Trẻ bám mẹ là tình huống khá phổ biến ở trẻ con trong độ tuổi từ 8 tháng đến 2 tuổi. Mặc dù là hiện tượng tâm lý bình thường nhưng việc con không chịu rời tay mẹ cũng khiến mẹ bối rối, mệt mỏi và không làm được việc gì khác ngoài bế con. Vậy dấu hiệu trẻ bám mẹ là gì và đâu là cách để giúp con vượt qua giai đoạn này? Mẹ hãy cùng Sakura Montessori tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Dấu hiệu cho thấy trẻ bám mẹ

Việc trẻ bám mẹ có thể nhận thấy rõ thông qua các dấu hiệu bao gồm:

  • Khóc nhiều khi xa mẹ: Đây là dấu hiệu trẻ bám mẹ phổ biến nhất. Khi không thấy mẹ trong tầm mắt, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bất an và thể hiện điều đó bằng cách khóc to.
  • Luôn muốn mẹ bế ẵm, ôm ấp: Trẻ luôn đòi mẹ bế ẵm và ôm ấp để cảm nhận sự an toàn ở mọi lúc, mọi nơi.
  • Lo lắng khi ở chỗ đông người:  Khi ở nơi đông đúc hoặc một môi trường mới, con sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và quấy khóc, nhất là khi không có mẹ bên cạnh.  
  • Khó ngủ khi không có mẹ bên cạnh: Là tình trạng bé khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc thức giấc giữa đêm nếu không có mẹ nằm cạnh.
  • Mút ngón tay: Đây là biểu hiện tự nhiên trẻ đang an ủi bản thân khi cảm thấy lo lắng hoặc bất an. Hành vi này sẽ nhiều hơn bình thường ở trẻ bám mẹ.
  • Chán hoặc lười ăn khi không thấy mẹ: Tâm trạng lo lắng khi không thấy sự hiện diện của mẹ là lý do khiến trẻ cảm thấy chán ăn. Trong một số trường hợp, bé sẽ bỏ bữa và quấy khóc tới khi nhìn thấy mẹ.
Trẻ bám mẹ thường quấy khóc do cảm giác lo lắng và bất an
Trẻ bám mẹ thường quấy khóc do cảm giác lo lắng và bất an

Nguyên nhân khiến trẻ bám mẹ

Có 3 nguyên nhân chính khiến trẻ bám mẹ, cụ thể là:

  • Trẻ đang trong giai đoạn phát triển tâm lý: Trẻ từ 8 tháng đến 2 tuổi bắt đầu nhận thức được con là một cá thể riêng biệt và tách khỏi mẹ. Cùng với đó, nhu cầu được âu yếm và che chở của con cũng lớn hơn. Hành vi bám mẹ là cách để bé cảm nhận sự yêu thương và gắn kết, từ đó cảm thấy an tâm hơn.  
  • Thay đổi môi trường sống: Khi đối mặt với những thay đổi về môi trường sống như chuyển nhà, chuyển trường học, trẻ có thể cảm thấy bất an do thiếu đi cảm giác thân thuộc và an toàn. Điều này khiến con bám mẹ nhiều hơn nhằm tìm kiếm sự che chở và bảo vệ. Ngoài ra, trường hợp gia đình có thêm em bé cũng có thể khiến con cảm thấy ghen tị và hình thành lo lắng về vị trí của mình trong gia đình. Ở tình huống này, bé có xu hướng bám mẹ để khẳng định vị trí và níu giữ tình cảm của mẹ.
  • Mẹ ít dành thời gian cho trẻ: Nếu mẹ quá bận rộn với công việc và ít dành thời gian cho bé, con có thể cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc thiếu thốn tình cảm. Do đó, con sẽ bám mẹ nhiều hơn để nhận được sự quan tâm, âu yếm và vỗ về của mẹ.
Trẻ bám mẹ là giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển của bé
Trẻ bám mẹ là giai đoạn bình thường trong quá trình phát triển của bé

Cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn bám mẹ

Để bé vượt qua giai đoạn bám mẹ dễ dàng hơn cũng như để bản thân không cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, mẹ có thể tham khảo một số “bí quyết” dưới đây:

  • Tập cho con quen dần với việc xa mẹ: Mẹ nên bắt đầu từ những việc nhỏ như cho bé ở cạnh những người thân thiết mà bé tin tưởng như ông bà, anh, chị trong một thời gian ngắn và tăng dần thời gian khi con đã quen hơn. Điều này giúp con hình thành sự độc lập, tự tin và không bị lo lắng mỗi khi không có mẹ bên cạnh.
  • Để lại một món đồ có “hơi mẹ”: Khi mẹ phải đi vắng, hãy để lại cho bé một món đồ có mùi hương của mẹ, chẳng hạn như áo thun đã mặc, một chiếc chăn mềm hoặc một chú gấu bông nhỏ. Mùi hương quen thuộc của mẹ sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi không thấy mẹ ở bên.
  • Hãy kiên nhẫn: Con trẻ cần thời gian để làm quen với sự xa mẹ vì thế mẹ không nên vội vàng ép buộc bé phải xa mình ngay chỉ trong vòng một vài ngày. Khi con có dấu hiệu bám víu và kêu khóc đòi mẹ, hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng chia sẻ, trò chuyện cùng bé để giảm bớt sự căng thẳng. Tránh quát mắng hoặc phạt con vì điều này sẽ khiến con lo lắng và sợ hãi hơn. Đừng quên dành lời khen ngợi khi con có những tiến bộ trong việc tập xa mẹ để con cảm thấy tự tin hơn.
  • Đừng rời bé đi một cách lén lút: Khi có việc phải ra ngoài, mẹ hãy luôn nói lời tạm biệt với con một cách vui vẻ và cho con biết khi nào mẹ sẽ quay lại. Kiên trì lặp đi lặp lại điều này giúp con hiểu rằng mẹ sẽ luôn trở về và cảm thấy an tâm hơn.
  • Khuyến khích bé tự lập: Mẹ nên tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động  phù hợp với lứa tuổi như chơi đồ chơi, tô màu, vẽ tranh. Việc này sẽ giúp bé phát triển tính tự lập và giảm bớt sự phụ thuộc vào mẹ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể rèn tính tự lập cho trẻ bằng cách giao cho bé thực hiện một số trách nhiệm phù hợp như: thu dọn đồ chơi khi chơi xong, sắp xếp bút màu, giấy vẽ đúng chỗ và ghi nhận con mỗi ngày để tạo động lực cho con và giúp bé tự tin hơn.
Khuyến khích con tham gia các hoạt động khám phá phù hợp giúp bé tự tin và độc lập hơnv
Khuyến khích con tham gia các hoạt động khám phá phù hợp giúp bé tự tin và độc lập hơn

Giai đoạn trẻ bám mẹ là một phần tự nhiên trong quá trình khôn lớn và trưởng thành của con. Vì vậy, mẹ không cần quá lo lắng mà thay vào đó hãy bình tĩnh để nhận diện được dấu hiệu trẻ bám mẹ, qua đó lựa chọn những phương pháp giải quyết phù hợp nhất.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm