“Tình yêu của người giáo viên Mầm non dành cho trẻ nhỏ không đơn thuần là một tình yêu bản năng mà là tình yêu xuất phát từ tri thức, sự tôn trọng và thấu hiểu trẻ nhỏ”. Đó chính là “chất xúc tác” mạnh mẽ giúp những người giáo viên Sakura Montessori tạo nên những em bé tuyệt vời, trưởng thành trong hạnh phúc.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy cùng gặp gỡ 2 chuyên gia Montessori Quốc tế tại Sakura Montessori để tìm hiểu về điều gì làm nên một người giáo viên mầm non tuyệt vời tại Sakura Montessori.
Chuyên gia Montessori Quốc tế Lê Mai Hạnh: “Một giáo viên yêu trẻ là một giáo viên biết tôn trọng trẻ”
Theo chuyên gia Montessori Quốc tế Lê Mai Hạnh – Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm hệ thống Sakura Montessori:
Mọi tình yêu đều phải xuất phát từ nền tảng của sự tôn trọng và thấu hiểu. Và tình yêu của một người giáo viên với trẻ nhỏ càng cần phải như vậy.
Hiểu một cách đơn giản, tôn trọng trẻ là cách chúng ta nhìn nhận trẻ như một cá thể độc lập, cư xử với trẻ như một “người trưởng thành”.
“Mỗi đứa trẻ là duy nhất, không trẻ nào giống trẻ nào và chúng phát triển theo các giai đoạn khác nhau với tốc độ khác nhau. Chúng tôi tôn trọng nhịp độ phát triển tự nhiên ấy của mỗi trẻ, tôn trọng năng lực, sở thích, cá tính, cảm xúc riêng của mỗi trẻ…
Tại Sakura Montessori, giáo viên luôn thể hiện sự tôn trọng trẻ bằng cách trao cho trẻ quyền tự do trong khuôn khổ cho phép. Các con có thể tự do lựa chọn hoạt động học tập yêu thích, được phép thể hiện quan điểm, cảm nhận của mình về các vấn đề diễn ra trong lớp, những điều con quan sát được hay cả những sự việc xảy ra giữa con và bạn bè, thầy cô… Còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ trẻ biết cách làm, biết cách thức hoạt động của lớp học, không can thiệp, làm ngắt quãng khi trẻ tập trung làm việc.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là giáo viên để cho trẻ làm tất cả những thứ trẻ muốn mà người giáo viên cũng cần lắng nghe trẻ, giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình và giúp trẻ tôn trọng người khác. Thay vì la rầy các con, giáo viên Montessori sẽ lắng nghe trọn vẹn để hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động của trẻ. Khi giao tiếp với trẻ, giáo viên Montessori sẽ là người cúi thấp xuống ngang tầm với trẻ, giao tiếp bằng mắt thay vì đứng ở trên giao tiếp với trẻ ở bên dưới khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, dùng “lời nói thể hiện cảm nhận bản thân” như “Cô thấy lo lắng khi con đẩy bạn ngã”, “Con có thể làm cho bạn đau đó”…
Bởi ở giai đoạn này, trẻ vô cùng nhạy cảm, chỉ cần thông qua một sự thay đổi từ cảm xúc của người lớn, trẻ có thể cảm nhận được hôm nay cô vui hay cô buồn, chỉ một hành động khác thường của người lớn cũng mang đến cho trẻ cảm giác mất an toàn, tổn thương hay mất tự tin…
“Chúng tôi tôn trọng những thành tựu trẻ đạt được nhưng đồng thời chấp nhận những sai lầm trẻ mắc phải như một trải nghiệm để trẻ trưởng thành. Vì vậy trong lớp học của chúng tôi, sẽ không có khen chê, thưởng phạt, thay vào đó là khích lệ và kỷ luật tích cực. Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng về thành quả mình đạt được và lấy đó là động lực để cố gắng hơn nữa.” Cô Mai Hạnh chia sẻ.
Chuyên gia Montessori Quốc tế Nguyễn Bảo Trọng: “Tình yêu của người giáo viên phải xuất phát từ sự lắng nghe và thấu hiểu”
Không chỉ tôn trọng trẻ, theo chuyên gia Montessori Quốc tế Nguyễn Bảo Trọng – Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Sư phạm thuộc Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori, tình yêu thương dành cho trẻ của mỗi giáo viên cần xuất phát từ sự thấu hiểu trẻ một cách sâu sắc. Và để thấu hiểu trẻ, quan sát là một kỹ năng quan trọng mà người giáo viên cần có và rèn luyện.
Theo đó, các giáo viên tại Sakura Montessori không chỉ quan sát tinh tế mà còn ghi chép tỉ mỉ quá trình sinh hoạt, học tập của trẻ từ đó xây dựng kế hoạch học tập, đồng thời theo dõi lộ trình phát triển của trẻ và có những điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ trẻ phát huy thế mạnh của mình.
Và để làm được điều đó, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi mỗi ngày để phát triển năng lực chuyên môn của bản thân và trở thành những người giáo viên có tài, có tâm, có tầm.
Tình yêu của một người giáo viên Mầm non không phải chỉ đơn thuần xuất phát từ cảm tính mà nó thực sự phải là một tình yêu đầy trí tuệ. Chỉ có như vậy, giáo viên mới có thể hỗ trợ cuộc sống của trẻ, đồng hành cùng trẻ trên mọi chặng đường phát triển của riêng mình.
“Trẻ vốn là một tạo vật rất khó để hiểu trọn vẹn. Đối với giáo viên làm nghề, tôi hy vọng các bạn sẽ luôn tràn đầy tình yêu thương, sự nhẫn nại, tôn trọng để yêu thương trẻ nhiều hơn, không ngừng trau dồi kiến thức để có kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ để hỗ trợ sự phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần và kỹ năng của trẻ.
Người giáo viên tuyệt vời là người tôn trọng trẻ từ chính tình yêu thương và niềm tin ở trẻ. Việc tôn trọng trẻ, lắng nghe và thấu hiểu sẽ khơi dậy sự tự tin và những năng lượng tích cực, những tiềm năng sẵn có từ sâu bên trong để trẻ phát triển theo đúng cá tính của mình. Đồng thời, tôn trọng trẻ cũng giúp cho trẻ học được cách tôn trọng chính mình, tôn trọng môi trường… để có lối sống có trách nhiệm và học được cách lịch sự, nhã nhặn với những người xung quanh.
Cảm ơn những chia sẻ đáng quý của hai chuyên gia Montessori Quốc tế Lê Mai Hạnh và Nguyễn Bảo Trọng. Chúc Thầy Cô sẽ tiếp tục truyền cảm hứng giáo dục cho đội ngũ giáo viên trong sứ mệnh “trồng người” cao cả