“Con em 15 tháng tuần sau đi học thì phải chuẩn bị những gì các mẹ ơi?”, “con mới đi học rất hay ốm phải không ạ?”, “mai bạn nhà em đi học đây, xót mà lo quá nhưng chẳng lẽ lại ở nhà mãi với ông bà”, “các mẹ có kinh nghiệm gì để đi học con không bị sụt cân không chia sẻ nhà em với”,…

Lướt các hội nhóm trên facebook, mẹ Tina bất chợt bắt gặp lại hình ảnh của mình – một bà mẹ tất bật, rối bời, bộn bề nỗi lo cách đây gần 1 năm. Thời gian đó, mình ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí có những hôm gần như thức trắng, lúc nào cũng lo lắng không biết sắp tới con đi học sẽ thế nào, mình cần phải làm gì để tốt nhất cho con? Con đang được ở nhà ông bà, bố mẹ ôm ấp, chăm bẵm từng li từng tí, giờ lại phải sang một môi trường mới. Đến như người lớn mình còn gặp nhiều khó khăn khi thay đổi môi trường huống chi một em bé. Đợt đó Tina nhà mình cũng mới 15 tháng – nhút nhát, hay mè nheo. Thế mà giờ đây con đã là một em bé vui vẻ, hoạt bát, líu lo suốt ngày. Với những kiến thức đã tìm hiểu cũng như đúc kết từ chính bản thân, mẹ Tina xin chia sẻ lại kinh nghiệm cho các mẹ tham khảo nhé.

Tăng sức đề kháng cho con

Các mẹ ơi, sự thay đổi môi trường sẽ nhanh chóng “đánh gục” hàng rào bảo vệ non nớt của con. Đợt đó thấy các mẹ bảo nhau con đi học ốm liên tục, gầy sọp hẳn đi, cộng thêm ông bà ở nhà xót cháu cũng bàn lùi bảo hay để từ từ hãy đi làm mình cũng băn khoăn. Nhưng rồi mình nghĩ, nếu cứ sợ thì còn nhiều điều phải sợ lắm, mùa hè con dễ ốm, mùa đông con cũng dễ ốm, vậy khi nào con mới có thể đến trường.

Mình bắt đầu tìm hiểu các cách để giúp con tăng cường sức khỏe. Mình cho con tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, thay đổi thực đơn đa dạng, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây như bông cải xanh, cà chua, khoai tây, cam, ổi, bưởi, cho con uống nhiều nước, đi ngủ sớm, mỗi tối cho con ngủ thì mình cũng bôi dầu tràm vào ngực, bàn chân cho con. Mình cũng chăm chỉ bổ sung vitamin D, các sản phẩm tăng đề kháng đều đặn và giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho con. Và rồi khi đi học, sức khỏe Tina khá ổn.

Chuẩn bị tâm lý cho con

Chắc hẳn nhiều mẹ sẽ nghĩ trẻ con thì biết gì đâu mà phải chuẩn bị tâm lý, cho con đi học thì cứ đi thôi. Nhưng qua trường hợp Tina nhà mình cũng như con của một số bạn bè, mình nhận thấy đúng là những em bé nào được làm công tác tư tưởng rồi cũng sẽ hòa nhập tốt hơn. Nghe “làm công tác tư tưởng” thì có vẻ to tát nhưng thực ra rất đơn giản thôi. Chẳng hạn mỗi khi ôm hay cho Tina ti, mình đều thủ thỉ với con rằng sắp tới con sẽ đi học. Con sẽ được làm quen cùng cô giáo, vui chơi cùng các bạn, có nhiều đồ chơi mới, con sẽ được ngồi ăn cùng các bạn, tham gia nhiều hoạt động vui với các bạn như đi dã ngoại, con còn được học tiếng Anh với thầy cô nước ngoài nữa,…

Không chỉ vậy, mỗi khi cả nhà chở nhau đi chơi qua trường mầm non, để kích thích sự hào hứng của con với trường lớp, mình cũng hay chỉ cho con và nói rằng “Đây là trường học này con, sau này con sẽ được học ở trường như các bạn nhé, các bạn đi học về vui chưa kìa con, con có thích được đi học vui chơi cùng các bạn không nhỉ? Nhà bóng trong trường thích chưa kìa con ơi,…”.

