Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non thì những trò chơi dân gian không những giúp cho trẻ rèn luyện thể chất mà còn giúp cho trẻ phát huy được khả năng phản xạ, phán đoán và tư duy logic. Vậy hãy tham khảo ngay một số trò chơi dân gian cho trẻ mầm non qua bài viết dưới đây nhé!
Lợi ích của trò chơi dân gian cho trẻ mầm non bạn cần biết
Như nhiều người đã biết trò chơi dân gian cho trẻ mầm non không chỉ giúp nâng cánh cho tâm hồn trẻ mà còn giúp trẻ phát huy được tư duy sáng tạo, hiểu được tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Đặc biệt, đối với những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non 3-4 tuổi có âm điệu vui tươi, sống động, gần gũi mang đến cho các bé sự hào hứng học tập và sống hồn nhiên hơn. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian thường được diễn ra ngoài trời sẽ đưa trẻ gần hơn với thiên nhiên, có nhiều cơ hội tìm hiểu và quan sát môi trường tự nhiên hơn.
Trò chơi dân gian sáng tạo cho trẻ mầm non không những giúp trẻ phát triển kỹ năng mà còn phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc tích lũy kiến thức, phát triển tư duy và là phương tiện giúp cho đời sống tinh thần của trẻ trở nên phong phú hơn. Từ đó giúp cho nhu cầu giao tiếp của trẻ với những người xung quanh được nâng cao hơn. Một trò chơi dân gian cho trẻ mầm non sẽ giúp cho trẻ rèn luyện được sự khéo léo, trở nên mạnh mẽ, hoạt bát và hòa đồng hơn, thân thiện hơn.
❓ Liệu có bao giờ người lớn vô tình lãng quên những đôi mắt nhỏ đang dõi theo mình? Liệu chúng ta có đang chỉ dẫn trẻ sai cách?
Luôn nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu của chính chúng ta…
Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non được yêu thích nhất
Chi chi chành chành
Chi chi chành chành là trò chơi sẽ giúp trẻ rèn luyện được tính phản xạ nhanh và khả năng quan sát của mình. Đối với trò chơi này bạn cần hiểu về cách chơi và luật chơi. Trò chơi yêu cầu có từ 3 người trở lên. Hãy chọn 1 người đứng ra trước xòe bàn tay của mình ra, những người chơi còn lại sẽ giơ ngón trỏ đặt vào lòng bàn tay của người xòe. Người xòe tay phải đọc thật nhanh:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập
Đọc đến chữ ‘ập’ thì người xòe tay nắm lại, những người khác phải cố gắng rút tay ra. Ai không rút tay nhanh mà bị nắm trùng thì sẽ thua và phải thay thế làm người xòe tay vừa làm, vừa đọc đồng dao cho các bạn khác chơi tiếp
Thả đỉa ba ba
Thả đỉa ba ba là trò chơi sẽ giúp trẻ rèn được tính nhanh nhẹn, quan sát cao. Trước khi vào cuộc chơi bạn cần vẽ 2 đường thẳng song song cách nhau hoặc một vòng tròn có đường kính và quy định đó là sông, hồ, ruộng. Tùy thuộc và số lượng người chơi, bạn có thể vẽ rộng hơn hoặc nhỏ hơn.
Người chơi sẽ cùng oẳn tù tì để chọn ra người thua đóng vai làm đỉa để đi bắt những người còn lại. Khi tham gia trò chơi bạn cần học thuộc bài hát dưới đây:
Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chuối hạt tiêu
Đổ niêu nước chè
Đổ phải nhà nào
Nhà đó phải chịu
Ai là đỉa phải đứng trong lòng sông đã quy định, tất cả những bạn khác chạy xung quanh để qua sông sao cho cho đỉa không thể bắt được mình. Chú ý đỉa chỉ được đứng dưới sông không được ở trên bờ. Đến khi có người hô Nước ngập đỉa ngoi lên thì lúc đó đỉa mới được phép lên và đuổi mọi người. Đỉa chạm được vào ai thì người đó sẽ thua và phải ở lại làm đỉa.
Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê là trò chơi giúp trẻ rèn luyện khả năng lắng nghe và phán đoán hướng và tiếng động sao cho có thể bắt được ‘dê’ nhanh nhất.Tất cả những người chơi oẳn tù tì để tìm người bịt mắt đi bắt dê. Bạn cần chuẩn bị khăn bịt mắt và những người xung quanh đứng thành vòng tròn càng rộng càng tốt.
