Việc có thêm một thành viên mới luôn mang đến niềm vui cho mọi gia đình. Tuy nhiên, nó có thể mang đến những xáo trộn nhất định đối với bé lớn. Bé có thể có cảm giác không được quan tâm vì bị chia sẻ tình yêu thương của ba mẹ. Trên thực tế, cũng có rất nhiều tình huống con ganh tị và ghét bỏ em bé khi chứng kiến ba mẹ chăm sóc em. Thậm chí, trẻ còn tỏ thái độ bất mãn với sự xuất hiện của em, đánh em, dùng gối che mặt để khiến em ngột thở…Bởi thế mà việc có em thay vì là niềm vui lại trở thành cú sốc, có khi còn là một ký ức tiêu cực khó phai mờ trong tâm trí của trẻ. Nếu cảm giác tiêu cực tích tụ hàng ngày, tăng dần lên thì có thể dẫn đến sự thay đổi trong tính cách, hành vi của trẻ trong tương lai. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý cho bé, để con sẵn sàng trở thành anh/chị là vô cùng quan trọng. 

Cùng con chuẩn bị cho sự xuất hiện của em

Trò chuyện với con về em bé

Ba mẹ hãy thông báo cho con về việc xuất hiện của em trong bụng mẹ. Đọc sách cũng là một cách khá đơn giản nhưng lại hiệu quả giúp con làm quen với việc gia đình sẽ có thêm thành viên mới. Ba mẹ có thể lựa chọn những cuốn sách nói về tình cảm anh chị em, sự hình thành và lớn lên của em bé… để giúp con hình dung ra mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên và bớt cảm giác ganh tị khi có em. 

Ba mẹ có thể cho con xem những hình ảnh siêu âm của em bé hoặc có thể đưa con đi cùng mỗi khi mẹ khám thai để bé nhìn thấy sự hiện diện của em, khuyến khích con nói chuyện với em ngay cả khi em chưa chào đời.

Thừa nhận cảm xúc của con

Không phải bé nào cùng dễ dàng chấp nhận việc mình có em. Nếu con nói “con không thích có em” hay “con ghét em” thì ba mẹ cũng đừng nên vội vàng phủ nhận cảm xúc đó. Thay vì nói “em bé dễ thương mà, con phải yêu em chứ!” thì hãy nhẹ nhàng thừa nhận cảm xúc của con “con không thích vì em hay khóc đúng không?”, “con không thích vì em chưa thể biết cách chơi với con đúng không?”….Bằng cách đó, ba mẹ sẽ tìm hiểu được nguyên nhân con không thích sự xuất hiện của em và tìm ra cách để nói chuyện với con hiệu quả hơn, dần dần giúp con chấp nhận việc mình trở thành anh chị.

Cho con tham gia vào việc chuẩn bị đồ dùng cho em bé  

Ba mẹ hãy khuyến khích trẻ cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị cho sự chào đời của em. Từ việc trang trí phòng ốc, mua sắm đồ dùng, đồ chơi…ba mẹ đều có thể tham khảo và lắng nghe ý kiến của con. Việc này giúp con cảm thấy vị trí của mình trong gia đình, cũng như thêm gắn kết tình cảm giữa các thành viên.

Không nói những điều xấu về sự xuất hiện của em bé

Người lớn thường mắc phải sai lầm khi nói những câu bông đùa như “Sắp có em rồi, con ra rìa nhé!”, “có em thì phải nhường em nghe không?”, “có em thì con không được ngủ với mẹ nữa đâu!”…Những câu nói đó vô tình đã chạm đến cảm xúc tiêu cực của đứa trẻ, càng khiến con cảm thấy ghét bỏ em hơn. Bé sẽ cảm thấy sự xuất hiện của em làm mình thiệt thòi, làm mình mất đi tình yêu thương của ba mẹ. Chính vì thế, ba mẹ hãy là người thẳng thắn nói chuyện với mọi người trong gia đình về cách giao tiếp để tránh gây tổn thương cho trẻ.

