Một mối quan hệ tốt đẹp giữa ba mẹ và con cái cần được hình thành từ sự thấu hiểu. Để hiểu con, ba mẹ phải học lắng nghe và nói chuyện với con một cách chân thành và cởi mở như những người bạn, người đồng hành thân thiết. Tuy nhiên không phải bậc ba mẹ nào cũng làm được như vậy.
Một trong những cách dạy con ngoan là ba mẹ cần biết nói chuyện với bé. Cách các ba mẹ giao tiếp với con cũng chính là thói quen bé dùng để nói chuyện với người khác. Nếu ba mẹ đang gặp khó khăn khi không thể chung tiếng nói với trẻ hay không biết làm thế nào để trẻ nghe lời mình thì hãy tham khảo 10 cách giáo viên Montessori trò chuyện với trẻ ngay dưới đây nhé!
1. “Khi nào… thì”
Đây là một trong những mẫu câu ba mẹ nên dùng. Bạn có thể nói với trẻ như “Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho con” hoặc “Khi nào con vẽ xong thì mẹ sẽ cho con xem hoạt hình”. Từ “khi nào” ngụ ý đó là công việc bé cần hoàn thành và mang nghĩa tích cực hơn so với khi dùng từ “nếu”. Nhưng hãy nhớ rằng, khi bạn đã nói, đã hứa với trẻ thì hãy thực hiện và hoàn thành điều mình đưa ra nhé!
2. “Con thích … hay … trước” hoặc “Con thích … hay …?”
Mẫu câu lựa chọn này rất cần thiết khi bạn nói chuyện với con. Việc để các bé lựa chọn sẽ giúp các con cảm thấy mình được tôn trọng, được tham gia vào quá trình đưa ra quyết đinh. Từ đó, trẻ sẽ gần gũi với bạn hơn.
3. “Kể cho mẹ xem con đã làm gì nhé!”
Bé càng ít tuổi thì yêu cầu của mẹ phải càng ngắn và đơn giản. Hãy xem xét mức độ hiểu biết của bé nhà bạn dựa trên độ tuổi. Ví dụ, lỗi phổ biến của cha mẹ là hỏi bé 3 tuổi: “Sao con làm thế?” (đôi khi người lớn còn không thể biết vì sao). Thay vào đó, hãy hỏi: “Kể cho mẹ xem con đã làm gì?”.
4. “Ben ơi, con lấy hộ mẹ cái cốc nhé!”
Khi bạn mong muốn hay đề nghị bé làm việc gì cho mình, hãy gọi tên bé rõ ràng với thái độ nhẹ nhàng, chân thành. Chẳng hạn như: “Ben ơi, con lấy hộ mẹ cái cốc nhé!”. Việc gọi tên sẽ khiến bé cảm thấy mình có ích. Khi bạn chân thành nhờ bé, bé sẽ đáp lại bạn bằng chính sự chân thành đó.
5. “Con hãy về phòng mình vui chơi nhé!”
Thay vì nói: “Không làm ồn ở đây”, bạn có thể gợi ý cho trẻ bằng mẫu câu đơn giản như: “Con hãy về phòng mình vui chơi nhé”. Sự thân thiện, cởi mở của bạn sẽ khiến bé tôn trọng và không tái phạm những cư xử không đúng mực.
6. Hãy tích cực
Rất nhiều bậc cha mẹ thường phản ứng tiêu cực trước các hành vi không đúng mực của trẻ. Ba mẹ nổi nóng, la hét, quát mắng trẻ khi các quậy phá mà không hiểu rằng điều đó hoàn toàn phản tác dụng. Thay vì trẻ nghe lời bạn, chúng sẽ trở nên bướng bỉnh, khó bảo hơn mà thôi. Do đó, hãy phản ứng tích cực trước mọi hành động của trẻ.
Ba mẹ có thể gợi ý “Con hãy …” thay cho lời nói ra lệnh hoặc bắt đầu “chỉ thị” của bạn với hai từ “ba/mẹ muốn”. Thay vì “Bỏ con dao xuống”, hãy nói “Mẹ muốn con bỏ dao xuống”; thay vì: “Hãy cho Sam mượn đồ chơi”, bạn nói: “Mẹ muốn con cho Sam mượn đồ chơi”.
Điều này hợp với tâm lý phát triển của bé: muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh. Cách nói đơn giản và nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và chúng sẽ đáp lại bạn bằng chính sự nghe lời, ngoan ngoãn.
7. Sử dụng mẫu câu nói “Khi con… mẹ cảm thấy… bởi vì…”
Đừng bắt chỉ phải làm theo ý bạn ngay lập tức. Ba mẹ hãy từ từ tiếp nhận cảm xúc của con, hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu bằng những lời tâm tình, thủ thỉ. Chẳng hạn như “Khi con chạy lung tung trong siêu thị, mẹ cảm thấy lo lắng bởi vì con có thể bị lạc”.
Đặc biệt, ba mẹ cũng không nên che giấu cảm xúc thật của mình. Hãy dãi bày với trẻ bằng sự ân cần, thân thiết và gắn bó như những người bạn. Bởi chỉ khi ba mẹ ý thức được việc “làm bạn trước, làm bố mẹ sau” thì ba mẹ mới thực sự kết nối và giáo dục trẻ trưởng thành trong hạnh phúc.
8. “Chân trước, miệng sau”
Thay vì đứng ở xa, hét lên: “Tắt tivi đi Mít, đến giờ cơm rồi”, ba mẹ có thể đi vào căn phòng nơi bé đang xem tivi, tham gia với sở thích của bé trong vài phút. Sau đó, thương lượng để bé tắt tivi, đứng dậy ăn cơm. Được ba mẹ tâm lý sẽ giúp bé thích làm theo yêu cầu của mẹ mà ít chống đối hơn.
9. Trực tiếp
Trước khi ba mẹ yêu cầu bé làm việc gì đó, hãy ngồi xổm để tầm mắt của ba mẹ ngang với tầm mắt của bé. Như thế, bạn mới thu hút được sự chú ý của con. Đồng thời, cách này còn giúp bé tập trung vào những điều mẹ sắp nói. Tuy nhiên, bạn cần tránh nhìn con bằng ánh mắt giận dữ vì như thế, bé sẽ sợ hãi tới mức chẳng dám nhìn vào mắt mẹ. Thật ân cần và chân thành thể hiện thành ý chính là lời khuyên cho bất cứ bậc ba mẹ nào nếu muốn trẻ nghe lời và luôn có những cảm xúc tích cực.
10. Nguyên tắc từng câu một
“Dông dài” với một loạt các yêu cầu sẽ khiến trẻ khó chịu và bức bách khi bố mẹ áp đặt lên mình quá nhiều mong muốn. Ba mẹ chỉ nên yêu cầu con làm một việc một lúc. Bạn càng “dông dài” nói nhiều, các bé nhà bạn càng phản ứng và có xu hướng “giả điếc”.
Nói quá nhiều là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi đối thoại với con về một chuyện. Cho nên, hãy thật bình tĩnh đưa ra các yêu cầu một cách tuần tự để trẻ tiếp nhận và thực hiện tốt.
Hy vọng những thông tin trên hữu ích với ba mẹ!