Người chơi chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người ho đứng lại thì người chơi phải đứng lại không được di chuyển. Người bịt mắt sẽ đi quanh vòng tròn và bắt một người, người chơi hãy cố tạo ra tiếng động để người bịt mắt mất phương hướng và khó phán đoán. Đến khi người bịt mắt bắt được một ai đó và đoán đúng tên thì người đó sẽ phải thế chỗ cho người bịt mắt.
Kéo cưu lừa xẻ
Kéo cưa lừa xẻ là trò chơi vận động giúp trẻ có những phút giây thư giãn và vui chơi bổ ích. Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non kéo cưa lừa xẻ cần 2 người chơi ngồi đối diện nhau, cầm tay nhau và chân có thể áp vào nhau. 2 người chơi vừa hát vừa kéo tay nhau, đẩy qua đẩy lại như cưa gỗ và hát bài đồng dao:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ
Cứ kéo như vậy đến khi hết bài thì trò chơi kết thúc, trò chơi này sẽ không biệt thắng thua.
Ếch dưới ao
Bạn hãy vẽ một vòng tròn lớn giữa sân để làm ao và trẻ sẽ đứng thành một vòng tròn làm ếch. 1 người chơi đứng cách vòng tròn khoảng 3-4m, tay cầm một que nhỏ giả làm người đi câu ếch. Khi nghe người quản trò vỗ tay báo hiệu thì trò chơi bắt đầu và hát bài đồng dao:
Ếch ở dưới ao
Vừa ngớt mưa rào
Nhảy ra bì bọp
Ếch kêu ộp ộp
Ếch kêu ặp ặp
Thấy bác đi câu
Rủ nhau trốn mau
Ếch kêu ộp ộp
Ếch kêu ặp ặp
Người đi câu sẽ tung dây câu, tung phải ai thì người đó sẽ phải thay thế cho người đi câu ếch.
Rồng rắn lên mây
Một bạn sẽ đóng vai thầy thuốc và những người còn lại xếp thành một hàng dọc đứng nối với nhau, đối diện với người thầy thuốc. Trò chơi này vừa chơi, vừa hát bài đồng dao:
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không ?
Đến câu cuối dừng người chơi hỏi “Có thầy thuốc ở nhà không?”
Thầy – Thầy không có nhà, thầy đang ngủ, đang đi chơi, đi xem phim
Người chơi – đi tiếp và đọc lời ca:
Thầy – Thầy thuốc đang đánh răng
Người chơi – đi tiếp và đọc lời ca
Thầy – Có nhà. Mẹ con con rắn đi đâu ?
Người chơi – Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc
Thầy – Xin khúc đầu
Người chơi – Cùng xương cùng xẩu
Thầy – Xin khúc giữa
Người chơi – Cùng máu cùng mẹ
Thầy – xin khúc đuôi
Người chơi – Tha hồ mà đuổi
Sau khi nghe đến rồng rắn trả lời tha hồ mà đuổi thì thầy thuốc sẽ đứng dậy đuổi cho được khúc đuôi là người đứng cuối hàng. Và người đứng đầu sẽ cố cản thầy thuốc không chạm vào đuôi của mình.
Những người trong hàng chạy nhảy và reo hò cho đến khi thầy thuốc chạm được vào đuôi của mình thì kết thúc trò chơi và bắt đầu lại từ đầu.
Cá sấu lên bờ
Quản trò sẽ vạch 2 đường vạch cách nhau từ 3m tùy thuộc vào độ tuổi nhóm trẻ chơi để làm bờ. Trẻ nào xù xì thua sẽ làm cá sấu và đi lại giữa 2 vạch đó để tìm bắt người ở dưới nước. Những người còn lại sẽ đứng ngoài 2 bên vạch và trêu cá sấu bằng cách cho 1 chân xuống nước khi cá sấu lại gần thì nhảy lên bờ. Bạn nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được sẽ thua và thay làm cá sấu.