Cho trẻ có cơ hội tập làm anh chị

Chúng ta không thể chỉ nói “con sắp có em, con hãy yêu thương em” nhưng lại không cho con hình dung việc trở thành anh chị thì sẽ như thế nào. Ba mẹ hãy cho trẻ tập làm quen với vai trò anh chị của mình bằng cách cho con tiếp xúc và chơi nhiều với em bé. Ba mẹ có thể cho con chơi với các em ở cùng khu vực sinh sống hoặc ở lớp học. Đặc biệt, trong môi trường lớp học Montessori trộn lẫn độ tuổi, trẻ được trải nghiệm vai trò làm em, làm anh, làm chị một cách chân thực nhất. Con được học cách quan tâm, chăm sóc các em nhỏ hơn trong lớp học. Đồng thời cũng nhận thức được vị trí và trách nhiệm của bản thân khi trở thành anh chị lớn. Ba mẹ cũng có thể trò chuyện, khuyến khích trẻ chia sẻ về thành quả đã đạt được khi giúp đỡ, chăm sóc các em trên lớp. Bé sẽ thấy mình có ích, mình đã lớn và tự hào hơn về bản thân. Điều này cũng góp phần giúp cho việc chuẩn bị tâm lý khi sắp có em diễn ra nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

Thiết lập thời gian chất lượng dành cho con

Trước khi em bé chào đời, ba mẹ hãy cố gắng dành nhiều thời gian chất lượng dành cho con. Chất lượng ở đây không có nghĩa là phải thật nhiều mà là khoảng thời gian ba mẹ không bị xao nhãng bởi bất kỳ việc khác và tập trung để chơi cùng với con, để con cảm nhận được tình yêu thương ba mẹ luôn dành cho mình và cũng là cơ hội để các thành viên hiểu nhau thêm. Ba mẹ cũng có thể phân chia nhau thời gian để chơi với con và ưu tiên lựa chọn sao cho khoảng thời gian này ít bị ảnh hưởng, đảo lộn khi em bé chào đời. Ví dụ như mẹ có thể chọn thời gian dành trọn vẹn cho con là từ 20:30 ~21:30 hàng ngày vì khi có thêm bé, thời gian này có thế là khoảng thời gian hợp lý khi em bé đã ngủ và mẹ hoàn toàn dành cho bé lớn.

Tạo môi trường tích cực sau khi em bé chào đời

Hướng dẫn con cách chơi với em

Mặc dù đã trở thành anh chị nhưng con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Đôi lúc, dù yêu em nhưng con cũng chưa biết cách chơi cùng em như thế nào. Con có thể chơi với em bằng nhưng hành động nguy hiểm như phù khăn lên mặt em, kéo tay kéo chân em…Lúc này, nhiều ba mẹ sẽ hốt hoảng, la mắng con và vô tình làm cho bé tủi thân, cảm thấy ba mẹ không yêu mình nữa. Vì vậy, ba mẹ hãy bình tĩnh hướng dẫn con cách chơi với em an toàn, đúng cách. 

Ghi nhận và động viên khi con thể hiện tình cảm với em

Ba mẹ hãy cố gắng quan sát và nhận ra những cử chỉ, hành động thể hiện tình cảm mỗi khi con dành cho em, dù là nhỏ nhất. Sự ghi nhận luôn là cách hiệu quả để khuyến khích những hành vi tốt của con như: “Ôi! Chị biết thương em, chỉ còn biết nói chuyện với em này!” hay “Anh rất yêu em nên anh mới có thể vẽ em bé đáng yêu thế này đấy!”….

