Tiến sĩ Maria Montessori – người sáng lập phương pháp giáo dục Montessori đã dành nhiều tâm huyết, thời gian cho việc quan sát lớp học Montessori và bà rất tâm đắc với lớp học trộn lẫn độ tuổi. Bà nhận thấy sự tương tác giữa trẻ em ở các độ tuổi khác nhau mang lại nhiều lợi ích tích cực cho lớp học, như bà đã từng nói: “Điều quan trọng nhất là các nhóm phải bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau vì điều này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa của trẻ. Bạn không thể tưởng tượng một đứa trẻ nhỏ hơn học từ những đứa trẻ lớn hơn tốt như thế nào…” Montessori không chỉ là phương pháp học, Montessori còn là lối sống, là phong cách sống. Xuất phát từ triết lý giáo dục Montessori, môi trường trộn lẫn độ tuổi tạo ra bầu không khí nơi trẻ phát triển mạnh mẽ về mặt xã hội, cảm xúc và hơn thế nữa. Cụ thể, lớp học trộn độ tuổi sẽ mang lại cho trẻ những lợi ích như sau:
Phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ
Lớp học trộn lẫn độ tuổi theo phương pháp giáo dục Montessori tạo ra môi trường xã hội thu nhỏ. Lớp học được ví như môi trường gia đình – nơi diễn ra các hoạt động giống như cuộc sống hàng ngày của trẻ, nơi trẻ có cơ hội học tập và phát triển một cách tự nhiên. Những trẻ lớn hơn thường phát triển vai trò dẫn dắt, hướng dẫn các em học sinh nhỏ tuổi hơn.Ví dụ, trẻ 3 tuổi mới đi học thường rất bỡ ngỡ, lo lắng với môi trường lớp học mới nhưng trẻ sẽ hòa nhập rất nhanh khi được các anh chị trong lớp hỗ trợ. Nếu quan sát một lớp học Montessori tại Sakura, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy một em bé 3 tuổi mới đi học được anh chị lớn trong lớp dẫn đi quan sát, giới thiệu các khu vực trong lớp, hướng dẫn em nhỏ bài học ghép hình, cùng em làm hoạt động với đất nặn, cùng chơi các trò chơi với em học sinh đó. Trẻ mới đi học sẽ cảm thấy gần gũi và nhanh chóng quen với các hoạt động của lớp, đồng thời đạt được các kỹ năng sớm hơn. Ngoài ra, việc tương tác, hỗ trợ lẫn nhau cũng giúp trẻ xây dựng các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự tự tin, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và qua đó tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các trẻ. Môi trường lớp học trộn lẫn độ tuổi cũng giúp trẻ có sự chuẩn bị tốt hơn cho “thế giới thực” – nơi trẻ sẽ tương tác với những người khác ở nhiều độ tuổi, kinh nghiệm và khả năng khác nhau.
Phát triển tối đa khả năng của trẻ
Một trong những đặc trưng khác của lớp học Montessori là giáo cụ được thiết kế chuyên biệt và trong lớp học sẽ có đầy đủ các bài học cho trẻ từ 3-6 tuổi ở tất cả các lĩnh vực. Các bài học được tăng tiến theo cấp độ. Thực tế, khả năng của mỗi trẻ là khác nhau và còn phụ thuộc vào sở thích, giai đoạn phát triển của từng trẻ. Nếu như ở các lớp học cùng độ tuổi, trẻ chỉ có thể thực hiện các hoạt động đúng với lứa tuổi của mình thì trong lớp học trộn độ tuổi, trẻ được phát triển tối đa khả năng: Cụ thể, với nhóm trẻ bé, ngoài những bài học trẻ thực hiện, trẻ có cơ hội được quan sát các bài học trẻ lớn làm, được các anh chị hướng dẫn bài học, được trải nghiệm các hoạt động cùng các anh chị lớn hơn. Từ đó, kỹ năng của trẻ cũng tăng tiến lên. Với nhóm trẻ lớn thì sao? Sẽ có những bố mẹ có con 5 – 6 tuổi sẽ lo lắng và đặt câu hỏi: Nếu con mình cứ học cùng các học sinh nhỏ tuổi hơn thì con có bị thụt lùi về kiến thức, kỹ năng?,…Tại các lớp học Montessori ở Sakura, các giáo viên luôn theo sát từng trẻ để lên kế hoạch mục tiêu đảm bảo trẻ phát triển tối đa khả năng cũng như thời kỳ phát triển của mình, các giáo cụ trong lớp cũng được cung cấp đầy đủ cho trẻ từ các bài học đơn giản đến phức tạp cho tất cả các độ tuổi nên ba mẹ sẽ không phải lo lắng khi trẻ lớn học chung với trẻ bé hơn. Bên cạnh đó, cũng giống như người lớn, trẻ thường học tốt hơn khi hướng dẫn người khác do trẻ vừa được ôn lại kiến thức và vừa phát triển các kỹ năng khác (sự tự tin, khả năng dẫn dắt, giải thích, trình bày vấn đề,…).
Cung cấp cho trẻ sự ổn định, cảm giác an toàn và yên bình
Thông thường, với lớp học trộn lẫn độ tuổi, trẻ sẽ có thời gian gắn bó cùng giáo viên và các trẻ khác trong chu kỳ 3 năm. Điều này cũng giúp giáo viên có thời gian làm việc đủ dài để quan sát và hiểu rõ hơn nhu cầu, sở thích, khả năng của mỗi cá nhân trẻ, từ đó sẽ có những cách thức giúp trẻ phát triển tốt nhất khả năng của mình. Cùng học tập và phát triển trong môi trường lớp học trộn lẫn, trẻ sẽ có cảm giác an toàn, trẻ hình thành các mối quan hệ vững chắc và ý thức cộng đồng với giáo viên và bạn bè trong lớp.
Như vậy, thông qua môi trường lớp học trộn lẫn độ tuổi theo phương pháp giáo dục Montessori, trẻ có cơ hội phát triển tối đa năng lực về học thuật và các kỹ năng xã hội, tình cảm, cảm xúc. Đây cũng là tiền đề, nền tảng để trẻ phát triển, bứt phá hơn nữa với các cấp học tiếp theo và trong suốt chặng đường tương lai của trẻ.