Những ngày gần đây, một số bạn bè có hỏi tôi: “Thương làm nghề mầm non có vất vả lắm không, lương lậu và chế độ đãi ngộ có “hậu hĩnh” không?”. Tôi nghĩ thầm rằng, làm gì có nghề nhàn hạ mà lương cao cơ chứ rồi mỉm cười và trả lời rằng: “Ấy đủ tình yêu với trẻ, mong muốn được cống hiến vì trẻ thì sẽ thấy nhiều giá trị mang lại hơn cả lương thưởng”.
Quả đúng là vậy! Nghĩ lại đến giờ tôi luôn thấy quyết định chuyển ngành từ một trợ lý tiếng Anh văn phòng sang môi trường trẻ thơ để làm việc là một quyết định đúng đắn, đáp ứng những mong muốn của bản thân.
Tôi vào trường Mầm non Sakura Montessori và được đào tạo bài bản về phương pháp giáo dục Montessori – một phương pháp hoàn toàn mới mẻ, thậm chí nhiều khái niệm còn trái ngược với phương thức truyền thống mà tôi biết.
Tôi thích cách khom người thấp hẳn xuống nói với con trẻ: “Hôm nay cô có bài học thú vị này muốn giới thiệu với con, con cùng cô khám phá nhé?” rồi chờ trẻ trả lời. Với cách giao tiếp này, trẻ thấy sự tôn trọng và ân cần từ cô, thay vì: “Hôm nay con phải làm xong bài tập này” một cách áp đặt.
Đó chỉ là một trong những muôn vàn ưu điểm của phương pháp mới mang lại mà tôi “ngấu nghiến” hăng say vừa như học cho mình vừa áp dụng cho trẻ ở lớp, thậm chí là con cái, bạn bè.
Mỗi ngày tới lớp tôi hạnh phúc bởi những câu nói vô tư từ trẻ, tôi coi đây là “phần thưởng” dành cho mình.
“Cô ơi con vừa học toán, con làm bài phép tính cộng”
“Teacher, look at my picture!”
“Thank you teacher Ms Thuong!”
“Cô ơi hôm nay con yêu cô”
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: “Làm việc cả ngày với trẻ, vừa chăm vừa dạy, có mà mệt thở không ra hơi ấy”. Cũng đúng, chúng là “lũ quỷ giặc non” mà! Ban ngày chăm trẻ, tối về đọc sách soạn giáo án, bận rộn hơn chăm con mọn!
Cùng với những bận rộn đó, tôi luôn tìm thấy những niềm động viên, học hỏi từ lũ trẻ: sự đoàn kết, sẻ chia.
Một câu chuyện nhỏ tôi muốn chia sẻ: Ở lớp chúng tôi, khi bạn thấy hai trẻ đứng cạnh khay khăn lau miệng, một bạn đã lau miệng rồi thì bạn đừng vội nói: “Con lau miệng rồi thì đi vào đường vòng tròn cùng các bạn đi!” bởi điều ấy có thể làm trẻ cảm thấy oan uổng vì thực ra trẻ đang cố gắng hết sức giúp em bên cạnh tìm ra được chiếc khăn hình quả nho của em ấy. Thật bất ngờ phải không?
Hay trong lớp, có những bạn nhỏ chưa đầy 3 tuổi, cố gắng lắp bằng được khung cúc bấm đến xước lẹm cả đầu móng tay, con vẫn kiên trì miệt mài.
Bạn và tôi ơi, những hình ảnh đó chẳng phải thật đáng khâm phục và đáng học hỏi từ các con hay sao?
Ngày nay có nhiều bố mẹ trẻ loay hoay với cách dạy và nói chuyện với con, về cách cho con được tiếp cận ngôn ngữ sớm, kỷ luật tích cực đầy yêu thương và nhẫn nại. Tôi thì may mắn hơn khi được tiếp cận Montessori. Phương pháp này đã giúp tôi – một bà mẹ trẻ hai con giải quyết mọi khó khăn đó.
Tôi chỉ biết thầm cảm ơn cuộc sống này, cảm ơn Sakura Montessori đã tạo ra môi trường thuận lợi để tôi phát triển mỗi ngày.
Tâm sự của cô giáo Phạm Thị Thương, lớp Lavender – SMIS Cầu Giấy, Hà Nội.