Khuyến khích con tham gia vào việc chăm sóc em

Ba mẹ có thể để trẻ giúp và tham gia vào việc chăm sóc em, làm những công việc nhỏ cho em như lấy bỉm, lấy sữa, lấy quần áo cho em, thậm chí có thể thử cho em ti bình…. Khi được tham gia vào việc chăm sóc em, trẻ sẽ cảm nhận mình trưởng thành hơn và thực sự là một anh/chị lớn

Ba mẹ đừng thay đổi khi gia đình có thêm thành viên

Khi có thêm thành viên, chắc chắn lịch trình sinh hoạt cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Tuy nhiên, hãy cố gắng ưu tiên và sắp xếp lịch cố định dành cho con để con cảm thấy tình cảm ba mẹ dành cho con vẫn như trước kia, con không cảm thấy bị hẫng hụt, tủi thân. Bên cạnh đó, có những thói quen luôn cần duy trì dù là trước hay sau có em bé, như việc nói “ba mẹ yêu con” mỗi ngày, hôn con chúc ngủ ngon hay cùng con đọc 1 cuốn sách …

Giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng 

Trên thực tế, khi nghe thấy tiếng em khóc, ngay lập tức người lớn thường hoảng hốt và truy hỏi trẻ lớn: “Con làm gì em đấy!”, “Làm sao mà em lại khóc thế, con lại trêu em đúng không?”. Chúng ta hay bị chi phối bởi tư tưởng em khóc chắc chắn là do anh chị lớn gây ra. Chính suy nghĩ mặc định này đã khiến ra tăng khoảng cách giữa ba mẹ và con cái, làm trẻ cảm thấy ba mẹ chỉ bênh vực và bảo vệ em, còn mình thì bị bỏ rơi. Vì vậy, cách xử lý đúng cho tình huống này là ba mẹ nên bình tĩnh, hỏi rõ nguyên nhân, chứ đừng vội quy chụp tội lỗi cho con. Nhiều khi em bé khóc hoàn toàn không phải lỗi của anh chị. Khi ba mẹ tìm hiểu rõ nội tình và lắng nghe con chia sẻ, sẽ giúp tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng.

Đừng lấy em bé làm cái cớ

Khi gia đình có thêm thành viên, ba mẹ cũng bận rộn hơn rất nhiều. Em bé tự nhiên trở thành lý do cho nhiều tính huống như “Con không thấy mẹ đang cho em ti à, làm sao đọc sách được cho con”, “Em đang khóc đây này, con chơi một mình đi, lớn rồi!”, “Mẹ rất mệt với em rồi, nên con tự ăn đi có được không?”… Tất cả những hành động, lời nói này có thể khiến trẻ sụp đổ hoàn toàn. Đôi lúc, trẻ càng trở nên mè nheo hơn để kéo sự tập trung của ba mẹ về phía mình, đồng thời cảm thấy em bé như kẻ thù – thật phiền phức, dành hết thời gian mà ba mẹ dành cho mình. Vì vậy, chúng ta đừng dùng em bé là cái cớ để từ chối sự quan tâm, giúp đỡ bé lớn. Bạn có thế nói với con rằng “Con chờ mẹ 10 phút nhé! Mẹ thay bỉm cho em xong thì chúng ta sẽ cùng đọc sách nhé!”…Ba mẹ cũng có thể đề nghị trẻ tham gia cùng quá trình chơi và chăm em để trẻ cảm thấy không có quá nhiều khoảng thời gian bị bỏ rơi một mình.

Khi quyết định có thêm em bé, bản thân người lớn chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng về nhiều mặt. Và ba mẹ cũng cần giúp trẻ sẵn sàng đối diện với sự thay đổi quan trọng này. Trẻ rất nhạy cảm và thông minh. Trẻ có thể tiếp thu, hình dung, liên kết và sâu chuỗi sự việc. Do đó, nếu kiên nhẫn, nghiêm túc giải thích, đồng hành thì chắc chắn con có thể hiểu, chấp nhận việc mình trở thành anh, chị. Khi con được chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng đón nhận, bé sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi mình sắp có em.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email