Sự vâng lời ở trẻ là một phần của quá trình phát triển tự nhiên của trí óc. Khi hiểu rõ 3 cấp độ của sự vâng lời theo nhịp độ phát triển của trẻ, người lớn có thể giáo dục trẻ vâng lời trong hạnh phúc một cách tự nhiên, hiệu quả. 

Dưới đây là một số cách thức để trẻ vâng lời theo phương pháp giáo dục Montessori. 

Cho trẻ tập đưa ra quyết định

Theo nhịp độ phát triển trí óc của trẻ, trong 6 năm đầu đời, trẻ sẽ sử dụng ý muốn của mình để đạt tới hình thái vâng lời theo các cấp độ mong muốn. Nếu muốn trẻ đạt đến sự vâng lời trong hạnh phúc, trẻ cần được rèn luyện. Và người lớn chính là người kích thích trí óc trẻ phát triển, giúp trẻ “rèn luyện” tính vâng lời. 

Theo quan điểm của Maria Montessori, cách tốt nhất khiến trẻ vâng lời người lớn trong sự vui vẻ và tôn trọng chính là cho trẻ tập đưa ra quyết định. Việc trao quyền tự quyết định cho trẻ khiến các con cảm thấy bản thân luôn nhận được sự tin tưởng của mọi người. Ba mẹ đã và đang coi trẻ là một cá thể độc lập, có chính kiến và có tư duy. 

Ba mẹ có thể rèn cho trẻ cách tự đưa ra quyết định theo quan điểm Montessori như sau:

1. Tạo nhiều cơ hội cho trẻ đưa ra lựa chọn

Ở các lớp học Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động học tập tùy theo sở thích và khả năng của bản thân. Giáo viên Montessori luôn tôn trọng sự chọn lựa của trẻ, không áp đặt hay gò bó, ép buộc. Ở nhà, ba mẹ, ông bà cũng có thể tạo nên một môi trường của sự tự do như môi trường Montessori. 

Bài 2: Làm sao để có được đức tính “vâng lời” nơi trẻ theo phương pháp Montessori?
Cho trẻ tự do lựa chọn và hướng dẫn trẻ một cách tự nhiên nhất, không áp đặt trẻ chính là chìa khóa giúp trẻ đạt được sự kỷ luật bền vững

Ba mẹ có thể đưa ra nhiều gợi ý khác nhau để trẻ lựa chọn. Ví dụ: Thay vì nói “Hôm nay con phải mặc áo phông màu vàng”, ba mẹ hãy hỏi trẻ “Hôm nay con muốn mặc bộ quần áo nào?” để trẻ được lựa chọn. Trong nhiều tình huống khác, ba mẹ nên sử dụng các câu hỏi đi kèm các gợi ý phong phú như “Con có thể chọn sữa hoặc nước kèm bữa trưa”, “Con muốn chơi cầu trượt hay xích đu?”, “Con muốn đội mũ lưỡi trai hay mũ rộng vành”,… 

2. Tránh đưa ra quyết định “tốt hơn” khi trẻ đã lựa chọn, tránh làm trẻ dao động

Việc tôn trọng các quyết định lựa chọn của trẻ là điều vô cùng quan trọng. Có thể người lớn nghĩ sữa hợp với bơ đậu phộng và sandwich thạch hơn nước, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết đối với trẻ khi trẻ đã có lựa chọn của riêng mình. Cho nên, đừng đem suy nghĩ của người lớn để áp đặt trẻ. Việc này sẽ phản tác dụng, khiến trẻ cảm thấy bị điều khiển, yếu thế và sẽ tức giận. Thay vì vâng lời, trẻ sẽ phản ứng tiêu cực, chống đối hoặc thu mình. 

3. Áp dụng hệ quả thay vì hình phạt

Có những khi, mọi chuyện xảy ra vốn là chuyện tất yếu. Trẻ không thể chọn xem liệu mình có muốn cất đồ chơi đi hay không. ĐỪNG nhảy vào một cuộc chiến của ý muốn, nơi hoặc bạn hoặc trẻ phải trở thành người thua cuộc. Thay vào đó, với thẩm quyền của mình, nhẹ nhàng cho trẻ biết rằng hình như trẻ không còn thích chơi đồ chơi nữa vì trẻ không muốn cầm đồ chơi lên. Như thế, trẻ sẽ đối mặt với sự lựa chọn, đồng nghĩa với việc trẻ nhận thấy vâng lời bạn là lựa chọn thông minh hơn. (Và cũng ghi nhớ rằng không tiếp tục bám theo hệ quả ấy nữa.)

Sẽ mất thời gian để tạo cho trẻ thói quen cũng như hình thành sự vâng lời trong hạnh phúc. Nhưng dần dần, ý muốn của trẻ sẽ được tôi rèn bắt đầu nghe lời bạn. 

Giáo dục từ tình yêu thương

Với phương châm “Tình yêu thương vô điều kiện đặt ra giới hạn cho các hành vi”, áp dụng phương pháp Montessori cũng là một cách thức để có được sự vâng lời nơi trẻ. Điều này cũng ứng với cấp độ thứ ba của sự vâng lời hoàn toàn trong hạnh phúc.

Ý muốn và hiểu biết của trẻ có động trực tiếp đến quyết định vâng lời của trẻ. Chúng sẽ chẳng thể vâng lời một người mình không hề yêu thương và cũng không hề yêu thương mình. 

Vậy nên, hãy yêu thương trẻ, hãy giáo dục trẻ từ chính tình yêu. Điều này không đồng nghĩa với việc chiều chuộng hay nghe theo bất kì đòi hỏi nào của trẻ, mà là trao cho trẻ những gì tốt nhất cho trẻ, kể cả khi người lớn chúng ta phải bỏ công sức, phải kiên nhẫn với những hành động sai lệch của trẻ. Nên nhớ rằng, tình yêu sẽ là tấm gương phản chiếu cách bạn yêu thương người khác. Và trẻ sẽ học cách yêu thương từ chính bạn. 

Tuy nhiên, chúng ta đừng quá áp lực về chuyện trẻ phải đạt đến sự vâng lời trong hạnh phúc mà hình thành tư tưởng ép buộc, ra lệnh cho trẻ. Đôi khi, niềm tin mạnh mẽ rằng con bạn có khả năng làm được những điều đáng kinh ngạc chính là “chiếc neo” tốt nhất, níu giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa ba mẹ – con cái cũng như giúp con phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và hình thành nhân cách tốt. 

Hy vọng bài viết này đã giúp ba mẹ có thêm kinh nghiệm giáo dục trẻ vâng lời ngay trong những năm tháng đầu đời. 

Huyền Như

Bài 1: Montessori và ba cấp độ của sự vâng lời

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email