Nếu ví kiến thức Toán học Montessori như một tòa lâu đài tri thức thì bài học “Bird’s Eye View’’ chính là một trong những viên gạch nền tảng quan trọng giúp trẻ từ 4.5-5 tuổi hiểu rõ hơn về hệ thập phân và giá trị của các chữ số. Bằng cách kết hợp các vật cụ thể như hạt cườm tượng trưng cho hàng đơn vị, thanh hạt cườm tượng trưng cho hàng chục, tấm hạt cườm tượng trưng cho hàng trăm, khối hạt cườm tượng trưng cho hàng nghìn với các thẻ số trừu tượng, bài học này cung cấp cho trẻ cái nhìn trực quan về mối liên hệ giữa lượng vật lý và các ký hiệu chữ số, đồng thời giúp trẻ hình dung rõ ràng cấu trúc của hệ thập phân.
Kết nối mạch lạc giữa “cụ thể” và “trừu tượng”
Trong quá trình thực hiện bài học, trẻ không chỉ nhìn thấy hay học vẹt về một con số, mà biết rằng mỗi con số đại diện cho một lượng thật sự. Khi trẻ đặt thẻ số 5, trẻ sẽ cần lấy 5 hạt cườm cụ thể, là thứ cầm nắm được. Hay 70 không chỉ là “chữ số bảy và chữ số không”, mà sẽ có 7 thanh hạt cườm xếp thành hàng. Bên cạnh đó, trẻ cũng hiểu được giá trị các con số ở mỗi hàng. Chữ số 1 ở hàng đơn vị có lượng là 1 hạt cườm nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng chữ số 1 ở hàng nghìn lại cần dùng hai tay để di chuyển. Các khái niệm trừu tượng đã được cụ thể hóa để trẻ tiếp thu một cách nhanh nhất và dễ nhớ nhất.
Cung cấp kiến thức vững chắc về hệ thập phân
Lượng và các thẻ số từ hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn được sắp xếp từ phải qua trái. Chỉ với cách sắp xếp đơn giản này, trẻ đã bắt đầu làm quen với cách tổ chức số theo hệ thập phân. Trẻ sẽ nhìn thấy thẻ số “1” ở bên phải (đơn vị), “10” ở kế tiếp (chục), và “100” ở bên trái (trăm). Trẻ có thể nhìn thấy và hiểu mối liên hệ giữa các chữ số theo vị trí của chúng. Việc làm quen với các con số từ đơn vị đến nghìn một cách trực quan giúp trẻ xây dựng nền tảng toán học vững chắc, dễ dàng tiếp thu các khái niệm toán học phức tạp hơn trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là tiền đề cực kỳ quan trọng để trẻ có thể thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia.
Rèn luyện khả năng quan sát tổng thể, kỹ năng phân tích và sự tập trung
Khi trẻ quan sát toàn bộ thảm làm việc từ trên cao, trẻ thấy được bức tranh tổng thể, hiểu được mối quan hệ giữa các hàng trong hệ thập phân, sự kết nối giữa lượng và mỗi con số cụ thể. Đây là cơ sở cho việc hình thành kỹ năng phân tích – tổng hợp, một năng lực tư duy quan trọng ở mọi cấp độ học. Việc đặt từng thẻ số, đếm từng hạt, đọc to số từ hàng đơn vị đến hàng nghìn (một đơn vị, hai đơn vị, ba đơn vị… một nghin, hai nghìn…) yêu cầu trẻ kiên nhẫn, tập trung cao độ và chịu trách nhiệm với công việc của chính mình.
Bird’s Eye View giúp các em bé thực sự được hiểu về sự diệu kỳ của các chữ số, được ‘’chạm’’ vào toán học một cách tự nhiên. Một bài học không phức tạp nhưng lại trở thành nền móng vững chắc cho tư duy toán học của con sau này.