Phương pháp giáo dục Montessori được xây dựng dựa trên quá trình quan sát khoa học của tiến sỹ Maria Montessori về sự phát triển của con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành. Đây là một phương pháp tiếp cận được công nhận rộng rãi đối với giáo dục cho trẻ nhỏ.
Khi tìm hiểu về phương pháp giáo dục Montessori, ba mẹ có thể dễ dàng đọc được những bài viết về khả năng tự lập của trẻ trong phương pháp giáo dục Montessori. Thậm chí có những nhận định cho rằng “Học Montessori chỉ giúp trẻ tự lập và phù hợp với lứa tuổi nhỏ từ 0-3 tuổi”. Điều này khẳng định tự lập là một ưu thế mà phương pháp giáo dục Montessori mang lại. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục Montessori được rất nhiều bậc cha mẹ lựa chọn cho giai đoạn vàng phát triển của trẻ không chỉ bởi tính tự lập mà còn bởi rất nhiều ưu điểm vượt trội khác. Mời ba mẹ cùng tìm hiểu dưới đây để biết thêm về một số lợi ích khác của phương pháp này nhé!
Phương pháp giáo dục Montessori giúp trẻ khám phá thế giới theo tốc độ riêng của mình
Đây cũng là nội dung mang lại tính nhân văn đặc biệt cho phương pháp giáo dục Montessori. Chúng ta đều biết rằng mỗi trẻ là một cá thể độc nhất và duy nhất. Mỗi trẻ có khả năng và sở thích khác nhau. Có những trẻ thích các con số nhưng có những trẻ chỉ hào hứng với các hoạt động có màu sắc. Chúng ta không thể bắt những trẻ thích toán đi học nghệ thuật hay những trẻ thích màu sắc đi làm toán. Trong môi trường Montessori, trẻ được tự do di chuyển và tự do lựa chọn các hoạt động học tập theo nhu cầu và sở thích của bản thân. Sự tự do đó giúp trẻ học hỏi và phát triển theo đúng tốc độ của mình để trở thành những cá thể độc lập, tự tin trong tập thể
Phương pháp giáo dục Montessori giúp trẻ phát triển toàn diện các giác quan
Maria Montessori đã từng nói: “Giáo dục là một quá trình tự nhiên được thực hiện bởi trẻ nhỏ và không đạt được nhờ lắng nghe mà nhờ trải nghiệm trong môi trường”. Trong lớp học Montessori, trẻ tự khám phá, học hỏi thông qua hệ thống giáo cụ trực quan luôn được giáo viên chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi giờ học. Khi thao tác với giáo cụ, trẻ không chỉ được quan sát mà còn được sờ chạm, nghe, nếm, ngửi để tự lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng, kinh nghiệm cho bản thân. Chính quá trình này đã giúp các giác quan của trẻ được rèn luyện mỗi ngày. Sự phát triển của các giác quan tác động tích cực đến nhận thức, tăng khả năng học hỏi và ghi nhớ, hình thành sự thích thú khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh, tạo nền tảng vững chắc cho cho quá trình lĩnh hội kiến thức sau này.
Phương pháp giáo dục Montessori nuôi dưỡng sự ngăn nắp, tập trung và tính kỷ luật của trẻ
Các lớp học Montessori đều rất ngăn nắp và gọn gàng. Không gian Montessori là nơi trẻ có thể tiếp cận nhiều hoạt động khác nhau. Trẻ có thể di chuyển đến bất cứ vị trí nào trong lớp học để lấy giáo cụ theo sở thích và nhu cầu của mình. Khi thực hiện xong các hoạt động, trẻ luôn thu dọn giáo cụ và đặt chúng về vị trí ban đầu. Đó là cơ sở đầu tiên hình thành tính ngăn nắp ở trẻ.
Ý thức về sự tập trung, kỷ luật cũng được hình thành bên cạnh các kỹ năng vượt trội mà trẻ nhận được thông qua các bài học do phương pháp giáo dục Montessori cung cấp. Một giờ học Montessori kéo dài từ 2,5 đến 3 giờ. Đây là khoảng thời gian lý tưởng đảm bảo một chu trình học tập của trẻ. Trẻ trải qua các giai đoạn làm việc chậm rãi, mệt vờ và đạt được sự tập trung cao độ vào những phút cuối buổi học. Thêm vào đó, trẻ hoàn toàn không bị ngắt quãng khi đang làm việc cũng là một yếu tố giúp trẻ rèn luyện sự tập trung. Khi buộc phải gián đoạn công việc, trẻ cần được bảo toàn về thời gian để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra một cách hiệu quả nhất. Điều này không chỉ giúp trẻ kiểm soát được thời gian của mình mà còn đem lại sự kỷ luật trong lớp học. Ngược lại, trẻ cũng không làm gián đoạn công việc của trẻ khác nhờ các nguyên tắc đã được thiết lập
Phương pháp giáo dục Montessori giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội
Phương pháp giáo dục Montessori nổi bật là một phương pháp giáo dục không chỉ thúc đẩy sự phát triển về mặt học thuật của trẻ mà còn giúp trẻ cải thiện các kỹ năng xã hội. Thông qua phương pháp tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng và hợp tác, phương pháp giáo dục Montessori mang đến cho trẻ cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội cơ bản phục vụ cho trẻ trong suốt cuộc đời.
Trẻ em học cách hợp tác, chia sẻ ý tưởng và giải quyết xung đột một cách hòa bình, củng cố kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, thúc đẩy sự đồng cảm và hiểu biết về người khác. Thông qua các hoạt động thực tế, chẳng hạn như chăm sóc môi trường và giúp đỡ lẫn nhau; phát triển các kỹ năng cảm xúc như đồng cảm, khoan dung….. Phương pháp Montessori cũng giúp trẻ học cách trân trọng những điểm mạnh và khả năng riêng biệt của mỗi người, từ đó nuôi dưỡng sự chấp nhận và tôn trọng người khác. Đó là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái hơn.
Như vậy, Montessori là một phương pháp giáo dục độc đáo và hiệu quả. Nó không chỉ giúp trẻ rèn tính tự lập mà còn mang lại nhiều lợi ích và cung cấp cho trẻ những công cụ cần thiết để thành công hơn trong học tập và trong cuộc sống.