Tình huống trẻ tranh giành đồ chơi ở độ tuổi từ 0 – 3 tuổi là rất thường gặp, cha mẹ đã biết xử lý đúng cách hay chưa? Việc cha mẹ can thiệp, xử lý phù hợp trong tình huống này sẽ giúp trẻ học được nhiều điều như tính tự lập, sự yêu thương, sẻ chia, hiểu chuyện,… Ngược lại, nếu trách mắng nặng lời hoặc bắt ép trẻ phải nhường nhịn, trẻ sẽ càng cáu giận, ích kỷ hơn. 

Tại sao trẻ tranh giành đồ chơi?

Chuyện trẻ tranh giành đồ chơi hay phần thắng không phải do con hư mà hoàn toàn xuất phát từ tâm lý bình thường của trẻ. Đây là cách hành xử phản ánh quan điểm của trẻ 0 – 3 tuổi với thế giới xung quanh.

Theo đó, con đã bắt đầu hiểu hơn về quyền sở hữu, muốn bảo vệ tài sản riêng và cho rằng không ai được động vào bất cứ đồ vật gì của mình. Vì thế ngoài tranh giành đồ chơi, không chia sẻ với anh chị, bạn bè, ba mẹ sẽ thấy trẻ thường nói các từ sở hữu như “của con”, “của chị”, “của em” hay nói “không”.

trẻ tranh giành đồ chơi
Trẻ tranh giành đồ chơi với bạn do tính sở hữu cao

Vậy nên ba mẹ không nên trách mắng con nặng lời mà cần kiên trì dạy trẻ biết cách yêu thương, chia sẻ. Trẻ phải rèn luyện rất nhiều mới có thể học được cách yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh, đây cũng là nền tảng đạo đức quan trọng cho con.

Sự va chạm, tranh giành đồ chơi sẽ thúc đẩy các con tự tìm cách giải quyết những xích mích. Người lớn có thể để các con tranh luận 1, 2 phút hay va chạm miễn là không ai bị thương. Con sẽ học được cách biểu đạt nội tâm của mình trước người khác để ứng xử phù hợp hơn trong tương lai.

Xử lý tình huống trẻ tranh giành đồ chơi như thế nào?

Với tình huống mâu thuẫn nhỏ, ba mẹ nên quan sát để con có thể học cách tự giải quyết vấn đề của mình ổn thỏa. Với tranh cãi lớn, điều cần làm là hãy lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn để các bé cùng chia sẻ với nhau.

Làm gì khi trẻ tranh giành đồ chơi? Dưới đây là 4 bước xử lý tình huống trẻ tranh giành đồ chơi thông minh mà ba mẹ có thể tham khảo:

Bước 1: Không can thiệp ngay khi trẻ xảy ra tranh chấp

Rất nhiều bậc phụ huynh thường gấp gáp xử lý khi các trẻ xảy ra tranh chấp với mong muốn giảm thiểu tối đa việc tranh chấp. Tuy nhiên, sự va chạm, tranh giành đồ chơi cũng thúc đẩy con tìm cách giải quyết mâu thuẫn, từ đó biết cách xử lý tình huống tốt. Ba mẹ chỉ nên can thiệp khi mâu thuẫn dần lớn mà thôi.

Bước 2: Giúp trẻ bình tĩnh lại

Kể cả người lớn khi nóng giận đều mất bình tĩnh và có những hành động không phù hợp vì thế trẻ cáu giận khi tranh cãi là thường gặp. Thay vì cố phân giải ngay lập tức, hãy trấn an giúp trẻ bình tĩnh, tách các trẻ đứng riêng biệt.

Hãy giúp trẻ bình tĩnh khi xảy ra mâu thuẫn tranh cãi

Cần nhấn mạnh để con hiểu rằng cần phải bình tĩnh bằng một số lời nói như:

“Con bình tĩnh và nói cho ba/mẹ biết chuyện gì xảy ra nào.”

“Con khóc/nói nhanh vậy ba/mẹ không nghe rõ. Hít thở sâu và nín khóc rồi kể lại mọi chuyện cho ba/mẹ nghe hiểu được không?”

Sau khi trẻ bình tĩnh, kể lại đầu đuôi câu chuyện, ba mẹ hãy nghiêm túc lắng nghe. Điều này giúp trẻ thấy mình được cảm thông, từ đó cảm xúc tiêu cực sẽ giảm bớt.

Bước 3: Hãy để trẻ được “thương lượng” với nhau

Sau khi các con bình tĩnh, hãy tạo một “hội nghị” để các con cùng nói chuyện, chia sẻ. Cha mẹ hãy quan sát quá trình này, đây là lúc giúp trẻ học cách giải quyết mâu thuẫn của bản thân và điều hòa các mối quan hệ tốt đẹp. 

Bước 4: Cùng trẻ giải quyết nếu trẻ không đưa ra được quyết định

Cha mẹ hãy đứng ra phân tích mặt tích cực khi các con cùng chơi, rằng việc các con xích mích tranh giành một món đồ là không đáng, chúng ta nên học cách sẻ chia, yêu thương nhau,…

Với vai trò là nhà hòa giải, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Không tỏ ra bênh vực cho bên nào: khiến trẻ cảm thấy bất công, từ đó sinh ra cảm giác phản kháng.
  • Tôn trọng cảm xúc của trẻ: bởi con chỉ đang làm theo cảm xúc của bản thân, điều ta cần là thông cảm và chỉ dẫn cho con.
  • Khen trẻ khi đồng ý hòa giải: có thể kèm theo hoạt động khích lệ để trẻ duy trì hành động tốt đẹp này.

