Mưa là một trong những hiện tượng thời tiết thường xuyên xảy ra tại đất nước nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Những cơn mưa luôn mang tới sự thích thú cho bé, đặc biệt là lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, mùa mưa lại là môi trường lý tưởng để virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé nếu không được phòng ngừa kỹ lưỡng. Vậy làm thế nào để bảo vệ các con luôn khỏe mạnh vào mùa mưa? Quý phụ huynh hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được những kinh nghiệm tuyệt vời chăm sóc bé yêu trong những ngày mưa nhé.
1. Trẻ dễ mắc bệnh vào mùa mưa, đặc biệt thời điểm giao mùa
Mùa mưa, môi trường ẩm ướt, khí hậu lạnh, trẻ mầm non rất dễ mắc phải những căn bệnh phổ biến như:
Sốt xuất huyết
Vào những ngày trời mưa, muỗi gây bệnh sốt huyết sẽ sinh sôi và phát triển nhanh, dẫn tới sự gia tăng số lượng người mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Loại muỗi vằn Dengue có chứa virus gây sốt xuất huyết, khi chúng đốt, virus sẽ truyền mầm bệnh từ người này sang người khác.
Tay chân miệng
Mặc dù căn bệnh này có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên theo thống kê thì tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng nhiều hơn khi độ ẩm không khí cao, nhiệt độ môi trường thấp, mưa nhiều ẩm ướt. Những bé mầm non từ 3 – 5 tuổi được xem là dễ mắc bệnh nhất.
Viêm đường hô hấp trên
Khí hậu ẩm thấp, thời tiết lạnh khiến bé rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: ho, cảm cúm, nặng hơn có thể dẫn tới ho kéo dài, viêm phế quản,… Thực phẩm, tay chân, nước bọt…bị nhiễm khuẩn cũng là những yếu tố khiến tình trạng ho ở trẻ lây lan nhanh và khó xử lý triệt để.
Sốt siêu virus
Đau họng, sổ mũi, hắt hơi liên tục, đau họng và sốt được xem là dấu hiệu phổ biến nhất ở sốt virus, một trong những bệnh mà trẻ cực kỳ dễ mắc phải khi mùa mưa tới.
Thương hàn
Một loại bệnh truyền nhiễm cực kỳ phổ biến, với biểu hiện sốt kéo dài, đau đầu và đau bụng dữ dội. Thủ phạm chính là vi khuẩn S.Typhi, lây nhiễm qua thực phẩm hoặc nguồn nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Tiêu chảy
Tiêu chảy luôn là một tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong khoảng thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, bé sẽ có những dấu hiệu như sốt cao, chán ăn, quấy khóc, thể trạng giảm sút… Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy chính là bởi nhiễm trùng đường ruột. Những vi khuẩn hay ký sinh trùng có trong thức ăn ôi thiu hay thực phẩm kém chất lượng sẽ xâm nhập cơ thể bé theo đường tiêu hóa.
2. Một số biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ
Để giảm thiểu tối đa trẻ mắc phải những căn bệnh trên vào mùa mưa, cha mẹ, quý phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp phòng chống hiệu quả sau:
Không để con bị ướt mưa
Bé bị dính nước mưa rất dễ có nguy cơ bị cảm lạnh, nặng hơn có thể là các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi. Vì thế không nên để bé bị ướt mưa, nếu trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài cha mẹ cần phải che chắn thật kỹ cho con.
Bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị côn trùng cắn
Mưa là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, virus, vi khuẩn phát triển gây hại cho sức khỏe của con người. Bởi vậy, để giảm thiểu nguy cơ bị côn trùng cắn, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp như:
- Không để bé ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng
- Mặc quần áo dài tay cho bé, bỏ màn khi bé ngủ
- Thoa kem chống muỗi, côn trùng lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ bé
- Thường xuyên xịt thuốc chống côn trùng, phát quang bụi rậm, dọn dẹp cống rãnh
- Giữ vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa sạch sẽ khô ráo, thoáng mát
- Đậy kín bể chứa nước, các chậu hũ xung quanh nhà, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển..
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Một trong những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho bé trong mùa mưa chính ra duy trì chế độ ăn khoa học, giúp tăng sức đề kháng cho bé.
Thực đơn hằng ngày của con phải đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất: vitamin, bột đường, chất béo, đạm, chất xơ và khoáng chất. Đừng quên bổ sung thêm các thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé yêu bằng hạnh nhân, gừng, tỏi, sữa chua, vitamin C…
Thực phẩm trước khi chế biến cần được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, virus, vi khuẩn – nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm, chán ăn, tiêu chảy, sốt…
>>> Tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại: https://sakuramontessori.edu.vn/che-do-dinh-duong-la-yeu-to-khong-the-thieu-cho-su-phat-trien-cua-tre/
Uống nhiều nước
Dù là người lớn hay trẻ em thì việc uống đủ nước mỗi ngày đều phải được duy trì để đào thải các tác nhân gây hại ra khỏi cơ thể đều rất quan trọng. Căn cứ vào độ tuổi và thể trạng của con mà cha mẹ có thể cân nhắc lượng nước phù hợp cho bé. Đối với những bé lớn, bạn hoàn toàn có thể bổ sung 1 – 1,5 lít, hoặc 2 lít nước mỗi ngày cho con.
Tập thể dục thường xuyên
Hãy cùng bé tập luyện những bài thể dục thể thao nhẹ nhàng, thích hợp với lứa tuổi mầm non. Điều này sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, cho bé một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Đây cũng là lý do vì sao các trường mầm non uy tín, chất lượng luôn có những bài tập thể dục cũng như các hoạt động thể chất hữu ích.
Trên đây là một số kinh nghiệm chăm sóc con yêu vào mùa mưa. Hy vọng với những chia sẻ này, quý phụ huynh sẽ có cho mình những kiến thức hữu ích đề giúp bảo vệ sức khỏe và giúp các bé phát triển một cách an toàn và nhanh chóng nhất.