Làm thế nào để một bạn nhỏ 3 tuổi có thể ghép các khối trụ vào khuôn một cách chính xác khi đặt lộn xộn trên thảm? Và tại sao những trẻ nhỏ 3 đến 3.5 tuổi có thể lặp lại bài học này tới 40 lần mà không hề mất đi hứng thú?
Bí quyết nằm ở bộ giáo cụ khối hình trụ có núm, gồm 4 khối gỗ hình chữ nhật tại Góc giác quan. Mỗi khối chứa 10 khối trụ có núm tăng giảm dần đều về độ dày-mỏng, to-nhỏ, cao-thấp, dễ gây ấn tượng và thu hút sự quan tâm của trẻ.
Tận dụng thời kỳ nhạy cảm với vận động và tính trật tự, trẻ sẽ được hướng dẫn sử dụng 3 ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) để lần lượt nhấc các khối trụ ra khỏi khối chữ nhật theo thứ tự từ trái qua phải, sau đó, cảm nhận khối bằng ngón trỏ cùng ngón giữa của bàn tay còn lại và đặt xuống thảm một cách ngẫu nhiên. Việc cầm giáo cụ bằng 3 ngón tay giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo và khả năng phối hợp của các ngón tay, là tiền đề cho việc trẻ cầm bút sau này.
Sau khi xếp các khối trụ ra thảm một cách ngẫu nhiên, trẻ sẽ dùng ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải cảm nhận khuôn ngược chiều kim đồng hồ, rồi quan sát và lựa chọn khối trụ vừa với khuôn. Trẻ làm theo cách này cho đến khi xếp được hết khối trụ vào khuôn. Cuối cùng, trẻ xoay dọc bộ khối trụ trước mặt, dùng ngón trỏ và ngón giữa của cả 2 bàn tay vuốt nhẹ 2 bên để cảm nhận. Trẻ sẽ lặp đi lặp lại công việc với những khối trụ còn lại, làm việc từ trái qua phải tới khi khối hình trụ được xếp hoàn thiện.
Vậy làm sao trẻ có thể tự “xoay sở” với 10 khối trụ một cách chính xác mà không cần sự hỗ trợ của giáo viên?
Thực tế, các giáo cụ Montessori luôn được thiết kế có đặc tính “kiểm soát lỗi” – mỗi khối trụ sẽ vừa khít với một khuôn. Trẻ sẽ tự rèn luyện để quan sát, thử từng núm để đưa ra phán đoán, so sánh giữa các khối trụ, suy luận và quyết định. Thông qua từng thao tác, trẻ tự tìm được vị trí chính xác của khối trụ mà con đang cầm trong tay. Hành động vuốt nhẹ 2 bên khối trụ theo chiều dọc chính là hành động cuối cùng để trẻ tự kiểm tra lại kết quả. Cứ như vậy, trẻ sẽ tự khám phá cách hoạt động với giáo dục đúng mục đích, tự cảm nhận và phân biệt được sự khác nhau về kích thước: to-nhỏ, cao-thấp, dày-mỏng…
Giáo viên sẽ lùi lại quan sát, không cần can thiệp vào quá trình này, cũng không chỉ ra lỗi sai hay yêu cầu kết quả tuyệt đối từ trẻ. Lúc này, sự lùi lại của các cô, cũng là một bước tiến lớn cho các con, giúp trẻ chủ động và dần hình thành năng lực tự học đó Ba Mẹ ạ!
Ba Mẹ cùng nhìn lại những khoảnh khắc đáng yêu và đầy say mê này nhé!