Trung bình cứ 8h trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. 93% thủ phạm quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em là người quen của nạn nhân,… Những con số đáng lo ngại này chỉ là một phần trong số rất nhiều những thông tin mà các phụ huynh biết được nhờ Hội thảo “Bảo vệ con khỏi xâm hại. Ba mẹ cần làm gì?” được tổ chức tại trường Mầm non Ikids Montessori Thái Bình.

Hội thảo “Bảo vệ con khỏi xâm hại. Ba mẹ cần làm gì?” do Cộng đồng Nghề làm cha mẹ, trường Mầm non Sakura Montessori kết hợp với trường Mầm non Ikids Montessoti Thái Bình được tổ chức vào ngày 21/10, với mong muốn cung cấp những kiến thức, kỹ năng để phát hiện, phản ứng, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ quấy rối, bắt cóc và xâm hại tình dục. Đồng thời, hội thảo còn có ý nghĩa kết nối quý vị phụ huynh với cô giáo của nhà trường để cùng đồng hành và hỗ trợ các con trong quá trình trưởng thành.

Đừng nghĩ chỉ con gái mới bị xâm hại

Tại buổi Hội thảo, diễn giả của chương trình là ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo – Giảng viên Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em, Hội bảo vệ Quyền trẻ em đã đưa ra một bức tranh tổng thể về thực trạng quấy rối, bắt cóc và xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam hiện nay. Nhiều thông tin được đưa ra đã khiến các cha mẹ giật mình.

Ông cho biết, trung bình cứ 4 bé gái thì có một bé bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn nữa là không chỉ các bé gái mà thực trạng này cũng xảy ra với các bé trai với con số: trung bình cứ 6 bé trai thì có một bé bị xâm hại tình dục. Thực tế này đã đi ngược lại hoàn toàn những suy nghĩ trước đây rằng bé gái mới là đối tượng chính của các hành vi quấy rối, xâm hại. Ông quan ngại, việc phát hiện ra bé trai bị xâm hại càng khó khăn hơn.

Tại sao trẻ dễ bị dụ dỗ, xâm hại và các đối tượng này là ai?

Không chỉ đưa ra thực trạng, chuyên gia cũng dẫn dắt cha mẹ đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao trẻ ngày càng có nguy cơ bị xâm hại, quấy rối. Theo đó, có hơn 30.000 trẻ em tại 8 quận ở Hà Nội làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy 87% trẻ cho rằng đó là người xa lạ, chỉ 4% là người thân quen.

Tuy nhiên, theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen. Và 47% thủ phạm là họ hàng, người thân trong gia đình. Trẻ đặc biệt sẽ mất đi khả năng cảnh giác đối với những đối tượng này.

Một thực tế khác đáng lo ngại là nếu như trước kia đối tượng quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em tập trung ở tuổi thanh niên, giờ đây có cả trung niên, người cao tuổi. Điều này gây hậu quả nặng nề cả về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ. Thậm chí, nhiều bé gái có thể mất đi khả năng làm mẹ tự nhiên; trẻ không muốn tiếp xúc người khác giới, tự thu mình lại, lệch lạc giới tính.

Nhận biết những hành vi quấy rối, xâm hại trẻ

Tại buổi Hội thảo, ông Tùng đã đưa ra các cách nhận biết hành vi quấy rối, xâm hại trẻ em. Đó là: sờ mó bộ phận riêng tư, ép buộc trẻ sờ mó vào vùng nhạy cảm của họ. Hơn 50% bé gái bị dụ dỗ thông qua các trò chơi được yêu thích là làm bác sĩ. Trò chơi này dẫn đến cả hai phía tiếp xúc, động chạm vào cơ thể, trong khi trẻ không biết đây là hành vi sai trái. Các đối tượng xấu cũng có thể xâm hại trẻ bằng lời nói hay cho trẻ xem các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, quan hệ tình dục của trẻ.

Những ví dụ và tình huống cụ thể mà diễn giả Nguyễn Huy Tùng đưa ra đã giúp cha mẹ hiểu được những hiểm họa, những nguy cơ xảy ra với con em mình nếu các con không được trang bị kiến thức đầy đủ.  

Tại buổi Hội thảo, các phụ huynh và các bạn nhỏ còn được thực hành các kỹ năng phòng vệ cơ bản dành cho trẻ như kỹ năng phản xạ khi gặp tình huống nguy hiểm, kỹ năng mở khóa tay, kỹ năng giải thoát khi bị túm tóc,…

Nguyên tắc vàng chống xâm hại trẻ

Chuyên gia Nguyễn Huy Tùng đã đưa ra những nguyên tắc đơn giản nhưng vô cùng hữu ích cho cha mẹ như: Không thay quần áo trước mặt con; dạy cho con biết đi đâu phải xin phép; con không được nhận quà của người lạ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; dạy con nhớ ít nhất ba số điện thoại của người thân; tạo mật khẩu riêng an toàn của gia đình; liên hệ với Tổng đài quốc gia 111 khi cần hỗ trợ.

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, quan trọng là tránh để xảy ra những tình huống xấu như vậy bằng cách dạy con những kiến thức sinh lý và các kỹ năng nhận biết, đề phòng hành vi bắt cóc, quấy rối, xâm hại.

Ba mẹ nên căn cứ theo độ tuổi của trẻ để trang bị cho trẻ những kiến thức về quấy rối, xâm hại và bắt cóc một cách đầy đủ ngay từ nhỏ. 5 tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để nói với con về vấn đề này. Ba mẹ nên để con tiếp cận từ từ, tránh trường hợp dạy con dồn dập, làm trẻ cảm thấy “bị ngợp”, hoang mang và lo sợ, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các con. Mặt khác, ba mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng khi con ở độ tuổi dậy thì và tìm hiểu những cách đối phó với những sự thay đổi đột ngột, bất thường của trẻ trong giai đoạn này.

Anh Tô Mạnh Hùng, phụ huynh học sinh chia sẻ: “Mình thấy buổi hội thảo rất tuyệt vời, có những kiến thức cơ bản, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng rất cần thiết về việc phòng chống xâm hại. Khi về nhà thì mình sẽ trao đổi lại với bé bằng các hình thức như kể chuyện, dùng hình ảnh để cho cháu biết được những kỹ năng phòng vệ cơ bản nhất.”

Tại buổi hội thảo, chuyên gia Nguyễn Huy Tùng cũng nhấn mạnh: “Đây là những nguyên tắc cực kì quan trọng đối với trẻ. Nhiều phụ huynh còn coi đây là những vấn đề khó nói, nhạy cảm nhưng thực tế nó hoàn toàn bình thường. Nó chỉ là những câu chuyện giữa bố mẹ nói với con. Hãy coi con mình như một người bạn.”

Trong thời gian tới, Cộng đồng Nghề làm cha mẹ và trường Mầm non Ikids Montessori Thái Bình sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hội thảo cộng đồng, workshop để vừa có thể cung cấp kiến thức vừa đồng hành cùng cha mẹ trong hành trình nuôi dạy và bảo vệ con cái.

Trường Mầm non Ikids Montessori Thái Bình là một trong 9 cơ của Hệ thống trường Mầm non Sakura Montessori.

Địa chỉ: Khu đô thị Hateco, tổ 37, P. Trần Lãm, TP. Thái Bình

Fanpage: https://www.facebook.com/ikidsMontessori.ThaiBinh/

Website: http://ikids.sakuramontessori.com.vn/

Hotline:  0869 229 333

 

0/5 (0 Reviews)