Trẻ không nghe lời, bướng bỉnh là những tình huống mà rất nhiều các bậc bố mẹ Việt gặp phải mỗi ngày. Nếu bố mẹ phản ứng trước những ứng xử không đúng mực của trẻ bằng cách khó chịu, bức tức, quát mắng thì hành động đó rất dễ làm tổn thương trẻ. Một số trẻ sẽ hình thành thói quen sợ hãi, thu mình. Trẻ cũng có thể mè nheo, nhõng nhẽo, khóc lóc “ăn vạ”. Một số trẻ khác lại có thể phản ứng bằng cách càng bực tức, biến việc không nghe lời là hành động để “chọc tức” cha mẹ…

Vậy các bố mẹ cần có những cư xử “khéo léo” như thế nào để khiến trẻ nghe lời một cách tự nhiên nhất? Hãy cùng Sakura Montessori khám phá 5 câu “thần chú” giúp trẻ ngoan ngoãn nghe lời ngay dưới đây nhé!

1. Con có thể chọn, hoặc là… hoặc là…

Trao quyền cho con là một trong những điều mà rất nhiều các chuyên gia giáo dục khuyên cha mẹ nên áp dụng. Khi bé được quyền lựa chọn, các con sẽ hào hứng với yêu cầu của bố mẹ hơn.

Thay vì bắt bé phải làm việc này, việc kia, hãy đưa cho bé những sự lựa chọn vừa sức với bản thân. Điều này sẽ khiến bé không có cảm giác bị bắt buộc cũng như giúp bé học cách tự quyết định chọn lựa và trải nghiệm kết quả từ chính sự lựa chọn ấy.

2. Bố/mẹ cảm ơn/xin lỗi con

Thật sai lầm nếu bố mẹ bỏ qua những lễ nghĩa thông thường chỉ vì mình là người lớn. Hãy biết cảm ơn trước mỗi hành động tốt của con. Hãy biết tự nhận lỗi và xin lỗi khi bạn phạm sai lầm với con.

Khi bố mẹ tự nhận lỗi với trẻ bằng việc xin lỗi hoặc công nhận hành động của con qua việc cám ơn, các con sẽ cảm thấy mình và bố mẹ có quyền bình đẳng ngang nhau, ai sai người ấy phải chịu trách nhiệm, ai đúng người ấy sẽ được mọi người công nhận.  Việc làm gương cho con từ những điều nhỏ nhất sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt ngay từ nhỏ. Bởi “làm gương” luôn là một người thầy vĩ đại nhất.

3. Mẹ biết là con thích… và …

“Mẹ biết là con thích… và… “ – Đó là một mẫu câu hai vế mà các bố mẹ nên sử dụng khi trẻ mè nheo, không nghe lời. Với vế đầu tiên, bố mẹ sẽ thể hiện được rằng mình quan tâm tới cảm xúc của trẻ. Trẻ sẽ hình thành cảm nhận được bố mẹ thấu hiểu đối với mỗi điều mình mong muốn. Còn vế thứ hai, bố mẹ hãy đưa ra một lựa chọn khi có thể.

Nếu bố mẹ không thể hiện sự đồng cảm ngay từ đầu mà bắt ép trẻ phải làm theo ý mình thì việc trẻ bực bội, phản đối và càng ngày càng khó bảo là tình huống rất dễ gặp phải.

4. Con có cảm thấy buồn không?

Hãy giúp các con “gọi tên” cảm xúc của mình. Bởi trẻ nhỏ có thể chưa đủ nhận thức để biết được cảm xúc hiện tại của chúng chính xác là gì. Khi nhận ra những dấu hiệu bất thường của con như mặt ỉu xìu, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, khó chịu với mọi người,… hãy hỏi tâm trạng hiện tại của bé là gì, vì sao lại thế. Và cuối cùng, bố mẹ hãy cùng con tìm ra cách giải quyết tích cực nhất.

5. Con nói đi, bố/mẹ nghe này!

Trong cuộc sống, sự lắng nghe vẫn luôn được coi là “chìa khóa” của thấu hiểu. Và việc bố mẹ lắng nghe con là một “cầu nối” vững chắc trong quan hệ bố mẹ và con cái. Đôi khi, điều bố mẹ cần làm không phải là nói gì hết mà chính là dành thời gian bên cạnh con, nghe những gì con nói để các con cảm thấy an toàn, được quan tâm, sẻ chia và tôn trọng. Đừng bao giờ vì bận rộn mà quên lắng nghe tâm sự của trẻ ba mẹ nhé!

0/5 (0 Reviews)