“Tự do” là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của phương pháp Montessori. Nhưng tự do mà Montessori hướng đến không phải là nuông chiều trẻ hay để trẻ làm bất cứ điều gì trẻ muốn. Trong lớp học Montessori, trẻ em không được phép tự do làm bất cứ điều gì trẻ muốn làm mà luôn có những giới hạn nhất định đi cùng với sự tự do ấy . Đó chính là sự “tự do trong giới hạn.

chương trình giáo dục mầm non

1. Tự do trong giới hạn là gì? 

Trong cuốn sách Giáo dục cho một thế hệ mới, Maria Montessori viết: “Thiên nhiên ban tặng sự sống bằng cách cho tự do và độc lập nhưng cùng với đó là các quy luật phù hợp về thời gian sống và nhu cầu đặc biệt của nó. Thiên nhiên biến tự do trở thành quy luật của cuộc sống – sự lựa chọn duy nhất để được tự do hoặc chết.”. Theo đó, các sinh vật sống cũng được tự do sinh trưởng và phát triển nhưng cũng nằm trong quy luật về đáp ứng các nhu cầu sống và có thời gian tồn tại xác định. 

Tự do trong giới hạn theo phương pháp Montessori là một khái niệm trao quyền. Nó bao hàm khái niệm về đứa trẻ như một nhà thám hiểm có khả năng tự học và tự làm. Trẻ được phép làm những điều trẻ thích nhưng trong một phạm vi nhất định. Montessori khuyến khích sự tự do trong giới hạn thông qua việc thiết kế môi trường lớp học cho trẻ 0~6 tuổi chi tiết như sau. 

2. Môi trường được chuẩn bị 

2.1 Không gian lớp học Montessori:

  • Luôn thoáng đãng, đủ rộng, để trẻ có thể thoải mái, tự do di chuyển mà không bị cản trở hay bó buộc trong phạm vị chật hẹp. 
  • Tràn ngập ánh sáng, thân thiện và hòa nhập với thiên nhiên; giúp trẻ được hòa mình trong sự trong lành và thuần khiết đến từ tự nhiên. Đó chính là chất xúc tác mang lại cảm hứng để trẻ có được sự bình yên, tự do trong tâm hồn.

2.2. Giáo cụ Montessori: 

  •  Được thiết kế với kích cỡ phù hợp với trẻ và đặt trên những chiếc giá vừa tầm với của trẻ. Nhờ đó, trẻ dễ dàng tự lựa chọn để thực hiện, không cần đến sự trợ giúp của Giáo viên. 
  • Phong phú và đa dạng, đẹp đẽ và mời gọi, được lau dọn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng và khoa học theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp trên giá thu hút trẻ chủ động lựa chọn thực hiện, mong muốn được khám phá

co so vat chat

Môi trường lớp học với không gian và giáo cụ tràn đầy sự tươi mới, đẹp đến hoàn hảo như thế giúp khuyến khích, mời gọi trẻ tự do di chuyển và tự chọn công việc của mình để khám phá. Nhưng sự tự do này sẽ đi cùng với trách nhiệm, ấy chính là giới hạn được đặt ra. Những giới này được thể hiện qua những nguyên tắc cụ thể trong lớp học Montessori.

2.3. Các giới hạn trong lớp học Montessori

Trong cuốn Trí tuệ thẩm thấu Maria viết: “Cho phép trẻ được làm theo ý thích khi trẻ chưa phát triển bất kỳ khả năng tự kiểm soát nào là đi ngược lại ý tưởng về tự do”. Quan điểm trên chỉ ra rằng trẻ chỉ trao sự tự do cho trẻ khi trẻ đã hình thành tính kỷ luật, tự kiểm soát bản thân.

Các giới hạn của lớp học Montessori luôn được bắt nguồn từ sự tôn trọng; bao gồm ba nguyên tắc cơ bản sau:

  • Tôn trọng bản thân: Nguyên tắc này hướng đến việc dạy trẻ cách làm việc hiệu quả và an toàn trong lớp học Montessori. Trẻ được tự do lựa chọn các hoạt động mình yêu thích nhưng đó phải là những bài học đã hướng dẫn hoặc trẻ đã được biết về cách thực hiện đúng mục đích và tôn trọng giáo cụ để tránh việc trẻ sử dụng giáo cụ như đồ chơi hoặc tự gây mất an toàn cho bản thân
  • Tôn trọng người khác: Trẻ có thể lựa chọn thực hiện một hoạt động cá nhân độc lập hoặc kết hợp với một số trẻ khác theo nhóm nhỏ. Tuy nhiên, trẻ không gây ồn ào, can thiệp làm phiền trẻ khác hoặc có sự đồng thuận của các trẻ để tham gia. Tất cả các trẻ phải thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người trong lớp học của mình qua hành vi và thái độ tốt.
  • Tôn trọng môi trường: Đó là sự quan tâm chăm sóc môi trường lớp học của trẻ. Điều này thể hiện qua việc trẻ biết sử dụng một cách hợp lý các giáo cụ, biết giữ gìn cẩn thận và chăm sóc các sinh vật sống và không sống trong môi trường lớp học.

