Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng đều mong muốn nuôi dạy con trưởng thành trong hạnh phúc. Nhưng làm sao để giáo dục một em bé hạnh phúc thì không phải ai cũng tìm kiếm được câu trả lời cho chính mình. Giữa một khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet, mạng xã hội cũng như hàng tá các quan điểm giáo dục truyền thống và hiện đại của giáo viên, nhà tâm lý học,…, phụ huynh càng trở nên hoang mang, không biết đâu mới thực sự là cách dạy trẻ phù hợp và tối ưu.
Trong những thông tin dưới đây, bài viết sẽ mang đến cho quý vị phụ huynh những ý kiến của các nhà giáo dục nổi tiếng thời đại về nuôi dạy trẻ hạnh phúc.
Maria Montessori – Tôn trọng trẻ và khơi dậy tiềm năng sẵn có trong chính các con
Là tiến sỹ, bác sỹ, nhà giáo dục người Ý tài năng, trải qua thời gian dài làm việc với trẻ, Maria Montessori đã nghiên cứu và phát triển phương pháp giáo dục Montessori dựa trên chính nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ.
Lấy trẻ làm trung tâm của mọi hoạt động học tập và vui chơi, với phương pháp giáo dục Montessori, chúng ta sẽ tận dụng tối đa thời kỳ nhạy cảm đặc biệt của trẻ trong 6 năm đầu đời để tối ưu sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Thông qua sự tương tác với môi trường, thông qua hoạt động của đôi bàn tay, thông qua sự hoàn toàn tự động hấp thụ các khía cạnh đạo đức, xã hội, văn hóa, tri thức về thế giới xung quanh và thông qua sự hoàn toàn độc lập, trẻ sẽ phát triển bản thân, phát triển tính cá thể riêng biệt của mình.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp Montessori trong giáo dục trẻ tại nhà, quý phụ huynh cần ghi nhớ những quan điểm quan trọng của Maria Montessori sau đây:
– Một đứa trẻ xứng đáng được tôn trọng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh. Vì vậy, thay vì ra lệnh cho trẻ, quý phụ huynh nên đưa cho trẻ những yêu cầu lịch sự. Trẻ sẽ thực hiện tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn. Và khi nhận thấy mình được tôn trọng, chính trẻ sẽ giúp bạn thực hiện mọi việc một cách cẩn thận và chỉn chu nhất.
– Đừng nhìn những đứa trẻ từ trên cao xuống. Để gia tăng sự tương tác và gắn kết giữa ba mẹ và con cái, người lớn hãy cố gắng để tầm mắt của mình ngang bằng với trẻ khi nhìn, nói chuyện. Đó cũng là cách để thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ.
– Không có thưởng, phạt mà chỉ có sự khích lệ là nguyên tắc cơ bản trong phương pháp giáo dục Montessori. Nếu bạn phạt trẻ vì mọi lỗi lầm, chúng sẽ luôn cảm thấy có lỗi. Nếu bạn thưởng cho trẻ khi chúng làm tốt sẽ khiến chúng hình thành thói quen làm việc để được thưởng. Do vậy, thay vì thưởng, phạt, quý phụ huynh nên sử dụng những lời động viên, khích lệ trẻ. Món quà tinh thần này giúp các con cảm nhận được sự quan tâm, che chở của ba mẹ dành cho chúng.
– Dạy con tự lập từ bé. Theo Maria Montessori, 6 năm đầu đời là thời điểm thích hợp để rèn cho trẻ tính tự lập trong cuộc sống. Đừng làm hộ những việc mà trẻ có thể tự làm. Hãy để con được tự do thực hiện những hoạt động chúng muốn. Hãy cho con tham gia vào việc xây dựng gia đình, làm việc nhà cùng bạn và hướng dẫn con từng bước nhỏ. Qua đó, trẻ vừa hình thành tính cách độc lập, tự chủ vừa cảm thấy bản thân có giá trị và yêu thích lao động hơn.
