Phương pháp Montessori là một phương pháp giáo dục sớm, được nghiên cứu và phát triển bởi Tiến sĩ – Bác sĩ – nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, vào đầu thế kỷ 20. Phương pháp này tập trung vào việc phát triển toàn diện của trẻ, từ thể chất, trí tuệ đến tinh thần trong một môi trường học tập phù hợp và tự nhiên. Trong đó, tính tự lập, sự tự tin và sự sáng tạo của trẻ luôn được chú trọng để hình thành và phát huy thông qua các nguyên tắc cơ bản của phương pháp. Dưới đây là một số nguyên tắc chính và cách thức các nguyên tắc này hỗ trợ sự phát triển tính tự lập, sự tự tin và tính sáng tạo ở trẻ.
Môi trường học tập được chuẩn bị
Môi trường lớp học Montessori luôn được chuẩn bị với không gian mở, tràn ngập ánh sáng tự nhiên, cây xanh, hoa lá với các giáo cụ, vật liệu đa dạng, đẹp mắt, mời gọi cũng mang đến sự hứng khởi, tươi mới để kích thích sự sáng tạo, niềm say mê trải nghiệm ở trẻ. Các giáo cụ luôn sẵn sàng, đầy đủ, tỉ mỉ, sắp xếp khoa học và thẩm mỹ với kích cỡ phù hợp giúp trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và tự mình lựa chọn các hoạt động để khám phá và tìm tòi. không cần đến sự hỗ trợ của giáo viên, là tiền đề phát huy tính tự lập và sự độc lập và tự tin ở trẻ.
Tôn trọng sự tự do trong giới hạn
Trẻ được trao quyền tự do lựa chọn giáo cụ để làm việc một mình hoặc với người khác theo ý muốn, tự do di chuyển trong không gian lớp học để quan sát hoặc làm việc, tự do nghỉ ngơi nếu chưa sẵn sàng, tự do thử – sai với giáo cụ để tìm ra cách làm đúng và tự do làm với giáo cụ đó bao lâu tùy thích trong phạm vi giới hạn được thiết lập của môi trường được chuẩn bị và nguyên tắc tôn trọng. Khi được tự lựa chọn, trẻ sẽ có cơ hội khám phá những gì chúng thực sự quan tâm và yêu thích. Sự tự do này thúc đẩy tính tự lập ở trẻ vì trẻ sẽ học cách ra quyết định và chịu trách nhiệm với các lựa chọn của mình. Việc không giới hạn về thời gian và học với tốc độ của riêng mình với các giáo cụ yêu thích giúp tạo cơ hội cho trẻ được phát huy trí tưởng tượng và sự sáng tạo để theo đuổi các ý tưởng và dự án của riêng mình. Mặt khác, sự tự chủ ấy cũng sẽ cho phép trẻ có thể tự giải quyết vấn đề một cách độc lập và trở nên tự tin, quyết đoán hơn để đưa ra những quyết định của mình.
Học tập thông qua trải nghiệm
Lớp học Montessori với hệ thống các bài học là các giáo cụ đa giác quan trực quan, sinh động luôn sẵn sàng và mời gọi trẻ lựa chọn khám phá. Thông qua việc tự thao tác với các giáo cụ, trẻ được rèn luyện các giác quan, phát triển kỹ năng thực hành và nâng cao khả năng tự lập. Khi hoàn thành một hoạt động hay giải quyết một vấn đề, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng và tự hào về thành quả của mình. Điều này xây dựng lòng tự tin và niềm tin vào khả năng của bản thân. Các giáo cụ Montessori đa dạng khuyến khích trẻ tìm ra nhiều cách khác nhau và bằng các giác quan khác nhau để thao tác và trải nghiệm với chúng. Điều này kích thích sự sáng tạo và khả năng tư duy linh hoạt của trẻ. Bên cạnh đó, khi trẻ có cơ hội lựa chọn hoạt động theo nhu cầu, sở thích, được tự do khám phá sẽ giúp phát triển những ý tưởng riêng, tự mình suy nghĩ, sáng tạo các cách để sử dụng giáo cụ và giải quyết vấn đề.
Vai trò của giáo viên là người hướng dẫn
Bằng cách chuẩn bị một lớp học đầy đủ, sẵn sàng với các tài liệu học tập, thực hành và các hoạt động đáp ứng các giai đoạn phát triển khác nhau, giáo viên Montessori hướng dẫn, kết nối từng trẻ đến với quá trình khám phá và tìm tòi độc lập. Sau đó, giáo viên sẽ lùi lại phía sau để quan sát, “dõi theo trẻ” và chỉ hỗ trợ khi thực sự cần thiết, khi trẻ đã cố gắng nỗ lực hết sức mà chưa thành công. Điều này giúp phát huy mạnh mẽ tính độc lập ở trẻ, khả năng xoay xở và tự mình giải quyết vấn đề, loại bỏ sự ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đó chính là nền tảng của tính tự lập, trách nhiệm và sự tự tin.
Không thưởng – phạt, so sánh
Thay vì dựa vào phần thưởng hay hình phạt, Phương pháp Montessori tập trung vào việc khơi gợi sự hứng thú tự nhiên của trẻ thông qua môi trường được chuẩn bị sẵn sàng đẹp đẽ và dựa trên nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn. Điều này giúp trẻ phát triển động lực nội tại, học hỏi vì niềm vui chứ không phải vì sợ hãi hay được khen thưởng. Trong lớp học Montessori trẻ được lựa chọn hoạt động phù hợp với nhu cầu và học với tốc độ của riêng mình. Trẻ được khích lệ để hợp tác với bạn thay vì cạnh tranh; trẻ cũng được tôn trọng sự khác biệt của bản thân, được ghi nhận sự nỗ lực và tiến bộ so với chính mình của ngày hôm qua, không phải so với trẻ khác. Những điều này giúp bồi đắp sự tự lực và tự tin ở trẻ.
Như vậy, phương pháp Montessori không chỉ giúp trẻ đạt được những thành tích học tập tốt mà còn cung cấp cho trẻ một nền tảng vững giúp trẻ trở thành những cá nhân độc lập và tự tin và đam mê sáng tạo trong quá trình học hỏi và khám phá thế giới xung quanh.
- Cafe cùng chuyên gia: Chạm vào bí ẩn tuổi thơ – Khai mở tiềm năng cùng Montessori
- Học Mon chỉ giúp trẻ tự lập, phù hợp trẻ 0-3? Điều này đúng hay sai?
- Thưởng – phạt trong Montessori mang lại những lợi ích gì cho trẻ?
- Giáo cụ Montessori có gì đặc biệt?
- Lớp học trộn lẫn độ tuổi mang lại cho trẻ những lợi ích gì?