Trong chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam vừa qua, bà Christine Munn – Chủ tịch Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ đã có buổi Tập huấn giáo viên tại Trường Mầm non Montessori tại Hà Nội. Tại đây, bà chia sẻ và giải đáp rất nhiều thông tin hữu ích cho các giáo viên của trường về phương pháp giáo dục trẻ từ 0-6 tuổi, đặc biệt là giáo dục sớm cho lứa tuổi 0-3.

Ban lãnh đạo và các chuyên gia cấp cao của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ.

Đây là một trong số rất nhiều hoạt động thuộc cam kết hợp tác quốc tế giữa Hệ thống trường Mầm non Sakura Montessori (SMIS) với Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ (MIA) nhằm nâng cao nghiệp vụ và chất lượng giáo dục tại cơ sở.

Những buổi tập huấn định kỳ hàng năm được SMIS tổ chức cho các giáo viên của trường đều do các chuyên gia Montessori cấp cao đảm nhiệm. Những chuyên gia Montessori này đều là những người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy Montessori.

Ms. Christine Munn chia sẻ trong buổi Tập huấn giáo viên.

Họ là những nhà giáo dục nổi tiếng, được cấp chứng chỉ giảng dạy Montessori và nhiều năm làm công tác huấn luyện giáo viên Montessori, có thể kể đến như: Bà Christine Munn – Chủ tịch MIA, ông Page Carter – Phó Chủ tịch MIA, bà Lori Westerlund – Thư ký MIA, bà Dea Lenhart – Điều phối viên của MIA, bà Nomitar Son – Giám đốc trung tâm huấn luyện GV Montessori tại Philippin, …

Trong đó, bà Christine Munn là chuyên gia Montessori giai đoạn 0 – 3 và 3 – 6, có chứng chỉ cấp độ 1 Nguồn nhân sự để chăm sóc trẻ sơ sinh. Bà là diễn giả và huấn luyện viên chương trình đào tạo giáo viên của MIA cấp độ 0 – 3, giảng dạy và hướng dẫn chỉ đạo 8 trường Montessori khác nhau đồng thời là chủ của 3 trường.

Chụp ảnh cùng các giáo viên Trường Mầm non Sakura Montessori.

Với nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của trẻ, thực hành và giảng dạy về PPGD Montessori, bà đã mang đến một buổi tập huấn thực sự “chất” cho các giáo viên. Bà chia sẻ rất nhiều những kiến thức cũng như câu chuyện về khả năng tự học của trẻ, về nhu cầu tin tưởng hay giai đoạn trẻ tự lập về tâm lý và tiếp nhận ngôn ngữ. .

Khả năng tự học tuyệt vời

Theo đó, 3 năm đầu đời (đặc biệt giai đoạn từ 0~18 tháng) là quãng thời gian trẻ học được nhanh nhất, nhiều nhất trong tất cả các khoảng thời gian còn lại của trẻ. Chúng ta – người lớn không cần phải dạy trẻ mà là trẻ tự học, việc mà người lớn phải làm là quan sát và hỗ trợ trẻ.

Người lớn cần chuẩn bị cho trẻ một môi trường an toàn, phong phú để trẻ phát huy khả năng tự học một cách tối đa.

Giai đoạn từ 0~3 tuổi là giai đoạn có trí tuệ thẩm thấu ở dạng vô thức, siêu việt như một miếng bọt biển, có thể thấm hút mọi thứ, nên trẻ rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Tất cả những âm thanh trẻ nghe được, hình ảnh, màu sắc nhìn thấy được, mọi thứ ngửi thấy được… đều đi vào tâm trí của trẻ dù tốt dù xấu. Chính vì vậy, người lớn cần phải cân nhắc để chuẩn bị cho trẻ một môi trường an toàn, đúng đắn và phong phú.

Sự tin tưởng – Nhu cầu quan trọng nhất giai đoạn đầu đời

Tạo cho trẻ sự tin tưởng là bệ đỡ hình thành nên điểm khởi đầu vững chắc. Trẻ cần phải tin rằng thế giới này là một nơi có thể sống được, tin rằng khi trẻ khóc sẽ có người đến hỗ trợ, khi trẻ đói có người sẽ cho ăn, sợ hãi có người đến an ủi… Đây không phải là biểu hiện của sự nuông chiều, làm trẻ hư như nhiều người vẫn nghĩ mà là biểu hiện của tình yêu thương, sự tin tưởng.

Trẻ có thể tự làm rất nhiều công việc.

18~36 tháng – Giai đoạn hình thành sự độc lập về mặt tâm lý

Giai đoạn từ 18~36 tháng, trẻ cần rất nhiều công việc để trở thành cá thể độc lập. Chính lịch trình, thói quen của người lớn là sự tác động đối với tính tự lập của trẻ. Một trong những thói quen đầu tiên mà trẻ được hình thành đó là khả năng biết mặc và cởi quần áo. Hãy dành cho trẻ nhiều thời gian cho công việc tưởng chừng như đơn giản này và không được hối thúc trẻ. Hãy tạo mọi thứ theo cách đơn giản, để trẻ có thể tự làm.

Trẻ phát triển ngôn ngữ không phải nhờ… giảng dạy

Ngôn ngữ không phải do giảng dạy mà là được hấp thụ. Cách trẻ học tiếng mẹ đẻ, không phải là ngồi để luyện hay dạy mà trẻ học được bằng cách lắng nghe và đối thoại với những người mà chúng tin tưởng. Chúng ta nên nói với trẻ về việc chúng ta đang làm, nên hồi đáp lại những cố gắng phản hồi của trẻ. Hãy nói chuyện nhiều với trẻ. Giao tiếp với trẻ thông qua tình yêu thương, giọng nói và sự tôn trọng.

Giai đoạn 0~3 tuổi – Thời kỳ nhạy cảm

Từ khi trẻ sinh ra, đã luôn tồn tại thời kỳ nhất định mà trẻ đặc biệt nhạy cảm với những thứ xung quanh và trở thành chủ thể vận động. Thời kỳ này, theo Montessori gọi là thời kỳ nhạy cảm, thường gặp ở trẻ giai đoạn từ 0~3 tuổi.

Chúng ta nắm được sự tồn tại của thời kỳ nhạy cảm này để chuẩn bị môi trường sống giúp ích cho sự nuôi dưỡng và phát triển ở trẻ. Trẻ em có thể phát triển tối đa khả năng của mình nếu được rèn luyện trong môi trường phong phú ở giai đoạn nhạy cảm mà không bị áp lực vì được tự do lựa chọn. Trẻ em – môi trường – người lớn kết nối với nhau tạo nên hình tam giác, được gọi là tam giác Montessori.

Sakura Montessori International School
0/5 (0 Reviews)