Trong quá trình phát triển, trẻ trải qua nhiều giai đoạn nhạy cảm, trong đó có thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự. Đây là một giai đoạn quan trọng, giúp trẻ hình thành nhận thức về thế giới xung quanh, phát triển tư duy logic và xây dựng nền tảng cho tính kỷ luật sau này. Tuy nhiên, nếu cha mẹ và giáo viên không hiểu rõ về thời kỳ này, có thể dẫn đến những căng thẳng không đáng có trong quá trình nuôi dạy trẻ.
Thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự là gì?
Theo quan sát và nghiên cứu của Tiến sĩ Maria Montessori, trẻ từ 0 – 6 tuổi, đặc biệt là trong giai đoạn 2 – 4 tuổi, có nhu cầu rất cao và nhạy bén với sự trật tự và ổn định. ở thời kỳ này, trẻ dễ để tâm và bị ảnh hưởng bởi những thay đổi, học cách hiểu thế giới thông qua trật tự, cấu trúc và quy luật. Nếu mọi thứ diễn ra theo trình tự quen thuộc, trẻ cảm thấy an toàn và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Ngược lại, khi trật tự bị xáo trộn, trẻ có thể tỏ ra lo lắng, khó chịu hoặc thậm chí phản ứng mạnh mẽ. Đây chính là thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự ở trẻ.
Nhạy cảm với tính trật tự có những loại nào?
Nhạy cảm với tính trật tự ở trẻ có thể chia thành hai loại: Trật tự bên trong và trật tự bên ngoài.
- Nhạy cảm với trật tự bên ngoài – liên quan đến môi trường xung quanh. Ở loại trật tự này, trẻ đặc biệt nhạy cảm với sự sắp xếp, quy luật và thói quen trong môi trường xung quanh, bao gồm:
- Vị trí các đồ vật: Trẻ ghi nhớ chính xác vị trí của đồ chơi, bàn ghế, vật dụng cá nhân và phản ứng mạnh nếu chúng bị thay đổi.
- Lịch trình sinh hoạt hàng ngày: Trẻ thích làm mọi thứ theo một trình tự quen thuộc, từ giờ ăn, giờ ngủ đến cách bố mẹ thực hiện một công việc.
- Sự sắp xếp không gian xung quanh: Trẻ thích không gian xung quanh mình được bỗ trí rõ ràng, ngăn nắp, theo trật tự và ổn định giúp trẻ dễ dàng di chuyển và tìm kiếm đồ vật nên cảm thấy an toàn hơn.
- Quy tắc và giới hạn: Trẻ mong đợi các quy tắc được duy trì nhất quán. Nếu cha mẹ thay đổi cách xử lý một tình huống, trẻ có thể cảm thấy khó hiểu hoặc mất phương hướng. Ví dụ: Trẻ có thể phản ứng gay gắt khi mẹ đi đôi dép của bà hoặc chiếc ghế yêu thích bị di chuyển sang vị trí khác mọi ngày
- Nhạy cảm với tính trật tự bên trong – liên quan đến cảm xúc, tư duy và thói quen của trẻ. Bên cạnh sự trật tự trong môi trường, trẻ cũng có nhu cầu về sự ổn định bên trong, bao gồm:
- Tư duy logic: Trẻ bắt đầu hình thành mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả và mong muốn mọi thứ diễn ra theo quy luật mà trẻ đã hiểu.
- Kiểm soát cảm xúc: Khi môi trường xung quanh ổn định, trẻ dễ dàng kiểm soát cảm xúc hơn. Nếu trật tự bị phá vỡ, trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc mất kiểm soát.
- Thói quen tự lập: Trẻ thích làm theo một trình tự quen thuộc khi ăn, mặc quần áo, chơi hoặc học.
- Sự công bằng và dự đoán được: Trẻ mong muốn mọi thứ diễn ra “công bằng” theo cách trẻ hiểu. Nếu một người lớn xử lý hai tình huống giống nhau theo cách khác nhau, trẻ có thể phản ứng mạnh. Ví dụ: Trẻ có thể khó chịu và khóc lóc mẹ phá vỡ một thói quen quen thuộc như hôm nay không đọc truyện trước khi đi ngủ cho bé nghe như mọi ngày.
Biểu hiện của trẻ khi đang ở thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự
Một em bé đang ở trong thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự luôn mong muốn mạnh mẽ về sự nhất quán và lặp lại. Thời kỳ nhạy cảm này ở trẻ thường không dễ để nhận ra song vẫn có những hành vi đặc trưng như sau:
- Mong muốn sự nhất quán: Trẻ khó chịu khi có sự thay đổi trong môi trường quen thuộc, ví dụ như khi vị trí của đồ vật bị xáo trộn; lịch trình quen thuộc bị thay đổi như đi tất xong rồi đến mặc quần áo hoặc thích đi đúng con đường hàng ngày đến trường và nhìn thấy những cảnh vật quen thuộc trên đường đi
- Quan tâm tới sự ngăn nắp: Trẻ thích sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp như xếp đồ chơi thành một hàng thẳng …và có xu hướng tự giác dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi.
- Yêu thích sự lặp lại: Trẻ thích các hoạt động lặp đi lặp lại ví dụ như được mẹ kể cho một câu chuyện, đọc một cuốn sách nhiều lần, chơi một trò chơi quen thuộc hoặc nghe hát ru một bài hát hàng ngày để đi ngủ.
- Chú ý đến những chi tiết nhỏ: Trẻ nhận ra ngay khi có sự thay đổi nhỏ, ví dụ như mẹ đổi kiểu tóc hay một đồ vật nào đó không được đặt đúng chỗ cũ hay bị lấy đi
- Phản ứng mạnh mẽ: Trẻ có thể phản ứng mạnh mẽ như cáu kỉnh, khóc lóc khi trật tự hay thói quen bị phá vỡ. Ví dụ: Bé vẫn ngồi trên cùng một chiếc ghế hàng ngày trong bữa tối nhưng đột nhiên hôm nay, chiếc ghế đó không còn nữa, lúc đó, bé sẽ rất giận giữ.
Thời kỳ nhạy cảm với tính trật tự là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển của trẻ. Việc cha mẹ và giáo viên nắm bắt được thời kỳ nhạy cảm này ở trẻ sẽ giúp chúng ta có những cách giao tiếp phù hợp, tạo môi trường vui chơi và học tập hiệu quả để hỗ trợ sự phát triển toàn diện ở trẻ.