Việc cha mẹ can thiệp phù hợp với tranh chấp, mâu thuẫn sẽ giúp trẻ học được nhiều điều như tính tự lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, biết sẻ chia, quan tâm mọi người…

Những điều cha mẹ nên làm để trẻ biết yêu thương, chia sẻ

Sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ với người khác là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Vậy ba mẹ nên làm gì để giúp trẻ học được điều này, từ đó việc trẻ tranh giành đồ chơi sẽ không còn nữa?

Dạy trẻ biết cách nhường lượt

Cha mẹ hãy tạo cơ hội dạy con học cách nhường lượt trong những hoạt động đơn giản hàng ngày như ghép hình, cất đồ chơi,… Cụ thể: ba/mẹ và con cùng chơi các trò có tính lần lượt như “người nói – người nghe”, “bấm răng cá mập”, lần lượt thay phiên bỏ món đồ chơi vào hộp,…

trẻ tranh giành đồ chơi
Chơi trò chơi có tính lần lượt giúp con biết cách nhường lượt

Dạy trẻ học cách “bảo vệ” và từ chối

Trước khi có bạn sang nhà chơi, ba mẹ hãy nhắc con cất đi những món đồ con không muốn chia sẻ và bày ra những món đồ các trẻ có thể cùng chơi chung như: đất nặn, khối rubic, hộp bút màu, giấy,…

Như vậy, trẻ biết cách bảo vệ đồ chơi mình yêu thích một cách thông minh không dẫn đến tranh cãi mâu thuẫn với bạn.

Dành thời gian nói chuyện với trẻ

Khi người khác giành đồ chơi của con, ba/mẹ hãy giải thích cho con hiểu về cảm xúc của người bạn đó như: “Bạn Bông rất thích bé gấu của bạn ấy và rất muốn ôm nó trong tay.” Còn khi con bị bạn giành đồ chơi, hãy an ủi và cho bé thấy mẹ hiểu cảm xúc của con như “Con buồn vì bạn Bông lấy búp bê của con phải không?”

Hãy dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ để hiểu cảm xúc của con cũng như trò chuyện, giúp con khám phá những cảm xúc của sự sẻ chia.

Thấu hiểu tâm lý của con

Khi trẻ có hành động quan tâm, chia sẻ đồ chơi với bạn, ba mẹ hãy khen ngợi thật nhiều. Thấu hiểu tâm lý con đôi khi chỉ với hành động nhỏ như đánh lạc hướng khi có bạn muốn chơi đồ chơi con đã cất đi.

Trở thành tấm gương để con noi theo

Ba mẹ luôn là tấm gương lớn mà con luôn nhìn vào để học hỏi. Bởi vậy việc yêu thương, quan tâm, chia sẻ của ba mẹ sẽ khiến con suy nghĩ và nhìn nhận lại sai lầm của mình dễ dàng hơn. Từ đó, con sẽ hiểu rằng việc chia sẻ đồ chơi với bạn hay rộng hơn là sự sẻ chia yêu thương sẽ tốt hơn việc chỉ giữ cho riêng mình.

Lắng nghe và trao quyền cho trẻ

Khi trẻ tranh giành đồ chơi, nhiều cha mẹ trách mắng con ích kỷ, bắt con phải chia sẻ đồ chơi với bạn, điều này là không nên. Thay vào đó, hãy lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con, trao quyền để con tự động chia sẻ đồ chơi với bạn nếu muốn.

Cùng trẻ giải quyết, trò chuyện để con hiểu và kiên nhẫn chờ đợi đến lượt của mình…

Trong giải quyết mâu thuẫn của các con, ba mẹ hãy đóng vai trò trung gian hòa giải, phân tích đề các con hiểu. Đừng quên trò chuyện để con hiểu và kiên nhẫn chờ đợi đến lượt của mình, biết tôn trọng sự lựa chọn của bạn khi bạn đã chọn trước.

Thực tế, việc tranh giành vốn là điều không thể tránh khỏi trong thế giới của trẻ nhỏ. Người lớn hãy thật tinh tế để nhìn nhận vấn đề, dẫn dắt con đến việc tự giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực, tránh nóng vội, làm tổn thương tâm lý trẻ.

Một số câu hỏi thường gặp

Trẻ tranh giành đồ chơi có lợi ích gì? 

Theo kinh nghiệm của Giáo viên Montessori Quốc tế, việc tranh giành lại là cơ hội giúp trẻ học được nhiều điều hay nếu ba mẹ và người lớn thấu hiểu và tôn trọng trẻ, trao cho các con quyền tự giải quyết vấn đề thay vì bắt ép con làm theo ý của mình. 

Trẻ lấy đồ chơi của bạn cha mẹ nên khuyên con như thế nào?

Ba mẹ không nên trách mắng hay bắt ép con như: “Con là anh, con nhường em chơi đi”, “Con phải nhường bạn”,… Thay vào đó, hãy giúp con bình tĩnh, sau đó dạy con cách nhường lượt bằng những lời nói như: “Bạn đã đồng ý cho con mượn đồ chơi chưa?”, “Bạn chưa đồng ý thì con sẽ chờ bạn chơi xong để đến lượt nhé”.

Trẻ hay giành đồ chơi của bạn có nói lên tính cách gì hay không?

Trẻ hay giành đồ chơi của bạn là hành động theo tâm lý sở hữu rất bình thường ở trẻ độ tuổi từ 0 – 3 tuổi. Đây là giai đoạn học hỏi quan trọng để hình thành tính cách, cơ sở đạo đức cho trẻ nên điều cha mẹ cần làm là giải thích cho con hiểu và hướng dẫn con học cách yêu thương, chia sẻ.

Hy vọng qua bài viết trên đây, ba mẹ có thể bình tĩnh xử lý tình huống trẻ tranh giành đồ chơi đúng cách, để trẻ tự chia sẻ đồ chơi không gượng ép.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email