Làm quen với trường mới, cô giáo và các bạn mới

Trước khi cho con đi học, vợ chồng mình có chở con đến làm quen với trường, cô giáo và các bạn trong khoảng 1 tuần đầu. Mỗi ngày tranh thủ dành một ít thời gian cho con làm quen. Trường Tina rất rộng đẹp, có nhà bóng to, có khu vui chơi hấp dẫn, khuôn viên xanh nữa. Vợ chồng mình thực sự rất ấn tượng với các thầy cô ở trường, từ cô Hiệu trưởng đến giáo viên, mọi người đều rất niềm nở, thân thiện. Cô giáo lớp Tina rất vui vẻ, nhẹ nhàng, ân cần. Nhìn cách cô chào đón con, cách bế dỗ con hai vợ chồng mình cũng thấy yên tâm.

Mình lựa chọn cho Tina học theo Montessori nên lớp học là lớp trộn lẫn lứa tuổi, có cả các anh chị lớn. Là em bé của lớp nên Tina được các anh chị chơi cùng, hướng dẫn, có chị mỗi lần thấy Tina đến là chạy ra cầm tay dắt vào lớp.

Luôn vui vẻ đồng hành cùng con trong những ngày đầu

Thú thực mình đã suýt khóc trong ngày đầu tiên khi nhìn thấy Tina mặc đồng phục và đeo ba lô đến trường nhưng phải cố gắng kiềm chế để tạo một không khí vui vẻ cho con. Khi con đang hào hứng đến trường mà thấy mẹ buồn là con sẽ buồn theo đó. Ngoài ba mẹ thì những người thân khác trong gia đình cũng nên lưu ý điều này nhé. Mọi người hãy cứ vui vẻ, chúc bé đi học ngoan và nói mong chờ để cuối buổi gặp lại con sau một ngày học vui.

Đừng ngoái đầu ngoảnh lại

Chắc chắn sẽ có rất nhiều mẹ gặp phải tình trạng này. Sau khi trao con cho cô giáo, mẹ hãy nói tạm biệt và quay lưng đi thật nhanh, không ngoái đầu lại dù con có đang gọi mẹ, đang gào khóc hay giãy giụa đi chăng nữa. Mình biết các mẹ rất thương con nhưng bất cứ hành động chần chừ nào của mẹ lúc này đều chỉ khiến con khóc ghê hơn mà thôi. Vợ chồng mình đã mất rất nhiều công để tìm được một ngôi trường ưng ý, yên tâm giao con cho các cô nên những ngày đầu đưa con đi học, dù rất muốn quay lại ôm  con nhưng hai vợ chồng đều bảo nhau nhanh chóng rời đi.

Trò chuyện với con về một ngày học 

Thêm một lưu ý mình rút ra từ Tina khi mới đi học đó là ba mẹ hãy trò chuyện với con thật nhiều vào nhé. Có thể là những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay con đi học có vui không, trưa nay con ăn gì, con ngủ có ngon không, lớp con có những bạn tên gì,…”. Tina nhà mình buồn cười lắm, con còn bắt chước cô, diễn lại cho cả nhà xem. Con bắt chước cô ngồi xuống rồi giơ tay nói “cô mời bạn,…”. Thế là với những động tác của con cùng với những video xem về trường của con trước đó, mình rất yên tâm rằng ở trường con luôn được các cô quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu và tôn trọng. Chỉ với hành động nhỏ như cô ngồi xuống thấp ngang tầm mắt với con và trò chuyện, an ủi con là mình đã thấy rất tinh tế rồi.

Mình rất hiểu tâm trạng của các mẹ khi con mới đi học. Tuy nhiên, hãy mạnh mẽ buông tay con, các con có khả năng thích nghi nhanh chóng mà mẹ phải bất ngờ đấy. Có bạn nhanh quen, có bạn lâu hơn chút nhưng chắc chắn, sau khoảng 2 tuần, ba mẹ sẽ thấy được sự thay đổi của con. Vợ chồng mình cũng vậy. Giờ Tina nhà mình thích đi học lắm. Hy vọng với những gợi ý nhỏ bên trên sẽ giúp các ba mẹ đồng hành với con thật tốt trong hành trình con gia nhập môi trường mới nhé!

Ba mẹ muốn tìm hiểu thêm về trường Sakura Montessori như mẹ Tina, tham khảo ngay tại đây: bit.ly/3Ys7q0v

——————————————–

Chia sẻ của mẹ Nguyễn Bích Diệp, phụ huynh Đinh Minh Hân (Tina), lớp Apple, Sakura Montessori Tây Hồ Tây.

Tải tài liệu

  • Tải tài liệu ngay!
  • Họ và tên ba mẹ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Email