2.3. Các khía cạnh về sự tự do trong lớp học Montessori

  • Tự do di chuyển: Trong lớp học Montessori, trẻ có thể tự do di chuyển trong phạm vi không gian hoạt động của lớp từ góc này sang góc khác, từ hoạt động này đến hoạt động tiếp theo để lựa chọn hoạt động theo sở thích hoặc quan sát công việc của trẻ khác, ngắm nhìn các giáo cụ…. Sự tự do này mang đến khả năng lựa chọn có mục đích và phù hợp với nhu cầu của trẻ. Từ đó phát huy sự chủ động, tự lập của trẻ.
  • Tự do lựa chọn: Quyền tự do lựa chọn là nguyên tắc cơ bản, nền tảng của phương pháp. Montessori. Trẻ được tự do lựa chọn việc thực hiện công việc hay sự nghỉ ngơi mà trẻ muốn. Khi tự lựa chọn công viêc của mình thay vì làm những gì trẻ được yêu cầu sẽ thôi thúc được hứng thú, sự quan tâm thực sự của trẻ. Bởi lẽ, không ai khác mà chính“người thầy bên trong” đã mách bảo trẻ những gì là thích hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ trong từng giai đoạn. Nhờ đó, trẻ sẽ bình tĩnh, vui vẻ và hăng say trong công việc, giúp khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nơi trẻ.
    • Tự do về thời gian: Trẻ được tự quyết định về viêc thực hiện một công việc hoặc nghỉ ngơi trong thời gian bao lâu tùy thích. Sự tự do này, khuyến khích trẻ học theo tốc độ của riêng mình và thỏa mãn được từng thời kỳ nhạy cảm.
    • Tự do lặp lại: Lớp học Montessori có chu trình làm việc tối đa đến 3 giờ. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho trẻ thực hiện các công việc với các giáo cụ trong khoảng thời gian dài. Và điều đặc biệt là, trẻ có thể chọn thực hiện nhiều giáo cụ nối tiếp nhau hoặc có thể sử dụng lặp lại một giáo cụ trong suốt buổi học nếu trẻ muốn. Thông qua sự lặp lại này, trẻ học cách tự rút kinh nghiệm và giải quyết vấn đề.
    • Tự do thử – sai: Một đặc điểm nổi bật của giáo cụ Montessori đó là khả năng kiểm soát lỗi trực quan. Thiết kế đặc biệt này khuyến khích trẻ tự do khám phá giáo cụ để tìm ra kết quả của hoạt động. Như vậy, thông qua thử nghiệm trẻ tích lũy thêm kinh nghiệm học tập, thực hành.

 

hoc sinh smis

  • Tự do trong giới hạn giúp ích cho trẻ như thế nào?

Maria Montessori đã chỉ ra rằng “Không có tự do thì nhân cách không thể phát triển đầy đủ. Tự do là chìa khóa của toàn bộ quá trình cũng là bước đầu tiên cho đến khi một cá nhân có khả năng hành động mà không cần sự trợ giúp của người khác và nhận thức được bản thân là một thực thể tự chủ.” – Giáo dục và Hòa bình – 

Tự do trong giới hạn khuyến khích trẻ trở thành những thành viên biết tôn trọng trong xã hội thu nhỏ là lớp học Montessori. Người lớn trao cơ hội để trẻ ứng phó với các tình huống với các quyền tự do tương ứng được đưa ra, Điều này sẽ giúp trẻ học cách đưa ra các quyết định độc lập, từ đó phản ánh kiến thức và năng lực của mỗi trẻ. Sự tự kỷ luật sẽ được phát triển thông qua kinh nghiệm độc lập của trẻ về thành công hay hậu quả của những quyết định này.

 

Trần Thị Dung- Chuyên gia giáo dục Montessori có Chứng nhận giáo viên Montessori quốc tế bởi hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA) 

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm