cách thú vị để lôi cuốn và giúp trẻ kết nối các kiến thức. Ví dụ: Khi hướng dẫn trẻ tìm hiểu về đất nước Nhật Bản, cô sẽ giúp trẻ biết Châu Á nằm ở đâu, đất nước Nhật ở vị trí nào của Châu Á ngay trên quả địa cầu. Từ đó, hình dáng đất nước Nhật Bản, thủ đô của Nhật là gì…sẽ được các con cảm nhận rõ. Song song với việc hướng dẫn bài học, giáo viên cũng luôn quan sát và ghi chép về thói quen, sở thích, hứng thú, tiến độ của trẻ trong các bài học Địa lý để có kế hoạch tiếp theo cho trẻ một cách phù hợp. Giáo viên Montessori cũng không quên khích lệ, nuôi dưỡng niềm yêu thích khám phá tự nhiên trong trẻ về Địa lý để trẻ sẽ đạt được những kết quả tốt nhất.” – Cô Hoàng Tuyên, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm, phụ trách chương trình Montessori tại Sakura Montessori chia sẻ.
Kết hợp với một môi trường giáo dục được chuẩn bị sẵn sàng, một lớp học Montessori đầy đủ giáo cụ được phân về các góc học tập theo lĩnh vực, trẻ mầm non càng được tạo điều kiện để học hỏi, tự thu nhận kiến thức, tự kiến tạo bản thân.
Khơi niềm yêu thích khám phá, gieo mầm tri thức Địa lý mỗi ngày
Theo cô Hoàng Tuyên, Địa lý là lĩnh vực bao quát nhất trong chương trình Montessori khi mang đến cho các con cơ hội nghiên cứu những kiến thức rộng lớn về trái đất, vùng, lãnh thổ, đặc điểm thiên nhiên, con người và văn hóa… Theo đó, việc tìm hiểu về Địa lý đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển những năm đầu đời của trẻ.
Thông qua cách triển khai các bài học Địa lý của giáo viên Montessori cùng những trải nghiệm học tập thông qua các giáo cụ trực quan ở lớp học, lĩnh vực Địa lý giúp trẻ định hình mình trên Trái đất, kích thích sự quan tâm của trẻ đối với các dòng sông, núi rừng, đại dương và các dân tộc trên thế giới, cung cấp những kinh nghiệm phong phú về văn hóa nơi con sống và các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Trẻ có thể tự ghi nhớ các kiến thức Địa lý như bản đồ, địa hình, hình thái lãnh thổ… một cách dễ dàng. Nhờ quan sát quả địa cầu và bản đồ thường xuyên, các con dần hình thành kỹ năng định hướng vị trí.
Các bài học về Địa lý văn hóa giúp con tự tìm thấy sự tương đồng, gắn bó giữa con người trên khắp hành tinh. Điều này giúp trẻ hiểu rằng con người không chỉ tạo dựng cuộc sống mà còn phải xây dựng một cuộc sống tốt đẹp… Từ đó, các con thêm yêu trái đất, tôn trọng bản sắc văn hóa của các quốc gia, châu lục và có ý thức xây dựng một thế giới sống hòa bình và yêu thương.
Có thể nói, với nền tảng kiến thức học thuật và xã hội được bồi đắp từng ngày, các bạn nhỏ Sakura Montessori thêm độc lập, chủ động khám phá thế giới xung quanh với muôn vàn điều lý thú.