Chim bay cò bay
Người chơi đứng thành hình vòng tròn rộng, mặt hướng vào tâm. Lựa chọn một người quản trò để điều khiển cuộc chơi. Trước khi chơi, quản trò cần phổ biến cách chơi đó là:
Nếu vòng tròn chuyển động theo cùng chiều kim đồng hồ, đang đi khi quản trò hô ‘chim bay’ rồi ngồi xuống. Những người chơi trong vòng tròn phải hô lên chim bay và nhảy 2 chân lên, 2 tay dang ra vẫy tay như con chim đang bay. Khi vòng tròn tiếp tục, quản trò hô ‘heo bay’ thì người chơi phải hô ‘heo không bay’ và đứng im tại chỗ đó. Nếu người chơi hô nhầm sẽ thua.
Mèo đuổi chuột
Trò chơi mèo đuổi chuột cần 7 – 10 người, tất cả sẽ đứng thành vòng tròn, tay nắm tay và giơ cao qua đầu. Tiếp tục hát bài đồng dao:
Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau
Một người sẽ đóng vai mèo và một người làm chuột. Hai người này sẽ đứng giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy mèo đuổi theo sau. Nếu mèo đuổi được chuột thì mèo thắng và đổi chỗ cho nhau, mèo phải chạy đằng sau.
Ô ăn quan
Đầu tiên bạn hãy vẽ một hình chữ nhật, 2 đầu là hình bán nguyệt. Trong hình chữ nhật bạn chia đôi thành 2 phần bằng nhau và kẻ tiếp hình 5 ô vuông. Chọn đá hoặc sỏi làm quân và 1 viên lớn để làm quan. Có thể sử dụng viên đá, sỏi nhỏ làm quân và một viên lớn làm quan.
Người chơi trước được bốc hết số quân trong một ô bên phía mình để đi. Nước đi đầu tiên này cần phải tính toán kỹ để không bị “chững” (tức là bị ngưng lại), rải từng viên lần lượt theo các ô từ trái sang phải hoặc ngược lại.
Hãy rải như thế đến khi hết hòn quân của ô nào thì bốc quân ở ô tiếp theo và dừng lại khi 2 ô liên tục phía trước ô được rải quân cuối cùng không có quân để bốc lên. Nếu gặp ô chững thì phải nhường quyền chơi còn lại.
Những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non khác
Ngoài những trò chơi dân gian cho trẻ em ở trên, bạn cũng có thể thực hiện các trò chơi khác như trò chơi:
- Cướp cờ
- Dung dăng dung dẻ
- Nhảy bao bố
- Đánh quay
- Kéo co
Một số câu hỏi thường gặp
Tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non cần lưu ý gì?
- Khi tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non bạn cần lựa chọn những trò chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ
- Các trò chơi không quá đơn giản và cũng nên quá phức tạp khiến cho trẻ chán nản
- Đồ dùng để phục vụ cho trò chơi cần dễ kiếm và dễ tìm
- Trò chơi lựa chọn phải thu hút và khiến trẻ hứng thú tham gia
- Các trò chơi phải hoạt động nhóm, tập thể
- Dạy trẻ thuộc bài ca đồng dao
- Lựa chọn địa điểm phù hợp để tổ chức trò chơi
Trẻ mầm non có cần không gian rộng để chơi không?
Mỗi trò chơi dân gian cho trẻ mầm non có một cách chơi và luật chơi khác nhau, sẽ có những trò chơi vận động và mang tính tập thể cao và lượng người tham gia lớn. Vì vậy, giáo viên cần xác định trò chơi, cách chơi và luật chơi để lựa chọn địa điểm phù hợp tổ chức cho trẻ.
Tiêu chí lựa chọn trò chơi dân gian cho bé là gì?
- Những trò chơi dân gian phải phù hợp với từng độ tuổi khác nhau
- Các trò chơi phải dễ tổ chức và dễ hoạt động bởi những trò chơi vận động sẽ khiến trẻ yêu thích và không cảm thấy nhàm chán.
- Không nên lựa chọn những vật dụng chơi sắc nhọn, quá nặng vì sẽ có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Trên đây là một số những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non mà SMIS muốn gợi ý cho bạn. Bạn có thể dựa vào những trò chơi này để lựa chọn cho trẻ những trò phù hợp theo đúng lứa tuổi của mình. Nếu bạn biết thêm những trò chơi dân gian nào khác thì hãy chia sẻ cùng SMIS nhé!.