Khi con vào lớp 1, việc chuẩn bị một hành trang vững chắc sẽ là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tương lai cho bé vào đời. Trong giai đoạn này, ba mẹ sẽ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con thích nghi với môi trường mới. Không chỉ hiểu rõ về thể lực, sức khỏe mà các bậc phụ huynh còn cần hiểu được tâm lý, lứa tuổi của trẻ để giúp con sớm thích nghi với trường lớp.
- Những lưu ý vàng khi con vào lớp 1
- Nghe chuyên gia tâm lý mách nước về việc chuẩn bị cho con vào lớp 1
- Mách ba mẹ bí quyết chuẩn bị đồ dùng cho con vào lớp 1
Trong giai đoạn chuẩn bị vào lớp 1, trẻ dễ rơi vào khủng hoảng tuổi tâm lý tuổi lên 6
Theo PGS – TS Phạm Xuân Khanh, Trưởng Ban nền nếp và tư vấn tâm lý học đường trường PTQT Gateway Cầu Giấy, trong giai đoạn chuyển tiếp vào lớp 1, trẻ dễ gặp phải những bất ổn về mặt tâm lý do thay đổi môi trường sống và các yếu tố khác như các mối quan hệ, sự kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô. Trẻ chưa đủ khả năng để tự giải quyết tâm lý cũng như các vấn đề gặp phải. Chính vì thế, trẻ cần có sự đồng hành và hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô, những người giàu kinh nghiệm đã từng đi qua thời kỳ khủng hoảng đó.
Những bất ổn mà trẻ có thể gặp phải trong giai đoạn này là việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt: ở trường Mẫu giáo hoạt động chơi của trẻ là chủ đạo, khi vào lớp 1 học tập sẽ là hoạt động chủ đạo. Hơn nữa, giờ ngủ trưa của trẻ thường ngắn hơn mẫu giáo nên trẻ có thể mệt hơn.
Hoạt động của lớp 1 cũng đòi hỏi trẻ phải có sự tập trung dài hơn để hoàn thành các nhiệm vụ học tập hay ngồi yên một chỗ, ngồi vào bàn học nhiều hơn cũng làm cho trẻ gặp khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ, cho trẻ làm quen với các hoạt động này trước trẻ dễ bị chậc nhịp và cảm thấy khó khăn để hòa nhập. Trong giai đoạn trẻ đang hòa nhập, nếu bị phạt khi mắc lỗi trẻ cũng dễ thu mình, cảm thấy không an toàn, có thể giảm hứng thú, động cơ học tập hoặc thậm chí không muốn đi học. Bản thân bố mẹ cần hiểu rõ đặc điểm tâm lý của trẻ giai đoạn này để có sự hỗ trợ phù hợp với các con.
Không chỉ tâm lý, bản thân cơ thể trẻ cũng có những thay đổi trong giai đoạn vào lớp 1
Thay đổi đầu tiên có thể gây căng thẳng và tâm lý bất ổn của trẻ chính là sự thay đổi về cơ thể. Ở thời điểm này toàn bộ cơ thể trẻ có phát triển mạnh mẽ về cấu trúc xương. Mỗi năm, trẻ 6 tuổi tăng được 5cm chiều cao, 2 kg cân nặng. Cơ quan chính như đại não, tim, phổi có tốc độ phát triển nhanh. Do công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh chưa cân bằng, nên chỉ đơn thuần làm một việc gì kéo dài cũng dễ gây mệt mỏi cho trẻ. Vì thế, khi bắt đầu vào guồng học, đòi hỏi sự tập trung cao sẽ gây khó khăn cho con. Đó là lý do vì sao mà bố mẹ nên cho con tham gia các khóa học trải nghiệm, để con làm quen với việc học tập và thấy rằng các hoạt động được tổ chức vô cùng thú vị.
Giai đoạn chuyển tiếp là một quá trình kéo dài, không phải một thời điểm và trẻ cần nhận được sự hỗ trợ trong suốt quá trình
Trẻ có thể bắt đầu vào lớp 1 chỉ trong vòng một vài hôm nhưng sẽ mất cả một quá trình để trẻ có thể hòa nhập. Quá trình này có thể diễn ra trong một đến hai tháng nếu trẻ được chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng hòa nhập cao. Tuy nhiên, không ít trẻ gặp khó khăn trong việc thiết lập các thói quen cũng như khả năng kết bạn, làm quen với mọi người nên quá trình chuyển tiếp có thể kéo dài hơn thậm chí qua cả học kỳ hay một năm học. Việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như kết quả học tập của trẻ sau này, có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, hoảng sợ…
Ba mẹ có thể đồng hành cùng con vào lớp 1 bằng cách nào?
Trước tiên, ba mẹ cần hiểu rõ về tâm lý lứa tuổi của con cũng như những khó khăn mà con đang gặp phải để có thể hiểu được những biến đổi từ thái độ của con và có những hỗ trợ cần thiết. Trong đó, việc tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái, vui vẻ, chuẩn bị cùng các kỹ năng sống sẽ là những hành trang cần thiết cho trẻ vào lớp một.
Một số kỹ năng sống mà ba mẹ nên xây dựng cho con, ba mẹ có thể tham khảo: TẠI ĐÂY.
Ngoài ra, một bước chuẩn bị vô cùng quan trọng và ý nghĩa với các con mà ba mẹ có thể thực hiện là đăng ký cho con tham gia các khóa trải nghiệm tiền Tiểu học, lựa chọn các ngôi trường có phương pháp giáo dục phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho giai đoạn chuyển tiếp của con.
Theo phân tích của các nhà khoa học, khi chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học phải đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, những kiến thức đã được hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập trong nhà trường.
Sự chuyển tiếp thành công không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực hòa nhập với những thay đổi của chính bản thân đứa trẻ mà cần có sự hỗ trợ của nhà trường, gia đình và cộng đồng để có thể tạo tâm thế sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp 1.