Những ngày cận kề với ngày hiến chương Việt Nam, tôi được gặp gỡ và trò chuyện với cô giáo Nguyễn Minh Hạnh – giáo viên lớp Pumpkin, SMIS Hải Phòng. Những chia sẻ, tâm sự của Minh Hạnh đã giúp tôi cũng như bao người hiểu hơn về nghề giáo viên mầm non – công việc ai cũng tưởng dễ dàng và nhàn hạ.
PV: Tại sao trong muôn ngàn công việc chị lại chọn trở thành người “chèo đò”?
Cô giáo Minh Hạnh: Hồi bé mình có rất nhiều ước mơ như: làm bác sĩ, hướng dẫn viên du lịch…trong đó có giáo viên. Cho đến khi có em bé mình quyết định sẽ trở thành người “chèo đò” với mong muốn được giúp đỡ trẻ phát triển một cách tốt nhất, trong đó có cả các con của mình. Có thể nói, với mình tình yêu với nghề giáo đã được nảy nở từ tình mẹ.
PV: Đến với SMIS Hải Phòng, chị đã gặp những khó khăn gì ạ?
Cô giáo Minh Hạnh: SMIS Hải Phòng là một trong những ngôi trường tiên phong trong giáo dục mầm non với phương pháp Montessori. Chính vì vậy, đây hoàn toàn là môi trường mới với mình. Mọi thứ ở đây đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuẩn hóa, đúng quy trình nên bản thân mình cũng gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian đầu thích nghi.
Mỗi ngày mình đều cố gắng tự trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng chăm sóc trẻ. Với mình, thái độ với công việc là điều hết sức quan trọng bởi nó không chỉ giúp bản thân tốt hơn mà cũng mang đến cơ hội gắn bó lâu dài.
PV: Trong suốt quãng thời gian gắn bó tại SMIS HP chắc hẳn sẽ đong đầy kỉ niệm, nhưng với chị kỉ niệm nào là đáng nhớ nhất cho đến tận bây giờ?
Cô giáo Minh Hạnh: Trong thời gian gắn bó tại SMIS Hải Phòng đã để lại nhiều kỷ niệm vui có mà buồn cũng có nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là kỷ niệm về những ngày tốt nghiệp của các bạn nhỏ. Đồng hành với các bạn ấy từ những ngày đầu tiên, chứng kiến sự trưởng thành của các bạn rồi đến ngày phải chia xa không lần nào mình không khóc. Mình coi các bạn ấy như con nên mỗi lần nhìn thấy những cánh tay vẫy chào tạm biệt để lên cấp của các bạn ấy mình như người mẹ phải tiễn con gái về nhà chồng vậy. Đó là sự lưu luyến không nỡ rời, là sự tự hào vì nay con đã lớn, là nỗi lo lắng cho những bước chân tiếp theo của các bạn ấy.
PV: Để tiếp tục với sự nghiệp trồng người chị đã vạch ra những định hướng gì cho bản thân trong những chặng đường tiếp theo?
Cô giáo Minh Hạnh: Một nhà giáo tốt cần có những yếu tố: chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và có tâm với trẻ với nghề. Đặc biệt, mỗi yếu tố cần được bồi đắp để nuôi dưỡng và phát triển hơn. Trong thời gian tới, mình sẽ tích cực tham gia các khóa đào tạo chuyên môn và học hỏi qua sách vở để nâng cao trình độ chuyên môn hơn. Trong đó, mình sẽ chuyên sâu tìm hiểu về các vấn đề tâm lý của trẻ ở lứa tuổi mầm non để có thể hiểu và đồng hành cùng các bạn nhỏ.
PV: Phương châm/quan điểm riêng của chị về vai trò của giáo viên/người làm giáo dục là gì ạ?
Cô giáo Minh Hạnh: Với cá nhân mình, người làm giáo viên phải luôn lấy người học (trẻ) làm trung tâm, giáo viên nên đóng vai trò là người hướng dẫn, giúp đỡ trẻ để khơi dậy, bồi dưỡng những tiềm năng của trẻ.
Cảm ơn cô giáo Minh Hạnh đã dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ về câu chuyện nghề. Chúc cô sẽ luôn giữ mãi ngọn lửa yêu nghề và gặt hái nhiều thành công trong quá trình công tác.