– Để rèn tính tự lập cho trẻ, hãy mang tới cho trẻ một môi trường được chuẩn bị sẵn sàng cho sự tự lập. Bàn, ghế, móc treo quần áo được làm phù hợp với chiều cao của trẻ để chúng có thể tự làm việc. Chúng sẽ hạnh phúc trong môi trường như thế này.
Loris Malaguzzi – Lắng nghe con và dạy chúng cách sử dụng ngôn ngữ
Loris Malaguzzi là nhà tâm lý học người Italy – người đã phát triển phương pháp giáo dục Reggio Emilia. Theo quan điểm của Loris Malaguzzi, mỗi đứa trẻ sinh ra có thể nói rất nhiều “ngôn ngữ”. Ngôn ngữ ở đây được hiểu là cách trẻ “giao tiếp” với thể giới. Trẻ có thể nói chuyện và thể hiện suy nghĩ của mình thông qua rất nhiều cách khác nhau như tranh vẽ, ca hát, trò chơi,… Cho nên, nếu quý phụ huynh lắng nghe con và dạy chúng biết cách sử dụng “ngôn ngữ” này trong cuộc sống, trẻ sẽ lớn lên và trở thành những em bé hạnh phúc, giàu có kiến thức về vạn vật xung quanh.
Một số quan điểm chính trong luận điểm này của Malaguzzi bao gồm:
– Hãy nhớ rằng không có câu trả lời sai, chỉ có những quan điểm khác nhau. Thay vì nói với trẻ rằng chúng đang làm sai hoặc hiểu sai về một điều gì đó, ba mẹ nên hỏi tại sao chúng nghĩ theo cách đó và nói với chúng về một cách suy nghĩ khác một cách tích cực và đúng đắn hơn. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận ý kiến trái chiều hơn nếu chúng cảm thấy suy nghĩ của mình luôn được tôn trọng.
– Trước khi giải thích điều gì đó, hãy hỏi ý kiến trẻ nếu chúng đã biết về điều này. Nếu bạn nói với chúng những điều chúng đã biết, chúng sẽ mất hứng và không nghe. Điều này cũng giống như người lớn vậy.
– Đặt thêm câu hỏi, yêu cầu câu trả lời chi tiết. Bằng cách này, trẻ sẽ học cách suy nghĩ và thể hiện suy nghĩ của mình với người khác.
– Hãy để con bạn được tự do lựa chọn thường xuyên hơn. Trẻ có thể chọn những màu sắc trang phục chúng muốn mặc, ba lo chúng muốn đeo hay đôi giày chúng yêu thích,…
Rudolf Steiner – Phát triển những con người tự do ngay từ nhỏ
Rudolf Steiner là người sáng lập triết học tâm linh và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự sáng tạo trong giáo dục con trẻ. Ông đặc biệt đề cao sự tự do là nền tảng để nuôi dạy một con người tự tin, có thể khám phá khả năng sáng tạo của chính mình.
Theo quan điểm của Rudolf Steiner:
– Không có cuốn sách nào có thể dạy phụ huynh giao tiếp với trẻ em. Mỗi đứa trẻ là duy nhất, vì vậy bạn cần đối xử với mỗi đứa trẻ theo một cách khác nhau.
– Những câu chuyện truyền cảm hứng có thể dạy trẻ tốt hơn các chương sách nhàm chán.
– Trẻ em nên dành nhiều thời gian ở ngoài trời: học cách quan sát, ngắm nhìn cái đẹp và sống hòa hợp với thế giới.
– Đồ chơi đơn giản, như khối gỗ, phát triển trí tưởng tượng tốt hơn.
– Các nghi thức đơn giản hàng ngày giúp trẻ cảm thấy an toàn và dạy chúng biết tổ chức. Đó là lý do tại sao mỗi ngày nên bắt đầu bằng cách lặp lại những bài thơ.
Hi vọng những thông tin trên hữu ích với quý phụ huynh.
Sưu tầm