Toán học là một khái niệm trừu tượng mà bộ não phải tư duy. Những con số, những công thức tính không tự mình định nghĩa mà đều do trí tuệ con người tạo ra thông qua một quá trình học tập và trải nghiệm lâu dài.
Trẻ bắt đầu tiếp xúc với lĩnh vực Toán học từ khi còn nhỏ. Những câu hỏi đơn giản như “Con bao nhiêu tuổi?”, “Gia đình con có bao nhiêu người?”…cũng đã gián tiếp đưa trẻ đến với Toán học. Từ đó, trẻ hiểu rằng Toán học ở khắp mọi nơi và khơi gợi trong trẻ sự tò mò tìm tòi, khám phá.
Các khái niệm toán học theo phương pháp Montessori sẽ được giới thiệu với trẻ thông qua các giáo cụ trực quan như cây gậy số, chữ số cát, thang hạt cườm đến các phép tính trong hệ thập phân… Trẻ bắt đầu thẩm thấu các khái niệm Toán học thông qua các hoạt động từ trực quan đến tư duy trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, trẻ hiểu được nguyên lý cơ bản của định lượng và bắt đầu thực hiện các phép tính một cách dễ dàng thông qua việc lặp đi lặp lại các hoạt động.
Qua những bài học trực quan cùng giáo cụ trong lớp học Montessori, Toán học trở nên thú và và thật diệu kỳ. Phát triển tư duy logic, hệ thống và phản xạ nhanh nhạy với những con số giúp trẻ dễ dàng chinh phục các bộ môn khoa học khác như Vật lý, Hóa học, tạo tiền đề cho sự phát triển và thành công sau này của trẻ.