Trong chương trình Âm nhạc Echo Music, việc học qua các chất liệu âm nhạc từ đời sống đánh thức năng lực cảm thụ âm nhạc, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật trong mỗi bạn nhỏ tại Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori.
Học âm nhạc từ đời sống
Năm học 2019-2020 này, chương trình Âm nhạc Echo Music chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy tại Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori. Dựa trên triết lý Montessori và quan điểm về giáo dục âm nhạc cho trẻ của Frank Leto – chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực âm nhạc Montessori tại Mỹ, chương trình Echo Music lấy “real music” – âm nhạc từ đời sống làm nền tảng cơ bản, mở ra thế giới âm nhạc gần gũi, chân thực và sinh động với các bạn nhỏ.
Cô Nguyễn Diệu Ly, thành viên Hội đồng nghiên cứu Khoa học và Sư phạm phụ trách chương trình Âm nhạc Echo Music cho biết: “Khi dạy nhạc cho trẻ mầm non, nhiều người kỳ vọng âm nhạc phải đến từ những điều vĩ đại, nhạc lý phức tạp, nhạc cụ chuyên nghiệp… mà quên mất rằng âm nhạc luôn vô cùng chân thực và giản đơn, có thể đến từ tiếng nước chảy, tiếng đập tay hay chính lời nói,… Đó là lý do chương trình Âm nhạc Echo Music đưa cuộc sống vào từng tiết học của trẻ để các con tiếp cận và yêu thích âm nhạc một cách tự nhiên nhất.”
Các giờ học âm nhạc tại Sakura Montessori rất đa dạng về nội dung, chủ đề. Các con không chỉ được học về âm nhạc mà còn được trau dồi thêm những kĩ năng, kiến thức trong cuộc sống. Thông qua bài hát “Hello song”, các con học được cách sử dụng lời chào và hiểu đó là một phép lịch sự khi mọi người gặp nhau. Hay ở những câu hát giản đơn như: With my eyes I can see/ With my ears I can hear/ With my hands I can touch/ I can feel when you’re near/ I can taste sweet and sour/ I can smell with my nose…”, SMISer được giới thiệu về chức năng của các giác quan…
Ở Việt Nam, những bài hát nói, bài đồng dao quen thuộc như “Nu na nu nống” “Xúc xắc xúc xẻ” cũng trở thành một trong những chất liệu dạy nhạc cho trẻ vô cùng thú vị. “Đọc theo vần điệu” – điểm đặc trưng của đồng dao – được sử dụng trong Echo Music không chỉ vì mục đích dễ đọc, dễ thuộc, dễ thu hút các bạn nhỏ mà còn để hình thành dần khái niệm nhịp điệu trong trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có được những trải nghiệm thú vị về âm nhạc đặc trưng của nhiều đất nước khác trên thế giới, các con được cùng nhau tìm hiểu về điệu nhảy dậm chân của người Nga, lắng nghe âm nhạc mùa lễ hội ở Ấn Độ, được giới thiệu về những nhạc cụ truyền thống của Mexico, ..
Mỗi bạn nhỏ là một “chất liệu âm nhạc” đặc biệt
Chia sẻ về những nét mới lạ của Âm nhạc Echo Music, cô Diệu Ly cho biết thêm: “Âm nhạc Echo Music hướng đến tính mở. Ở đó, các con không phải lựa chọn thích hay không thích âm nhạc, chúng ta cũng không đánh giá các con nhảy đẹp không, hát hay không, sự hiện diện và tham gia của trẻ trong việc tạo ra âm nhạc quan trọng hơn những điều đó rất nhiều. . Bởi chính bản thân các con cũng là một “chất liệu âm nhạc” đặc biệt, có thể tạo nên âm nhạc thông qua “bộ gõ cơ thể”.”
Tại các lớp học Echo Music, SMISer có thể cùng thầy cô, bạn bè tự tạo nên nhịp điệu hoặc mô phỏng lại điệu nhạc một cách sinh động bằng những tiếng vỗ tay, đập tay, đập cốc xuống mặt bàn, truyền cốc, kết hợp giọng hát tự nhiên và nhịp gõ đến từ các dụng cụ trong cuộc sống thường ngày như chai nước, bút viết,…
Và khi ghé thăm lớp học Echo Music, sẽ không có gì lạ lẫm khi ba mẹ thấy con và cô giáo ngồi thành vòng tròn, đập tay theo tiết tấu hoặc truyền tay nhau những chiếc cốc,… để tạo thành một vòng giai điệu sinh động.
Chính những “chất liệu âm nhạc” đặc biệt từ “bộ gõ cơ thể” và các “nhạc cụ bất đắc dĩ” từ đời sống chân thực đã mang đến cho các tiết học nhạc một hơi thở mới, thú vị và độc đáo hơn. Mỗi ngày đến lớp, các con sẽ cùng tận hưởng âm nhạc, sống trong âm nhạc và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc từ những điều đơn giản nhất, tự nhiên nhất.
Kích thích phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt
Theo cô Ly, âm nhạc Echo Music chú trọng tới cảm nhận, phản ứng của trẻ, khai thác những vận động, chuyển động tự nhiên và hướng dẫn trẻ biểu lộ khả năng âm nhạc của bản thân ra ngoài,… Mỗi trẻ sẽ có nhạc cảm của riêng mình, cùng cảm nhận về một bản nhạc nhưng không bạn nhỏ nào giống bạn nhỏ nào. Echo music đem tới cho trẻ rất nhiều những trải nghiệm âm nhạc phong phú nhưng không đưa ra những gò ép, đóng khung.Trẻ không cần học thuộc lòng mà được “tự do” trong âm nhạc, thể hiện những gì cảm nhận được theo bản năng, từ đó dần dần hoàn thiện năng lực cảm thụ âm nhạc.
Tùy theo tính chất của mỗi bài hát, giáo viên Sakura Montessori sẽ hướng dẫn trẻ rằng khi vui, chúng ta sẽ biểu hiện thế nào trên gương mặt, giọng hát hào hứng, phấn khởi, động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng; khi buồn, giọng nhẹ nhàng đi, gương mặt lắng lại thể hiện cảm xúc; động tác chậm rãi hơn. Khi được hướng dẫn cách thể hiện, trẻ có thể tự mình cảm nhạc, thấu hiểu cái hay của từng tính chất bài hát và biểu lộ âm nhạc bằng khả năng thấu cảm của bản thân.
Như vậy, dựa trên nền tảng cảm thụ âm nhạc và khả năng thể hiện, âm nhạc Echo Music giúp trẻ phát triển về âm nhạc thị giác. Trẻ hình thành khả năng cảm nhận âm nhạc bằng thị giác qua những hoạt động được thiết kế riêng trong Echo Music, từ đó hình thành kỹ năng có thể đọc bản nhạc và thực hiện các hoạt động theo bản nhạc như xướng âm và sử dụng piano ở mức cơ bản.
Trong thời gian tới, chương trình Âm nhạc Echo Music tại Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori sẽ tiếp tục mang đến cho trẻ những hoạt động học tập bổ ích và lý thú. Các tuần học đặc biệt về âm nhạc Hawaii và âm nhạc của các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ,… được khai thác triệt để, vừa giúp các con học hỏi về văn hóa vừa gia tăng vốn hiểu biết về âm nhạc trên thế giới.
An Nhiên